Sau Tướng Lý Thượng Phúc, 3 người này sẽ tiếp tục bị ông Tập thanh trừng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời mạt của một chế độ, những nhà độc tài thường cảm thấy bất an và lần lượt thanh trừng thuộc hạ của mình. Trong vòng 6 tháng, 2 trong số 5 Ủy viên Quốc vụ viện mới được thăng chức của ĐCSTQ đã biến mất, một người là Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, người còn lại là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra ở Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang vô cùng bất an như vậy đây?

Trong vòng vài tháng, rất hiếm khi các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng quan trọng nhất lần lượt bị cách chức như vậy. Có lẽ thực sự đang có một cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt chưa từng được biết đến trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoại giới đang băn khoăn rằng liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy chế độ này đang thực sự đi đến hồi kết hay không?

Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã biến mất hơn 3 tuần, hủy chuyến đi Việt Nam và không tham gia các cuộc họp nghiên cứu chính trị quan trọng trong quân đội. Trước đó, chỉ huy và Chính ủy Lực lượng Tên lửa và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cũng biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong vài tháng. Chưa hết, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương thậm chí còn bị cách chức chỉ 1 tháng sau khi mất tích.

Ngay sau khi Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí thư vào năm 2012, ông đã thăng cấp cho Ngụy Phượng Hòa làm tướng quân và tổ chức đại lễ phong tước tướng cho riêng Ngụy Phượng Hòa. Tướng Lý Thượng Phúc cũng được Tập Cận Bình thăng chức. Ông bị Hoa Kỳ trừng phạt khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị của Quân đội Trung Quốc. Do vậy nhiều người cho rằng ông Lý không thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì gặp gỡ và làm việc với quân đội Mỹ sẽ rất bất tiện. Tuy nhiên, Tập Cận Bình vẫn nhất quyết đề cử ông Lý làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, điều đó cho thấy sự tin tưởng rất lớn của ông Tập đối với ông Lý.

Về phần vì sao Lý Thượng Phúc bị thanh lý, có rất nhiều tin đồn. Một là khi còn là bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị, ông đã mua rất nhiều vũ khí không sử dụng được từ Nga với giá cao. Cũng có tin đồn rằng nhiều vũ khí trong quân đội đã sử dụng chip của Mỹ thay vì chip sản xuất trong nước và không cung cấp được thông số. Trong khi đó, ông Yaita Akio, một nhà truyền thông kỳ cựu Nhật Bản cho rằng, sự ngã ngựa của ông Lý chính là bởi Tập Cận Bình nghi ngờ lòng trung thành của ông này. Tướng Ngụy Phượng Hòa hẳn là cũng như vậy.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore vào ngày 4 tháng 6 năm 2023. (Ảnh: ROSLAN RAHMAN/AFP via Getty Images)

Cư dân mạng Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề này sôi nổi mạng xã hội nước ngoài. Có người nói: “Vào cuối thời kỳ cầm quyền của một nhà độc tài, ông ta có thể có cảm giác sợ hãi, sợ bị những người thân tín nhất là phản, vốn là những người hiểu rõ ông ta nhất. Nếu vậy, ông ta sẽ chẳng còn gì cả. Vụ việc Vương Lập Quân phản bội Bạc Hy Lai có thể là bài học lớn cho Tập Cận Bình”.

Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ không đề cập đến việc Lý Thượng Phúc đang bị điều tra, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ nhanh chóng của cả Tần Cương và Lý Thượng Phúc cho thấy dưới mặt hồ yên tĩnh của chính quyền Tập Cận Bình đang có những cơn sóng gió dữ dội.

Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là lãnh đạo cao nhất của đảng tại Đại hội 20 năm ngoái. Ông đã phá vỡ quy định các thành viên Bộ Chính trị phải nghỉ hưu khi đủ 68 tuổi, giữ lại một số tướng như Trương Hựu Hiệp (72 tuổi vào năm 2022) hay Vương Nghị (69 tuổi), Đồng thời ông Tập cũng loại trừ các lãnh đạo trẻ của các phe phái khác không cùng cánh. Điển hình nhất là, Hồ Xuân Hoa mới chỉ 60 tuổi và là người được cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đỡ đầu, đã buộc phải rút khỏi Bộ Chính trị không kèn không trống.

Các chuyên gia bình luận rằng, do tình hình hỗn loạn trong và ngoài nước, Tập Cận Bình rất sợ bị ám sát. Ông luôn được các thuộc hạ vây quanh bảo vệ, thường xuyên bỏ lỡ những dịp quan trọng và không quan tâm đến dư luận thế giới bên ngoài về mình.

The Epoch Times thu thập được thông tin từ những nguồn đáng tin cậy cho biết: “Ông Tập Cận Bình thực sự tin vào lời tiên tri và rất sợ chết. Trong những lời tiên tri có hình ảnh người lính bắn cung tên. Ông ấy cho rằng cung tên tương ứng với tên lửa nên đã thanh trừng toàn bộ chỉ huy cao nhất của Lực lượng tên lửa. Đây là lý do chính của những sự vụ mất tích bí ẩn trong quân đội gần đây.

