Một dân tộc bỗng nhiên biến mất khỏi nhân gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vụ mất tích bí ẩn quy mô lớn từ 900 năm trước, hàng triệu người biến mất trong một khoảng thời gian ngắn và không ai biết họ đã đi đâu. Họ là người Khiết Đan đã cai trị miền bắc Trung Quốc trong 200 năm.

Khiết Đan chính là Trung Quốc?

"Khiết Đan" (Khitan) có nghĩa là sắt hoặc kiếm trong tiếng Khiết Đan. Ngay khi nhìn vào cái tên này, bạn sẽ biết dân tộc này ắt phải dũng cảm và giỏi chiến đấu. Quả thực, kỵ binh Đại Liêu do Khiết Đan thành lập đi đến đâu cũng rất ít đối thủ. Một đất nước rộng lớn đã nhanh chóng được thành lập, trải dài từ Biển Nhật Bản ở phía đông, đến dãy núi Altai của Kazakhstan ở phía tây; từ dãy Đại Hưng An Lĩnh ở và biên giới Trung - Nga hiện nay - sông Ergun ở phía bắc, đến sông Bạch Câu ở tỉnh Hà Bắc ở phía nam, uy danh nổi tiếng khắp nơi. Thậm chí vào thời điểm đó, các nước Tây Á và châu Âu chỉ biết đến Khiết Đan chứ không biết về nhà Tống.

Ngay cả bây giờ, nhiều nước vẫn gọi Trung Quốc là Khiết Đan. Ví dụ: Trung Quốc trong tiếng Nga là "Китай" (Kitai), người Tây Ban Nha gọi Trung Quốc là "Catay", người Iran ở Tây Á gọi Trung Quốc là "Katay". Thậm chí còn có một danh từ cổ "Cathay" trong tiếng Anh đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Tên tiếng Anh của hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông, Cathay Pacific, "Cathay Pacific", dịch theo nghĩa đen là "China Pacific Airlines".

Tuy nhiên, kỵ binh Khiết Đan đã bị chặn lại khi tới chân Vạn Lý Trường Thành, và cuối cùng không thể thống nhất được vùng Trung Nguyên như quân Mông Cổ. Tại sao? Bởi vì có một đội quân dũng cảm thiện chiến là Dương Gia Tướng (Các tướng gia tộc họ Dương).

undefined
Các thợ săn người Khiết Đan. (Tranh thời Tống - Miền công cộng)

Dương Gia Tướng vô địch

Ông lão họ Dương là Dương Nghiệp đã đối phó với người Khiết Đan ở biên giới hàng mấy chục năm, và là người đánh đâu thắng đó, sau này được mệnh danh là "Dương Vô Địch". Thật không may, ông đã gặp một người bạn chó má Phan Mỹ, và bất ngờ bị người Khiết Đan bắt giữ. Người Khiết Đan trân trọng tài năng của ông nên đã nói: “Hỡi vị tướng già, ông có thể tham gia cùng chúng tôi, và giúp chúng tôi thống nhất thiên hạ, và ông cũng sẽ khiến tổ tiên vẻ vang”.

Nhưng Dương Nghiệp sống chết cũng không chịu hợp tác, ông tuyệt thực ba ngày rồi qua đời.

Người Khiết Đan tuy buồn bực nhưng cũng thầm vui mừng, một khi tảng đá lớn Dương Diệp bị dỡ bỏ, thì việc họ tiến quân phía nam cũng không thành vấn đề. Đại nghiệp thống nhất sắp đến gần. Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới chính là sẽ xuất hiện một người lợi hại hơn Dương Diệp, đây chính là con trai cả của ông tên là Dương Diên Chiêu.

Dương Diên Chiêu còn có một cái tên quen thuộc hơn là Dương Lục Lang. Nhưng ông đã là con trưởng, thì gọi là Dương Đại Lang mới đúng chứ, sao có thể là Lục Lang?

Điều này cũng có nguồn gốc của nó. "Tống sử" nói rằng, tên Lục Lang là do người Khiết Đan đặt. Dương Diên Chiêu luôn luôn đánh bại, khuất phục quân Khiết Đan. Người Khiết Đan tôn kính anh hùng, nói rằng Dương Diên Chiêu là Tướng tinh từ trên trời xuống trần gian. Họ gọi Tướng tinh là Lục Lang tinh, nên họ gọi Dương Diên Chiêu là Dương Lục Lang.

