Việc ông Tập Cận Bình nắm quyền Trung Quốc là phúc hay là họa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, nền kinh tế Trung Quốc bị suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến các bất ổn xã hội và bộc lộ những thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận thời sự tại Hoa Kỳ, đã viết bài đăng trên Đài Á châu Tự do (RFA) vào ngày 1/9 chỉ ra rằng, việc ông Tập Cận Bình chấp chính không phải là điều may mắn cho ĐCSTQ, đó là họa chứ không phải phúc.

Nhà bình luận Trần Phá Không. (Ảnh từ kênh Youtube "Chen Pokong zong luan tianxia")

Bài báo cho rằng, cải cách và mở cửa từng giúp chế độ ĐCSTQ tương đối ổn định, cùng với việc các quan chức cấp cao ngầm thừa nhận sự tồn tại và cùng thống trị của các phe phái trong đảng, qua đó đạt được sự cân bằng quyền lực ở một mức độ nhất định.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, bãi bỏ chế độ lãnh đạo tập thể, đồng thời cải cách mở cửa chỉ tồn tại trên danh nghĩa, kinh tế thị trường bị phá bỏ, trở lại nền kinh tế kế hoạch hóa và kinh tế do đảng quản lý, những điều này chắc chắn sẽ lại đẩy ĐCSTQ vào tình trạng chuyên chế cực đoan, cá nhân lộng quyền độc đoán. Do đó, những biến động lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bài báo chỉ ra rằng, nếu chính quyền ông Tập muốn dốc toàn lực để duy trì cục diện thì cái giá phải trả chắc chắn sẽ cực kỳ cao. Trong khi lượng của cải sụt giảm trên quy mô lớn, chi phí để duy trì ổn định cũng lại gia tăng trên quy mô lớn, một giảm một tăng này cũng đủ để tiêu sạch số của cải quốc gia và xã hội tích lũy được trong hơn 30 năm cải cách mở cửa; sẽ làm lung lay vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc từ căn bản, và chắc chắn cũng sẽ làm lung lay địa vị cai trị của ĐCSTQ.

Vậy có phải việc ông Tập Cận Bình nắm quyền là điều bất lợi đối với người dân Trung Quốc? Ông Trần Phá Không chỉ ra, trong ngắn hạn, người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu rất nhiều đau khổ, các nhà máy đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, bất động sản mất giá, túi tiền của gia đình bị thu hẹp, tầng lớp trung lưu không dám mạnh tay chi tiêu, giới công chức cũng đang phải đối mặt với làn sóng cắt lương, sa thải.

Nhưng về lâu dài và ở mức độ sâu hơn, chúng chính là các biến số. Ông Trần Phá Không cho rằng, nếu ĐCSTQ, đặc biệt là những người lãnh đạo cao nhất trong đảng, không thể ngăn chặn những chính sách lòng vòng, không có lối thoát của ông Tập Cận Bình, thì đó sẽ là chiếc máy gia tốc đẩy ĐCSTQ tới diệt vong.

Ông nói, mặc dù ý định chủ quan của ông Tập Cận Bình không phải là nhằm hạ bệ ĐCSTQ, nhưng tác động khách quan lại có thể dẫn đến kết quả này.

Ông Trần Phá Không viết trong bài báo: “Nếu ông ấy thực sự có thể khiến cái đảng chuyên chế trăm năm này - ĐCSTQ - sụp đổ, thì ngay cả khi Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn tạm thời, đất nước và dân tộc vẫn có thể có cơ hội tái sinh từ đống tro tàn. Đối với đất nước Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, đó chẳng phải là một điều tốt lành, là điều may mắn hay sao?”.

Vậy việc ông Tập chấp chính Trung Quốc là phúc hay là họa? Cần phải xét đối tượng chịu tác động. Nếu ông Tập tiếp tục đi theo con đường hiện tại, nó sẽ là cái họa đối với ĐCSTQ; trong ngắn hạn nó cũng mang lại nhiều tai ương cho người dân Trung Quốc nhưng về lâu dài khi đảng cầm quyền này phải bước xuống vũ đài, đó sẽ là cái phúc cho nhân dân.

Các dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ sắp diệt vong

Ngay khi bước vào nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình đã bị choáng ngợp bởi lượng công việc đối nội, đối ngoại và hàng loạt tình huống khẩn cấp. Vào cuối tháng 7, ông Tần Cương, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc, người được ông Tập Cận Bình đích thân đề bạt, bất ngờ bị cách chức vì nghi ngờ liên quan đến vụ bê bối gián điệp. Hiện vẫn chưa rõ tung tích ông Tần Cương.

Ngoài ra, Lực lượng Tên lửa, lực lượng át chủ bài do ông Tập Cận Bình xây dựng, đã bị thanh trừng và gần như toàn bộ nhân sự cấp cao đã rớt đài. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng được cho là đã ngã ngựa. Về việc này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc trả lời rằng "việc chống tham nhũng trong quân đội mãi mãi được tiến hành". Câu trả lời trên càng làm tăng thêm độ khả tín của tin đồn, đồng thời cho thấy mức độ kiểm soát quân đội của ông Tập Cận Bình vẫn chưa ổn định.

