Người đàn ông nghèo cả đời không kết hôn, tại sao cuối đời lại có con cháu phụng dưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Lý vốn là người nghèo khó cùng cực, nếu không động lòng trắc ẩn khi trông thấy đứa trẻ sơ sinh dính đầy máu đó, thì sao có thể được hưởng phúc lúc tuổi già như thế này? 

Người đàn ông nghèo cả đời không kết hôn, tại sao cuối đời lại có con cháu phụng dưỡng

Vào thời nhà Thanh, Trung Quốc, một thôn trang ở làng Tây có một người đàn ông họ Lý, cả đời không kết hôn. Ông sống bằng nghề kéo xe lôi chở hàng hóa, chở khách, quanh năm tất bật bên ngoài, rất ít khi trở về nhà.

Một lần, ông chở khách đến núi Dịch, khi trở về, ông khởi hành rất sớm. Trên đường về, ông đi qua phía sau am Ni Cô, trông thấy một đứa trẻ sơ sinh toàn thân dính máu đang khóc oe oe. Ông bước tới xem, thì ra là một bé trai. Nhưng nghĩ rằng, ông không có vợ, không có người ở nhà để nuôi dưỡng bé được. Còn nếu dùng xe chở bé theo, thì lại ảnh hưởng đến mưu sinh. Thế là ông đành đặt bé lại vị trí cũ, chuẩn bị rời đi.

Lúc này bỗng có một con chó chạy đến, kéo cái chăn bọc bé ra, đứa trẻ khóc ngằn ngặt. Ông Lý lo lắng con chó sẽ làm hại đến sinh mệnh bé, liền vội quay lại đuổi chó đi. Nhưng khi ông Lý vừa rời đi, thì con chó lại chạy đến. Lúc này, ông Lý sinh lòng trắc ẩn, bế em bé đặt lên xe. Thời tiết se lạnh, ông Lý dùng y phục cũ của mình quấn em bé, rồi tiếp tục đi tiếp.

Đến một thôn trang lớn, nhìn thấy người dân, ông lấy lý do là vợ ông sau khi sinh thì đột nhiên qua đời, để lại đứa bé này, ông phải đem theo đi khắp nơi, bản thân không thể nuôi dưỡng bé được, muốn tặng cho người khác. Cứ gặp người là ông đều nói như thế. Sau đó, ông gặp một ông lão. Ông lão nói với ông Lý rằng: “Tôi đã có con cháu rồi, nhưng tôi rất cảm thông hoàn cảnh khó khăn của anh. Tôi muốn nuôi dưỡng đứa bé này cho anh”.

Thế là ông lão hỏi họ tên, gia tộc và nơi cư trú của ông Lý. Ông Lý trả lời chi tiết. Ông lão nói: “Tôi cũng họ Lý, cùng họ với anh. Đứa bé này sau khi lớn lên, tôi nhất định sẽ bảo nó trở về nhận tổ nhận tông. Anh hãy đặt cho nó cái tên đi, lưu lại một ký hiệu, để sau này dễ nhận ra nhau”.

Ông Lý bèn đặt tên cho đứa bé là Hiếu, và lấy cái áo nhỏ của đứa bé ra, xé làm 2 mảnh, để lại 1 nửa để sau này làm bằng chứng nhận ra nhau.

Cậu bé Lý Hiếu dần dần lớn lên, đến năm 17, 18 tuổi, thân thể cao lớn hùng dũng. Ông lão Lý cho cậu học võ công, và được vào trường huyện học tập. Sau này, ông lão Lý tuổi cao nhiều bệnh, e rằng sau khi ông chết, con cháu ông sẽ đối xử tệ bạc với Lý Hiếu, nên bề ngoài chia cho cậu rất ít tài sản, nhưng lại ngầm tặng cho cậu rất nhiều, để cậu trở về tìm lại người cha của mình. Thế là Lý Hiếu dẫn theo vợ và con trai ra đi.

Lúc này, ông Lý cũng đã có tuổi rồi, không thể đi ra ngoài làm nghề kéo xe lôi mưu sinh được nữa. Ông đành làm việc lặt vặt ở một số nơi tập trung bài bạc để kiếm sống. Mùa đông thì ông trú trong một cái hang đất.

Một ngày nọ, có một thanh niên đến thôn, mũ áo chỉnh tề, phía sau anh là mấy cái xe, chở hành lý và một thiếu phụ với một đứa con trai nhỏ, hỏi thăm tìm nơi cư trú của ông Lý.

Người trong thôn hỏi anh: “Anh hỏi thăm ông Lý làm gì?”.

Người thanh niên trả lời rằng: “Ông ấy là cha của tôi đó”.

Người làng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, bàn tán với nhau rằng: “Ông Lý không có vợ, tại sao lại có con trai nhỉ?”

Một người nói: “Trong thôn không có người nào khác cùng họ cùng tên với ông Lý, làm sao biết đây không phải là con trai của ông ấy?”

