Các chuyên gia: Bản đồ ‘đường 10 đoạn’ cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời điểm Bắc Kinh công bố bản đồ “đường 10 đoạn” mới đã cho thấy rằng nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đấu đá tranh giành quyền lực khốc liệt, theo các chuyên gia.

Bản đồ “đường 10 đoạn” mới do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố vào ngày 28/8 đã tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ của một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho rằng tấm bản đồ này không chỉ đơn thuần thuộc chiến lược ngoại giao bản đồ. Một số người tin rằng thời điểm nó được xuất bản đã cho thấy rằng cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra căng thẳng. Ngoài ra, theo các chuyên gia, cách duy nhất để chống lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh là các nước bị xâm phạm phải cùng nhau hành động để kiềm chế chế độ này.

“Ấn bản 2023 của Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc 2023” (tên đầy đủ của tấm bản đồ mới) đã thể hiện các yêu sách lãnh thổ trước đây cũng như các yêu sách lãnh thổ mới nhất của Bắc Kinh.

Các vùng lãnh thổ bị tuyên bố chủ quyền sai trái trong tấm bản đồ mới thuộc về Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Philippines và Đài Loan; sự việc cũng tác động trực tiếp đến các quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia và Indonesia.

Trong khi yêu sách lãnh thổ đối với các vùng đất của Ấn Độ (như Arunachal Pradesh và Aksai Chin) không có gì mới, thì đây là lần đầu tiên ĐCSTQ đưa ra yêu sách đối với hòn đảo Bolshoy Ussuriysky (phần lớn không có người ở) của Nga, còn được gọi là đảo Hắc Hạt Tử (theo tiếng Trung).

Theo “Phụ lục pháp lý liên quan đến biên giới phía Đông Trung - Nga” — được Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào ký vào năm 2004 và được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 2005, hòn đảo này được chia đôi cho hai nước. Năm 2008, Trung Quốc và Nga chính thức khánh thành cột mốc ranh giới trên đảo.

“Mũi phía đông của hòn đảo đó, mà toàn bộ đang được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền [thông qua bản đồ mới], nằm đối diện với thành phố Khabarovsk đơn độc (ở vùng Viễn Đông) của Nga. Thậm chí còn có một ngôi làng nhỏ tên là Ussuriskyi với một bến sông nhỏ của Nga ở mũi phía đông của đảo Hắc Hạt Tử, ngay đối diện với Khabarovsk. Điều này sẽ khiến người Nga sống ở ngôi làng nhỏ đó trở thành 'người Trung Quốc'", ông Frank Lehberger - nhà Trung Quốc học ở Đức - nói với The Epoch Times.

Ngoài các vùng lãnh thổ của Ấn Độ và Nga, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông; họ cũng dùng đoạn thứ 10 để tiến đến phía đông Đài Loan. Kể từ khi bản đồ được phát hành, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Philippines đã chính thức lên tiếng chỉ trích tấm bản đồ này.

Tại sao Trung Quốc công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?, quốc gia lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc, Bản đồ ‘đường 10 đoạn’ cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá
Bản đồ mới của Trung Quốc, ban hành ngày 28/8/2023, đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ đảo Bolshoy Ussuriysky. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Xem thêm:

Chủ nghĩa dân tộc trong dân và sự rạn nứt trong chính quyền

Các chuyên gia cho hay, tấm bản đồ mới đã chạm đến tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc; thời điểm phát hành nó cũng phản ánh tình hình bên trong ĐCSTQ, đó là cuộc chiến tranh giành quyền lực khốc liệt.

“Tấm bản đồ này ‘chính xác’ về mặt chính trị ở Trung Quốc, và là một loại bằng chứng nào đó cho thấy lòng yêu nước và lòng trung thành tuyệt đối với tín ngưỡng Tập [Cận Bình]. Nó được ban hành bởi Bộ Tài nguyên chứ không phải Bộ Ngoại giao. Vì vậy, đây cũng là một cuộc thi trong nội bộ ĐCSTQ, xem ai là [người trung thành nhất] trong số họ”, ông Lehberger nói.

Nhưng theo ông Claude Arpi - nhà Tây Tạng học, tác gia và nhà sử học gốc Ấn Độ, sinh ra ở Pháp, thì tấm bản đồ này thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ ĐCSTQ.

