Nhân sâm, vua của các loại dược liệu: 6 chức năng chính, cách dùng và chống chỉ định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sâm có nhiều công dụng khác nhau, ví dụ như tăng lực cho hệ thần kinh trung ương, cải thiện chức năng tim mạch và điều trị ung thư.

Panax Ginseng, đúng như tên gọi của nó, là một loại thuốc chữa bách bệnh, có lợi cho sức khỏe. Panax, trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “chữa lành tất cả” và có cùng nguồn gốc với chữ “panacea”. Y học hiện đại đã xác nhận nhiều lợi ích của Nhân sâm, bao gồm cải thiện chức năng tim, não và điều trị ung thư.

Chúng ta có thể đã biết rằng Nhân sâm có thể được dùng dưới dạng trà hoặc hầm nhừ cho các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, bạn có biết nên ăn bao nhiêu Nhân sâm là vừa? Khi nào nên ăn? Ai không nên ăn? Bài viết này sẽ giúp trả lời những câu hỏi đó.

Nhân sâm ngự trị “tối cao” trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) — được mệnh danh là “thần trong hàng ngàn loại thảo dược, lá bùa hộ mệnh của trăm loại thuốc”. Tác phẩm sớm nhất còn được lưu lại của TCM, “Thần Nông Bản Thảo Kinh”, ghi lại sáu tác dụng chính của Nhân sâm, bao gồm bổ trợ năng lượng cho nội tạng, định thần, giảm hồi hộp đánh trống ngực, sáng mắt, tăng cường nhận thức và trí nhớ.

Nhân sâm, được cho là có tác dụng giúp trường thọ nếu sử dụng lâu dài.

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng Nhân sâm là vị thần đến từ trái đất nên còn được gọi là “Tinh đất” hay “Thần đất”. “Bản tóm tắt về Dược liệu” của thầy thuốc Lý Thời Trân (Li Shizhen), thời nhà Minh, đã trích dẫn một câu chuyện như thế này. Vào thời Văn Đế, triều đại nhà Tùy ở Trung Quốc (581-604 sau Công nguyên), một người đàn ông thường nghe thấy tiếng khóc hàng đêm từ phía sau nhà mình nhưng không tìm thấy ai. Sau đó, ông ta đã phát hiện ra một loại cây có cành và lá tươi tốt bất thường mọc ở phía sau nhà, cách khoảng 500 mét. Ông đào xuống đất và tìm thấy một củ Nhân sâm có hình dáng giống con người với đầy đủ tứ chi. Từ đó về sau, ông không còn nghe thấy những tiếng kêu lạ nữa.

Tính chất, Hương vị, Quy kinh và Công dụng

TCM cho rằng mỗi loại thuốc đều có tính chất, hương vị riêng, có các kinh mạch tương ứng và Nhân sâm cũng không phải là ngoại lệ. Nhân sâm có vị ngọt và hơi đắng, khi dùng sống Nhân sâm có tính “bình” - nghĩa là nó có dược tính nhẹ. Khi chín, sâm có tính “ấm” và có tác dụng bồi bổ sinh lực nhất định. TCM coi năng lượng trong cơ thể là “khí”, còn “nguyên khí” là dùng để chỉ năng lượng gốc đã khởi phát nên mọi hoạt động sinh lý của con người.

TCM tin rằng cơ thể con người có một hệ thống “kinh lạc” qua đó năng lượng chảy từ các cơ quan nội tạng đi khắp cơ thể. Về mặt này, Nhân sâm chủ yếu đi vào các kinh tâm, phế, tỳ và thận, với một phần nhỏ vào kinh can. Và do đó nó có tác dụng chữa bệnh đối với tất cả các tạng cũng như bộ phận nằm dọc theo đường đi của các kinh lạc đó.

Theo các ghi chép có liên quan của TCM, Nhân sâm chủ yếu có tác dụng điều trị các triệu chứng đổ nhiều mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy nặng, mất nhiều máu, phân lỏng, mệt mỏi, suy nhược, sa hậu môn và thoát vị nội tạng do tiêu hao sinh lực kéo dài.

Sáu lợi ích của Nhân sâm đối với cơ thể. Ảnh: ET

Sáu lợi ích của Nhân sâm đối với cơ thể

Vậy y học hiện đại giải thích thế nào về công dụng của Nhân sâm?

  1. Điều hòa hệ thần kinh trung ương

Nhân sâm có thể điều chỉnh chức năng thần kinh, cải thiện khả năng và hiệu quả nhận thức, chống mệt mỏi, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và đau đầu do vận mạch.

