Ở nhà đá chăn ngựa (2): Câu Tiễn phái Văn Chủng cầu hòa, Bá Dĩ thuyết Phù Sai chấp thuận

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Trích thuật: Vào năm 496 TCN, vua Hạp Lư của nước Ngô đã lợi dụng tang sự tấn công nước Việt. Hạp Lư đã bị đánh bại bởi vua Việt mới lên ngôi là Câu Tiễn, và bị trọng thương mà chết. Con trai của ông là Phù Sai để tang ba năm, ngày nào cũng trả lời cùng một câu hỏi “Phù Sai, ngươi quên rằng Câu Tiễn đã giết cha ngươi sao?”. Phù Sai đã chuẩn bị ba năm với tâm lý trả thù như vậy, vào năm 494 TCN đã xuất binh đánh Việt. Vua Việt Câu Tiễn bại trận, thế lực suy yếu, quan đại phu nước Việt là Văn Chủng, cam đảm tình nguyện đến nước Ngô cầu hòa. Vậy ông đã dùng lời lẽ gì để thuyết phục Ngô vương tha thứ cho kẻ sát hại cha mình chấp thuận cầu hòa?)

Câu Tiễn phái Văn Chủng cầu hòa

Thế là Văn Chủng tìm kiếm tám mỹ nhân, cùng với vàng lụa đến gặp Bá Dĩ. Đương nhiên, việc này Văn Chủng làm sẽ thành, nhìn có vẻ là chuyện dễ dàng thuận lý, nhưng kỳ thực lại là một việc rất khó khăn. Khi Bá Dĩ nghe tin Văn Chủng đến cầu hòa, ông ta đã hành động rất kiêu ngạo, triệu Văn Chủng vào đại doanh. Sau khi ông ta cầm lấy danh sách quà tặng đọc xong, câu đầu tiên hỏi Văn Chủng: "Nước Ngô ta, sẽ sớm tiêu diệt nước Việt. Khi đó, tất cả bảo vật của nước Việt sẽ là của chúng ta. Làm sao ngươi có thể mang chút ít lễ mọn như vậy để mua chuộc ta là sao?”

Xin lưu ý rằng ông ta không nói rằng không thể cầu hòa, mà nói là lễ vật quá nhỏ. Nếu là người bình thường, có thể họ sẽ nghĩ: Ồ, quà nhẹ quá, thêm chút nữa đi.

Nhưng Văn Chủng không thế, ông rất giỏi hùng biện, ông nói, tuy nước Việt bại trận, chỉ còn lại 5.000 người, nhưng 5.000 người này là những chiến binh cảm tử, dám chiến đấu, nếu không thắng, nước Việt sẽ đốt hết lương thực trong kho của họ, nhấn chìm hết vàng bạc xuống sông, sẽ không để lại cho nước Ngô một xu, vua Việt sẽ trốn sang nước khác, giống như Sở Chiêu Vương, và sẽ khôi phục đất nước của mình trong tương lai.

Đây là một mối đe dọa rõ ràng.

Nghĩa thứ hai, Văn Chủng còn nói rằng, nếu nước Việt đầu hàng nước Ngô thì toàn bộ kho báu trong kho sẽ thuộc về vua Ngô, và vua Ngô sẽ chỉ ban một chút quà nhỏ cho ngài; nhưng nếu ngài có thể chủ trì cuộc đàm phán cầu hòa, thì nước Việt coi như đã đầu hàng nước Ngô, nhưng thực tế là đã đầu hàng ngài. Bằng cách này, ngài sẽ “Độc chiếm lợi lộc của nước Việt, tướng lĩnh chẳng ai dám chia”. Mọi lợi ích của đất nước chúng tôi đều thuộc về ngài, những người khác không thể xâu xé được.

Đây là chiêu dùng lợi để dụ dỗ.

Ý thứ ba, Văn Chủng lại nói, chưa kể khi năm ngàn cảm tử quân chiến đấu, biết đâu còn có thể xảy ra chuyện gì? Lỡ như có điều gì đó không lường trước được xảy ra thì sao?

Đây là một mối đe dọa khác.

Cuối cùng, ông lấy danh sách quà tặng và nói, tám người đẹp này là những mỹ nhân đẹp nhất mà chúng tôi tìm thấy ở trong cung. Nếu còn nhiều người đẹp như thế trong dân chúng, chúng tôi cũng sẽ dâng những người đẹp đó đến phủ của ngài cho đủ số.

