Ông Putin có thể thăm Trung Quốc vào tháng 10; Mối quan hệ Trung - Nga đang gặp rắc rối?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ sớm đến thăm Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh vừa công bố bản đồ “đường 10 đoạn” mới - trong đó đưa đảo Bolshoy Ussuriysky của Nga vào lãnh thổ Trung Quốc.

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga Tass, ông Yury Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin - cho biết vào hôm 25/7 rằng Tổng thống Nga đã được mời đến thăm Trung Quốc và dự kiến sẽ thực hiện chuyến công du vào tháng 10, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng cai Diễn đàn Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân của nước này lại không xác nhận liệu Tổng thống Putin có đến Trung Quốc vào tháng 10 hay không, mà chỉ nói rằng Bắc Kinh đang liên lạc với các đối tác về Diễn đàn Vành đai và Con đường và sẽ tiết lộ thông tin liên quan vào thời điểm thích hợp.

Ngày 1/9, Putin một lần nữa tuyên bố rằng ông dự kiến sẽ sớm gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo hãng thông tấn Nga Interfax, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Tập và sẽ sớm có một số hoạt động giữa hai bên.

“Ông ấy [ông Tập] đã gọi tôi là một người bạn và tôi rất vui khi gọi ông ấy là bạn, vì ông ấy đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển quan hệ Nga - Trung”, Tổng thống Putin nói.

Ngày 28/8, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc ban hành “Ấn bản 2023 của Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc 2023”. Bản đồ “đường 10 đoạn” mới này bổ sung một đoạn về phía đông Đài Loan, đồng thời đưa bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Aksai Chin ở biên giới Himalaya mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, và đảo Bolshoy Ussuriysky của Nga (Trung Quốc gọi là đảo Hắc Hạt Tử) vào lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Putin có thể thăm Trung Quốc vào tháng 10; Mối quan hệ Trung - Nga có đang gặp rắc rối?
Bản đồ mới của Trung Quốc, ban hành ngày 28/8/2023, đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ đảo Bolshoy Ussuriysky. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Các nước liên quan đã ngay lập tức lên tiếng phản đối Bắc Kinh về tấm bản đồ mới. Tuy nhiên, Moscow không nói gì. Sau 3 ngày im lặng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 31/8 đã phủ nhận việc ĐCSTQ có liên quan đến việc chiếm lãnh thổ Nga.

Bà nói: “Trung Quốc và Nga giữ nguyên lập trường, đó là vấn đề biên giới giữa hai nước đã được giải quyết từ lâu”.

Bà Shakarova cho biết không có vấn đề gì về lãnh thổ chung giữa Nga và Trung Quốc. Năm 2005, hai nước đã ký hiệp ước phân định chủ quyền đối với đảo Bolshoy Ussuriysky và đã vẽ đường biên giới dài 4.300 km vào năm 2008.

Bà nói: “Việc giải quyết vấn đề đường biên giới giữa Nga và Trung Quốc là kết quả của nhiều năm nỗ lực của cả hai bên”; bà gọi đó là “một ví dụ thành công về giải quyết tranh chấp biên giới cho tất cả các nước trên thế giới tham khảo”.

Một bài xã luận trên tờ Washington Examiner, đăng ngày 31/8, đã chỉ ra rằng Nga - quốc gia thường phẫn nộ trước những tranh chấp lãnh thổ như vậy - lần này đã có cách tiếp cận rất khác, và việc công khai ‘đầu hàng’ ĐCSTQ là một dấu hiệu của sự yếu kém.

“Ông Putin miêu tả mối quan hệ của mình với ông Tập Cận Bình là ‘mối quan hệ đối tác không giới hạn’ giữa những người bình đẳng có chung lợi ích và đang đối mặt với các mối đe dọa chung. Nhưng thực tế... là Trung Quốc coi Nga như cấp phó của họ, một đối tác dưới tầm mà về cơ bản có thể bị mua chuộc để hỗ trợ các mưu đồ quốc tế của Bắc Kinh", trích bài xã luận.

“Ông Putin có thể không thích điều này. Nhưng với phản ứng của bà Zakharova ở đây, [có thể thấy] ông Putin đang coi ông Tập là một đối tác cực kỳ quan trọng. Ông ấy cần ông Tập. Và vì thế mà ông ấy sẵn sàng cúi đầu trước ông Tập".

Vai trò của Giang Trạch Dân trong tranh chấp biên giới

Đảo Bolshoy Ussuriysky (đảo Hắc Hạt Tử trong tiếng Trung) nằm ở cực đông Trung Quốc, là nơi nhìn thấy mặt trời sớm nhất tại Trung Quốc. Hòn đảo này có diện tích khoảng 335 km2. “Hắc Hạt Tử” có nghĩa là “gấu” ở vùng đông bắc Trung Quốc. Người ta nói rằng có những con gấu sống ở vùng lân cận hòn đảo, nên hòn đảo có tên như vậy.

Đảo Hắc Hạt Tử thuộc quyền tài phán của Trung Quốc kể từ thời nhà Đường (618–907 SCN). Tuy nhiên, vào cuối thời nhà Thanh (sau năm 1860), khi quyền lực của Trung Quốc suy yếu, người Nga đã chiếm lấy vùng đông bắc Trung Quốc thông qua hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng. Do đó, điểm hợp lưu của Hắc Long Giang và sông Ussuri đã trở thành biên giới giữa hai nước.

Năm 1929, quân đội Liên Xô chiếm đảo Hắc Hạt Tử, mặc dù hiệp ước biên giới không cho phép làm như vậy. Sau đó, hòn đảo này bị Liên Xô chiếm đóng và trở thành một vấn đề chưa giải quyết được trong quan hệ Trung - Xô.

