Người con hiếu Hoàng Hương không thờ cúng Táo Thần mà quan lộc hanh thông, tại sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dịp Tết Nguyên Đán , người dân có tục thờ cúng Táo Quân (Táo Thần) và cầu may mắn. Vào thời Đông Hán, Hoàng Hương, người con hiếu thảo nổi tiếng lại không thờ cúng Táo Thần. Chuyện gì đã xảy ra? Hơn thế nữa, ông còn từ một người nghèo khổ trở thành một vị đại thần thông thái, được hoàng đế tán thưởng, kính trọng và được bổ nhiệm nắm giữ những công việc quan trọng của đất nước. Phước lành như vậy đến từ đâu?

Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng

Hoàng Hương tự xưng là Văn Cương, người An Lục, Giang Hạ. Gia đình anh từ nhỏ rất nghèo, mẹ anh qua đời khi anh mới 9 tuổi. Anh đau khổ tiều tụy, vẫn luôn để tang mẹ. Sau này, cậu bé Hoàng Hương đã bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mình, và hết lòng phụng dưỡng cha. Gia đình Hoàng Hương nghèo và không có người hầu, người giúp việc, nên cậu bé Hoàng Hương phải tự mình lo việc nhà. Dân làng khen ngợi cậu vì lòng hiếu thảo phụng dưỡng cha. Trong “Tập thơ về Hai mươi bốn tấm gương hiếu” có bài thơ:

“Mùa đông ủ ấm chăn, mùa hè quạt mát gối, trẻ con biết phận con, Hoàng Hương nghìn năm hiếm”.

Những câu thơ này chính là ca ngợi lòng hiếu thảo của Hoàng Hương.

Thái thú Lưu Hộ nghe được đức hạnh của anh, đã vời anh vào phủ, phong cho anh là “Môn hạ hiếu tử”, và rất yêu quý coi trọng anh. Lúc đó Hoàng Hương mới mười hai tuổi.

Trong phủ thái thú, Hoàng Hương là người uyên bác, học rộng kinh điển, nghiên cứu Đạo giáo, văn chương cũng rất xuất sắc, người dân kinh thành ca ngợi anh là "Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng" (Thiên hạ không có người thứ 2, như cậu bé họ Hoàng ở Giang Hạ).

Người con hiếu Hoàng Hương - 1 trong 24 tấm gương hiếu hạnh. (Tranh Trần Thiếu Mai)

Danh tiếng của Hoàng Hương cũng truyền đến tai hoàng đế. Hán Chương Đế triệu Hoàng Hương đến trước điện tại nơi ở của ông ở Trung Sơn. Hoàng đế giới thiệu anh với các hoàng tử và nói: "Người này là 'Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng' đó". Vì vậy, mọi người xung quanh đều coi trọng Hoàng Hương.

Hoàng Hương không chỉ là một người con hiếu thảo mà còn là một vị quan Thượng thư lệnh được hoàng đế yêu quý và kính trọng. Dưới thời trị vì của Hán Hòa Đế, hoàng đế rất ngưỡng mộ Hoàng Hương và nhiều lần thăng chức cho ông, từ Lang trung lên Thượng thư lệnh. Sau đó, Hoàng Hương được thăng làm Thái thú quận Ngụy. Hoàng Hương đã thay đổi thói quen cũ của quận phủ trước đây, và tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua sắm khi quan mới thay thế quan cũ.

Trước đây, mỗi khi quan mới nhậm chức, chi phí thay thế thiết bị cũ và bổ sung thiết bị mới có thể dễ dàng lên tới hàng nghìn vạn tiền. Hoàng Hương tiếp nhận chức Thái thú, thực hiện sự đơn giản. Trước khi đến ranh giới của quận Ngụy, ông đã ra lệnh loại bỏ các loại đồ dùng thông dụng và thiết bị mới. Đến ngày chính thức, ông lại cho loại bỏ thêm một số đồ dùng nữa, và không cúng tế Táo Thần để cầu phúc theo thường lệ, trái lại, ông đóng cửa và từ chối tiếp khách.