Dương Lục Lang quả thực là người có nhiều mưu kế khi hành quân và chiến đấu, lại luôn có một số chiêu thần kỳ, thường lấy ít thắng nhiều, giống như Chiến Thần Hàn Tín năm xưa. Trong trận Tùy Thành nổi tiếng, Dương Lục Lang bảo vệ một tòa thành cô lập, tính cả dân chúng chỉ có ba nghìn người. Phía trước là 100.000 quân do Thái hậu Tiêu của nhà Liêu chỉ huy với trang bị vây hãm thành tiên tiến. Quân tiếp viện nhà Tống chờ mãi vẫn chẳng thấy đâu, Dương Diên Chiêu và tòa thành nhỏ chỉ có một con đường chết. Tuy nhiên, trong tình thế tuyệt vọng, Dương Lục Lang đã nghĩ ra một diệu kế.

Lúc đó đang giữa mùa đông, nước nhỏ giọt biến thành băng. Ông yêu cầu binh lính và dân thường đổ nước lên tường thành hàng đêm. Ngày hôm sau, các bức tường tứ phía bị đóng băng thành tường băng khiến mọi thứ trơn trượt. Quân Khiết Đan chết lặng khi nhìn thấy tường thành phủ băng tuyết, làm thế nào để leo lên được đây? Dẫu có nhiều người hơn nữa cũng vô ích, không thể leo lên được.

Thế là quân Khiết Đan quyết định từ bỏ tòa thành nhỏ này, và đi đường vòng và tấn công Thái Châu ở gần đó. Tuy nhiên, ngay khi họ rút lui, Dương Lục Lang lập tức liên lạc với tướng quân của hai tòa thành lân cận, quyết đoán mở cổng thành xuất quân tấn công quân Khiết Đan từ cả phía trước và phía sau. Kết quả là quân Liêu bị đánh bại và bị thương vong nặng nề, áo giáp và cờ vứt bỏ trên đường tháo chạy trải dài hàng trăm dặm.

Dương Diên Chiêu. (Cổ Thụy Trân - Epoch Times)

16 châu Yên Vân

Sau nhiều trận đánh như vậy, tham vọng thống nhất Trung Nguyên của người Khiết Đan đã bị đánh tan, sau đó họ ký kết "Minh ước Thiền Uyên" với triều Bắc Tống, nói rằng chúng ta hãy hòa giải và trở thành anh em. Nhà Tống hàng năm cung cấp một món tiền cho nhà Liêu, và người Khiết Đan sẽ không quấy rối nhà Tống nữa. Nhưng số tiền này cũng không phải là số tiền nhỏ, nó có giá một trăm nghìn lượng bạc và 20 vạn tấm lụa. Tuy nhiên, là triều đại yếu nhất và giàu có nhất trong lịch sử Trung Quốc, Bắc Tống hoàn toàn đồng ý.

Điều này dẫn đến trăm năm hòa bình. Thật không may, lịch sử luôn đi kèm với những thăng trầm, và bên dưới làn nước tưởng chừng như phẳng lặng, thường xuyên có những dòng nước ngầm dâng lên. Người Nữ Chân (Jurchen) ở phía đông lặng lẽ vươn mình, và thành lập một quốc gia tên là Đại Kim.

Người Nữ Chân đến Bắc Tống nói, Đại Liêu này rất tệ, chúng ức hiếp ngài, mỗi năm đều bắt ngài phải cống nạp, ngoài việc cống nạp, bọn họ còn ức hiếp phụ nữ của chúng ta. Chúng ta cùng hợp tác để tiêu diệt chúng. Ngài có thể lấy lại 16 châu Yến Vân trong tay Đại Liêu, chúng tôi chỉ cần số tiền phải cống nạp cho Đại Liêu đó thôi.

undefined
Hai đô vật người Đạt Oát Nhĩ. (Wikipedia)

Về 16 châu Yên Vân cũng có một câu chuyện đằng sau.

16 châu Yên Vân ám chỉ Bắc Kinh, Thiên Tân, phía bắc Hà Bắc và phía bắc Sơn Tây hiện nay, địa hình dốc, dễ phòng thủ và khó tấn công, là ranh giới tự nhiên giữa những người du mục phía bắc và những người nông dân phía nam. Đó cũng là vùng chiến lược mà các triều đại Trung Nguyên và các nước của các tộc người du mục phía Bắc tranh giành.

