Nghiên cứu: Protein gai của COVID giúp tế bào ung thư sống sót, kháng lại hóa trị 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tiểu đơn vị protein gai dường như ức chế p53 là gen có tác dụng ngăn chặn ung thư và thúc đẩy sửa chữa DNA

Một nghiên cứu mới từ Đại học Brown cho thấy protein gai SARS-CoV-2, một trong các thành phần chính của virus COVID-19, có thể đóng vai trò trong việc thúc đẩy ung thư. Nghiên cứu này, do Tiến sĩ Wafik El-Deiry, giám đốc Trung tâm Ung thư Đại học Brown dẫn đầu, cho thấy protein gai có khả năng can thiệp vào các cơ chế chống ung thư của cơ thể, dẫn đến sự phát triển và sinh trưởng của khối u.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiếp xúc các tế bào ung thư với các phần nhỏ của protein gai. Kết quả cho thấy protein gai có thể ngăn chặn hoạt động của gen p53, một gen ức chế khối u đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển của tế bào. Việc ức chế p53 dẫn đến sự sống sót và phát triển của tế bào ung thư.

Gen này - là gen thường bị ảnh hưởng nhất bởi ung thư - ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và thúc đẩy sửa chữa DNA.

"Can thiệp vào gen p53 thúc đẩy sự hình thành và hỗ trợ ung thư phát triển," Tiến sĩ El-Deiry nói với The Epoch Times.

Các tế bào ung thư chứa các tiểu đơn vị protein gai có cơ hội sống sót cao hơn khi tiếp xúc với hóa trị liệu.

Ông nói tiếp "Chúng tôi nhận thấy khả năng sống sót của tế bào ung thư được tăng cường nếu có mặt tiểu đơn vị S2 của protein gai SARS-CoV-2 khi điều trị bằng một số tác nhân hóa trị liệu".

Các tiểu đơn vị protein Gai chặn gen chống ung thư

Protein gai của SARS-CoV-2 bao gồm hai tiểu đơn vị: S1 và S2. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng của tiểu đơn vị S2 (Protein gai S2) trên một số dòng tế bào ung thư người: tế bào ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư mô liên kết (sarcoma).

Tất cả các tế bào đều được điều chỉnh để có các gen p53 bình thường, và DNA của protein gai S2 được đưa vào một số tế bào.

Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng hóa trị liệu để kích hoạt các gen p53 và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng các tế bào ung thư chứa protein gai S2 có xu hướng sống sót trước tác dụng của gen chống ung thư và hóa trị. Họ cũng quan sát thấy hoạt động của gen p53 bị giảm đi trong các tế bào này.

Vẫn chưa rõ lý do tại sao các tế bào ung thư chứa protein gai S2 có tỷ lệ sống sót cao hơn. Tiến sĩ El-Deiry cho biết có thể là vì các protein S2 dường như đã can thiệp vào hoạt động của gen p53. Tuy nhiên, các protein gai S2 cũng có thể có "các tác dụng khác thúc đẩy sự sống sót của tế bào" ngay cả dưới tác động của hóa trị liệu độc hại.

Vaccine COVID-19 có thể cũng có tác dụng tương tự

Nghiên cứu của Tiến sĩ El-Deiry được thiết kế để kiểm tra liệu virus SARS-CoV-2 hoặc các tiểu đơn vị của nó có thể thúc đẩy các hoạt động ung thư hay không.

Tuy nhiên, nghiên cứu này còn ngụ ý rằng các liệu pháp cho SARS-CoV-2, ví dụ như vaccine mRNA COVID-19 hay vaccine protein, cũng có thể có các tác dụng tương tự.

Tiến sĩ El-Deiry nói với The Epoch Times "Mục tiêu của chúng tôi là nghiên cứu protein gai bất kể nguồn gốc của nó là từ đâu. Chúng tôi tập trung vào protein gai, có thể đến từ nhiễm trùng hoặc bất kỳ một cách nào khác, để cuối cùng xuất hiện trong các tế bào người... điều này cũng sẽ áp dụng cho protein gai do vaccine tạo ra".