Hoàng Hương không cúng tế Táo Thần là không “cầu Thần”

Tại sao Hoàng Hương không cúng tế Táo Thần? Phải chăng ông bất kính với Thần?

Trên thực tế, Hoàng Hương không “cầu Thần"! Sự khác biệt giữa "kính Thần" và "cầu Thần" là gì?

Nhiều người cúng tế Táo Thần để cầu phúc, cho rằng làm lễ thờ cúng Táo Thần sẽ được điều tốt lành trong cuộc sống. Thực chất đây là “cầu Thần” chứ không phải là “kính Thần”.

Thử nghĩ xem, “Thần” có thể bị mua chuộc không? Thần có thể bị hối lộ không?

Vì vậy, việc Hoàng Hương từ chối cúng tế Táo Thần không có nghĩa là ông không kính Thần, thực chất là ông không “cầu Thần”. Hoàng Hương không cầu Thần, cũng không theo tục lệ thế gian. Ngày nhậm chức quan, ông không cúng tế Táo Thần, cũng không cầu phúc cho mình, mà ở trong nhà đóng kín cửa, để tránh những lời chúc mừng, chào hỏi.

Thương xót người dân, cứu vô số sinh mạng

Theo “Hậu Hán thư”, khi Hoàng Hương được bổ nhiệm làm Thượng thư lệnh phụ trách các công việc quan trọng cơ mật, ông đã chăm chỉ làm việc triều chính, chăm lo việc công giống như việc nhà mình.

Vào Vĩnh Nguyên thứ 12 đời Hán Hòa Đế (năm 100), vùng Thanh Hà, Đông Bình dâng tấu về một vụ án những kẻ truyền tin mê hoặc dân chúng làm loạn, có tới hàng nghìn người bị liên lụy. Người phạm tội có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Sau khi Hoàng Hương tiếp quản vụ án, ông cẩn thận phân tích chứng cứ, đính chính và vạch trần sự thật, không để xảy ra trường hợp oan sai nào, phán xử tội nhẹ. Ông đã rửa sạch tội oan của nhiều người và cứu được vô số sinh mạng.

Bình thường, Hoàng Hương tiến hành điều tra và trừng phạt theo pháp luật, ông thường đưa ra mức án nhẹ. Hoàng Hương rất trân trọng mạng sống con người, và luôn có lòng thương xót đối với những người làm sai, hoặc vô tình phạm pháp. Ông quan tâm đến hoàn cảnh của họ và ra tay cứu trợ, đồng thời xin mức án nhẹ hơn cho họ.

Hoàng Hương cũng biết sự tình của biên cương, cân nhắc việc quân sự, quản lý và xử lý thích hợp. Sự quản lý chính sự cần mẫn, tính vô tư và tinh thần vị tha của ông đã nhiều lần được hoàng đế đánh giá cao và khen ngợi.

Quan phụ mẫu tốt: Người dân đói như mình đói, người dân bị lũ lụt như mình bị lũ lụt

Vào năm Diên Bình thứ nhất (năm 106), khi được bổ nhiệm làm Thái thú quận Ngụy, ông đã đấu tranh vì phúc lợi của người dân, và ngăn cản các thương nhân và quan chức giàu có cạnh tranh lợi nhuận với nông dân.

Quan phụ mẫu tốt. (Tranh Leo-BM/NTDVN)

Ở quận Nguy, cả trong và ngoài thành đều có ruộng vườn của quốc gia, được giao cho người dân trồng trọt, sản lượng thu hoạch hàng năm của những cánh đồng tốt này lên tới hàng nghìn hộc lương thực, có rất nhiều thương nhân và quan chức giàu có thuê chúng. Hoàng Hương nói: “Điền lệnh quy định ‘thương nhân không được làm ruộng’, vương chế quy định ‘quan không được làm ruộng’. Khanh đại phu và quan lại được trả lương không được cạnh tranh với dân vì lợi nhuận”.