Thế là người này vội vàng chạy đến hang đất đi tìm ông Lý và nói: “Con trai ông đến rồi”.

Ông Lý hỏi: “Ở đâu?”

Người làng trả lời: “Đang ở đầu thôn hỏi thăm tìm ông đó”.

Ông Lý vui mừng lắm, vội vàng mở hòm mở tủ lục tìm nửa chiếc áo cũ ra. Người làng hỏi ông: “Ông lấy cái này ra làm gì?”

Ông Lý nói: “Nếu không có cái này, thì cậu ấy không phải là con trai tôi, tôi không phải cha cậu ấy”.

Ông Lý gặp người thanh niên đó ở đầu thôn, liền hỏi: “Cậu là Lý Hiếu à?”

Người thanh niên đáp: “Chính là con”.

Ông Lý liền lấy nửa cái áo cũ ra đưa cho cậu. Người thanh niên nhìn, rồi cũng lấy nửa cái áo của anh ra, hai nửa áo ghép lại vừa đúng là chiếc áo của trẻ sơ sinh. Lý Hiếu lập tức quỳ xuống bái phụ thân, và bảo thiếu phụ xuống xe quỳ bái bố chồng, bảo con trai bé xuống thỉnh an ông nội. Ông Lý xúc động không nói nên lời, chỉ liên tiếp gật gật đầu.

Ông Lý vốn là người nghèo khó cùng cực, nếu không động lòng trắc ẩn khi trông thấy đứa trẻ sơ sinh dính đầy máu đó, thì sao có thể được hưởng phúc lúc tuổi già như thế này?

Sau này, có người dân hỏi riêng ông về chuyện này, ông Lý nói: “Năm nào đó ở nơi nào đó, ông đã lập gia đình, nhưng hơn một năm sau, vợ ông qua đời”.

Ông Lý quanh năm ở bên ngoài bôn ba, rất ít khi về nhà, nên hàng xóm láng giềng cũng không biết tình hình ông ở bên ngoài như thế nào, nên cũng tin những lời này của ông. Lý Hiếu hỏi mộ mẫu thân ở đâu. Ông Lý nói rằng, an táng ở một nơi có các mộ hỗn tạp, sau này bị nước lũ ngập chìm, rồi mất dấu vết, không thể tìm được. Con trai ông cũng tin theo.

Cha con thất lạc trong chiến loạn, sau lại được đoàn tụ

Thời triều Thanh, có một người thợ mộc họ Đào, là người Kim Lăng (thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày nay). Khi lên 4 tuổi, bọn giặc cướp Quảng Đông tấn công thành trì, phụ thân của anh bị giặc bắt đi, chỉ còn hai mẹ con anh may mắn bình an vô sự, nương tựa vào nhau mà sống. Sau khi dẹp yên loạn lạc, họ vẫn sống trong thành, mở cửa hàng buôn bán nhỏ.

Đến năm Giáp Tuất niên đại Đồng Trị, anh Đào đã 25 tuổi rồi. Một ngày nọ, bỗng có một ông lão dẫn theo một phụ nữ mù đến trước cửa hàng anh ăn xin. Anh Đào cho ông lão ít tiền, nhưng ông lão vẫn không đi, vẫn nhìn tỉ mỉ anh Đào rất lâu, rồi nói: “Cậu có phải họ Đào không? Nhũ danh là thế này thế này đúng không?”

Anh Đào hỏi: “Sao ông biết tên của con?”

Ông lão nói: “Cậu chính là con trai của ta”.

Anh Đào liền chạy vào gọi mẫu thân ra xem.

Mẫu thân anh Đào bước ra xem, quả nhiên là phụ thân anh Đào, bèn dắt ông vào trong nhà, và hỏi ông từ đâu trở về. Phụ thân anh Đào nói, sau khi bị giặc bắt đi, ông bắt đầu đi về phía Bắc, sau đó lại chuyển đến Tứ Xuyên, Thiểm Tây, giờ đây chính là từ Thiểm Tây trở về nhà. Ông cởi chiếc túi vải buộc bên eo ra, lấy ra mấy nén bạc, đều là do nhiều năm qua ông buôn bán tích cóp được, sợ trên đường bị trộm cướp, bèn đóng giả làm người bần cùng nghèo khổ. Còn người phụ nữ mù đó là người vợ kế mà ông đã cưới.

Cả nhà nghe chuyện đều vô cùng vui mừng, bạn bè thân thích cũng đều đến chúc mừng. Từ khi chiến loạn đến nay, những người lâm vào tình cảnh cha con ly tán, vợ chồng thất lạc, đều rất nhiều. Gia đình này lại có thể đoàn tụ, phải chăng là tích âm đức?

Nguồn tư liệu: “Ích trí lục”; “Hữu Đài Tiên quán bút ký”.

Thái Nguyên - Epoch Times

Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người đàn ông nghèo cả đời không kết hôn, tại sao cuối đời lại có con cháu phụng dưỡng