Tiến sĩ El-Deiry cẩn trọng nhấn mạnh về nhiều hạn chế của nghiên cứu, ví dụ như đây chỉ là một nghiên cứu nuôi cấy tế bào đơn giản. Ngoài ra, với các biến thể protein gai khác nhau đến từ các chủng virus hay từ các loại vaccine, sẽ còn cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá tác dụng đối với sức khỏe

Cần có các nghiên cứu toàn diện hơn

Khi được hỏi liệu các khối ung thư ở người có cùng nguy cơ khi tiếp xúc với protein gai S2 hay không, Tiến sĩ El-Deiry cho biết dữ liệu hiện tại của họ vẫn quá sơ bộ để biết được.

Ông nói cần có thêm các nghiên cứu trên động vật khác nữa để "đánh giá toàn diện hơn khả năng mắc ung thư".

Ông cũng muốn khảo sát hành vi của các loại tế bào bình thường và phản ứng của chúng với các biến thể protein gai khác nhau. Ông hy vọng rằng các protein gai được tạo ra bởi các vaccine trong tương lai sẽ không ức chế hoạt động của p53.

Tiến sĩ El-Deiry thêm rằng vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời, ví dụ như liệu các tác dụng thúc đẩy ung thư tiềm tàng này có thể đảo ngược được hay không, protein gai tồn tại trong tế bào trong bao lâu, và liệu rủi ro này có thể giảm thiểu được hay không.

"Còn có một số câu hỏi liên quan đến COVID kéo dài cũng như việc tiêm chủng nhắc lại nhiều lần các vaccine chứa RNA bền vững làm tăng lượng protein gai trong các tế bào bình thường" ông nói.

Nhiều nghiên cứu liên hệ ung thư với đại dịch COVID-19

Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra sự gia tăng ung thư trùng khớp với đại dịch COVID-19.

Hai bài báo sơ bộ điều tra các mã nguyên nhân tử vong thấy rằng vào năm 2020, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tỷ lệ tử vong do khối u tân sinh ác tính (neoplasms) có tăng nhẹ.

Tỷ lệ tử vong vượt mức do neoplasms ở người Mỹ trẻ tuổi là 1,7% vào năm 2020. Sang năm 2021, con số này tăng gần gấp ba lần lên 5,6%. Năm 2022, tăng tiếp lên tới 7,9%.

Tác giả của một bài báo sơ bộ viết "Kết quả cho thấy từ năm 2021, xuất hiện một hiện tượng mới dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong do neoplasm đã xuất hiện ở những người từ 15 đến 44 tuổi tại Mỹ", ngụ ý khả năng liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19.

Một báo cáo theo dõi (follow-up report) về người Mỹ lớn tuổi hơn cũng đưa ra kết quả tương tự.

Một nghiên cứu đã được phản biện đồng cấp của Nhật Bản công bố trên Cureus ngày 8/4 quan sát thấy "sự gia tăng đáng kể" số ca tử vong do ung thư tại Nhật Bản sau chiến dịch tiêm chủng đại trà liều vaccine mRNA COVID-19 thứ 3 năm 2022.

Tác giả cho biết các loại ung thư phổ biến đều có “tỷ lệ tử vong vượt mức’ giảm trong các năm từ 2010 đến 2019. Cũng không có tử vong vượt mức do ung thư trong năm đầu tiên của đại dịch. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng của một số loại ung thư vào năm 2021, mức tăng lên cao hơn vào năm 2022, trùng với các nỗ lực tiêm chủng đại trà.

Trong số các ca tử vong do ung thư được nghiên cứu, các tác giả nhận thấy sự gia tăng tỷ lệ tử vong do ung thư vú là đáng chú ý nhất. Ung thư vú có tỷ lệ tử vong ở mức thấp đáng kể vào năm 2020 nhưng đã chuyển sang tỷ lệ tử vong vượt mức vào năm 2022.

Theo Marina Zhang, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Marina Zhang: Là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, có trụ sở tại New York. Cô chủ yếu đưa tin về COVID-19 và hệ thống y tế, đồng thời có bằng cử nhân y sinh tại Đại học Melbourne. Địa chỉ liên hệ [email protected])

 



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Protein gai của COVID giúp tế bào ung thư sống sót, kháng lại hóa trị