Sau khi ĐCSTQ lên cầm quyền ở Trung Quốc, Đảng cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hắc Hạt Tử. Trong các đơn vị hành chính được công bố khi đó, hòn đảo này thuộc thẩm quyền của huyện Phủ Viễn, tỉnh Hắc Long Giang.

Tuy nhiên, sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ông này đã lần lượt ký với Liên Xô Hiệp định Biên giới Trung - Xô năm 1991 và ký với Liên bang Nga Nghị định thư về Phân giới các phần phía Đông và phía Tây của Đường biên giới Trung - Nga, qua đó công nhận đầy đủ hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng giữa nhà Thanh và Liên bang Nga.

Năm 2001, Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin quyết định chia đều đảo Hắc Hạt Tử. Kể từ đó, ông Giang hoàn toàn từ bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với nửa phía đông hòn đảo. Theo Thỏa thuận Bổ sung về phần phía Đông của Biên giới Trung - Nga, được ký tại Bắc Kinh vào năm 2004, khoảng một nửa đảo Hắc Hạt Tử đã được chuyển giao cho phía Nga. Năm 2008, Trung Quốc và Nga chính thức khánh thành cột mốc ranh giới trên đảo.

Ông Putin có thể thăm Trung Quốc vào tháng 10; Mối quan hệ Trung - Nga có đang gặp rắc rối?
Tại lễ ký thỏa thuận biên giới giữa hai nước ở Bắc Kinh vào ngày 9/12/1999, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov (trái) bắt tay với người đồng cấp Trung Quốc Đường Gia Triền, trước mặt Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (ngoài cùng bên phải) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Khi phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc, bà Shakarova đã nhấn mạnh vào đường biên giới được vẽ vào năm 2008. Bà ám chỉ rằng Nga không công nhận bản đồ mới của ĐCSTQ.

Trung Quốc và Nga lợi dụng lẫn nhau

Nga đã bị cô lập trên trường quốc tế kể từ khi đổ quân vào Ukraine năm 2022. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã và đang hỗ trợ Moscow, dù công khai hay ngấm ngầm.

Từ ngày 20 đến ngày 22/3, ông Tập đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga. Hai chế độ đưa ra tuyên bố chung về việc thiết lập “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho kỷ nguyên mới”.

Ông Tập cần một đối tác như vậy trong hệ tư tưởng độc tài của mình, nếu không, ông ấy sẽ trở thành kẻ cô độc; nhưng ông không muốn mạo hiểm mạng sống của mình vì một người bạn như ông Putin. Đây là nhận xét vào ngày 7/9 của ông Trần Duy Kiện - cây viết và tổng biên tập tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), theo The Epoch Times.

“Lý do là sau cuộc chiến Nga - Ukraine, sức mạnh của Nga sẽ suy yếu đáng kể, và nước này [Nga] thậm chí có thể phải đối mặt với sự chia rẽ khác. Vì vậy, ông Tập Cận Bình chắc chắn không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ. Ông ấy sẽ không chọn phe trong cuộc xung đột, và sẽ đưa ra quyết định khi tình hình rõ ràng”, ông Trần nói.

Ngoài ra, với việc ủng hộ Nga, Bắc Kinh có thể có một mục tiêu khác. Vào tháng 5, ĐCSTQ đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á” ở thành phố Tây An; tại đó, nguyên thủ của 5 quốc gia Trung Á đã được mời tham gia (nhưng không có Nga). Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều là các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, luôn coi Nga là “anh cả” của mình.

Ông Putin có thể thăm Trung Quốc vào tháng 10; Mối quan hệ Trung - Nga có đang gặp rắc rối?
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Grigory Sysoyev/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Ông Vương Hách - chuyên gia về Trung Quốc - cho rằng sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, Nga đã coi Trung Á là sân sau của mình.

Ông nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ đã xâm nhập nhưng chưa dám công khai thách thức ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, bởi cho đến năm 2022, Nga vẫn rất mạnh trong khu vực, nhưng phạm vi ảnh hưởng của Nga hiện giờ không còn có thể bảo toàn được nữa”.

Ông Tập và ông Putin lợi dụng lẫn nhau

Mặt khác, liệu Tổng thống Putin có thực sự tin tưởng ông Tập hay không?.

Ngày 24/6, sau âm mưu đảo chính của Tập đoàn Wagner, Tổng thống Putin đã gọi điện cho 6 nguyên thủ quốc gia ở Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Iran để thông báo cho họ về tình hình tại Nga; tuy nhiên, không có thông tin nào về bất kỳ cuộc tiếp xúc nào giữa Tổng thống Putin với ông Tập.

Trong một bài xã luận đăng trên The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, nhà bình luận chính trị Vương Hữu Quần chỉ ra rằng Tổng thống Putin không coi ông Tập là “người bạn tốt nhất” của mình.

Ông viết: “Mối quan hệ của Putin với Tập Cận Bình là một trong những mối quan hệ lợi dụng (sử dụng ông Tập khi điều đó có lợi). Tập Cận Bình cũng lạnh lùng với Putin. Trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 24 năm cầm quyền của Putin, Tập Cận Bình vẫn chưa nói gì về điều đó”.

Xiang Yang - tác giả cuốn sách bán chạy có tên “Trung Quốc so với Trung Quốc” (China Versus China) - từng nói trên X (tên gọi mới của Twitter) rằng trong 300 năm quan hệ Trung - Nga, ngoại trừ năm nay, đã có 5 lần xuất hiện liên minh giữa Trung Quốc và Nga, nhưng tất cả đều kết thúc trong thù địch.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Putin có thể thăm Trung Quốc vào tháng 10; Mối quan hệ Trung - Nga đang gặp rắc rối?