Ông nội làm việc thiện, cháu trai đỗ Trạng nguyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liễu Nhược Khiêm hành thiện không cầu hồi báo, đã nhường một đường cày, cuối cùng lại “nhường” ra một Trạng nguyên cho dòng họ Liễu. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Cổ nhân có câu: “Mệnh lý hữu thời chung tu hữu, mệnh lý vô thời mạc cưỡng cầu”, nghĩa là: trong mệnh có thì cuối cùng ắt có, trong mệnh không thì chẳng thể cưỡng cầu.

Bởi vì “Thiên lệnh chi vị mệnh”, lệnh của Trời được gọi là “mệnh”, nên có ý kiến cho rằng vận số của con người là do Thiên định. Còn bạn, bạn sẽ tin rằng mệnh vận của mình nằm trong tay Ông Trời, hay là do bản thân nắm giữ? Sau khi nghe câu chuyện dưới đây, có lẽ bạn sẽ tìm ra được đáp án cho riêng mình.

Chuyện kể rằng, vào những năm Càn Long thời nhà Thanh, ở Dương Châu có một lão phú hộ tên là Liễu Nhược Khiêm. Liễu lão gia là người trung hậu, khiêm nhường, ôn hòa, hiền hậu. Ông thường hay làm việc thiện, lại hào phóng bố thí cho những ai có hoàn cảnh nghèo khó. Trong bán kính mấy chục dặm quanh vùng có rất nhiều người từng được Liễu Nhược Khiêm trợ giúp. Vậy nên dân chúng địa phương ai cũng gọi ông là “Liễu lão thái gia”, cũng có người tôn kính gọi ông là Liễu Thiện Nhân.

Liễu lão gia có một người cháu trai tên là Liễu Kính Đình. Kính Đình vốn con nhà gia giáo, lại thuộc dòng dõi thi thư, đã đọc thông các loại kinh thư điển tịch, lại có tài văn chương xuất chúng hơn người.

Vào năm 19 tuổi, Kính Đình vâng lời cha, dẫn theo thư đồng lên kinh ứng thí, hy vọng sẽ sớm ngày ghi danh trên bảng vàng, trở về vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ, tổ tiên.

Ngoài núi còn có núi, ngoài trời còn có trời

Liễu Kính Đình cùng với thư đồng, hai người ngày đi đêm nghỉ, mãi rồi cũng đến một nơi cách kinh thành hơn ba trăm dặm. Thấy trời đã muộn, họ liền tìm đến chùa Phương Văn ở gần đó, xin phép vị hòa thượng trụ trì cho tá túc một đêm.

Đêm ấy Kính Đình nằm trên giường trằn trọc mãi không sao ngủ được. Đột nhiên anh nghe thấy bên ngoài cửa sổ vang lên tiếng sáo du dương trầm bổng. Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng sáo vi vu trong gió thật khiến lòng người rung động. Kính Đình cảm thấy hiếu kỳ, liền choàng vội chiếc áo rồi bước ra khỏi phòng, tìm về phía phát ra tiếng nhạc.

Bầu trời đêm thăm thẳm, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng sân chùa. Liễu Kính Đình lần theo tiếng sáo, thấy cuối sân dáng trúc la đà, thấp thoáng sau cành trúc là một chàng thư sinh trẻ tuổi, mặc áo trắng, quàng khăn tuyết, đang ngồi xếp bằng cạnh chiếc lư hương. Chàng thư sinh cầm trên tay chiếc sáo ngọc, cất lên tiếng nhạc du dương dìu dặt, bóng chàng dưới ánh trăng trông thật ung dung, tiêu sái.

