Phân tích: Quan chức Trung Quốc thi nhau 'nằm thẳng', thời kỳ 'hậu Tập Cận Bình' có thể bất ngờ ập đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tập Cận Bình, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây đã đăng một bài viết trên tạp chí của đảng và nhắc lại rằng phải “quản lý đảng nghiêm ngặt”. Nhiều nhà phân tích cho rằng từ thủ tướng cho đến các quan chức cấp cơ sở đều đang lần lượt ‘nằm thẳng’ hoặc ‘được nằm thẳng’, bộ máy này ngày càng lung lay hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bất ngờ bước vào thời kỳ ‘hậu Tập Cận Bình’.

Vào ngày 15/3, ông Tập Cận Bình đã đăng một bài viết ký tên trên tạp chí Cầu thị (Qiushi) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó nhấn mạnh rằng phải “quản lý đảng nghiêm ngặt” nhưng lại đặc biệt chỉ ra rằng mục đích “không phải là kiểm soát chặt tới mức không cho làm gì, khiến mọi người cứ phải nhìn trước ngó sau, sợ bóng sợ gió, tinh thần ủ rũ”. Ông Tập nói, muốn chỉ rõ phương hướng và thiết lập các quy định để các quan chức có thể sáng dựng sự nghiệp.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Vương Trí Thịnh (Wang Zhin-Sheng), Tổng thư ký Hiệp hội Giao lưu Tinh hoa Châu Á - Thái Bình Dương (APEIA) của Đài Loan, nói rằng kết quả của việc “quản lý đảng nghiêm ngặt” là mọi người đều thể hiện lòng trung thành chính trị với ông Tập Cận Bình, nhưng trên thực tế thì nhiều quan chức địa phương lại chọn theo chủ nghĩa ‘nằm thẳng’.

Ông Vương cho rằng, giữa quản lý đảng chặt chẽ và sự hủ bại tham nhũng chỉ có một ranh giới mong manh, nếu không cẩn thận sẽ trở thành mục tiêu bị thanh trừng trong các cuộc tranh đấu; vì vậy, rất nhiều quan chức địa phương cho rằng làm nhiều thì mắc nhiều sai lầm, làm ít thì mắc ít sai lầm, vậy nên họ dứt khoát chọn cách ‘nằm thẳng’. Ông Tập đã đặc biệt chỉ ra điều này trong bài viết trên, nó cho thấy bản thân ông ta cũng nhận thức được cuộc khủng hoảng này và hy vọng có thể đảo ngược cũng như kích thích các quan chức địa phương.

Nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc - ông Quý Phong (Ji Feng) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng, nhiều bạn cùng lớp và bạn bè của ông là cán bộ cấp sở, ban ở Trung Quốc, trước đây thi thoảng họ phải chủ động xin chỉ thị từ cấp trên và báo cáo lên trên, nhưng bây giờ chỉ cần không có yêu cầu của cấp trên, họ sẽ cố gắng không làm gì cả, chỉ cần duy trì hiện trạng là được. “Rất nhiều người không sẵn sàng làm việc, có thể làm ít bao nhiêu thì làm ít bấy nhiêu".

Ông Đinh Thụ Phạm (Arthur S.Ding), Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 16/3 rằng vấn đề các quan chức nằm thẳng đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, sau khi ông Vương Kỳ Sơn - khi đó là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng - giúp ông ta chống tham nhũng. Kể từ đó đã mấy năm trôi qua, rõ ràng là các quan chức, cán bộ ngày càng nằm thẳng. Ông Tập Cận Bình có lẽ cũng nhận thức được điều này nên mới một mặt muốn quản lý chặt chẽ, mặt khác lại yêu cầu các cán bộ phải đảm đương trách nhiệm.

Tuy nhiên, Giáo sư Đinh cho rằng những lời ‘đich thân giáo huấn’ của ông Tập cũng sẽ không giúp ích gì cho tình hình và sẽ không ai thực sự để tâm. “Bởi vì tiêu chuẩn của ông ấy (Tập Cận Bình) không cụ thể, mà bộ máy quan chức về cơ bản phải có giới hạn cuối, phải có tiêu chuẩn thì họ mới có thể làm việc được. Vì vậy, tôi nghĩ các cán bộ cũng sẽ chỉ xem xét đại khái, tất nhiên trên bề mặt vẫn phải làm chiếu lệ một chút".

