Nghiên cứu Úc phát hiện: Người trẻ tuổi có xu hướng cô độc hơn so với thế hệ ông bà của họ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo mới của Đại học Melbourne cho thấy so với những người già trên 65 tuổi, những người trẻ tuổi từ 15 đến 24 cảm thấy cô đơn hơn.

Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ năm 2001 đến năm 2021, theo dõi hơn 17.000 người tại hơn 9.000 ngôi nhà.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng từ năm 2001 đến 2009, những người trên 65 tuổi là nhóm cô đơn nhất nhưng đến năm 2021, xu hướng này đã đảo ngược.

Đồng tác giả của nghiên cứu Household, Income and Labour Dynamics (HILDA) ở Úc Ferdi Botha cho biết những người trẻ tuổi có “xu hướng” trở nên cô đơn và cảm thấy bị cô lập hơn.

Ông nói: “Nếu không có hành động hoặc các chính sách nào được thực hiện để can thiệp, chúng ta có thể thấy sự cô đơn và đau khổ tâm lý ngày càng gia tăng ở thế hệ trẻ và điều này có thể tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như các vấn đề xã hội rộng lớn hơn”.

Ông Botha lưu ý rằng sự cô đơn gia tăng trong những năm đại dịch COVID-19 từ 2020 đến 2021, nhưng hiện có một xu hướng lâu dài ở giới trẻ.

“Nỗi cô đơn gia tăng trong hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, nhưng đối với giới trẻ, xu hướng gia tăng lâu dài hơn. Điều này một phần có thể liên quan đến sự tăng trưởng của điện thoại thông minh và việc sử dụng mạng xã hội”, ông nói.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 24 được cho là cô đơn nhất, với điểm cô đơn trung bình là 3,3, trong khi nam giới có điểm 3,0. Trong khi đó, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi 65 trở lên, tỷ lệ này lần lượt là 2,6 và 2,4.

Ông Botha nói: “Trước đây người lớn tuổi là nhóm cô đơn nhất, nhưng có một bước ngoặt vào khoảng năm 2008 đến 2009 khi chúng ta thấy tỷ lệ cô đơn ở nhóm tuổi 15 đến 24 bắt đầu tăng lên. Đã có sự gia tăng liên tục kể từ đó”.

Giải thích về tình trạng gia tăng của sự cô đơn, ông Botha nhận thấy có thể là do những người trẻ tuổi hiện nay có xu hướng “báo cáo trung thực và thừa nhận rằng họ có vấn đề về cảm xúc”. Ông cho rằng “đó là một điều tốt”.

“Mức độ cô độc cao hơn có thể liên quan đến việc những người trẻ tuổi hiện nay không có nhiều bạn bè. Có lẽ giới trẻ ngày nay không có được mức độ kết nối xã hội như thế hệ cha mẹ hoặc ông bà của họ ở độ tuổi đó”, ông nói.

“Mạng xã hội cũng có thể khiến bạn cảm thấy rất cô đơn - bạn lướt qua các tài khoản mạng xã hội của mọi người và thấy họ đang ở một bữa tiệc hoặc dường như đang có một cuộc sống tuyệt vời và bạn ở đó, ở nhà và một mình”.

Mức độ căng thẳng tâm lý

Các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ đau khổ về tâm lý giảm khi mọi người già đi. Thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi có điểm đau khổ trung bình cao nhất vào năm 2021.

Họ cũng phát hiện ra rằng nỗi đau tâm lý nói chung đã tăng lên theo thời gian, theo dữ liệu.

Phụ nữ bị đau khổ về mặt tâm lý nhiều hơn nam giới trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2021. Ở nam giới, tỷ lệ đau khổ về tâm lý tăng 51% trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, ở phụ nữ, tỷ lệ này tăng 63%.

Tỷ lệ đau khổ về tâm lý ở thanh niên từ 15 đến 24 tuổi đã tăng lên 42,3% vào năm 2021, cao hơn gấp đôi so với mức 18,4% được ghi nhận vào năm 2011.

Nghiên cứu cũng cho thấy 14,1% người trên 15 tuổi đã thử thuốc lá điện tử và thiết bị vaping.

Theo báo cáo, tỷ lệ kết hôn đã giảm từ 56,3% vào năm 2001 xuống 50,3% vào năm 2021. Ngược lại, tỷ lệ các cặp sống chung không đăng ký kết hôn đã tăng từ 9% lên 14,7% trong cùng thời gian.

Theo Monica O'Shea - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Monica O'Shea là phóng viên làm việc tại trụ sở Australia. Trước đây cô từng làm phóng viên cho Motley Fool Australia, Daily Mail Australia và Fairfax Regional Media.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu Úc phát hiện: Người trẻ tuổi có xu hướng cô độc hơn so với thế hệ ông bà của họ