Những diễn biến ấy khiến ngoại giới giờ đây đang băn khoăn rằng: Liệu ai sẽ là “người tiếp theo” nối bước Tần Cương và Lý Thượng Phúc?

Theo phân tích của các chuyên gia về tình hình Trung Quốc, có ba người có thể nối gót Tần Cương, Lý Ngọc Siêu và Lý Thượng Phúc. Vậy đó là ba người nào?

Người đầu tiên là Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch thứ nhất của Quân ủy Trung ương.

Trương Hựu Hiệp tham dự khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào ngày 11 tháng 3 năm 2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lý Thượng Phúc là Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương. Bộ Phát triển Trang bị của ĐCSTQ ban đầu là Tổng bộ Trang bị. Bộ này có quyền lực rất lớn, dù là chứng nhận dự án hay giải ngân vốn thì ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đều phải thông qua nó. Vậy nên tham nhũng là điều khó tránh khỏi.

Theo báo chí đưa tin, cuộc điều tra Lý Thượng Phúc liên quan đến việc mua sắm thiết bị quân sự. Nói cách khác, Lý đã tham nhũng. Và ai là Bộ trưởng trước đây của Bộ Phát triển Trang bị? Không ai khác chính là Trương Hựu Hiệp. Nếu Lý Thượng Phúc dính líu đến tham nhũng, liệu Trương Hựu Hiệp có thể trong sạch hay không?

Điểm quan trọng hơn là mối quan hệ giữa Lý Thượng Phúc và Trương Hựu Hiệp không bình thường.

Diêu Thành, cựu trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nói trên mạng X rằng Lý Thượng Phúc được chính Trương Hựu Hiệp thăng chức. Tiếp theo Tập Cận Bình có khả năng sẽ điều tra Trương Hựu Hiệp. “Như bạn có thể thấy gần đây, Trương Hựu Hiệp hiếm khi lên tiếng. Không loại trừ khả năng Trương Hựu Hiệp đang có mâu thuẫn ​​​với Tập Cận Bình”.

Nhìn từ một góc độ khác, tại sao gần đây Tập Cận Bình lại phát động cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội gắt gao đến vậy?

Trong đồ hình thứ 46 của lời tiên tri nổi tiếng “Thôi Bối Đồ” có viết:

Có một người lính mình đeo cung
Chỉ nói ta là ông đầu trắng
Hướng Đông cửa ngõ giấu kiếm vàng
Dũng sĩ cổng sau vào cung vua

Người lính cầm cung tức là ám chỉ vị tướng phát động binh biến. Chữ “Trương” trong tên của Trương Hựu Hiệp có bộ “Cung” (弓). “Ông đầu trắng” ám chỉ rằng đó có thể là một tướng lĩnh lão thành. Nhiều người cho rằng, lời tiên tri đó chính là nói về Trương Hựu Hiệp - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bởi vì năm nay Trương đã 73 tuổi.

Theo một đoạn video được CCTV chính thức phát sóng vào hôm 15/9, cả Trương Hựu Hiệp và Lý Thượng Phúc đều vắng mặt trong cuộc họp về giáo dục chính trị của quân đội. Trong bối cảnh chính trị hiện tại, sự vắng mặt của Trương Hựu Hiệp đã thu hút nhiều sự chú ý. Điều này chắc chắn đã làm tăng thêm sự đồn đoán của ngoại giới rằng ông ta có thể theo bước Lý Thượng Phúc trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc thanh trừng.

Người thứ hai có thể vào tầm ngắm là Ngoại trưởng Vương Nghị.

Vương Nghị trở lại làm ngoại trưởng sau khi Tần Cương bị cách chức. Ông được cho là sẽ tháp tùng Thủ tướng Lý Cường tới hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 9-10/9 nhưng đã vắng mặt. Thay vào đó, Lý Cường được tháp tùng bởi Ủy viên Quốc vụ và Tổng thư ký Quốc Vụ viện Ngô Chính Long và những người khác tham dự G20. Không chỉ vậy, trong cuộc họp lần này của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thì Hàn Chính lại dự hội thay vì Vương Nghị. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình hiện không hài lòng với Vương Nghị.

Ông Viên Hồng Băng, một luật gia định cư ở Úc, người quen thuộc với tình hình chính trị của ĐCSTQ, đã nói với The Epoch Times rằng: Gần đây có tin tức lan truyền ở Trung Quốc rằng Tập Cận Bình đã đến thăm Nam Phi và tham dự cuộc họp BRICS vào đêm trước ngày hội nghị thượng đỉnh BRICS. Đã có nhiều vấn đề nảy sinh khi Vương Nghị đóng vai trò dàn xếp. Trong đó nổi bật là việc thư ký của ông Tập bị lực lượng an ninh chặn cửa, cầu thang xoắn ốc nơi Tập Cận Bình xuống máy bay trơn trượt, v.v. Những vấn đề này đã không được sắp xếp hợp lý. Và Vương Nghị được cho là đã bị Thái Kỳ chỉ trích nặng nề vì những bất cẩn này.