Trong thời kỳ quân đội hỗn loạn hiện nay, ông Tập Cận Bình "không ra nước ngoài trừ khi cần thiết" và đã tuyên bố vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. Theo nguồn tin, ông Tập Cận Bình lo lắng rằng các lời tiên tri về ông và ĐCSTQ được nhắc đến trong hai cuốn “Thiết Bản Đồ” và “Thôi Bối Đồ” sẽ ứng nghiệm lên ông, ông càng lo lắng rằng sẽ xảy ra một cuộc đảo chính gây nguy hiểm cho gia đình và tính mạng của ông nên ông luôn sống trong sợ hãi. Sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, ông Tập đã giảm tần suất xuất hiện trước công chúng.

Tiến sĩ luật Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng là người soạn thảo cho ông Úy Kiện Hành - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 15, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Gần đây, ông viết một bài báo trên The Epoch Times chỉ ra rằng đã có 10 biểu hiện lớn cho thấy ĐCSTQ sắp diệt vong.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần là một công dân Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ. (Ảnh NTD)
  1. Nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ;
  2. Nền chính trị bị hộp đen hóa (tức là hoạt động trong bóng tối, bên ngoài khó nắm được nội tình; che giấu, lừa dối thông tin để trục lợi);
  3. Nền văn hóa được ví như một “đất nước La Sát” (ở Trung Quốc, ‘đất nước La Sát’ là từ để chỉ nơi mà cái đẹp và cái xấu bị đảo ngược. Ở đây, người càng hung dữ và quái gở thì càng được coi là đẹp đẽ, sáng láng và giàu có; trong khi người đẹp và tài giỏi lại bị coi là thấp kém, bị đè nén và đẩy xuống đáy xã hội);
  4. Căn bệnh ung thư ‘tham nhũng’ đã đến giai đoạn cuối;
  5. Hong Kong đã bị “tiêu diệt”;
  6. Vấn đề Đài Loan được quốc tế hóa;
  7. Không có người bạn thực sự nào trên trường quốc tế;
  8. “Kẻ thù tưởng tượng” tràn lan khắp trong và ngoài nước;
  9. Công chúng sôi sục sự bất bình và người dân đang thức tỉnh;
  10. Đại dịch đang quay trở lại Trung Quốc.

Vào ngày 3/9, nhà bình luận thời sự Đường Hạo (Tang Hao) chỉ ra trên chương trình “Tin tức Ngũ nhân hành” rằng, có ba vấn đề chí mạng nhất đủ để khiến ĐCSTQ rớt đài.

Nhà bình luận Đường Hạo trên chương trình phân tích "Tin tức Ngũ nhân hành" của đài NTD. (Ảnh chụp màn hình)

Thứ nhất, nền kinh tế đang suy thoái, không thể cứu vãn. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi và phát hành trái phiếu, ĐCSTQ không thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào khác có hiệu quả để giải quyết khủng hoảng. Nếu tiếp tục, tài sản của người dân trên khắp cả nước sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và xuất hiện đội quân thất nghiệp. Ngoài ra, nếu không có các biện pháp phúc lợi xã hội thích hợp, kinh tế sẽ bất ổn, sẽ dẫn đến rối loạn xã hội và có thể leo thang thành bất ổn chính trị, cuối cùng mũi kiếm sẽ chĩa ngược về phía Trung Nam Hải.

Thứ hai là sự mơ hồ thông tin của nhà độc tài. Ông Đường Hạo cho rằng, do thông tin sai lệch nên các lãnh đạo độc tài chỉ nghe được điều tốt chứ không nghe được điều xấu. Cộng với tuyên truyền tẩy não trong đảng, họ không chỉ lừa dối nhân dân mà còn lừa dối chính mình. Điều này sẽ dẫn đến sự tự tin thái quá, tự luyến thái quá, từ đó đưa ra một loạt phán xét sai lầm.

Ông Đường nói, từ chiến tranh thương mại, dịch bệnh, đến “Kế hoạch ngàn năm về Tân khu Hùng An” gần đây, cộng thêm sự cường điệu về nước thải hạt nhân của Nhật Bản… tất cả động thái của ĐCSTQ đều nhận lại những hiệu quả tiêu cực. Bản đồ mới mà Trung Quốc vừa công bố cũng khiến rất nhiều quốc gia tức giận, ĐCSTQ đã và đang gây thù chuốc oán khắp nơi.

Thứ ba là khủng hoảng niềm tin. Ông Đường Hạo nói rằng: Ở Trung Quốc, từ trên xuống dưới, điều thiếu nhất chính là lòng tin. Trung ương đảng không tin nội bộ đảng, nội bộ đảng không tin trung ương đảng; trung ương đảng không tin quân đội, quân đội không tin trung ương; trung ương đảng không tin nhân dân, nhân dân cũng không tin trung ương đảng. Hơn nữa, mọi người đều không còn niềm tin vào nền kinh tế, không dám tiêu dùng, Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng giảm phát.

Ông cho rằng ba căn bệnh này đã cùng nhau tạo thành một “cơn bão hoàn hảo” và gây ảnh hưởng lớn đến chế độ ĐCSTQ. Điều tồi tệ hơn là đại dịch đang xảy ra ở Trung Quốc, Covid-19 đang tái bùng phát trong hai tháng qua, nhiều người trẻ tuổi, đảng viên và quan chức của ĐCSTQ đã chết nhưng ĐCSTQ lại luôn bưng bít thông tin. Người dân đang đứng trước rủi ro tài chính và rủi ro tính mạng.

Ông Đường Hạo cho rằng, ĐCSTQ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng đảo chính, cuộc khủng hoảng binh biến và cuộc khủng hoảng dân biến (dân chúng nổi dậy), nó đang trên bờ vực của ngày tận thế.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Việc ông Tập Cận Bình nắm quyền Trung Quốc là phúc hay là họa?