Chuyên gia: Ông Tập yêu cầu đề phòng 'nằm thẳng', nhưng gốc rễ của vấn đề lại nằm ở chế độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm và làn sóng thất nghiệp lan khắp cả nước, vào ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền 1/10, tạp chí của đảng đã đăng nội dung bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước các cán bộ cấp cao vào hồi đầu năm nay. Trong đó ông đã đề cập tới việc đề phòng tình trạng “nằm thẳng”.

"Nằm thẳng", hay còn gọi là "nằm ngửa", là cụm từ mới xuất hiện trong những năm gần đây trên Internet Trung Quốc. Trong xã hội, nó đề cập đến việc ngày càng nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân chọn lối sống buông xuôi, nói Không với nỗ lực thăng tiến, mua nhà, mua xe, kết hôn và sinh con, hoặc tiêu dùng…, họ chỉ duy trì các tiêu chuẩn tối thiểu để tồn tại và từ chối trở thành cỗ máy sinh lợi hay nô lệ bị bóc lột của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Còn trong chốn quan trường, cụm từ này ám chỉ việc quan chức các cấp bỏ bê công việc, chểnh mảng chính sự.

Bài viết đăng trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ nói về việc “thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và rằng phải xử lý tốt một số “mối quan hệ lớn” và ngăn chặn “những tư tưởng xấu nảy sinh và lan rộng, ví như nằm thẳng một cách tiêu cực, v.v.".

Đây là một phần bài phát biểu của ông Tập vào ngày 7/2 khi tổ chức lớp nghiên cứu và thảo luận dành cho các ủy viên trung ương mới, ủy viên dự khuyết mới Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 và các cán bộ lãnh đạo lớn cấp tỉnh, cấp bộ. Trong đó có một số nội dung lần đầu tiên được tiết lộ. Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, việc tạp chí của đảng đăng bài viết này nhân kỷ niệm 74 năm ngày ĐCSTQ xây dựng chính quyền đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 2/10 rằng lý do bài viết trên được xuất bản vào lúc này là vì ông Tập Cận Bình đã nắm được toàn bộ quyền lực và đầy tham vọng tại Đại hội 20, nhưng ông không ngờ rằng tình hình sẽ phát triển theo hướng ngoài dự liệu của ông. Các quan chức như bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng do đích thân ông Tập lựa chọn đều đã ngã ngựa, nền kinh tế thì hỗn loạn, tình hình quốc tế lại rất bị động, việc ông Tập Cận Bình nhiều lần ẩn mình cho thấy tình hình khá nguy hiểm.

Ông Vương nói, "Trong trường hợp này, ông ấy đã nhân ngày 1/10 để bày tỏ thái độ với mọi tầng lớp xã hội và cho thấy rằng ông vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Tạp chí Cầu Thị đã phối hợp với ông ấy".

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 2/10 rằng tình hình chính trị hiện tại trong nội bộ ĐCSTQ có thể tương đối hỗn loạn, cả các quan chức cấp cao và người dân thường đều bị mắc kẹt trong tình thế khó khăn, bị động nên ông Tập Cận Bình mới phải đưa ra một số yêu cầu.

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế học Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 2/10 rằng ông Tập Cận Bình nhận thức rất rõ rằng giờ đây tình hình “nằm thẳng” đã trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Vì vậy, ông ấy muốn đặc biệt ngăn chặn sự lây lan của tư duy nằm thẳng này, nhưng gốc rễ của vấn đề lại nằm ở chính ông ấy. Muốn cởi chuông thì phải tìm người đã buộc chuông, thực ra điều ông Tập Cận Bình cần giải quyết là vấn đề tả khuynh dưới sự lãnh đạo của ông ấy chứ không phải vấn đề của toàn xã hội Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình thúc đẩy ‘thể chế mới trên toàn quốc’, phân tích cho rằng sẽ chỉ hao người tốn của

Trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình còn cho rằng cần duy trì an ninh của chuỗi công nghiệp và cung ứng, cải thiện thể chế mới trên toàn quốc, “tập hợp lực lượng để nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính chất sáng tạo, dẫn đầu, đồng thời giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ cốt lõi quan trọng".