Thêm một tầng mua chuộc nữa.

Vì vậy, bạn sẽ thấy đầu tiên Văn Chủng đe dọa, sau đó là mua chuộc, sau đó lại đe dọa, rồi lại dẫn dụ, tiết tấu được kiểm soát rất nhịp nhàng. Những gì ông nói khiến Bá Dĩ vê râu cười lớn, rồi giữ Văn Chủng ở lại đại doanh vào đêm hôm đó, rồi nói sáng mai sẽ dẫn Văn Chủng gặp Ngô vương cầu hòa.

Cho nên Văn Chủng đầu tiên đã đánh bại Bá Dĩ, nhưng Bá Dĩ cũng rất khó thuyết phục Ngô Vương, bởi vì Phù Sai đã lập lời thề trước sân đình. Trong ba năm, người ta ngày ngày đều hỏi, ngươi có quên Việt vương Câu Tiễn giết cha không?

Phù Sai đã trả lời không dưới một ngàn lần trong nước mắt: "Dạ, không dám quên!".

Vậy làm sao Bá Dĩ có thể thuyết phục vua Ngô?

Bá Dĩ thuyết Phù Sai chấp thuận

Bá Dĩ đưa Văn Chủng đến gặp Phù Sai vào ngày hôm sau. Phù Sai hỏi Bá Dĩ: "Quả nhân có mối thù không đội trời chung với nước Việt, sao có thể đáp ứng lời cầu hòa của chúng?"

Bá Dĩ đầu tiên trấn an vua Ngô. Ông ta nói vua Việt đã chịu nhục đủ rồi, hứa sang nước ta làm nô bộc, đưa vợ sang nước Ngô làm tỳ thiếp, tức là “vua sang Ngô làm bề tôi, vương hậu sang Ngô làm tỳ thiếp", giết hắn chẳng qua chỉ là việc máu chảy đầu rơi, đối với họ như vậy là đã nhục nhã lắm rồi, mà điều họ muốn cũng chỉ là duy trì dòng dõi, tức là giữ mạng họ và có chỗ thờ cúng mà thôi.

Bá Dĩ dụ dỗ vua Ngô: “Chấp nhận Việt đầu hàng, thu lợi lớn. Tha tội cho Việt sẽ thể hiện danh tiếng của ta, được cả danh và lợi, nước Ngô có thể xưng bá thiên hạ”.

Bá Dĩ cố ý nói dọa nếu chúng ta cố tình đánh Việt thì “Câu Tiễn sẽ đốt tông miếu, giết vợ con, dìm vàng ngọc xuống sông, dẫn 5 ngàn quân quyết tử với nước Ngô, thuộc hạ bên nhà vua sẽ không bị tổn hại gì sao?”

Cuối cùng, Bá Dĩ thuyết phục vua nước Ngô rằng: Thay vì giết Câu Tiễn, tại sao không để hắn sống mà lấy hết lợi lộc của nước họ? Hành hình pháp giết hắn, chi bằng tha cho hắn để lấy tiếng là người có nhân từ.

Bá Dĩ thuyết Phù Sai chấp thuận cho vua Việt cầu hòa. (Tranh Winnie Wang)

Kết quả là vua Phù Sai đã bị Bá Dĩ thuyết phục, ông hỏi sứ giả của vua Việt ở đâu. Văn Chủng được đưa tới gặp, Phù Sai hỏi Văn Chủng : “Vua nước Việt có thể đến nước ta làm nô bộc không? Vợ ông ta có thể đến không?"

Văn Chủng đáp: Có.

Đúng lúc Phù Sai chuẩn bị đồng ý hòa nghị thì Ngũ Tử Tư đến. Khi ông nghe tin Văn Chủng đến cầu hòa, lo rằng Phù Sai có thể đồng ý, nên vội vàng tới gặp Phù Sai, và nói rằng chớ có đồng ý hòa nghị. Ông cho rằng Ngô và Việt không thể cùng tồn tại, Việt thôn tính Ngô, hoặc Ngô thôn tính Việt. Bởi vì nước Ngô đánh nước Việt, nên ta có xe của họ mà cưỡi, chúng ta có thuyền của họ để đi. Nếu nước Ngô tha thứ cho nước Việt, đó sẽ là mối đe dọa lớn cho nước Ngô trong tương lai, nước Ngô có nguy cơ bị thôn tính. Đây là điều dễ thấy.