  1. Cải thiện hệ tim mạch

Nhân sâm có thể tăng sinh lực cho tim, cải thiện sức co bóp và điều chỉnh rối loạn nhịp tim.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ginsenoside có nhiều tác dụng đối với chức năng tim mạch, điều hòa huyết áp và lipid máu cũng như bảo vệ các tế bào nội mô mạch máu.

Nhân sâm có thể làm giãn mạch và cải thiện lưu thông dòng máu. Do đó, nếu bệnh nhân đột quỵ có các triệu chứng co cứng chân tay, khó chịu về thể chất và thể trạng suy yếu, cơ thể yếu mệt và thiếu máu, thì có thể sử dụng Nhân sâm để cải thiện lưu thông máu của tim cũng như hệ mạch máu.

Ngoài ra, Nhân sâm còn có thể chống sốc, tăng cường đáng kể nhịp tim nên đặc biệt có tác dụng đối với sốc mất máu và sốc nhiễm độc cấp tính.

  1. Tăng cường khả năng thích ứng của cơ thể

Nhân sâm có thể thay đổi khả năng thích ứng của cơ thể, tăng cường khả năng chống lại các chất có hại. Nó phù hợp cho tình trạng tăng đường huyết gây ra bởi chế độ ăn uống không kiểm soát, hạ đường huyết do insulin và biến chứng nhồi máu cơ tim do sốc tim.

  1. Kích hoạt hệ thống nội tiết

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Nhân sâm có thể kích hoạt tuyến Yên và Hệ Vỏ Thượng thận, thúc đẩy sản sinh corticosteroid và tăng khả năng chống lại căng thẳng của cơ thể.

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ginsenoside có tác dụng tương tự như hormone giới tính, thích hợp cho các bệnh rối loạn chức năng tình dục và còn có thể cải thiện các triệu chứng mãn kinh.

  1. Điều hòa quá trình trao đổi chất

Nhân sâm có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp protein và sự phân chia của tế bào tủy xương, đồng thời có tác dụng hiệp đồng trong giảm đường huyết và insulin. Nó cũng có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa lipid, giảm cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

  1. Chống lại khối u

Nhân sâm cũng có tác dụng tốt đối với bệnh ung thư dạ dày, ruột và các bệnh ung thư khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ginsenosides trong Nhân sâm có thể ức chế sự di căn của tế bào ung thư, ức chế sự tăng sinh mạch máu và tăng trưởng của khối u, đồng thời làm tế bào ung thư tự hủy (apoptosis).

Chế biến Nhân sâm theo các phương pháp khác nhau có ảnh hưởng tới hiệu quả. Ảnh: ET

Tác động của quá trình chế biến tới hiệu quả của Nhân sâm

Nhân sâm cũng có thể được phân loại theo cách chế biến. Có ba loại bao gồm: “Sâm tươi sấy khô”, “Sâm đỏ” và “Sâm tẩm đường”.

Nhân sâm tươi sấy khô có nghĩa là sâm tươi được phơi hoặc sấy khô ngay sau khi thu hoạch. Nhân sâm tươi sấy khô vẫn giữ được tác dụng vì không trải qua bất kỳ quá trình hấp hay đun nóng nhân tạo nào nên các thành phần tác dụng của nó vẫn tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, do enzyme trong sâm chưa bị phá hủy bởi nhiệt độ cao nên ở một nhiệt độ và độ ẩm nhất định, hoạt chất của Nhân sâm, gọi là ginsenoside, sẽ dễ bị enzyme thủy phân. Vì vậy, loại sâm này không bảo quản được lâu một cách dễ dàng.

Nhân sâm được sử dụng phổ biến nhất là Nhân sâm đỏ, là kết quả của Nhân sâm tươi được hấp trong 3 đến 4 giờ trong lò hấp, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô. Rễ và rễ xơ (rễ nhỏ hơn) cũng được loại bỏ. Trong quá trình hấp, mặc dù một số ginsenoside bị mất đi, nhưng nhờ nhiệt độ cao hủy đi phần lớn hoạt tính của enzyme nên các ginsenoside không dễ dàng bị thủy phân trong quá trình bảo quản. Nhờ đó thời hạn sử dụng của sâm đỏ kéo dài hơn nhiều.