Sau đó ông giao đất cho người dân để canh tác.

Khi lũ lụt và nạn đói bùng phát trong vùng, Hoàng Hương đã tiết kiệm tiền lương của mình và quyên góp phần thưởng mà hoàng đế ban tặng, để giúp đỡ những người nghèo không có cơm ăn. Cảm kích bởi nghĩa cử của Hoàng Hương, những gia đình có số lượng ngũ cốc lớn trong quận cũng tới tấp quyên góp ngũ cốc cho quan phủ vay mượn, để giúp đỡ những người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua khó khăn.

Ngạn ngữ có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng tháp”. Tinh thần từ bi, nhân ái của Hoàng Hương được thực hiện khắp nơi trong quan trường, và luôn được thực hành trong cuộc sống. Ông hành động vô tư, nhận rõ sự thật, phán xử hình phạt nhẹ, cứu được vô số người, âm đức vô lượng. Ông đồng cảm với người nghèo, và thể hiện tâm “Người dân đói cũng như mình đói” để cứu người đói khổ, bất lực trong tai họa. Việc làm đại thiện như vậy là cách tốt để tự cầu phúc, tin rằng Táo Thần và các Thiên Thần sẽ nhìn thấy, và tán thưởng.

Âm đức siêng năng thực hành Đạo Trời của Hoàng Hương tốt hơn nhiều so với việc cúng tế Thần, cầu Thần ban phúc! Ông được phúc báo ở ngay đời này, hoàng đế nhiều lần khen thưởng Hoàng Hương vì sự siêng năng cai quản, và mang lại lợi ích cho dân chúng. Hoàng đế còn quan tâm đến bệnh tật của ông và cho ông thuốc men. Hoàng Hương nhiều lần được thăng quan, được sủng ái, gia đình hưng thịnh.

Sau khi Hoàng Hương qua đời, Hoàng Quỳnh, con trai của Hoàng Hương, mặc dù nhiều lần từ chối ra làm quan, nhưng vẫn được nhiều bên tiến cử. Cuối cùng ông cũng ra làm quan, sau lên tới chức Tam Công (1 trong 3 chức quan lớn nhất triều đình), làm Thái úy, là người thanh cao hiển quý. Có thể nói là một thể hiện việc Hoàng Hương tích đức đã tạo phúc cho con cháu!

Lời kết

Vào thời Xuân Thu, một vị đại thần quyền lực của nước Vệ là Vương Tôn Giả rất siêng năng thờ cúng Táo Thần, tin rằng “thay vì cầu xin sự phù hộ của Thần Áo cao quý, vị Thần cai quản sự sống, cái chết, bất hạnh, phước lành, thà siêng năng cúng tế Thần Bếp (Táo Thần),vị Thần đảm bảo cơm ăn, áo mặc, của cải, phước lành còn tốt hơn”.

Vương Tôn Giả hỏi ý kiến ​​của Khổng Tử, Khổng Tử không đồng ý với ý tưởng và cách làm của Vương Tôn Giả. Khổng Tử tin rằng con người phải cư xử chính trực, ngay cả ở nơi không có người xung quanh, họ cũng phải chính trực, ngay thẳng và trong sáng trong cách cư xử, ngay cả trong phòng tối cũng không dối lừa, xứng đáng với Thần linh, và xứng đáng với lương tâm đạo đức của chính mình. Đây chính là tinh thần thực sự của Hoàng Hương, người không tuân theo phong tục, không thờ cúng Táo Thần, thể hiện cảnh giới cao cả và nội hàm của một bậc chính nhân quân tử chân chính. Thần có thể không đánh giá cao một người như vậy không?!

Nguồn: "Đông Quan Hán ký", "Hậu Hán thư", "Luận ngữ - Bát dật"

Doãn Gia Huy - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người con hiếu Hoàng Hương không thờ cúng Táo Thần mà quan lộc hanh thông, tại sao?