Ở nhà đá chăn ngựa (3): Câu Tiễn nếm mật nằm gai

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Trích thuật: Văn Chủng đã giành được sự ủng hộ của Bá Dĩ bằng tài hùng biện của mình, vừa đe dọa vừa dụ dỗ. Bá Dĩ đã sử dụng lập luận lòng vòng để thuyết phục Phù Sai đồng ý với lời cầu hòa của nước Việt. Lần tranh luận này giữa Bá Dĩ và Ngũ Tử Tư đã tạo ra rạn nứt trong quan hệ giữa Ngũ Tử Tư và Phù Sai. Nó không chỉ khởi đầu cho sự nghi kỵ của vua Ngô đối với Tử Tư, mà còn đào hố cho sự sụp đổ của nhà Ngô. Mặc dù vua Ngô đồng ý cho hòa, nhưng vua Việt phải đưa vợ con đến nước Ngô để bắt đầu cuộc sống nô lệ nhục nhã. Câu Tiễn làm thế nào để sống sót qua những năm tháng khó khăn này và cuối cùng trở về nước Việt?)

Vua Việt cùng vợ và đại thần sang Ngô làm nô lệ

Việt vương Câu Tiễn bây giờ không còn lựa chọn nào khác, ông trở về Việt để thu gom tiền vàng, sau đó sang Ngô làm nô lệ. Việc Câu Tiễn đến Ngô làm nô lệ được ghi chép rất mơ hồ trong ‘Sử ký’, nhưng được ghi lại rõ ràng hơn trong ‘Quốc ngữ’. ‘Quốc ngữ’ được Tả Khâu Minh viết, ghi chép là "Câu Tiễn ra lệnh cho Văn Chủng ở lại giữ nước, rồi cùng Phạm Lãi sang hầu hạ cung Ngô. Ba năm sau, người Ngô cho về."

Phù Sai lột hoàng bào của Câu Tiễn, đày Câu Tiễn và vợ, cùng với Phạm Lãi vào một căn nhà bằng đá. Thạch thất nằm ở phía trước mộ của Hạp Lư, điều đó có nghĩa là Câu Tiễn là người trông coi mộ phần, đồng thời phải nuôi ngựa. Mỗi lần Ngô vương xuất hành, Câu Tiễn đều cầm roi đứng trước xe của Phù Sai. Người nước Ngô sẽ chỉ tay nói: Nhìn kìa, người cầm roi ngựa chính là Việt Vương Câu Tiễn. Câu Tiễn chỉ cúi đầu không nói một lời. Vua Ngô không biết liệu vua Việt có còn quyết tâm báo thù cho nỗi nhục của mình hay không, nên thường cử người đến xem Việt vương đang làm gì.

Vua Việt mỗi buổi sáng thức dậy, chải đầu kiểu tiều phu, ngồi trong sân bắt đầu băm cỏ ngựa; vợ ông xách nước quét sân dọn phân ngựa; Phạm Lãi mỗi sáng ra ngoài chặt củi rồi trở về nấu ăn cho họ. Ba người này ngày ngày làm việc từ sáng đến tối mà không nói năng gì, nửa đêm cũng không nghe thấy một tiếng thở dài nào từ họ.

Vua Ngô Phù Sai cho rằng vua Việt không còn ý đồ phục thù, và ý chí đã bị hao mòn nhiều, nên không thèm để ý đến.

Câu Tiễn năm ấy mới 21 tuổi. Trên thực tế, nếu nhìn lại lịch sử nước Ngô và nước Việt, chúng ta sẽ thấy Câu Tiễn không làm gì tổn hại đến nước Ngô. Đúng vậy, cố vương Hạp Lư đã chết, nhưng là do Hạp Lư tấn công Việt trước, lợi dụng tang lễ của vua Việt để tấn công. Nước Việt ở thế phòng vệ và là phòng thủ chính đáng, đồng thời trong chiến tranh thì đao kiếm vô tình, mà người giết Hạp Lư không phải là Câu Tiễn, mà là tướng quân Linh Cô Phù, cho nên từ góc độ này, Câu Tiễn không làm gì lên tội.