Liễu Kính Đình vốn tinh thông âm luật nên cứ lặng yên đứng đó lắng nghe say sưa. Khúc nhạc ấy lúc thì lãng đãng như mây trôi trăng lặn, khi lại hữu tình như nước chảy chốn non cao. Kính Đình như say như mê, nghe đến mức tâm hồn cũng hòa tan vào bản nhạc, nghe đến chỗ tuyệt diệu thì bất giác mở miệng khen một câu: “Thật tuyệt vời, thật tuyệt vời, nghe như thiên âm từ cõi trời vậy!”

Không ngờ câu nói ấy lại làm kinh động đến chàng trai trẻ kia. Vị thư sinh áo trắng ngừng thổi, ngẩng đầu lên nhìn thấy Liễu Kính Đình thì vội vàng đứng dậy hành lễ.

Liễu Kính Đình đáp lễ và hỏi: “Hôm nay tiểu đệ có vinh hạnh được nghe tiếng sáo của huynh đài, trong lòng vô cùng ngưỡng mộ. Xin hỏi quý danh của huynh đài là gì?”

Chàng thư sinh áo trắng thấy Liễu Kính Đình cũng là bậc nam tử khôi ngô, khí độ phi phàm, trong tâm liền khởi lên lòng kính trọng. Chàng cao giọng đáp: “Huynh đài quá khen rồi, tiểu đệ tên là Tần Khởi Vân, đến từ vùng Giang Tô - Chiết Giang. Tiểu đệ đang trên đường lên kinh ứng thí, hôm nay tạm tá túc qua đêm ở đây, sáng mai lại vội vã lên đường. Vì thấy trăng sáng trên trời nên nhất thời nổi hứng thổi khúc tiêu dao, chứ thực chẳng có tài cán gì. Huynh đài nếu không cười chê thì xin mời qua đây hai ta cùng đàm luận”.

Liễu Kính Đình bèn ngồi xuống bên cạnh Tần Khởi Vân, cùng đàm luận về thi ca âm luật. Hai người vừa gặp đã cảm thấy quen thân, càng nói chuyện lại càng hợp ý, càng đàm luận lại càng thêm cao hứng. Họ bèn kết bạn cùng nhau lên đường, vào kinh ứng thí.

Trên đường, hai người cùng trao đổi sở học văn tài, đàm cổ luận kim, khi thì thảo luận về học vấn, lúc lại thổ lộ về khát vọng và hoài bão tương lai. Liễu Kính Đình cảm thấy Tần Khởi Vân có học vấn xuất sắc, vượt trội hơn hẳn chút tài mọn của mình.

Vốn dĩ Kính Đình lên kinh dự thi vì ôm ấp giấc mộng Trạng nguyên. Nhưng lần này gặp Tần Khởi Vân, cảm thấy tri thức của bản thân vẫn còn quá nông cạn, sao có thể bì được với tài hoa của Khởi Vân? Thực đúng là: “Núi cao còn có núi cao, người tài còn có người tài hơn ta”. Xem ra, Khởi Vân hoàn toàn xứng đáng với vị trí Trạng nguyên lần này.

Đến kinh thành, đôi bạn nghỉ chân ở quán trọ Phùng Xuân, chuẩn bị tâm thái sẵn sàng để vào trường thi.

Trong hội thi chốn kinh thành, mỗi thí sinh ở một căn phòng nhỏ riêng biệt, giữa các phòng không thể liên lạc với nhau, thí sinh sẽ ở trong đó cho đến khi nộp bài mới có thể ra ngoài. Lần này Liễu Kính Đình được phân vào phòng thi số 9, còn Tần Khởi Vân ở phòng số 27.

Bài thi được phân phát đến tay, Liễu Kính Đình đọc lướt qua một lượt thì cảm thấy không quá khó. Anh cầm bút lên viết, lập tức văn ý dạt dào, hồn thơ lai láng, ý tưởng tuôn ra như suối, hạ bút như có Thần trợ giúp, lời văn bay bổng như mây trôi nước chảy. Bất giác đã đến lúc trời gần tối, giám thị mang cho mỗi phòng một ngọn đèn dầu, các thí sinh lại tiếp tục thâu đêm múa bút hành văn.