Theo ông Tô Tử Vân, do sự tách rời dần dần trên phương diện khoa học và công nghệ giữa các nước phương Tây và Trung Quốc, nên hiện nay ông Tập Cận Bình mới phải cấp bách kêu gọi cấp dưới hành động tích cực. Nhưng "các mục tiêu và phương pháp của ông Tập Cận Bình không tương thích với nhau. Nếu hệ thống toàn trị của ĐCSTQ không thay đổi thì sẽ khó đạt được sự sáng tạo và dẫn đầu".

Ông Vương Hách cho rằng, do trước đây ĐCSTQ ở trong tình trạng cực kỳ khép kín, chính trị đi đầu, công nghiệp quân sự được ưu tiên, nên họ đã thực hiện được dự án hạt nhân và không gian mang tên “hai quả bom, một vệ tinh”, nhưng đã qua rồi thời kỳ lịch sử ấy, hiện giờ không thể làm lại điều tương tự. Ông Tập cũng biết rằng không thể áp dụng thể chế cũ vào thời điểm hiện tại nên cần phải tạo ra một bộ kết cấu mới, nhưng cho đến nay, ĐCSTQ vẫn chưa có ví dụ nào thành công rõ ràng.

Ông Vương chỉ ra: “Ông Tập Cận Bình đã thành lập một quỹ lớn vào năm 2014. Kết quả là trong 10 năm qua, chip của Trung Quốc vẫn chưa phát triển tới đâu, rất nhiều ông lớn tham gia vào ngành chip đã ngã ngựa. Về mặt công nghiệp quân sự, Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ đã mắc sai lầm lớn, bây giờ ban lãnh đạo cao nhất của lực lượng này đang bị thanh trừng. ĐCSTQ lại một lần nữa dồn lực toàn quốc vào chế tạo hàng không mẫu hạm, nhưng hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ không có khả năng chiến đấu thực tế”.

Ông Vương cho rằng ông Tập Cận Bình đang dùng phương pháp này để ra quân lệnh nhưng thể chế của ĐCSTQ vốn rất hoang đường: “Mọi người đều rất tích cực khi xin tiền [làm dự án], rồi làm ra một số thứ đồ giả để báo cáo lên trên, đều thể hiện như đang ở trình độ dẫn đầu quốc tế gì đó nhưng thực tế thì không làm được trò trống gì".

Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng phải khuyến khích các nhà khoa học, doanh nhân, giới văn nghệ sĩ và nhân tài trong các ngành khác sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là các tài năng trẻ.

Ông Lý Hằng Thanh cho rằng, các nhà khoa học và nhà doanh nghiệp hiện nay trong thể chế ở Trung Quốc đã phải trải qua học tập chính trị lâu dài, điều này đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn đổi mới và phát triển. Trong môi trường như vậy, nếu muốn thiết lập một thể chế mới trên toàn quốc và tập trung lực lượng vào những việc lớn, vậy sẽ càng dễ lãng phí nhân lực và tiền bạc, khả năng thành công lại càng nhỏ. “Nó sẽ chỉ khiến nhiều chuỗi công nghiệp hơn nữa rời khỏi Trung Quốc, tình hình việc làm của Trung Quốc sẽ ngày càng tồi tệ hơn và nền kinh tế sẽ ngày càng đi xuống”.

Ông Vương Hách cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì phải thay đổi thể chế của ĐCSTQ từ căn bản, nhưng bản thân ĐCSTQ cũng không thể làm được điều này. Ông Tập Cận Bình cũng không làm được việc này, vậy nên tất cả chỉ là lời nói suông.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Ông Tập yêu cầu đề phòng 'nằm thẳng', nhưng gốc rễ của vấn đề lại nằm ở chế độ