“Tôi không cho rằng ông Tập là ông chủ hiện tại ở Trung Quốc; tôi không nghĩ rằng ông ấy có toàn quyền kiểm soát tất cả các bộ ngành. Ông Tần Cương là bằng chứng cho điều đó. Suy đoán duy nhất của tôi là có lẽ một phe cánh, phe mà phản đối ông ấy, muốn làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với các nước láng giềng, do vậy, họ đã công bố tấm bản đồ này”, ông Arpi nói với The Epoch Times trong một email.

Bản đồ “đường 10 đoạn” được Trung Quốc phát hành ngay trước vụ việc ông Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ và hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 tại Jakarta hồi đầu tháng này. Ông Arpi cho rằng thời điểm như vậy đã nói lên nhiều điều.

Ông nói: “Việc xuất bản tấm bản đồ vào thời điểm cụ thể đó giống như một kiểu phá hoại các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình”.

Theo ông Arpi, mọi thứ có vẻ không thuận lợi cho ông Tập sau mật nghị Bắc Đới Hà vào tháng trước.

Ông Arpi cũng nhấn mạnh đến vòng đàm phán biên giới bất thành lần thứ 19 giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào giữa tháng 8.

Hội nghị mùa hè Bắc Đới Hà được tổ chức hàng năm vào khoảng tháng 7, tháng 8 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và tiền nhiệm trong ĐCSTQ. Họ sẽ tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức về các chính sách lớn của quốc gia, đồng thời thông qua lần cuối cùng các quyết định quan trọng.

“Đối với Ấn Độ, không có gì ‘mới’ trong bản đồ do Trung Quốc công bố gần đây. Các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền giống như trên bản đồ năm 1960 của họ. Câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải tái khẳng định những yêu sách này vào thời điểm mà các cuộc đàm phán [về lãnh thổ] ở Ladakh (Ấn Độ) đã đạt đến điểm then chốt”, ông Arpi nói.

Theo ông Arpi, phe cánh nào đó trong ĐCSTQ đã đặt ông Tập vào thế khó. Khi tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc đang được kích động lên cao thì ông Tập không thể tỏ ra yếu đuối trước Ấn Độ; tức là ông ấy sẽ không thể chấp nhận lập trường của Ấn Độ ở biên giới.

“Khi sự chia rẽ này diễn ra ở Trung Quốc, điều đó thường có nghĩa là có 2 quan điểm đối lập nhau mạnh mẽ, một cái là chủ nghĩa dân tộc cứng rắn (thường do Quân đội Giải phóng Nhân dân lãnh đạo) và một cái là 'quan điểm ngoại giao'. Một lần nữa, nó cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong giới lãnh đạo cấp cao. Điều này giải thích tại sao ông Tập từ chối [tham dự] các hội nghị ASEAN và G20, và thay vào đó quyết định cử thủ tướng của mình - người còn rất mới trong lĩnh vực ngoại giao - đi thay”, ông Arpi nói.

Tuy nhiên, giáo sư Dibyesh Anand - chuyên gia về Trung Quốc và Tây Tạng, đồng thời là người đứng đầu khoa Khoa học Xã hội tại Đại học London - thì cho rằng, dù xuất hiện tin đồn về những xích mích trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ do kinh tế Trung Quốc suy thoái, nhưng xét tới việc ông Tập đang nắm quyền lực tối cao và việc các nhà lãnh đạo Đảng tin rằng sự tồn vong của Đảng là mục tiêu hàng đầu, thì ông Tập có vẻ như không phải đối mặt với thử thách quá nghiêm trọng.

Ông Anand viết trong một email gửi đến The Epoch Times: “Ngay từ đầu, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn, và tôi coi những thay đổi này là những gì tiếp nối chủ nghĩa đó, chứ không phải là sự đứt đoạn với quá khứ”.

Tại sao Trung Quốc công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?, quốc gia lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc, Bản đồ ‘đường 10 đoạn’ cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá
G219, đường cao tốc do Trung Quốc xây dựng qua Aksai Chin ở Tân Cương. Aksai Chin được Ấn Độ tuyên bố là một phần của Lãnh thổ Liên minh Ladakh. (Ảnh: (trái) 瑞丽江的河水/CC BY-SA 4.0/Wikimedia Common; (phải) Hogweard/Wikimedia Commons)

‘Trung Quốc có thể sẽ mở rộng yêu sách lãnh thổ trong tương lai’

Theo ông Anand, tấm bản đồ mới cho thấy Trung Quốc có phần “hiếu chiến” hơn trước đây.