16 châu Yên Vân ban đầu nằm trong tay nhà Đường. Sau khi nhà Đường sụp đổ, bước vào thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc. Thạch Kính Đường, Hoàng đế sáng lập của triều đại Hậu Tấn, đã nhẫn tâm dâng vùng đất này cho Liêu Thái Tông Da Luật Đức Quang, để nhận được sự ủng hộ của người Khiết Đan. Liêu Thái Tông rất vui mừng và nói rằng, đây là một món quà mà Trời đã ban cho họ. Từ đó trở đi, người Khiết Đan bắt đầu chung sống cùng với người Hán, và điều này cũng mở đường cho sự diệt vong sau này của dân tộc này.

Bắc Tống vừa nghe nói có thể lấy lại 16 châu Yên Vân, liền cho rằng thương vụ này tốt, vì đây chính là vùng đất mà Bắc Tống vẫn luôn muốn đoạt lại. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu của Bắc Tống là dùng tiền để chuộc lại, vì mục đích này, Tống Thái Tổ cũng thành lập một kho bạc nhỏ gọi là "Phong trang khố".

Thế là Tống - Kim và thành lập một "liên minh trên biển", cả hai nước tấn công Đại Liêu từ 2 phía. Ngay sau đó, chỉ trong 1 năm, Đại Liêu mất đi một nửa đất đai, và lại một năm nữa, vua cuối cùng của Đại Liêu là Thiên Tộ Đế bắt đầu hành trình chạy trốn. Ba năm sau, Thiên Tộ Đế bị nhà Kim bắt và Đại Liêu bị tiêu diệt.

Sau khi đất nước bị diệt vong, một số gia đình hoàng gia Đại Liêu còn lại đã thành lập Tây Liêu ở Tân Cương. Tây Liêu từng mở rộng sang Ba Tư và trở thành một quốc gia hùng mạnh ở Trung Á, nhưng nó chỉ tồn tại được hơn 80 năm, rồi bị kỵ binh Mông Cổ tiêu diệt. Dân tộc Khiết Đan biến mất khỏi lịch sử.

Còn nhà Bắc Tống thì sao? Chẳng phải ban đầu Bắc Tống đã lập hiệp ước anh em với Đại Liêu sao? Vi phạm thệ ước luôn bị quả báo. Hai năm sau khi nhà Liêu diệt vong, Bắc Tống cũng bị diệt vong trong tay nhà Kim. Mặc dù sau đó có triều Nam Tống, nhưng 16 châu Yên Vân vẫn bị Đại Kim cướp đoạt. Ngoài ra, Nam Tống hàng năm phải trả gấp đôi số tiền trước kia. Có thể nói đó là tiền mất tật mang, mua vui trong chốc lát.

Mấy triệu người cùng nhau biến mất

Người Khiết Đan còn thảm hại hơn. Sự sụp đổ của một triều đại không có gì bất thường, nhưng là một quốc gia rộng lớn cai trị miền bắc Trung Quốc trong 200 năm, Đại Liêu có dân số 2 triệu người khi mới thành lập, và thậm chí đạt tới 9 triệu người vào thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, khi nhà Liêu bị diệt vong, dân số khổng lồ này đã biến mất, tông tích của họ cũng không còn được tìm thấy trong sử sách nữa.

Trong lịch sử, sau khi triều Nguyên Mông sụp đổ, người Mông Cổ vẫn sống trên đồng cỏ của tổ tiên họ, và người Mãn Châu vẫn ở đó sau khi nhà Thanh sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi nhà Liêu sụp đổ, thì người Khiết Đan không còn tồn tại, trong 56 dân tộc ở Trung Quốc hiện nay không còn người Khiết Đan. Vậy tất cả họ đã đi đâu?

Một phần nhỏ trong số họ đã đến Tây Liêu, và cuối cùng hòa nhập với các dân tộc ở Tây Á. Một số quý tộc cũng đổi họ sau khi đầu hàng nhà Kim, trong đó họ được sử dụng phổ biến nhất là "Lưu" (劉 - chữ Lưu này vừa có bộ Kim, vừa có bộ Đao, có lẽ họ chọn họ Lưu này để ngụ ý nguồn gốc Khiết Đan - Khitan, với ý nghĩa là sắt thép đao kiếm). Một số người sau đó đã đào thoát sang đế quốc Mông Cổ, mà Da Luật Sở Tài, mưu sĩ của Thành Cát Tư Hãn, sau này là tể tướng nhà Nguyên, là một ví dụ điển hình. Nhưng đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong dân chúng Khiết Đan, chủ yếu là quý tộc.