Tiếp đó, Ngũ Tử Tư xúc động, hỏi Phù Sai, nếu bây giờ ngài tha thứ cho nước Việt, ngài sẽ đối mặt với lời thề trước sân ba năm khi xưa như thế nào?

Khi đó Phù Sai trong lòng đã muốn cho hòa, đồng ý với Văn Chủng, nhưng lại không biết trả lời câu hỏi của Ngũ Tử Tư ra sao nên đưa mắt nhìn Bá Dĩ.

Bá Dĩ nhảy ra nói: "Tướng quốc sai rồi".

Ngũ Tử Tư, ông đã sai. Theo những gì ông nói, điều kiện quốc gia của Ngô và Việt là tương tự nhau, nhưng hãy nhìn các nước Tần, Tấn, Lỗ, Vệ những quốc gia này đều là đất liền. Chẳng lẽ những quốc gia này sẽ không thể bao dung lẫn nhau mà cuối cùng hợp nhất thành một quốc gia?

Thứ hai, nếu mối thù của tiên vương chúng ta lớn, thì cũng không lớn bằng sự hận thù của thừa tướng đối với nước Sở, tuy nhiên ngài đã cho Sở Chiêu Vương phục quốc, nhưng chỉ yêu cầu Mị Thắng quay về làm chức nhỏ Bạch Công.

Bây giờ vợ chồng Việt Vương sắp sang nước Ngô làm nô, làm thiếp. Tại sao ngài lại làm việc cao thượng, đáp ứng Sở Chiêu Vương khôi phục quốc gia, nhưng lại yêu cầu vua ta giết Việt vương để mang tiếng hẹp hòi tàn bạo? Các bậc trung thần sẽ không làm những việc như vậy.

Ngũ Tử Tư lúc đó rất tức giận.

Câu trả lời của Bá Dĩ thực sự không có đạo lý, bởi vì tình huống là khác nhau. Ngũ Tử Tư cho phép Sở Chiêu Vương phục quốc vì ba lý do. Thứ nhất, nước Sở không thể chiếm được. Thứ hai, đánh không thắng được. Thứ ba, trong nước có nội loạn.

“Không thể chiếm được” có nghĩa là nước Ngô nhỏ bé không thể chiếm đóng nước Sở rộng lớn vào thời điểm đó. Thứ hai, cuộc chiến không thể phân thắng bại vì lúc đó Tần và Sở liên minh, nước Ngô hoàn toàn không thể thắng. Thứ ba, Phù Khái nổi loạn trong nước, cho nên Hạp Lư đành phải từ bỏ Sở trở về Ngô, chứ không phải vì Ngũ Tử Tư rộng lượng muốn tha thứ cho Sở và khôi phục lại ngai vàng cho Sở Chiêu Vương, không phải chuyện như vậy.

Nhưng khi Bá Dĩ làm loạn như vậy, Ngũ Tử Tư rất tức giận.

Cuối cùng Bá Dĩ nói một câu châm chích: "Thừa tướng tự mình làm ra một việc trung hậu, nhưng lại muốn quốc vương nay bị tiếng là khắc bạc, bậc trung thần đâu có hành xử như vậy.”

Vừa nghe lời này, Ngũ Tử Tư tức giận tái mặt, hầm hầm bỏ đi.

Lời nói của Bá Dĩ không chỉ khiến Ngũ Tử Tư tức giận bỏ đi mà còn củng cố quyết tâm nghị hòa của Ngô Vương. Vì tha thứ cho Việt là biểu hiện của sự rộng lượng trung hậu, nếu không tha thứ cho Việt thì chẳng phải sẽ bị mang tiếng khắc bạc sao? Vì vậy Phù Sai đã đồng ý nghị hòa của vua Việt.

Sau khi Ngũ Tử Tư rời khỏi đại trướng, gặp quan Đại phu Tôn Hùng, ông đã nói một câu: “Nước Việt mười năm gom sức, mười năm hun đúc, hai mươi năm nữa, cung Ngô sẽ trở thành đầm lầy”.

Khi ông nói lời này thì đó là năm 494 TCN, mọi người hãy nhớ năm này và xem 20 năm sau chuyện gì đã xảy ra.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 7 - Ở nhà đá chăn ngựa (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ở nhà đá chăn ngựa (2): Câu Tiễn phái Văn Chủng cầu hòa, Bá Dĩ thuyết Phù Sai chấp thuận