Về bài viết trên của ông Tập, nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong) đã đăng một bài báo trên Đài Á châu Tự do (RFA) nói rằng, hiện tượng các quan chức nằm thẳng tập thể là quả báo mà ông Tập Cận Bình đáng phải nhận. “Quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện” là gì? Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) bị tố tấn công tình dục nhà vô địch quần vợt Bành Soái (Peng Shuai), gây ra vụ bê bối chấn động quốc tế, nhưng ông này có bị trừng phạt gì không? Mọi người trong đảng đều biết, cái gọi là “quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện” có nghĩa là bắt giữ có chọn lọc và trả thù chính trị, tất cả đều dựa trên việc họ có đứng về phe Tập hay không.

Bài báo trên RFA cho rằng, các quan chức Trung Quốc ngày càng chán chường, hiện tượng nằm thẳng này là điều tất yếu của thời đại Tập Cận Bình, cũng là đặc trưng của thời đại Tập Cận Bình, đặc biệt là sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rõ ràng, bản thân ông Tập Cận Bình cũng bất lực trước tình trạng bình thường mới này trong giới quan chức.

Hồi đầu tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Mặt trận tổ quốc). Hàng loạt thay đổi đã xuất hiện: thời gian họp được rút ngắn, lễ bế mạc được rút ngắn và kết thúc vội vàng; các đại biểu và ủy viên giữ im lặng hoặc đọc theo kịch bản, không khí cuộc họp ngột ngạt nặng nề; hủy cuộc họp báo sau Lưỡng Hội của Thủ tướng, làm suy yếu hoàn toàn Quốc vụ viện (Chính phủ) và làm lu mờ vai trò của Thủ tướng bằng việc sửa đổi "Luật Tổ chức Quốc vụ viện".

Ông Trần Phá Không chỉ ra, bài viết của ông Tập Cận Bình càng làm cho tiếng xấu đồn xa, đồng thời cũng thúc đẩy các quan chức nằm thẳng hơn nữa. Vụ nổ lớn ở tỉnh Hà Bắc xảy ra sau Lưỡng Hội là một bằng chứng cho điều này. Vụ nổ lớn này khiến cả trong và ngoài nước Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm nhưng các quan chức từ trên xuống dưới đều nằm thẳng. Ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường không những không đi thị sát hiện trường mà còn không đưa ra chỉ thị hay bày tỏ quan ngại gì. Ngay cả những người được gọi là quan phụ mẫu của tỉnh Hà Bắc - bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng - cũng không thấy bóng dáng đâu sau sự cố trên.

Theo một bài bình luận đăng ngày 20/3 trên chuyên mục bình luận của RFA, việc ông Tập Cận Bình theo đuổi chế độ toàn trị sẽ đưa Trung Quốc quay trở lại thời Mao Trạch Đông hơn 40 năm trước, sẽ dẫn tới sự sụp đổ toàn diện về chính trị, kinh tế và xã hội; sự đối lập giữa chính quyền và nhân dân Trung Quốc ngày một gia tăng, chiếc nồi áp suất xã hội sẽ nổ bất cứ lúc nào; ông Tập Cận Bình đã miễn nhiệm hơn 20 đại biểu Quốc hội, gần một nửa trong số đó là quân nhân, cho thấy có sự bất bình trong quân đội với ông Tập.

Bài bình luận này cho rằng, trên mọi lĩnh vực, từ bắc tới nam ở Trung Quốc, “thiên nga đen” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và khi thời cuộc đột nhiên thay đổi, thời kỳ ‘hậu Tập Cận Bình’ có thể bất ngờ ập đến.

“Thiên nga đen” là thuật ngữ để chỉ một sự kiện rất khó đoán và bất thường, thường gây ra phản ứng tiêu cực theo dây chuyền và thậm chí gây tác động lật đổ. Nó tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, kinh doanh, kinh tế, chính trị, đời sống…

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Quan chức Trung Quốc thi nhau 'nằm thẳng', thời kỳ 'hậu Tập Cận Bình' có thể bất ngờ ập đến