Tại sao Trung Quốc công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nào thì một tấm bản đồ trở thành một quả lựu đạn ngoại giao chực nổ tung ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương?

Trả lời: Khi chế độ độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận và cảm thấy có phần bị đe dọa, do vậy, đã ra lệnh cho Bộ Tài nguyên Thiên nhiên ban hành “Ấn bản 2023 của Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc 2023” (SM2023) chỉ vài ngày trước hội nghị kinh tế G20 (tổ chức tại Ấn Độ) - sự kiện mà hoàng đế Trung Quốc Tập Cận Bình không trực tiếp tham dự. Ông Tập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.

Xem thêm:

Được rồi, ông Tập được gọi là chủ tịch. Tuy nhiên, ông ấy cai trị với thái độ đòi hỏi và bề trên kiểu hoàng đế. Ông Tập có phải là người hoang tưởng tự cao tự đại như Tổng thống Nga Vladimir Putin không? Tôi nghĩ là có; nhưng ông ấy không tuyệt vọng như ông Putin – chưa đến lúc như vậy. Nhưng hãy hiểu rằng từ năm 2004, ông Putin đã bắt đầu đưa ra các ý tưởng và lý lẽ một cách có mục đích cho việc xâm lược Ukraine và xây dựng Đế quốc Nga thế kỷ 21. Năm 2014, ông ấy khởi động cuộc xâm lược của mình.

Tổng thống, sa hoàng hay hoàng đế? Xin lỗi Shakespeare, nhưng cái tên có ý nghĩa gì (what’s in a name) khi quyền lực và lãnh thổ giành được là trò chơi của kẻ mạnh? [“What’s in a name” là một câu trong vở kịch “Romeo và Juliet” của nhà viết kịch William Shakespeare.]

Khi lãnh thổ là mục tiêu nhắm đến, thì việc công bố một tấm bản đồ với các đường biên giới bịa đặt mang màu sắc chính trị là điều rất quan trọng. Mặc dù các đường biên giới trên bản đồ là dối trá và được dùng để tuyên truyền, kẻ xâm lược có thể sử dụng tấm bản đồ bịa đặt của mình để làm một số việc như sau: (1) gây nhầm lẫn cho những bộ óc thiếu hiểu biết về địa lý và lịch sử; (2) tạo căn cứ cho những chiêu trò pháp lý mà bẻ cong luật pháp quốc tế, mục đích là để phá vỡ các thỏa thuận đã được thiết lập dựa trên các hiệp ước; và (3) kiểm tra phản ứng ngoại giao và quân sự của các nước láng giềng cũng như đồng minh của những nước láng giềng này — trong trường hợp SM2023, đó là phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.

Nhân tiện, SM2023 đã được phát hành trong khoảng thời gian mà ĐCSTQ tuyên bố là “Tuần lễ Quảng bá Nhận thức về Bản đồ Quốc gia”. Chiến dịch tuyên truyền phụ này là để thu hút sự chú ý, và Bắc Kinh đã đạt được điều đó.

Bản đồ “đường 9 đoạn” năm 2012 của Trung Quốc ở Biển Đông (SCS) là một tấm bản đồ sai trái, cũng là tiền đề cho một cuộc chiến tranh khu vực tồi tệ. Nó là nền tảng cần thiết [giúp Bắc Kinh đạt được mưu đồ]. Với bản đồ năm 2012, Bắc Kinh đã cố gắng phô trương quyền lực một cách bất hợp pháp, bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với 85% trong tổng số 2,2 triệu dặm vuông (5,7 triệu km2) Biển Đông. Bản đồ “đường 9 đoạn” xâm phạm lãnh thổ của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Lãnh thổ Singapore bị đe dọa. Năm 2016, tòa trọng tài Hague đã ủng hộ lời buộc tội của Philippines rằng Trung Quốc đã đánh cắp lãnh thổ và tài nguyên biển của Philippines. Tòa trọng tài chủ yếu dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc ký kết.

Chế độ độc tài Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài.

Với SM2023, Bắc Kinh bổ sung thêm đoạn thứ 10 rất nguy hiểm. Đoạn thứ 10 này được vạch trên vùng biển phía đông Đài Loan. Ngày 31/8, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng (được trích dẫn trên tờ Maritime Executive ngày 1/9): “Cho dù chính quyền Trung Quốc có bóp méo các tuyên bố chủ quyền của Đài Loan như thế nào, họ cũng không thể thay đổi sự thật khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng ta”.

Tờ Breaking Defense dẫn lời một nguồn tin từ Úc rằng đoạn thứ 10 trên bản đồ cho thấy Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Okinawa thuộc quần đảo Ryukyu. Philippines, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đã công khai bác bỏ SM2023 với lập luận rằng nó là vô căn cứ. Một luật gia người Philippines cảnh báo: Trung Quốc coi bản đồ “đường 10 đoạn” là “biên giới quốc tế”. Điều đó cấu thành hành vi xâm lược và thôn tính – ít nhất là trên bản đồ.

Trong khi đó, ở Himalaya: Ấn Độ bác bỏ bản đồ của Bắc Kinh. SM2023 đưa toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin đang tranh chấp (phía tây Ấn Độ) vào lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Trung Quốc đã chiếm giữ một phần khu vực này khi họ xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1950. Trong Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, Trung Quốc chiếm cứ hơn 80% cao nguyên. Về phía Ấn Độ, nước này khẳng định rằng không có bản đồ nào của Trung Quốc trước những năm 1920 cho thấy Aksai Chin thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc cần phải công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?, 7 quốc gia đã lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc
Bản đồ ‘đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc hiện đã bị 7 quốc gia phản đối mạnh mẽ. (Ảnh: Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc)

ĐCSTQ không công nhận các quy tắc quốc tế. Trong suy nghĩ của ông Tập, Trung Quốc là Vương quốc Trung tâm của Trái đất. Các dân tộc, quốc gia, thực thể khác hoặc là đối tác thương mại hoặc là chư hầu của Trung Quốc.

Những kẻ theo chủ nghĩa toàn trị trong ĐCSTQ kiên quyết chống lại mọi sự can thiệp về chính trị và kinh tế – từ cả bên ngoài và bên trong đất nước.

Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã coi khinh các đường biên giới hợp pháp và chiếm giữ lãnh thổ [của các nước khác] mà không phải chịu hậu quả gì. Để Bắc Kinh tiếp tục thoát tội như vậy sẽ gây ra thảm họa toàn cầu.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa lược dịch

Tác giả Austin Bay là đại tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Dự bị Quân đội Hoa Kỳ, là tác gia, là nhà báo, đồng thời là giảng viên về chiến lược và lý thuyết chiến lược tại Đại học Texas–Austin. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Cocktails from Hell: Five Wars Shaping the 21st Century” (Cocktail từ địa ngục: 5 cuộc chiến định hình thế kỷ 21).



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Trung Quốc công bố bản đồ ‘đường 10 đoạn’ mới?