Ở nhà đá chăn ngựa (1): Hạp Lư đánh Việt vong mạng, Phù Sai đình thệ báo thù

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngũ Tử Tư "công thành thân không thoái, tất sẽ rước tai ương". Quả nhiên, Ngũ Tử Tư ngày càng chán nản ở nước Ngô, cho đến khi bị buộc phải tự sát, rốt cuộc chuyện này là thế nào?

Hạp Lư đánh Việt vong mạng

Sau khi Ngũ Tử Tư trở lại nước Ngô, sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh cao. Vua Hạp Lư đã ân sủng ông đến mức nào? “Hô Tử Tư nhi bất danh” (Gọi Tử Tư mà không gọi tên để tỏ ý tôn trọng). Tên của Ngũ Tử Tư là "Viên", và "Tử Tư" là tên tự.

Xưng hô của người xưa tương đối chi tiết. Có người gọi “danh” (tên), có người gọi “tự” (tên chữ), có người gọi “hiệu” (tên hiệu), “danh” là tên được cha đặt cho đứa trẻ khi mới sinh ra. "Danh" được sử dụng khi cấp trên xưng hô với cấp dưới, hoặc khi người lớn tuổi xưng hô với người trẻ hơn. Ví dụ như Gia Cát Lượng, “Lượng” là tên của ông ấy. Khi ông tự xưng thì nói: "Lượng…". Vì vậy, “danh” dùng để chỉ mình, hay già nói với trẻ, cấp trên nói với cấp dưới.

Còn tên “tự”, khi một người đến tuổi trưởng thành thì phải chọn một tên tự. "Tự" dùng xưng hô giữa bạn bè và là một danh hiệu kính trọng. Ví dụ như Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh. Người xưa giữa “danh” và “tự” là có quan hệ, “tự” thường dùng để giải thích cho “danh” nên gọi là biểu tự. Gia Cát Lượng tên là "Lượng" - nghĩa là sáng, tự là "Khổng Minh". “Khổng” có nghĩa là lớn, và “Khổng Minh” có nghĩa là rất sáng. Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh - Lượng và Khổng Minh đều có nghĩa là sáng. Chu Du, tự là Công Cẩn - Du và Cẩn đều là một loại ngọc. Đây được gọi là "lặp lại ý nghĩa".

Còn có một cách chọn tên tự khác, trái ngược với tên gọi, gọi là “đối nghĩa”. Ví dụ, có một nhà nho lớn tên là Chu Hi vào thời nhà Tống, “Hi” có nghĩa là lửa sáng, tên tự của ông là “Nguyên Hối”, “Hối” có nghĩa là mờ mịt tối tăm. Còn học trò của Khổng Tử là Tăng Điểm, “Điểm” có nghĩa là một chấm màu đen nhỏ, tên tự của ông là "Tử Tích", "Tích" có nghĩa là rất trắng, nó trái ngược như vậy.

Còn một cách khác để chọn tên tự gọi là liên tưởng. Ví dụ như Tô Thức tự Tử Chiêm. “Thức” là thanh ngang ở đầu xe. Hầu hết mọi người đều bám vào thanh ngang đó để nhìn về phía trước, mà từ “Chiêm” lại có nghĩa là nhìn lên, nên từ “Tử Chiêm” được gọi là liên tưởng.

Sau khi có “danh” và “tự”, nhiều khi chúng ta sẽ biết cách phát âm tên một người. Ví dụ, con trai của Lưu Bị tên là Lưu Thiện (劉禪), chữ Thiền 禪 có âm Thiền (tu thiền) và Thiện (trao, nhường), nhiều người không biết nên gọi là Thiền, hay Thiện?

Cần phải nhìn vào tên tự để suy ra, tự của ông là “Công Tự” (公嗣) có nghĩa là thừa kế, còn Thiện có nghĩa là nhường, cho đi và có nghĩa ngược lại. Vì vậy, từ tên tự, chúng ta có thể suy ra tên ông là Lưu Thiện, chứ không phải Lưu Thiền.

Khi vua Hạp Lư gọi Ngũ Tử Tư, ông ấy "gọi tên tự Tử Tư mà không gọi tên", điều đó có nghĩa là ông ấy coi Ngũ Tử Tư như một người bạn chứ không phải xưng hô trong quan hệ vua tôi.

Đó là năm 506 TCN khi Hạp Lư từ Sở trở về Ngô, đã đình chiến gần 10 năm. Tuy nhiên, vua Hạp Lư không bao giờ quên chuyện đánh nước Việt, bởi vì vào năm 511 TCN, ông muốn trưng dụng quân binh của nước Việt, nhưng Việt không gửi quân, sau đó một cuộc chiến nổ ra, rồi Phù Khái tạo phản và Việt đã giúp đỡ Phù Khái. Vì vậy Hạp Lư luôn muốn tấn công nước Việt.

Năm 496 TCN, Việt vương Duẫn Thường qua đời vì bạo bệnh, nên vua Hạp Lư chuẩn bị tấn công khi nước Việt đang tổ chức tang lễ. Ngũ Tử Tư can ngăn. Ông nói rằng, việc tấn công người khác khi họ đang để tang là một điều bất nghĩa, không nên làm. Hạp Lư không chịu nghe. Bởi Ngũ Tử Tư không muốn đánh Việt, nên Hạp Lư lần này không mang theo Ngũ Tử Tư mà tự mình dẫn quân tấn công nước Việt, kết quả là cuộc chiến này đã khiến ông phải trả giá bằng mạng sống.

