Sau nửa năm ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ ba, hơn 20 quan chức cấp cao liên tục 'mất tích'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ nửa năm sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử lần thứ 3, đã có hơn 20 quan chức cấp cao lần lượt “mất tích”, sự việc đang được quan tâm. Phân tích chỉ ra rằng, ông Tập đang dốc toàn lực để thanh trừng các lãnh đạo quân sự và cả thân tín. Ngoài tham nhũng, có một nguyên nhân quan trọng hơn là ông cho rằng những người này không đủ trung thành.

Tại kỳ họp Lưỡng Hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức vào tháng 3 năm nay, ông Tập Cận Bình đã chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Tuy nhiên, một bản kiểm kê cho thấy chỉ trong nửa năm, hơn 20 quan chức cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội do ông Tập Cận Bình thăng chức đã lần lượt biến mất không rõ nguyên nhân.

1. Phó lãnh đạo cấp nhà nước Tần Cương

Ông Tần Cương, Ủy viên Trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao, đã “biến mất” kể từ ngày 25/6. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị các phóng viên truyền thông phương Tây bao vây hỏi về tung tích của ông Tần, những những câu trả lệch trọng tâm của họ đã trở thành trò đùa quốc tế.

Phải đến ngày 25/7, Bắc Kinh mới chính thức thông báo miễn chức Bộ trưởng Ngoại giao của ông Tần Cương nhưng lại không đưa ra lý do nào. Ông Tần Cương bị cách chức chưa đầy sáu tháng sau khi nhậm chức, lập kỷ lục trở thành Ngoại trưởng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử ĐCSTQ.

2. Phó lãnh đạo cấp nhà nước Lý Thượng Phúc

Ông Lý Thượng Phúc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng, đã “mất tích” kể từ khi tham dự “Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - Châu Phi” tại Bắc Kinh ngày 29/8. Ông là phó quan cấp nhà nước thứ hai biến mất sau ông Tần Cương.

Cựu nhân viên truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) tiết lộ với The Epoch Times vào ngày 15/9 rằng ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt vào ngày 1/9 và có liên quan đến vấn đề tham nhũng trong việc mua sắm thiết bị quân sự. Sau đó, Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương đã bắt giữ tổng cộng 8 người, trong đó có 6 người cấp thứ trưởng và 2 người cấp cục. Tám người này đều do chính ông Lý Thượng Phúc chỉ điểm.

3. Phó quan chức cấp nhà nước Ngụy Phượng Hòa

Ngoài việc ông Lý Thượng Phúc “mất tích”, còn có tin cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cũng đã biến mất nhiều ngày. Sau khi ông Ngụy Phượng Hòa nghỉ hưu vào tháng 3 năm nay, ông chưa từng xuất hiện trước công chúng lần nào.

Truyền thông nước ngoài đưa tin, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu và những người khác đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội bắt đi để điều tra, và ông Ngụy Phượng Hòa, Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Tên lửa, cũng bị đồn là đã bị bắt đi điều tra.

Vào ngày 31/8, khi ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trả lời về tung tích của ông Ngụy Phượng Hòa, ông đã không trả lời trực tiếp mà nói: “Chúng tôi sẽ điều tra mọi vụ án và trấn áp mọi quan chức tham nhũng”; “không khoan nhượng với tham nhũng”. Các chuyên gia nhìn chung đều cho rằng tuyên bố này đã gián tiếp xác nhận tin đồn ông Ngụy Phượng Hòa bị điều tra.

Nếu Ngụy Phượng Hòa thực sự bị điều tra, ông sẽ là phó quan chức cấp nhà nước thứ ba bị điều tra trong năm nay.

4. Hai thượng tướng của Lực lượng Tên lửa

Ngày 31/7, ông Tập Cận Bình đã phong quân hàm thượng tướng cho Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Vương Hậu Bân và Chính ủy Lực lượng Tên lửa Từ Tây Thịnh tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh. Điều này cho thấy: Cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa - Thượng tướng Lý Ngọc Siêu, cùng cựu Chính ủy Lực lượng Tên lửa - Thượng tướng Từ Trung Ba đã bị cách chức. Đồng thời, nó cũng gián tiếp xác nhận tin đồn ông Lý Ngọc Siêu và ông Từ Trung Ba - những người đã mất tích vài tháng gần đây - đều đang bị điều tra.

Ông Lý Ngọc Siêu mới giữ chức Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và thăng cấp thượng tướng được 1 năm rưỡi, mới làm Ủy viên Trung ương được 9 tháng; còn ông Từ Trung Ba giữ chức Chính ủy Lực lượng Tên lửa được 3 năm và cũng mới làm Ủy viên Trung ương được 9 tháng. Việc cả hai người đều bị sa thải cùng một lúc là điều bất thường.

5. Ba trung tướng của Lực lượng Tên lửa

Hồi tháng 5, truyền thông Hong Kong tiết lộ Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa - Trung tướng Lưu Quang Bân cùng cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa - Trung tướng Trương Chấn Trung đã bị bắt vào tháng 4.

Vào ngày 25/7, trên mạng Internet xuất hiện cáo phó của Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa đã nghỉ hưu - Trung tướng Ngô Quốc Hoa. Cáo phó viết rằng ông Ngô Quốc Hoa "qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 4/7/2023 vì bệnh tật". Phải đến 20 ngày sau, phía chính quyền mới công bố về cái chết của ông Ngô, điều này làm dấy lên nghi ngờ từ ngoại giới.