Trong tình huống này, còn phải làm nô lệ cho nước Ngô, làm chuyện hèn hạ như vậy, bị người khác sỉ nhục, người bình thường sẽ rất bất bình trong tâm, trừ phi vô tâm như Lưu Thiện ‘lạc bất tư thục’ (vui chơi quên nước Thục). Nhưng thử để Lưu Thiện phải chăn ngựa xem, xem ông ta có nhớ Thục không. Dưới tình cảnh ấy, Câu Tiễn không có chút nào biểu hiện cừu hận, nửa đêm đi ngủ cũng không nghe được tiếng thở dài. Vì vậy, nội tâm của người này vô cùng sâu sắc.

Việt Vương ở trong nhà đá nước Ngô ba năm chăn ngựa, cuối cùng làm sao trở về?

Không có ghi chép nào trong chính sử, rất mơ hồ. Tuy nhiên, nó được ghi lại trong “ Đông Chu liệt quốc chí" và "Ngô Việt Xuân Thu". Vua Câu Tiễn đã làm một điều rất kinh tởm và hèn hạ, khiến vua Ngô Phù Sai ngay lập tức cảm động. Phù Sai có chút lòng nhân của đàn bà, nên quyết định thả Câu Tiễn về nước Việt sau ba năm làm nô lệ.

(Chú thích: Sau khi thua trận, Câu Tiễn đã đưa vợ và quan đại phu Phạm Lãi đến Ngô làm nô lệ. Ông đã cố gắng hết sức để che đậy sự thù hận của mình, và giả vờ buông xuôi tất cả. Nhưng Ngũ Tử Tư đã nhìn thấu Câu Tiễn, đã nói với Phù Sai: "Con hổ hung dữ ta có thể đâm nó, con báo nhanh ta có thể bắt nó. Câu Tiễn tâm như hổ báo nhưng bề ngoài lại cung kính sợ sệt, hắn cúi mình nếm phân của đại vương nhưng thực chất là đang ăn tim của đại vương đó.”

Một người như vậy được trở về nước, sự an toàn của nước Ngô giống như đặt quả trứng dưới tảng đá ngàn cân, có thể mong đợi quả trứng này được bảo tồn sao?

Nhưng cuối cùng, Ngô vương Phù Sai vẫn thả Câu Tiễn. Năm đó là năm 491 TCN.

Nếm mật nằm gai

Năm 491 TCN, Câu Tiễn trở lại nước Việt, vì nghĩ đến nỗi nhục Cối Kê nên đã cho xây một thành lớn ở đó. Người chủ trì xây dựng lúc đó là Phạm Lãi. Câu Tiễn dời đô từ Chư Kỵ (nay gần Hàng Châu và Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang) đến Thiệu Hưng, tức là Cối Kê.

Bởi vì Câu Tiễn năm đó đánh trận, rất nhiều binh lính trẻ đã chết trong trận chiến, vì vậy Câu Tiễn đã áp dụng chiến lược phục hồi nội lực. Chẳng hạn, ra quy định nếu chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ quá lớn thì không được kết hôn, để có thể sinh thêm con càng nhiều càng tốt, có thêm nhiều chiến binh đủ sức chiến đấu.

Đồng thời, mỗi khi bận rộn việc đồng áng, ông lại đích thân mang nông cụ đến làm ruộng cùng dân, vợ ông tự tay dệt vải để may quần áo cho mình. Câu Tiễn “Thực bất trọng nhục, y bất trọng thái” - không chú ý đến thịt trong đồ ăn, không chú ý đến việc lựa chọn quần áo, khi ăn không ăn hai loại rau và không mặc quá hai màu quần áo.

Để không quên nỗi nhục Cối Kê, Câu Tiễn đã không kê giường đệm, ‘lụy tân nhi ngọa’ (nằm trong ổ gai) tức là ngủ trong đống cỏ khô. Một chiếc túi mật khô được treo phía trên giường và dùng lưỡi nếm vị đắng hàng ngày để biểu hiện không quên nỗi nhục khi ở nhà đá nuôi ngựa khi xưa. Điều này để lại một câu thành ngữ rất nổi tiếng “ngọa tân thường đảm” - nếm mật nằm gai.

Câu Tiễn nếm mật nằm gai. (Tranh: sohu)

Câu Tiễn bảy năm không tăng thuế, nhưng sứ thần đến cống cho Ngô không tháng nào không đi, gửi rất nhiều tiền bạc và nhiều đồ tốt cho Ngô vương.