Nhân sâm tẩm đường là Nhân sâm tươi trụng trong nước sôi một thời gian ngắn, rồi được ngâm trong đường trắng khoảng 20 giờ. Sau đó, sâm được rửa sạch đường, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy. Ở giai đoạn này nó được gọi là bạch sâm. Khi bạch sâm được châm (bằng kim nhọn) và tẩm đường thì sẽ biến thành Nhân sâm tẩm đường. Do hàm lượng đường cao và thường được làm từ Nhân sâm chất lượng thấp hơn nên tổng thể, chất lượng của Nhân sâm tẩm đường được coi là thấp nhất trong cả ba loại.

Rễ dạng sợi nhỏ của Nhân sâm, thường được gọi là “rễ Nhân sâm”, cũng có thể được sử dụng cho mục đích y học, tuy nhiên, hiệu quả tương đối thấp hơn. Ngoài ra, chỗ nối giữa thân và rễ còn gọi là phần “đầu củ”, có thể dùng riêng làm thuốc và có tác dụng gây nôn.

Các bộ phận của củ Nhân sâm. Ảnh: ET

TCM cho rằng các thực phẩm và dược liệu đều mang 4 tính chất khác nhau: ấm, nóng, lạnh và mát. Thức ăn nóng và ấm sẽ khiến người ta cảm thấy ấm áp, nhưng ăn quá nhiều cũng sẽ khiến người ta cảm thấy khô, khó chịu, nóng bức nên thích hợp hơn với người có thể chất lạnh. Mặt khác, đồ ăn mát lạnh có tác dụng thanh nhiệt, thích hợp với người có thể chất nóng khô. Những người dễ bị cảm lạnh không nên ăn quá nhiều đồ ăn lạnh, mát. Thức ăn trung tính (không nóng cũng không lạnh) thì phù hợp với tất cả mọi người.

Phương pháp chế biến Nhân sâm cũng có thể ảnh hưởng đến đặc tính của nó. Vì Nhân sâm tươi phơi nắng không được xử lý bằng nhiệt nên dược tính của nó vẫn tương đối trung tính và hơi lạnh. Nhân sâm đỏ đã được xử lý bằng nhiệt, dược tính của nó sẽ ấm hơn một chút.

Sử dụng Nhân sâm làm thuốc bổ và liều lượng thích hợp

Nói chung, khi sử dụng Nhân sâm làm thuốc bổ, thì không nên sử dụng quá mức, nếu không có thể dẫn đến một số triệu chứng gọi là ngộ độc Nhân sâm, với các biểu hiện thường thấy như tăng huyết áp, tăng cảm giác, mất ngủ, khó chịu, ngứa da, da nổi mẩn và thậm chí là dậy thì sớm ở trẻ em.

Sử dụng Nhân sâm quá liều có thể gây ra các hậu quả. Ảnh: ET

Liều lượng sử dụng được khuyến nghị dưới đây, là liều lượng chung. Trong trường hợp gặp tác dụng phụ khi dùng Nhân sâm, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ TCM.

  1. Khi cực kỳ kiệt sức

Nhân sâm có thể được sử dụng để cứu những bệnh nhân kiệt sức khi nguy kịch. Thông thường, người ta sử dụng 15 đến 30 gam (0,53 đến 1,1 ounce), sắc lấy nước cốt đặc.

  1. Là chất bổ sung

Theo quan điểm của Đông y, những người có thể trạng yếu hoặc hàn có thể dùng hồng sâm. Họ có thể sử dụng sâm cách nhau mỗi 5 đến 7 ngày, nhưng luôn phải tránh dùng quá mức. Như vậy, cơ thể sẽ được nạp năng lượng từ từ và an toàn hơn.

Cách dùng: Khi sử dụng dưới dạng thuốc sắc, thì thường dùng 5 đến 10 gam (0,18 đến 0,35 ounce) Nhân sâm. Ở dạng bột, có thể sử dụng liều lượng 1,5 đến 3 gam (0,05 đến 0,1 ounce) với nước ấm.

Ngộ độc Nhân sâm và cách xử trí

Để giảm bớt triệu chứng ngộ độc Nhân sâm, một biện pháp đơn giản là ăn khoảng 30 gram (1 ounce) hạt củ cải. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn trực tiếp một nửa hoặc một củ cải trắng hoặc nấu lấy nước để dùng.

Cũng vì vậy, khi sử dụng Nhân sâm làm thuốc bổ thì không nên ăn củ cải, tránh làm giảm tác dụng của sâm.