Ông Trương Tiểu Dương, cấp trên cũ của ông Ngô Quốc Hoa, đăng bài viết vào ngày 23/7 tiết lộ rằng ông Ngô Quốc Hoa đã tự sát: "Vào lúc 9h tối thứ Ba, ngày 4/7/2023, ông ấy (ám chỉ Ngô Quốc Hoa) đã treo cổ tự vẫn trong nhà vệ sinh trên tầng 3 của nhà mình. Thật đáng tiếc!".

Ông Trương Tiểu Dương là con trai của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Chấn, mang quân hàm thiếu tướng. Ông còn cho hay, nội bộ quân đội lại thông báo rằng ông Ngô Quốc Hoa "chết vì bệnh tật".

6. Bốn quan chức cấp cao trong các tập đoàn công nghiệp quân sự

Vào ngày 11/9, cựu nhân viên truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện đã đăng bài trên mạng xã hội X rằng: Nhiều quan chức trong tập đoàn công nghiệp quân sự Trung Quốc đã bị bắt, trong đó có các ông Lưu Thạch Tuyền (Chủ tịch Tập đoàn Binh khí Trung Quốc), Viên Khiết (Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc), Trần Quốc Anh (Tổng Giám đốc Tập đoàn Trang bị Binh khí Trung Quốc), Đàm Thụy Tùng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc).

Ông Lưu Thạch Tuyền mới đảm nhiệm chức vụ hiện tại được một năm ba tháng; lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông Viên Khiết là vào ngày 28/6; ông Trần Quốc Anh mới đảm nhiệm chức vụ hiện tại được một năm rưỡi; còn ông Đàm Thụy Tùng đã bị miễn chức chỉ sau hơn nửa năm.

Ngành công nghiệp quân sự của ĐCSTQ là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Về các tin tức bắt giữ nói trên, chưa có kênh truyền thông nào của ĐCSTQ đứng ra bác bỏ tin đồn.

7. Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược Cự Càn Sinh

Vào ngày 27/6, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá, sĩ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, tiết lộ trên X rằng ông Lý Ngọc Siêu và những người khác đang bị điều tra, và Thượng tướng Cự Càn Sinh, chỉ huy Lực lượng Chi viện Chiến lược, cũng có liên quan.

Ông Cự Càn Sinh từng công tác lâu năm ở Bộ Trinh sát Kỹ thuật thuộc Bộ Tổng Tham mưu và giữ chức Thứ trưởng. Ông Ngô Quốc Hoa, cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa, cũng từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Trinh sát Kỹ thuật thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Do đó ngoại giới phân tích rằng có khả năng ông Cự Càn Sinh cũng dính líu đến vụ tham nhũng liên quan đến các tướng lĩnh trong Lực lượng Tên lửa.

Trong số các quan chức cấp cao của ĐCSTQ “mất tích” nêu trên, có 3 phó quan chức cấp nhà nước, 3 thượng tướng, 3 trung tướng và 4 quan chức cấp thứ trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, bên cạnh đó còn có 8 quan chức trong Bộ Phát triển Trang bị do ông Lý Thượng Phúc cung cấp tên, tổng cộng là 21 người. Có thể dự đoán ​​rằng danh sách này sẽ tiếp tục dài thêm.

Khoảng một nửa lãnh đạo trong 7 thành viên Quân ủy Trung ương ‘gặp hạn’?

Hiện tại, ông Tập Cận Bình đang nỗ lực để làm sạch quân đội, không chỉ Lực lượng Tên lửa mà Bộ Phát triển Thiết bị cũng bị thanh trừng. Ông Tập được cho là sẽ còn vung gậy sang các đơn vị quân đội khác.

Quân ủy Trung ương ĐCSTQ hiện có 7 thành viên gồm: 1 chủ tịch (ông Tập Cận Bình), 2 phó chủ tịch (ông Trương Hựu Hiệp và ông Hà Vệ Đông), 4 ủy viên (các ông Lý Thượng Phúc, Lưu Chấn Lập, Miêu Hoa, Trương Thăng Dân).

Trong số 4 ủy viên Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã bị bắt, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Lưu Chấn Lập đã vắng mặt trong một cuộc họp quân sự quan trọng vào ngày 15/9 và hiện chưa rõ tình hình. Gần đây có tin đồn rằng ông Trương Thăng Dân, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội Trung ương, cũng đã bị bắt đi điều tra, tin tức này vẫn chưa được chính thức xác nhận.

Đồng thời, ông Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cũng bỏ lỡ nhiều cuộc họp quân sự. Nói cách khác, trong Quân ủy Trung ương có 7 thành viên, ngoài ông Tập Cận Bình thì có tới 3, thậm chí 4 trong số 6 lãnh đạo quân sự đã xảy ra chuyện.

Vậy tại sao ông Tập Cận Bình lại truy sát những nhà lãnh đạo quân sự và những người thân tín này? Ông Đường Hạo (Tang Hao), một nhà truyền thông thâm niên, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng ngoài tham nhũng, có một nguyên nhân quan trọng hơn là sự lo lắng và sợ hãi liên quan đến quyền lực. Ông Tập Cận Bình cho rằng những nhà lãnh đạo quân sự này không trung thành với mình, thậm chí có thể họ đã bị ông nắm được sơ hở chứng minh là kẻ phản bội hoặc âm mưu tạo phản, nên ông ta mới phải ra tay giết chóc bất chấp thể diện và đối đầu toàn diện với các nhà lãnh đạo quân sự.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau nửa năm ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ ba, hơn 20 quan chức cấp cao liên tục 'mất tích'