Phân tích: Nếu Lực lượng Tên lửa thực sự nổi loạn, tên lửa nào có thể bắn tới ông Tập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết tên lửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều nằm trong tay Lực lượng Tên lửa. Về lý thuyết, lực lượng này có thể tấn công Trung Nam Hải mà không cần tiến vào Bắc Kinh.

Gần đây liên tục có thông tin cho rằng ông Tập Cận Bình đang thanh trừng Lực lượng Tên lửa do lo ngại đảo chính và tiên tri về vụ ám sát, tung tích của ông Tập quả thực rất khó nắm bắt. Nếu Lực lượng Tên lửa nổi dậy, các tên lửa mà họ sở hữu có thể bắn trúng ông Tập hay không?

Loại tên lửa nào có thể ngắm trúng Trung Nam Hải?

Hiện nay trong kho tên lửa của lực lượng này, chiếm phần lớn là các tên lửa Đông Phong-11, Đông Phong-15 và Đông Phong-16. Chúng chủ yếu được triển khai gần eo biển Đài Loan và không đủ tầm bắn tới Bắc Kinh. Nếu ông Tập Cận Bình tới các tỉnh như Phúc Kiến, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, ông có thể nằm trong tầm bắn của những tên lửa này. Gần đây, Phúc Kiến phải hứng chịu hai cơn bão nhưng ông Tập Cận Bình đã không đến thị sát.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ sẽ không thể phóng nếu không có lệnh trực tiếp từ ông Tập Cận Bình. Chắc hẳn Trung Quốc cũng có vali hạt nhân như Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình sẽ không nhắm mục tiêu vào Trung Nam Hải. Các tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa khó có thể tự ý ra lệnh cho các tên lửa Đông Phong-31, Đông Phong-41, Đông Phong-5 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

ĐCSTQ còn có 6 lữ đoàn tên lửa Đông Phong-26 hoặc 1 đến 2 lữ đoàn tên lửa Đông Phong-21. Các lữ đoàn này cũng có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc đảo chính hoặc ám sát, nhưng lại không dễ vận hành. Bởi lữ đoàn trưởng, phó lữ đoàn trưởng, chính ủy của lữ đoàn tên lửa đó phải đồng lòng nhất trí liều mạng; và ít nhất phải có một tiểu đoàn phụ trách phóng tên lửa tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh; ngoài ra, các sĩ quan và chiến sĩ tại kho nhiên liệu, đầu đạn, phương tiện cũng phải phối hợp toàn diện thì mới có thể nhanh chóng sẵn sàng cho hành động phóng tên lửa.

Trong số các lữ đoàn tên lửa Đông Phong-26, những lữ đoàn ở gần Bắc Kinh gồm có: Lữ đoàn 611 đóng quân ở thị trấn Tân Hà, tỉnh An Huy; Lữ đoàn 654 đóng quân ở thành phố Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh; và Lữ đoàn 666 đóng quân ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Khoảng cách đường chim bay từ Hải Thành tới Bắc Kinh là khoảng 600 km, nhưng khoảng cách tính theo đường bay parabol của tên lửa lại lớn hơn nhiều, cho nên từ khi phóng đến khi hạ cánh ở Trung Nam Hải phải mất ít nhất vài phút. Thời gian bay của tên lửa từ các căn cứ khác đến Bắc Kinh còn lâu hơn.

Xung quanh Bắc Kinh còn được cài đặt loại radar tốt nhất của ĐCSTQ, nó sẽ nhanh chóng xác định được tên lửa đang bay tới. Sau khi ông Tập Cận Bình nhận được cảnh báo, ông ấy hoàn toàn có đủ thời gian để nhanh chóng trốn xuống hầm ngầm ở Trung Nam Hải. Khi đó phải đợi xem tên lửa phòng không S-400 có chặn được tên lửa Đông Phong-26 hay không. Nếu tình huống này xảy ra, có thể gọi đó là “dùng ngọn giáo của chính mình để tấn công lá chắn của chính mình”.

Vậy, Lực lượng Tên lửa có thể phóng tên lửa vào Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ 100% bắn trúng ông Tập Cận Bình, và hành động này cũng cần sự hợp tác của nhiều bên khác.

Tên lửa Đông Phong-26 (DF-26) của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 3/9/2015. (Rolex Dela Pena/AFP qua Getty Images)

Lực lượng Chi viện Chiến lược giữ vai trò gì nếu tham gia đảo chính?