Liễu Kính Đình diệu bút sinh hoa, vừa hạ bút liền say sưa viết, hành văn liền mạch lưu loát. Khi đến câu hỏi cuối cùng, Liễu Kính Đình không khỏi bối rối. Đề thi yêu cầu thí sinh phải đối lại một câu đối, tục gọi là “đối đối tử” (đối câu đối).

Vế thượng là: “Thán hắc hỏa hồng hôi tự tuyết” (than đen, lửa đỏ, tro như tuyết). Vế ra chỉ vỏn vẹn bảy chữ, cũng rất trực ngôn sáng ý, nghe qua cứ ngỡ giản đơn, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì sẽ thấy đây là vế đối kỳ lạ hiếm thấy. Trong bảy chữ đã có ba loại màu sắc, ba loại hình thái của cùng một sự vật, hoàn toàn không dễ đối lại chút nào.

Vốn dĩ, một vị quan hàn lâm trong Hàn Lâm Viện tình cờ gặp vế đối này từ mấy năm trước đó, nhưng ông nghĩ mãi vẫn không thể đối ra được vế hạ. Bởi triều đình là nơi nhân tài hội tụ, nên vị quan hàn lâm bèn đi hỏi các đại học sĩ trong triều. Nhưng nhiều năm qua vẫn không một ai có thể đối lại được vế này.

Vế thượng chỉ vỏn vẹn bảy chữ này đã làm khó tất cả các sĩ tử trong trường thi. Ngay cả Tần Khởi Vân vốn thiên tư thông tuệ thì dù đã vắt óc suy nghĩ, khổ tận tâm tư mà vẫn không nghĩ ra được. Còn Liễu Kính Đình thì trằn trọc đến tận nửa đêm, anh nghĩ đến mức đầu óc quay cuồng, cuối cùng chỉ đành thở dài cảm khái: “Học hải vô nhai” (biển học vô biên), “thư đáo dụng thì phương hận thiểu” (đọc sách đến lúc cần sử dụng thì mới hận là mình đọc còn quá ít).

Tiếng trống điểm canh ba báo hiệu đêm đã về khuya, Liễu Kính Đình tinh thần mỏi mệt, bất giác gục xuống ngủ trên bàn từ lúc nào chẳng hay.

Lão nhân trong giấc mộng

Liễu Kính Đình vừa nhắm mắt liền mơ màng thấy một lão nhân không rõ từ đâu bước đến. Vị ấy tiên phong đạo cốt, khí khái thanh cao, mắt sáng như sao, trán cao vời vợi, hẳn là một nhân sĩ có học vấn uyên bác. Lão nhân chỉ tay vào bài văn của anh và nói: “Tiểu công tử văn chương cũng khá đấy, nhưng nếu muốn được đứng đầu bảng vàng thì vẫn cần sửa lại một đôi chỗ, như vậy mới mong có hy vọng được”.

Liễu Kính Đình vội vàng chắp tay hỏi: “Tiểu tử bất tài, thỉnh xin lão tiên sinh chỉ bảo”.

Vị lão nhân bèn chỉ ra những điểm sơ suất trong bài viết, rằng chỗ này chưa đủ ý, nên bổ sung ra sao, rằng chỗ kia chưa thỏa đáng, nên sửa lại như thế nào…

Liễu Kính Đình cảm thấy quả thực là cao kiến, trong tâm vô cùng bội phục. Anh lập tức ngồi xuống cẩn thận chỉnh sửa và trau chuốt lại lời văn.

Vị lão nhân lại xem thêm lần nữa và khẽ mỉm cười: “Vế đối cuối cùng của bài thi này, liệu công tử đã nghĩ ra chưa?”

Liễu Kính Đình nói: “Đáng tiếc là học trò tài sơ học mọn, đã vắt kiệt trí óc mà vẫn chưa nghĩ ra được”.