Tại sao vậy? Để tránh bị Ngô Vương nghi ngờ.

Đại phu Văn Chủng đưa kế sách "Bảy kế tiêu diệt Ngô" cho Câu Tiễn. Bảy chiến lược này bao gồm: “Cống tiền bạc để làm hài lòng vua Ngô và các quan đại thần; mua lương thực để tiêu hao tích lũy; cung tiến các mỹ nhân để làm mê tâm trí vua Ngô; cử những thợ thủ công lành nghề và vật liệu tốt để xây dựng cung điện, nhằm khánh kiệt của cải; để lại những kẻ xu nịnh, nhằm loạn mưu lược; buộc trung thần tự sát, làm suy yếu chỗ dựa; tích lũy của cải và huấn luyện quân đội để nhằm vào chỗ yếu của chúng".

Đại để là trước tiên phải yêu cầu vua Ngô xây dựng. Chúng ta biết rằng trong “Lễ ký - Đại Học” có câu “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn” (tạm dịch: giàu thì làm nhà đẹp, người có đức thân thể tươi nhuận, lòng rộng mở thì thân thể thư thái). Lẽ thường là như vậy, có tiền thì sửa sang, xây nhà to. Vì thế lúc này thế lực quốc gia của nước Ngô đang ở đỉnh cao. Vì vậy, vua Việt muốn vua Ngô có thể xây cất một cung điện nguy nga.

Vua Việt cho tìm trên núi để xem cây nào cao nhất, loại gỗ nào tốt nhất, cuối cùng tìm được một cây lớn cao 50 tầm (80 mét), sau khi chặt xuống, chọn thợ giỏi khéo léo để khắc vẽ lên đó các loại tranh đẹp. Vì gỗ quá lớn không thể vận chuyển trên đất liền nên được vận chuyển bằng đường thủy thả trôi kéo đến kinh đô nước Ngô.

Phù Sai rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cây gỗ cực lớn, một khúc gỗ lớn như vậy có thể xây dựng được một cung điện rất cao. Phù Sai ban đầu muốn xây dựng một cung điện vừa vừa, sau khi gỗ về, ông lập tức tăng quy mô của dự án trước đó lên nhiều lần, kết quả là nhiều người Ngô đã kiệt sức mà chết, nước Ngô cũng tiêu tốn rất nhiều tiền.

Khi Phù Sai đang xây dựng cung điện, Văn Chủng nói với Câu Tiễn rằng, một khi cung điện được xây xong, vua Ngô nhất định muốn có những mỹ nhân xinh đẹp nhảy múa ca hát, vì vậy cần nhanh chóng đi tìm tuyển mỹ nữ trong khi cung điện chưa hoàn thành.

Kết quả là Câu Tiễn tìm được mỹ nhân ở quê hương mình, một người tên là Tây Thi người kia là Trịnh Đán. Sau khi tìm được họ, ông không gửi hai người đẹp đến cho Phù Sai ngay, mà tìm thầy giỏi để dạy họ thêu thùa ca múa, dạy lễ nghi, trau dồi kỹ năng cho họ. Ba năm sau, khi mọi kỹ năng của họ đã thuần thục thì cung điện ở bên Ngô cũng vừa xây xong. Câu Tiễn đã dâng hai mỹ nữ này đến trước mặt Phù Sai.

Khi Phù Sai nhìn thấy hai người đẹp này, mê mẩn thân tâm, cứ ngỡ gặp Tiên nữ giáng trần. Khi đó, Ngũ Tử Tư can rằng, Hạ Kiệt chết vì Muội Hỷ, Thương Trụ vương cũng vì Đát Kỷ mà bại vong, Tây Chu tan nát vì Bao Tự. Ý ông muốn nói mỹ nhân là cái họa của quốc gia, không thể lưu giữ hai người đẹp đó. Kết quả là Phù Sai không những không chịu nghe lời mà càng ngày càng chán ghét Ngũ Tử Tư. Vua Ngô cảm thấy Tử Tư thường phản đối, ngay cả việc xây dựng cung điện, Ngũ Tử Tư cũng ngăn cản.