Vậy hàng triệu người dân Khiết Đan bình thường đã đi đâu?

Trên thực tế, sự biến mất của người Khiết Đan chỉ sau một đêm luôn là một bí ẩn chưa có lời giải trong giới sử gia. Nếu họ không biến mất mà bằng cách nào đó vẫn sống sót thì con cháu của họ ở đâu?

DNA xác nhận hậu duệ của người Khiết Đan

Liên quan đến câu hỏi này, có ba câu trả lời khác nhau.

Câu trả lời đầu tiên là họ đã trở về quê hương ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và trở thành người Đạt Oát Nhĩ (Daur) hiện nay. Một số học giả đã so sánh phong tục sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, ngôn ngữ của người Khiết Đan và người Đạt Oát Nhĩ và kết luận rằng người Đạt Oát Nhĩ là dân tộc kế thừa nhiều truyền thống nhất của người Khiết Đan. Ví dụ như người Khiết Đan té nước vào nhau để cầu mưa, người Đạt Oát Nhĩ cũng có phong tục này. Người Khiết Đan tôn sùng màu đen và thực hiện nghi lễ quỳ gối, người Đạt Oát Nhĩ cũng vậy. Người Khiết Đan rất thích chơi khúc côn cầu, lúc bấy giờ gọi là “Kích cúc”, người Đạt Oát Nhĩ cũng thường tổ chức các trận khúc côn cầu, nam nữ già trẻ đều tham gia.

undefined
2 đô vật người Đạt Oát Nhĩ. (Wikipedia/ Khereid/ SA-3.0)

Tuy nhiên, chỉ những phong tục tương tự thôi thì không thực sự giải thích được vấn đề. Để thực sự giải đáp được bí ẩn này, các chuyên gia đã nghĩ ra công cụ hữu hiệu, đó là xét nghiệm ADN. Sau năm 1922, nhiều ngôi mộ Khiết Đan khác nhau được khai quật trên khắp Nội Mông. Các chuyên gia đã trích xuất DNA ty thể từ tủy răng và tủy xương của những mẫu vật lăng mộ cổ này, sau đó so sánh nó với DNA của người Đạt Oát Nhĩ, và cuối cùng họ kết luận rằng có mối quan hệ di truyền gần giữa hai nhóm người này. Như vậy người Đạt Oát Nhĩ à hậu duệ trực tiếp của người Khiết Đan.

Cũng đã vượt qua cuộc kiểm tra ADN là người Bản Nhân ở Vân Nam. Đây là câu trả lời thứ hai về hậu duệ của người Khiết Đan.

Vào cuối thế kỷ 12, một đội quân Mông Cổ cùng với người Khiết Đan tiến về phía nam đến Vân Nam. Sau này, họ trở thành lực lượng chính trong bộ máy cai trị của Vân Nam vào thời nhà Nguyên, một số người Khiết Đan thậm chí còn trở thành thủ lĩnh địa phương. Sau này, khi nhà Nguyên thống nhất thiên hạ, không cần phải đánh nhau nữa, những người lính này thay đổi nghề nghiệp và ở lại Vân Nam. Tuy nhiên, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, chính sách “cải thổ quy lưu” (tước bỏ quyền sở hữu và thừa kế và cai quản đất đai của các thủ lĩnh địa phương) được thực hiện, chế độ thủ lĩnh cha truyền con nối bị bãi bỏ, người Khiết Đan rất bất mãn, từ đó họ mai danh ẩn tích, vào núi sâu rừng già sinh sống. Họ tự gọi mình là "Bản Nhân", và hiện có khoảng 150.000 người. Nếu bạn là người Vân Nam, và họ của bạn là "A", "Mãng" hoặc "Tưởng", thì bạn có thể là hậu duệ của người Khiết Đan.