Lão nhân nói: “Vế đối này rất tuyệt diệu, có thể nói là hiếm thấy trên đời, nhưng chưa đến mức không có câu đối lại. Xin hỏi công tử, nhà cậu có ruộng không?”

Liễu Kính Đình đáp: “Có, nhà học trò có ba trăm mẫu ruộng”.

Lão nhân lại hỏi: “Vậy mùa thu thường trồng hoa màu gì?”

Liễu Kính Đình đáp: “Thưa tiên sinh, là lúa mạch”.

Lão nhân lại nói: “Chẳng phải chính là đây sao? Công tử nghĩ xem, lúa mạch có màu gì? Vỏ trấu và bột nghiền ra có màu gì?”

Liễu Kính Đình vốn thông tuệ hơn người, nghe đến đây thì linh quang lóe sáng, anh lập tức đứng dậy, chắp tay nói với lão tiên sinh rằng: “Đa tạ ngài, học trò đã hiểu rồi ạ”.

Vị lão nhân mỉm cười quay người định rời đi. Liễu Kính Đình vội hỏi: “Dám hỏi ân sư, quý tính đại danh của tiên sinh là gì?”

Lão nhân đáp: “Lão phu tên là Lãng Y Ly”.

Liễu Kính Đình có phần bối rối: “Thưa tiên sinh, bách gia trăm họ dường như không có ai họ Lãng!”

Nhưng anh vừa ngẩng đầu lên thì đã không còn nhìn thấy bóng hình của vị lão nhân ấy nữa. Anh vội gọi với theo: “Lão tiên sinh, ngài ở đâu?”

Vừa dứt lời, Liễu Kính Đình cũng liền tỉnh dậy. Anh mở mắt ra nhìn, chỉ thấy một mình trong căn phòng nhỏ, trước mặt chỉ có giấy và bút nghiên, đâu có vị lão nhân nào? Thì ra chỉ là một giấc mộng Nam Kha! Nhưng sự việc trong mộng vẫn hiển hiện sống động ngay trước mắt, lời của lão nhân còn văng vẳng bên tai, vô cùng rõ ràng và chân thực. Liễu Kính Đình không cần suy nghĩ thêm, liền hạ bút viết...

Toàn bộ câu đối ấy như sau:

Vế thượng là: “Thán hắc hỏa hồng hôi tự tuyết” (than đen, lửa đỏ, tro như tuyết).

Vế hạ là: “Mạch hoàng phu xích diện như sương” (thóc vàng, trấu đỏ, bột như sương).

Hoàng đế hạ bút, Trời định Trạng nguyên

Ba ngày sau, quan chủ khảo Lâm Kiến Tường vào yết kiến Hoàng đế Càn Long, trình lên hoàng thượng ba bài văn xuất sắc nhất từ trường thi.

Quan chủ khảo tâu với Càn Long rằng: Trong ba thí sinh này, nếu luận về văn tài bút học thì Tần Khởi Vân đứng thứ nhất, Liễu Kính Đình đứng thứ hai. Nhưng Liễu Kính Đình lại là người duy nhất nghĩ ra được vế đối, hơn nữa câu đối cũng vô cùng xảo diệu. Quan chủ khảo không biết nên chọn ai trong hai thí sinh làm tân khoa Trạng nguyên, vậy nên đến thỉnh cầu hoàng đế định đoạt.

(Ảnh: khu vực công cộng)

Hoàng đế Càn Long nghe xong cảm thấy thật là thú vị, bèn ở lại trong Dưỡng Tâm điện đọc đi đọc lại hai bài thi này. Xét về tổng thể thì Tần Khởi Vân có phần nhỉnh hơn, hoàng đế định bụng sẽ chấm một điểm lên bài thi của Tần Khởi Vân, chọn họ Tần làm Trạng nguyên, còn Liễu Kính Đình thì phong làm bảng nhãn.