3 lựa chọn chế độ ăn trị liệu của Nhân sâm

Ngoài những phương pháp như trên, Nhân sâm còn có thể được sử dụng như thức ăn để chữa bệnh:

  1. Trà Nhân sâm

Cắt lát mỏng 3 đến 5 gam (0,1 đến 0,17 ounce) Nhân sâm, ngâm trong nước nóng (200ml) khoảng nửa giờ làm trà Nhân sâm. Hãy uống loại trà sâm này thường xuyên và ăn luôn cả các lát sâm khi hương vị của chúng nhạt bớt. Nên nhai từ từ trước khi nuốt. Loại trà này rất thích hợp cho những người mắc bệnh mãn tính, hoặc những người suy nhược, ốm yếu.

  1. Ngậm trực tiếp Nhân sâm trong miệng

Cắt Nhân sâm thành từng lát (3 đến 5 gam), mỗi lần lấy 2 đến 3 lát, ngậm trong miệng, sau đó nhai chậm, kỹ rồi nuốt. Đối với những người cần tẩm bổ để tăng cường sức khỏe cơ thể, loại bỏ mệt mỏi, phương pháp này cực kỳ dễ thực hiện.

  1. Canh gà Nhân sâm

Thành phần:

  • 3 đến 9 gram (0,1 đến 0,3 ounce) Nhân sâm cắt lát
  • một con gà non
  • 1 lít nước (33 ounce)

Chuẩn bị

  • Hầm trong 1 đến 2 giờ cho đến khi gà chín và mềm.
  • Ăn toàn bộ mọi thứ, chia làm 2 đến 3 lần.

Món canh này thích hợp cho những người bị mất máu nhiều sau phẫu thuật, hoặc những người có sức khỏe yếu, cần phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật. Nếu sử dụng hàng ngày, thì nên giảm bớt liều lượng Nhân sâm đi một nửa.

Sáu nhóm đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Nhân sâm. Ảnh: ET

Những kiêng kỵ khi sử dụng Nhân sâm

  1. Nhiệt chứng nặng

TCM cho rằng cơ thể quá nhiệt hoặc hỏa có thể dẫn đến bệnh tật. TCM chia nhiệt chứng của cơ thể con người thành hai loại— hư nhiệt và thực nhiệt. Hư nhiệt là do dịch cơ thể bị hao tổn quá mức, trong khi thực nhiệt là do nguyên nhân bên ngoài, chẳng hạn như ăn quá nhiều đồ cay, đồ nướng, đồ chiên, thời tiết nóng. Nhân sâm không thích hợp cho những người có các triệu chứng của thực nhiệt, ví dụ với các triệu chứng như đỏ mặt và nóng, táo bón, huyết áp tăng, phù nề, thiểu niệu, mất ngủ và bứt rứt.

Ngoài ra, không nên ăn Nhân sâm nếu bạn bị cảm lạnh và sốt cao, trong thời tiết mùa hè hoặc khi đang trong trạng thái bứt rứt, kích thích. Những người bị chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy cấp, cũng không nên dùng Nhân sâm.

  1. Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực

Hầu hết bệnh nhân rối loạn hưng cảm và rối loạn lưỡng cực đều thuộc hội chứng thực nhiệt. Dùng Nhân sâm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hơn như đau đầu và hưng cảm.

  1. Người dễ hưng phấn, mất ngủ

Những người dễ bị kích động, mất ngủ nên tránh dùng Nhân sâm trước khi đi ngủ. Do tác dụng bổ khí của Nhân sâm, nó có thể gây tăng động và khó ngủ.

Tốt nhất nên uống Nhân sâm trong vòng một giờ trước hoặc sau bữa ăn vào buổi sáng, không nên dùng sau buổi trưa.

4 - 5. Trẻ em và phụ nữ mang thai

Chỉ được sử dụng dưới sự chăm sóc của nhân viên y tế có trình độ.

  1. Phụ nữ đang cho con bú

Mẹ đang cho con bú không nên ăn Nhân sâm vì có thể khiến tuyến sữa co lại.

Lưu ý: Các loại thuốc Bắc được đề cập trong bài viết này thường có sẵn ở các siêu thị hoặc cửa hàng thuốc đông y. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có kế hoạch điều trị và đơn thuốc cụ thể.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Kuo-Pin Wu

Kuo-pin Wu là giám đốc Bệnh viện Tim Xinyitang Đài Loan, năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền Trung Quốc và lấy bằng cử nhân của Đại học Y khoa Trung Quốc tại Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

Nhân sâm, vua của các loại dược liệu: 6 chức năng chính, cách dùng và chống chỉ định