Ông nói: “Khi mà một yêu sách theo chủ nghĩa tối đa (maximalist) được thể hiện trên một tấm bản đồ chính thức, thì rủi ro trong các cuộc đàm phán về ranh giới lãnh thổ là rất lớn; và chúng ta có thể sẽ thấy trong tương lai rằng Trung Quốc sẽ tỏ ra cứng rắn trong các cuộc thương lượng trong trường hợp tốt nhất, hoặc sẽ gây hấn quân sự trên thực địa trong trường hợp xấu nhất”.

Ông Satoru Nagao - thành viên của Viện Hudson (tổ chức tư vấn bảo thủ có trụ sở tại Mỹ) - nói với The Epoch Times trong một email rằng thông qua tấm bản đồ mới, Bắc Kinh truyền đi thông điệp rằng nếu một quốc gia khác dám thách thức lập trường lãnh thổ của họ, thì một cuộc chiến có thể sẽ nổ ra.

Ông nói: “Đó là một thông điệp rõ ràng. Trung Quốc có thể sẽ mở rộng yêu sách lãnh thổ trong tương lai”.

Theo ông Nagao, Bắc Kinh không tin tưởng bất cứ ai, kể cả đồng minh thân cận là Moscow.

“Bởi vì hiện nay Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc nên Trung Quốc đã mở rộng yêu sách [của họ] đối với [lãnh thổ Nga] mà không hề do dự. Nga cần phải chiến đấu ở Ukraine. Để làm được điều ấy, các tuyến đường cung ứng qua Trung Quốc là rất quan trọng”, ông cho biết.

Tại sao Trung Quốc công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?, quốc gia lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc, Bản đồ ‘đường 10 đoạn’ cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá
Bản đồ ‘đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc)

Các nước cần hợp tác để cùng hành động

Các chuyên gia tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự hung hăng của Bắc Kinh trong chính sách bản đồ, cũng như để ngăn chặn các xung đột biên giới với Trung Quốc, là xây dựng các liên minh chiến lược đa phương để cùng hành động.

“Nếu các quốc gia bị ảnh hưởng đưa ra phản đối ngoại giao nhưng lại không thực hiện bất kỳ hành động nào [nhằm chống lại Trung Quốc]... thì đó là một thành công của Trung Quốc. Các quốc gia đó dường như đã không làm được gì nhiều trong việc vạch trần chủ nghĩa bành trướng bản đồ của Trung Quốc ra thế giới”, ông Anand nói.

Ông Nagao thì nói rằng: "Lần này, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan chỉ lên tiếng chỉ trích yêu sách của Trung Quốc. Phản ứng thực sự của những nước này phải là hợp tác với nhau. Họ nên tăng cường sức mạnh quân sự của mình để ngăn chặn những yêu sách như vậy từ Trung Quốc. Nếu tấm bản đồ đó thúc đẩy việc tạo ra một NATO mới ở châu Á, thì Trung Quốc sẽ không dễ dàng công bố một bản đồ như vậy thêm lần nữa”.

Ông Nagao cho biết các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nên hiểu tầm quan trọng của việc hợp tác như vậy. Từ năm 2011 đến năm 2020, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 76%, trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm 10% trong cùng thời kỳ.

“Nếu các nước xung quanh Trung Quốc hợp tác với nhau và sở hữu khả năng tấn công như tên lửa hành trình, thì chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ bị phân chia cho nhiều hướng. Vì vậy, hợp tác là yếu tố quan trọng để đối phó với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc”, ông nói.

Theo ông Nagao, yêu sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh còn bao gồm yếu tố phi quân sự. Ông tin rằng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc những năm trước là mấu chốt của thái độ hung hăng trong chính sách bản đồ, của hành vi xâm lược quân sự của ĐCSTQ. Ổn định kinh tế cho phép nước này tăng ngân sách quốc phòng một cách nhanh chóng.

“Vì Trung Quốc giàu có nên Trung Quốc có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, tạo ra nợ cho các nước thành viên, sau đó kiểm soát họ. Vì vậy, giảm nguồn tiền của Trung Quốc là cách chủ yếu để chống lại chính sách [hung hăng] của nước này. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đang tập trung vào an ninh kinh tế”, ông nói.

Theo ông Nagao, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 12 nền kinh tế Thái Bình Dương), cũng như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (do Hoa Kỳ đưa ra năm ngoái), là hữu hiệu trong việc tạo ra các thị trường thay thế, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến của phương Tây.

Nếu các khuôn khổ này hoạt động tốt, chúng sẽ giúp ngăn chặn chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả những vi phạm về bản đồ.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia: Bản đồ ‘đường 10 đoạn’ cho thấy nội bộ ĐCSTQ đang đấu đá