Càn Long bèn cầm bút lên. Lúc này, bài của Liễu Kính Đình đặt ở giữa, bài của Tần Khởi Vân ở phía tay trái của Càn Long. Hoàng đế cầm bút lướt qua bài văn của Liễu Kính Đình, để mắt nhìn vế đối, trong tâm không khỏi tán thán: “Vế đối thực là tuyệt diệu, giống như một cặp trời sinh vậy, quả là hoàn hảo!"

Trùng hợp làm sao, vào đúng khoảnh khắc ấy, khi ý niệm của hoàng đế vừa nổi lên thì cây bút lại nhỏ xuống một giọt chu sa, rơi ngay trên ba chữ “Liễu Kính Đình”. Hoàng đế Càn Long không khỏi giật mình kinh ngạc: “Lẽ nào là Thiên ý? Văn chương không bì được với họ Tần, nhưng tạo hóa lại ưu ái họ Liễu! Phải chăng ý Trời đã ban tặng ngôi vị Trạng nguyên cho họ Liễu?”

Vậy là, một giọt chu sa của hoàng đế đã quyết định Trạng nguyên chính là Liễu Kính Đình!

(Ảnh: soundofhope.org)

Tin tức Liễu Kính Đình đỗ Trạng nguyên truyền về Dương Châu. Họ Liễu liền giăng đèn kết hoa, quan viên địa phương và các bô lão hương thân cũng lần lượt tới chúc mừng, không khí trong nhà họ Liễu đông vui như trẩy hội.

Sau khi trở về nhà, Liễu Kính Đình bèn kể lại giấc mộng kỳ lạ trong phòng thi cho cha mẹ và ông nội nghe. Ông nội Liễu Nhược Khiêm nói: “May nhờ tổ tiên tích đức, che chở cho con cháu tử tôn. Sau này Liễu gia chúng ta lại càng phải hành thiện tích đức hơn nữa".

Tuy nhiên, không ai biết rốt cuộc lão nhân Lãng Y Ly ấy là ai, rõ ràng trong gia tộc họ Liễu không có vị tổ bối nào tên như thế, còn ông nội Liễu Nhược Khiêm cũng chưa từng quen biết vị lão nhân nào mang họ Lãng.

Nhường một đường cày, “nhường” ra Trạng nguyên

Thời gian vùn vụt trôi qua, chớp mắt đã qua một năm. Liễu Kính Đình sớm đã lên kinh thành nhận chức, còn gia nhân trong nhà họ Liễu thì bận rộn công việc ngày mùa. Như thường lệ, Liễu lão gia lại đi thăm nom ruộng điền tư gia. Nằm giữa ba trăm mẫu đất của họ Liễu có một nấm mồ, đằng sau ngôi mộ ấy là một câu chuyện cảm động.

Rất nhiều, rất nhiều năm về trước, khi ấy Liễu lão gia vẫn còn khá trẻ tuổi. Vào vụ xuân năm ấy, ông đột nhiên phát hiện trong ruộng điền nhà mình nổi lên một nấm mồ vô chủ. Không ai biết đó là mộ của nhà nào, chỉ mơ hồ đoán rằng nhà ấy gia cảnh bần hàn không thể mua được đất an táng cho người quá cố, nên mới lén chôn người chết trong khoảnh đất tư gia của nhà họ Liễu.

Lúc ấy đám gia nhân trong nhà vô cùng bất bình, họ nói với Liễu lão gia rằng: “Không được rồi, bỗng dưng lại có người chết trong đất nhà ta, đem đến biết bao là xúi quẩy. Ai mà làm ra cái việc lén lút như thế thì thật là quá quắt!”

Họ kiến nghị lão gia đi báo quan điều tra, nhất định phải tìm ra thủ phạm đứng sau việc này, di dời ngôi mộ kia ra ngay khỏi ruộng điền, nếu không thì không thể được!