Theo ông Viên, “Thái Kỳ đã chỉ trích Vương Nghị với tư cách là người đứng đầu Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ. Hiện Vương Nghị đang bị thanh tra. Chúng tôi nhận được thông tin ban đầu Vương Nghị bị cáo buộc có sai sót nghiêm trọng trong công tác. Về phần ông ta, không rõ tương lai sẽ ra sao”.

Thật kỳ lạ khi Ngoại trưởng Trung Quốc lại bỏ lỡ những hội nghị lớn như G20 hay cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Có tin từ nhiều kênh khác nhau cho biết Vương Nghị đang phải viết bản tự phê bình ở nhà.

Nếu ông Tập Cận Bình muốn thanh trừng Vương Nghị thì chắc chắn sẽ dễ dàng điều tra ra các vấn đề của ông ta. Trước đây, những vấn đề tài chính ngoại giao quan trọng trong đảng đều là do Ngoại trưởng xử lý. Các quỹ bí mật cũng có đầy rẫy sơ hở, thiếu sót. Một khi bị điều tra ra thì Ngoại trưởng khó có thể gánh trách nhiệm. Trước khi Tần Cương làm Ngoại trưởng thì Vương Nghị chính là người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc. Có thể nói, suốt hàng thập kỷ qua, mọi vấn đề ở Bộ ngoại giao đều là có bàn tay can thiệp của Vương Nghị. Như vậy, ông ta khó tránh dính dáng đến những sự vụ vi phạm kỷ luật. Một khi để ông Tập nổi giận, Vương Nghị chắc chắn sẽ lĩnh đòn.

Nhân vật thứ ba có thể bị thanh trừng là Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng.

Có người nói, Vương Tiểu Hồng chẳng phải là tri kỷ thân thiết của Tập Cận Bình hay sao? Làm sao ông ta có thể nối bước Tần Cương và Lý Thượng Phúc được?

Đúng vậy, Vương Tiểu Hồng quả thực là một người bạn tâm giao thân thiết của Tập Cận Bình. Nhưng chẳng phải Tần Cương và Lý Thượng Phúc cũng là bạn thân của Tập sao? Tần Cương và Lý Thượng Phúc đã xảy ra chuyện, Vương Tiểu Hồng cũng không phải không có khả năng xảy ra chuyện.

Theo phân tích của nhà bình luận thời sự Trần Phá Không, Tập Cận Bình gần đây đã có những động thái liên tiếp chống lại Vương Tiểu Hồng. Trong đó, đặc biệt nổi bật là việc cách chức cấp phó của Vương Tiểu Hồng, Thứ trưởng Bộ Công an Lưu Triệu, người đã làm việc với Vương Tiểu Hồng nhiều năm.

Theo truyền thông địa phương đưa tin, ngày 13/9, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm, cách chức các công chức nhà nước. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lưu Triệu đã bị cách chức và không rõ tung tích.

Mặc dù cơ quan chức năng không giải thích lý do cách chức Lưu Triệu. Cuối năm nay, Lưu Triệu mới chỉ bước sang tuổi 60, là người trẻ nhất trong số các Thứ trưởng Bộ Công an. Đây chắc chắn không phải là chuyện nghỉ hưu bình thường. Theo tiết lộ của ông Trần Phá Không, có tin tức nội bộ nói rằng Lưu Triệu không chỉ bị cách chức mà còn bị bắt đi để điều tra.

Sau khi Vương Tiểu Hồng được thăng chức Bộ trưởng Bộ Công an tại Đại hội 20, ông ta đã nắm giữ nhiều chức vụ và nhanh chóng thăng tiến quyền lực. Điều này gợi nhớ đến Tôn Lực Quân hồi đó, vốn là Thứ trưởng trẻ nhất Bộ Công an. Nếu có đảo chính trong đảng, Vương Tiểu Hồng chắc chắn là một trong những người nguy hiểm nhất. Tập Cận Bình nghi ngờ đến mức không thể thờ ơ được. Trên Internet cũng có thông tin cho rằng Tập Cận Bình dần không còn tin tưởng Vương Tiểu Hồng nữa.

Nhà báo Akio Yaita đã nhận định rằng các ông Tần Cương, Lý Thượng Phúc và Nguỵ Phượng Hoà đều là “những người thân cận nhất của Tập Cận Bình”. Đúng vậy! Nhìn lại lịch sử loài người, vào thời cuối một chế độ độc tài, những nhà cai trị thường mất lòng tin mạnh mẽ đối với cấp dưới của mình và thanh trừng thuộc hạ của mình hết đợt này đến đợt khác. Chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra ở Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang vô cùng bất an như vậy đây? Những cơn sóng ngầm chính trị liệu có cuốn phăng chế độ Bắc Kinh ra biển lớn?

Viên Minh (Tổng hợp)
Tham khảo: The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Sau Tướng Lý Thượng Phúc, 3 người này sẽ tiếp tục bị ông Tập thanh trừng?