Hạp Lư đánh Việt vong mạng. (Tranh đời Thanh)

Vào thời điểm đó, Câu Tiễn mới lên ngôi Việt vương. Quân đội hai bên gặp nhau tại Tuy Lý, gần khu vực ngày nay là tỉnh Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Quân Ngô do Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ huấn luyện, hiệu quả chiến đấu quả thực rất mạnh. Nước Việt ba lần tấn công nhưng không lay động được thế trận của Ngô.

Sau này có người nói với Việt Vương rằng: “Có thể sử dụng tội nhân được”. Vua Việt sai 300 tử tù đến trước mặt quân Ngô, 300 tử tù cầm kiếm kề vào cổ và nói: "Vua chúng tôi không lượng sức mình, đắc tội với thượng quốc, nay chúng tôi xin lấy cái chết để chuộc tội cho vua chúng tôi”.

Sau đó họ lần lượt tự sát. Khi đó quân Ngô chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy, mọi người chụm đầu ghé tai thì thầm với nhau, đội hình trở nên hỗn loạn.

Câu Tiễn bắt đầu thúc trống trận. Quân Việt bất ngờ lao tới đánh thẳng vào đội hình trung tâm. Khi Hạp Lư nhìn thấy quân Việt lao về phía mình, ông quay xe bỏ chạy, nhưng lại gặp ngay đại tướng Việt là Linh Cô Phù. Khi thấy Hạp Lư, Linh Cô Phù liền lao tới chém. Hạp Lư lùi lại trốn, thân thể đã tránh được nhưng chân không tránh kịp, kết quả là ngón chân cái bị phạt đứt. Hạp Lư lúc đó lui quân chưa đến 7 dặm, thì do tuổi cao sức yếu, kêu một tiếng lớn rồi chết. Quân Ngô đội tang lui binh.

Phù Sai đình thệ báo thù

Phù Sai thấy cha mình đã chết, ông lên ngôi Ngô Vương. Ông yêu cầu mười người thay phiên nhau đứng trong sân cung điện nơi ông ở. Mỗi khi Phù Sai đi ngang qua sân, những người này đều hét lên: “Phù Sai, Ngài quên Việt Vương Câu Tiễn đã giết cha sao?”

Phù Sai lại khóc nói: “Duy, ta không dám quên!”

“Duy” có nghĩa là "Dạ" (dạ vâng đã nghe rõ). Đã ba năm trôi qua, đây gọi là ‘lập đình chi thệ’ (lời thề đứng trước sân đình).

Năm 494 trước Công nguyên, Phù Sai đã chịu tang xong, sẵn sàng trả thù. Trong các chương khác nhau của "Sử ký", có những ghi chép khác nhau về người ra tay trước. Trong “ Ngô Thái Bá thế gia” có ghi rằng, nước Ngô tiến đánh nước Việt. Theo ghi chép trong “Việt Vương Câu Tiễn thế gia” thì là “Việt muốn tấn công Ngô trước khi nước Ngô cường thịnh”. Tức là Việt sẽ ra tay trước.

Tất nhiên, ai là người ra tay trước không còn quan trọng nữa. Quân đội của hai bên gặp nhau tại núi Phu Tiêu. Núi Phu Tiêu nằm bên trong hồ Thái Hồ. Trong trận chiến, thời tiết không thuận lợi cho nước Việt. Đột nhiên một cơn gió bắc thổi mạnh từ hướng quân Ngô sang phía quân Việt.

Những bài đầu, chúng ta đã kể nhiều câu chuyện về gió. Lần này là trận thủy chiến, chiến thuyền di chuyển nhờ sức gió, nên gió càng mạnh càng gây bất lợi cho hoạt động thủy chiến. Chiến thuyền của quân Việt không thể tiến lên và bị gió đẩy lùi. Quân Ngô thuận gió buông cung, tên bay như châu chấu, kết quả ba vạn quân do vua Việt mang đi chỉ còn lại năm nghìn. Với thất bại này, vua Việt rút lui về Cối Kê, gần thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang hiện nay.

Vua Việt thấy quân mình không thể chống lại quân Ngô được nữa, phải làm sao đây? Văn Chủng, quan Đại phu của nước Việt, đã khuyên ông nên cầu hòa. Vua Việt hỏi liệu họ có đồng ý với đề nghị cầu hòa của chúng ta không? Văn Chủng nói, để hạ thần đi thử xem sao.

Văn Chủng cho rằng, bởi quan Đại phu nước Ngô là Bá Dĩ, là người được vua Ngô Phù Sai rất tin tưởng, còn Bá Dĩ thì lại rất tham lam và nịnh bợ. Ông ta tham nên chúng ta có thể đưa tiền hối lộ cho ông ta; ông ta là người nịnh nọt, “nịnh” nghĩa là rất giỏi lấy lòng người khác, nên vua Ngô Phù Sai rất thích ông ta và thích nghe lời tán tụng, cho nên chúng ta có cơ hội để lợi dụng hắn.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 7 - Ở nhà đá chăn ngựa (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ở nhà đá chăn ngựa (1): Hạp Lư đánh Việt vong mạng, Phù Sai đình thệ báo thù