Liễu lão gia không nhẫn tâm làm vậy. Ông nghĩ, nếu không phải vì quá bần cùng túng quẫn thì không ai lại lén lút chôn thân nhân của mình trong đất nhà người khác như thế. Thế là ông liền tạm gác lại mọi chuyện, đồng thời bí mật sai người đi nghe ngóng.

Thì ra trong thôn có một nhà Nho nghèo vừa mới qua đời. Ông chết mà không có chỗ an táng, tình cảnh thê lương, gia thế túng quẫn, người nhà không biết phải trông cậy vào đâu. Họ biết rằng Liễu lão gia vốn hay làm việc thiện, tính tình lại hào phóng rộng rãi, nhân ái khoan hòa, vậy nên họ mới lén lút trong đêm chôn thi thể vào ruộng nhà họ Liễu.

Liễu Nhược Khiêm biết được sự thật thì rất thương cảm, ông không nhẫn tâm trách cứ gia đình ấy. Ngược lại, ông còn lấy ra vài ngân lượng tặng cho con cháu của lão Nho sinh để họ có đồng vốn mưu sinh.

Từ đó về sau, mỗi năm vào vụ cày xuân, Liễu Nhược Khiêm lại dặn dò những người đến làm thuê rằng: Khi cày ruộng đến đoạn có ngôi mộ thì hãy tránh ra hai bên, nhường ra một đường cày để không làm tổn hại đến ngôi mộ. Năm nào cũng nhường lại một đường cày như thế, sau nhiều năm đã để lại một khoảng trống tự nhiên ở hai bên phần mộ.

Năm nay như thường lệ, người cày ruộng lại đến hỏi Liễu Nhược Khiêm: “Lão thái gia, năm nay…”

Liễu Nhược Khiêm không nghĩ ngợi nhiều, chỉ thuận miệng đáp rằng: “Nhường một đường cày!”

Lời vừa nói ra, ông đột nhiên bừng tỉnh: Vị lão nhân Lãng Y Ly (浪依離) mà cháu trai Liễu Kính Đình gặp trong giấc mộng thì ra lại chính là “Nhượng Nhất Lê” (讓一犁). Bởi vì cái tên “Lãng Y Ly” (Làng yī lí) đọc lên gần giống với ba chữ “Nhượng Nhất Lê” (Ràng yī lí), nghĩa là “nhường một đường cày”.

Liễu Nhược Khiêm vội vàng sai người chuẩn bị nến hương cùng với tế phẩm, đích thân ông đứng ra thắp hương khấu bái. Sau đó ông lại sai người lập một tấm bia đá trước mộ, trên đó viết dòng chữ: “Ân công nhượng nhất lê chi mộ” (Mộ của ân công Nhượng Nhất Lê).

Liễu Nhược Khiêm hành thiện không cầu hồi báo, đã nhường một đường cày, cuối cùng lại “nhường” ra một Trạng nguyên cho dòng họ Liễu.

Mạnh Tử nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc chi trí nhi chí giả, mệnh dã”, nghĩa là: Việc mình không có ý làm mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy.

Vận mệnh của con người là do Trời định, nhưng không phải là hoàn toàn không thể thay đổi được. Tích đức, hành thiện, làm việc tốt mà không cầu báo đáp, ấy là cách thay đổi số phận, tự mình “định đoạt” tương lai cho mình.

Người xưa có câu: “Nhất thiết phúc điền, bất ly phương thốn”, ý tứ là hết thảy ruộng phúc không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng người. “Tâm mệnh ca” cũng viết rằng: Mệnh tốt tâm cũng tốt thì phú quý mãi đến già, mệnh tốt tâm không tốt sẽ thất bại giữa đường, tâm tốt mệnh không tốt Trời đất cuối cùng cũng sẽ bảo hộ cho...

Theo Đông Phương và Tuyết Lỵ - Sound of Hope
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông nội làm việc thiện, cháu trai đỗ Trạng nguyên