Chuyên gia: Thân tín liên tục bị hạ, có phải đối thủ chính trị đang 'chơi chiêu' với ông Tập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cho rằng sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ ba, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã bị đẩy lên thành “cao cấp đen” - đây là thuật ngữ chính trị mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây ở Trung Quốc, ý chỉ việc cố ý diễn giải và thực hiện các tư tưởng, tôn chỉ, chính sách, phương châm… của lãnh đạo một cách cực đoan để đạt được mục đích đen tối. Do đó, việc ông Tập thanh trừng quân đội cũng chứng thực rằng quyền lực của ông đang gặp phải thách thức nghiêm trọng.

Tờ The Epoch TimesReuters gần đây nhận được tin từ nhiều nguồn kênh khác nhau cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã bị bắt và để lộ ra 8 quan chức cấp cao trong hệ thống trang bị của quân ủy. Trước đó còn có vụ Ngoại trưởng Tần Cương bị miễn chức; các quan chức hàng đầu của Lực lượng Tên lửa bị thay thế và được cho là đang bị điều tra; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cũng đang dính tới tin đồn.

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 17/9 rằng, việc các quan chức cấp cao ngã ngựa hàng loạt gần đây cho thấy, ông Tập Cận Bình đang bị đưa vào một tình huống “cao cấp đen”.

Theo tuyên bố chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tại Đại hội Đảng 20, đặc biệt là sau hai kỳ họp năm nay của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội), nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình đã chính thức bắt đầu và tất cả các quan chức cấp cao từ ủy viên trung ương trở lên đều do “đích thân ông Tập lựa chọn”.

Ông Tô Tử Vân chỉ ra, nhiều quan chức cấp cao trước kia của đảng, chính phủ và quân đội - những người bị ông Tập Cận Bình thanh trừng sau khi lên nắm quyền - không phải do chính ông ta đề bạt. Nhưng nhóm quan chức ngã ngựa lần này lại hoàn toàn khác.

"Hầu hết nhóm lãnh đạo cấp cao này đều bị thanh trừng sau khi nhậm chức không lâu, điều này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa chính trị của ĐCSTQ. Nếu ông Tập Cận Bình vẫn có thể nắm 100% quyền lực thì nhiều nhất cũng phải 2 năm sau những người này mới rời chức vụ vì một nguyên nhân nào đó. Việc nhậm chức chưa đầy nửa năm đã phải rời chức là một cái tát nặng nề vào mặt ông Tập Cận Bình”.

Theo ông Tô, điều này có thể chứng minh rằng hệ thống chỉ huy cấp cao trong quân đội Trung Quốc đã lỏng lẻo, đồng thời nó cũng phản ánh rằng quyền lực chính trị của ông Tập Cận Bình có thể đã gặp thách thức nghiêm trọng từ nội bộ.

Ông Tô nghi ngờ họ là lực lượng chống Tập trong đảng, họ mượn việc vạch trần tài liệu đen tối của các quan chức kia để ông Tập phải tự tát vào mặt mình. Bởi vì “đánh những người này chính là đánh Tập Cận Bình”.

Ông Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng 65 tuổi của Trung Quốc, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối tháng trước. Ông được cho là phó lãnh đạo cấp nhà nước (Ủy viên Quốc vụ) thứ hai của ĐCSTQ ngã ngựa chỉ trong vòng 3 tháng. Trước đó vào cuối tháng Bảy, sau khi biến mất một tháng, ông Tần Cương đã bị miễn chức Bộ trưởng Ngoại giao (vẫn giữ chức Ủy viên Quốc vụ) và tới nay vẫn chưa xuất hiện.

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) của Đại học Công nghệ Sydney, Úc cũng nói với The Epoch Times vào ngày 17/9 rằng, hành động tấn công ông Lý Thượng Phúc bây giờ cũng chính là đang tấn công ông Tập Cận Bình, bởi vì ông Lý do chính ông Tập đề bạt, là người của phe Tập. “Điều khiến mọi người chú ý chính là chỗ này, ông ấy (Lý Thượng Phúc) không phải là người của phe khác".

Giáo sư Phùng nói, tất nhiên ông Tập Cận Bình sẽ nói những người này không trung thành. Mặc dù những quân nhân chuyên nghiệp này đều được ông Tập Cận Bình thăng chức nhưng vì bản thân ông Tập không có nhiều mối quan hệ sâu sắc với quân đội, các quân nhân cũng lại coi thường ông nên họ sẽ có một số ý kiến bất đồng.

Ông Phùng nói rằng hiện nay có rất nhiều quan chức trong quân đội, đảng và chính phủ ĐCSTQ không còn một lòng một dạ với ông Tập Cận Bình. Nhưng chỉ cần những người dưới quyền không dám thực sự tạo phản thì ông Tập sẽ tiếp tục tại vị.

Ông Lý Thượng Phúc xuất thân từ hệ thống hàng không vũ trụ quân sự. Khi đang là sĩ quan Lực lượng Chi viện Chiến lược, ông trở thành người đầu tiên giữ chức Phó tổng chỉ huy Chương trình không gian có người lái. Ông cũng từng là cộng sự với nhiều quan chức cấp cao hiện tại của hệ thống công nghiệp quân sự, như ông Mã Hưng Thụy (Bí thư Khu ủy Tân Cương), ông Viên Gia Quân (Bí thư Thành ủy Trùng Khánh), v.v.

Ông Lý Thượng Phúc còn có gần 10 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực trang bị quân sự và trở thành Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương vào năm 2017. Ông được bầu làm Ủy viên Quân ủy Trung ương tại Đại hội 20 diễn ra vào tháng Mười năm ngoái và vào tháng Ba năm nay, ông được thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện, đồng thời kế nhiệm ông Ngụy Phượng Hòa làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Tô Tử Vân nói rằng, trên danh nghĩa, ông Tập Cận Bình muốn chống lại sự bao vây công nghệ của Mỹ, cho nên trong những năm gần đây, hệ thống công nghiệp quân sự đã được nâng cấp đặc biệt, các chức vụ quan trọng cũng rơi vào tay những quan chức khoa học công nghệ đó. Nhưng nếu các phe phái trong quân đội cạnh tranh lẫn nhau, sẽ có người báo cáo sự việc lên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội để kéo đối thủ xuống. “Việc này là do chính ĐCSTQ tự mình gây ra. Ông Trời có mắt. Tóm lại, tôi nghĩ đây là một tình huống ‘cao cấp đen’ mang tính chiến lược”.

Ông Tô nói: “Thời gian đang đứng về phía dân chủ. Hiện nay Đài Loan chỉ cần chấn chỉnh khả năng phòng thủ quốc gia cho tốt và đợi ĐCSTQ tự sụp đổ, cũng giống như Bức tường Berlin của Liên Xô”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Thân tín liên tục bị hạ, có phải đối thủ chính trị đang 'chơi chiêu' với ông Tập?