Lúc này Phù Sai đã xây cung điện, nạp Tây Thi và tiêu tốn rất nhiều tiền. Trong sử sách không thấy cụ thể Tây Thi đã làm gì, ước chừng Phù Sai rất thích nàng, ngày ngày cùng nàng rong chơi trong đàn sáo hát ca, bỏ bê quốc sự.

Văn Chủng nói với Câu Tiễn rằng, chúng ta nên thực hiện bước tiếp theo, đó là tìm cách làm cho gạo của Ngô trở nên đắt hơn. Bởi vì lúc đó Trung Quốc là một nước nông nghiệp, nên một khi gạo trở nên đắt đỏ thì người dân sẽ trở nên bần cùng.

Năm đó, mùa màng ở Việt không được tốt nên Văn Chủng đến Ngô cầu xin Phù Sai phân bổ một phần gạo trong kho để cứu đói dân Việt. Ngũ Tử Tư lại bước ra can ngăn. Ông ấy nói rằng: Không được giúp đỡ nước Việt vì nước Việt là kẻ thù. Một khi chúng ta tài trợ cho họ, và họ trở nên giàu còn chúng ta trở nên nghèo, liệu chúng ta có gặp nguy hiểm không?

Phù Sai nói: Làm sao một người hiếu thuận như Việt Vương lại có thể tạo phản? Dân Việt cũng là người nước Ngô, khi dân Việt giàu có, họ sẽ có nhiều tiền hơn và có thể cống nạp cho ta.

Vì vậy, việc cứu trợ người đói vẫn cần phải được thực hiện. Thế là Phù Sai đã lấy ra một lượng lớn gạo từ kho để cứu trợ cho Việt.

Kết quả là vào năm thứ hai, nước Ngô gặp nạn đói lớn, trong khi nước Việt bội thu. Vua Ngô sai người đến gặp vua Việt và nói: “Năm ngoái ta cho ngươi mượn rất nhiều gạo, năm nay ngươi có thể trả lại cho ta được không? Bởi vì nước Ngô cũng bị thiên tai”.

Vua Việt bàn bạc với thuộc hạ về việc có nên trả lại hay không. Nếu trả lại, chẳng phải năm ngoái đã mượn một cách vô ích sao? Nếu chúng ta không trả lại thì chúng đến đánh thì sao?

Văn Chủng nói sẽ trả lại, nhưng trước khi trả lại phải chọn những hạt mẩy nhất rồi ngâm vào nước sôi, thóc như vậy một khi được gửi đến nước Ngô, khi nước Ngô thấy hạt to mẩy, chắc là hạt giống tốt. Họ sẽ dùng làm hạt giống gieo trồng. Vì đã ngâm vào nước sôi nên không nảy mầm được, điều này sẽ khiến nước Ngô càng đói hơn.

Như vậy các bạn thấy rằng Văn Chủng rất nham hiểm, việc ông ta làm là một hình thức chiến tranh không giới hạn, không có giới tuyến về đạo đức, điều đó có nghĩa là dân thường và những người không tham chiến cũng phải chịu đựng nạn đói như vậy. Năm đó là năm 484 TCN.

Vào thời điểm này, nước Việt bắt đầu tìm kiếm những bậc thầy võ thuật để huấn luyện binh lính. Lúc đó họ tìm được hai người, một người tên là Xử Nữ, người còn lại tên là Trần Âm. Một người rất giỏi kiếm thuật, còn người kia rất giỏi bắn cung, và bắt đầu dạy kiếm thuật và bắn cung cho binh lính.

Tin tức lan truyền đến nước Ngô. Ngay khi Phù Sai nghe tin vua Việt bắt đầu huấn luyện quân đội kỹ lưỡng, ông cảm thấy bị đe dọa. Ông muốn nhân lúc thực lực quân sự của nước Việt vẫn chưa được củng cố hoàn toàn, xuất quân tiêu diệt nước Việt trước và giải quyết mối lo.

Đúng lúc nước Ngô chuẩn bị xuất quân thì có đệ tử của Khổng Tử đến nước Ngô, và ngăn chặn việc này, vậy người đó là ai? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo "Ngô Việt tranh bá".

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 7 - Ở nhà đá chăn ngựa (3)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ở nhà đá chăn ngựa (3): Câu Tiễn nếm mật nằm gai