Tuy nhiên, dân số của hai nhóm này không lớn, và không có cách nào giải thích được bí ẩn về sự biến mất đồng thời của hàng triệu người Khiết Đan. Sau đó, câu trả lời thứ ba được đưa ra, nói rằng người Khiết Đan có lẽ đã đồng hóa với người Hán địa phương. Điều này có thể được nhìn thấy từ lịch sử của Khiết Đan.

undefined
Người Khiết Đan tự cho rằng họ là hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông. (Miền công cộng)

Về nguồn gốc của người Khiết Đan, trong cuốn “Liêu sử” có hai phiên bản. Có người nói họ là hậu duệ của Thần. Một vị Thần nhân cưỡi bạch mã đến sông Phù Thổ ở núi Ma Vu, và một Tiên nữ ngồi xe trâu từ rừng thông xuống đi men theo sông Hoàng Hà. Họ gặp nhau ở ngã ba sông ở núi Mộc Diệp. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, sau đó kết hôn và sinh ra 8 người con trai, tổ tiên của 8 bộ tộc Khiết Đan.

Còn có một cách nói khác rất thẳng thắn và đơn giản, đó là “Vua nước Liêu vốn là hậu duệ của Viêm Đế”. Người Khiết Đan tin rằng họ là con dân của Thần, họ cũng là con cháu của Viêm Đế. (Người Việt cũng coi mình là con cháu của Viêm Đế Thần Nông, người Hán coi mình là hậu duệ của Viêm Đế và Hoàng Đế). Trên thực tế, nhà Liêu luôn tự gọi mình là “Bắc triều”, nhà Tống ở phía nam là “Nam triều”. Họ tin rằng họ là người Trung Hoa ở phía bắc chứ không phải người nước ngoài, và họ có đủ tư cách để tranh tài chiếm Trung Nguyên.

Sau khi chiếm được 16 châu Yên Vân, họ cũng rất tôn trọng văn hóa Hoa Hạ. Bản thân Liêu Thái Tông là một người rất hâm mộ Khổng Tử. Nhưng bản sắc văn hóa dân tộc Khiết Đan cũng không thể đánh mất, thế là Liêu Thái Tông đã nghĩ ra cách thực hiện “chế độ quan Bắc - Nam”, sử sách ghi rằng nó “đồng thời cai trị Trung Quốc, quan lại chia làm quan miền Nam và quan miền Bắc”.

Quan lại được chia làm hai loại: quan lại miền Bắc và quan lại miền Nam. Quan ở miền Bắc là quan người Liêu, quản lý người Khiết Đan. Quan ở miền Nam là quan người Hán, quản lý người Hán theo chế độ của người Hán. Các quan lại miền Bắc được thành lập dựa trên hệ thống nguyên thủy của người Khiết Đan. Các quan lại miền Nam được thành lập theo hệ thống nhà Đường, bao gồm Trung Thư tỉnh, Ngự Sử đài, Đại Lý tự và Hàn Lâm viện.

Vì vậy, một số nhà sử học cho rằng: “Đế quốc Khiết Đan thực sự bao gồm hai quốc gia. Một quốc gia bao gồm người Khiết Đan và những người thuộc các dân tộc khác ngoài Hán tộc, do chính vua Liêu cai trị; quốc gia kia bao gồm người Hán và được cai trị bởi các quan đại thần người Hán, do vua Liêu bổ nhiệm". (Theo Liêu Sử Tùng Khảo của Phó Nhạc Hoán)

Bằng cách này, văn hóa Hán đã được bảo tồn tốt ở 16 châu Yên Vân, người Khiết Đan và người Hán có thể chung sống hòa thuận. Ngoài ra, Đại Liêu chủ trương coi trọng văn hóa Hán từ trên xuống dưới, nên sau khi Đại Liêu bị tiêu diệt, việc người dân thay đổi diện mạo, trở thành người Hán để tránh bị truy sát là điều đương nhiên nhất.

Ngoài ra, trong văn hóa Khiết Đan độc đáo, chỉ có quý tộc mới có họ. Cả nước chỉ có hai họ: gia tộc hoàng thất họ Gia Luật, gia tộc hoàng hậu họ Tiêu. Ngoài ra, tất cả những người bình thường chỉ có tên mà không có họ, điều này cũng gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc của gia tộc sau khi họ buộc phải chuyển sang làm người Hán, khiến người Khiết Đan biến mất chỉ sau một đêm.

Phù Dao - Epoch Times
Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Một dân tộc bỗng nhiên biến mất khỏi nhân gian