Nếu Lực lượng Tên lửa muốn dùng tên lửa tấn công Trung Nam Hải, làm sao để chúng không bị radar phát hiện, đây là một vấn đề nan giải. Nếu muốn làm cho các radar xung quanh Bắc Kinh bị vô hiệu hóa, bộ đội gây nhiễu điện tử thuộc Lực lượng Chi viện Chiến lược của ĐCSTQ có thể gây nhiễu các radar này. Hoặc nếu Lực lượng Chi viện Chiến lược phụ trách quản lý các radar này hoặc chịu trách nhiệm hỗ trợ, bảo trì kỹ thuật, họ sẽ dễ dàng kiểm soát chúng.

Một khi radar không đưa ra cảnh báo sớm, Trung Nam Hải sẽ không biết có tên lửa đang bay tới, bất kể ông Tập Cận Bình đang làm việc hay nghỉ ngơi, ông ấy cũng chỉ có thể đợi tên lửa hạ cánh trên đầu. Đầu đạn Đông Phong-26 nặng từ 1,2 tấn đến 1,8 tấn, dù sai số khá lớn nhưng nếu nhiều tên lửa tấn công cùng lúc, dinh thự và văn phòng của ông Tập ở Trung Nam Hải sẽ bị san bằng, cơ hội sống sót rất mong manh.

Lực lượng Chi viện Chiến lược của ĐCSTQ cũng kiểm soát vệ tinh Bắc Đẩu, tên lửa Đông Phong-26 rất có thể được dẫn đường bởi vệ tinh Bắc Đẩu thay vì GPS dân sự. Kỹ thuật viên vệ tinh Bắc Đẩu cũng có thể sẽ phát hiện ra vụ phóng. Vậy nên nếu muốn phóng tên lửa vào Trung Nam Hải, họ sẽ phải làm cho những người này im lặng hoặc không để lọt thông tin ra ngoài.

Hệ thống giám sát hàng không vũ trụ của ĐCSTQ cũng nằm dưới quyền của Lực lượng Chi viện Chiến lược. Hệ thống này cũng có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa và quỹ đạo bay ở độ cao lớn. Nếu muốn phóng tên lửa vào Trung Nam Hải, họ cũng sẽ phải làm cho những người trong hệ thống này im lặng.

Lực lượng Chi viện Chiến lược còn có thể can thiệp vào hệ thống liên lạc giữa Trung Nam Hải và Quân ủy Trung ương, như vậy thì thông tin cảnh báo sớm sẽ không thể truyền đi; nhưng họ lại khó có thể tác động đến các thiết bị có dây, chẳng hạn như “điện thoại đỏ”. Trang Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ từng đưa tin vào năm 2015 rằng, một chiếc điện thoại đỏ của ông Tập chỉ dành để thực hiện các cuộc gọi mật với giới chức quân sự, trong khi chiếc còn lại dùng đường dây mã hóa và có thể thực hiện những cuộc gọi thông thường.

Nếu Lực lượng Tên lửa muốn sử dụng tên lửa tấn công Trung Nam Hải thì cần có sự phối hợp của Lực lượng Chi viện Chiến lược, hai quân chủng này phải cùng nhau phát động binh biến, nếu không tỷ lệ thành công sẽ giảm đi rất nhiều.

Trên thực tế, trong những tin đồn về bộ máy ngoại giao, an ninh, quân đội của ĐCSTQ gần đây có cả thông tin rằng ông Cự Càn Sinh - Chỉ huy Lực lượng Chi viện Chiến lược - cũng đã “xảy ra chuyện”. Ngoài ra, ông Cao Tân, chỉ huy đầu tiên của Lực lượng Chi viện Chiến lược, cũng xuất thân từ “Bộ đội Pháo binh 2” (tiền thân của Lực lượng Tên lửa), vậy nên có thể nói hai lực lượng này có chung ‘cội nguồn’. Một quan chức khác bị rơi vào vòng xoáy “tin đồn bắt giữ” là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, ông Lý từng là Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng của Lực lượng Chi viện Chiến lược.

Ông Tập Cận Bình có thể thanh trừng Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Chi viện Chiến lược cùng lúc. Tuy nhiên, bất kể ai phát động đảo chính hay ám sát thì vẫn cần một mấu chốt khác - kẻ nội ứng.

Ảnh chụp ngày 21/5/2020 tại lối vào một doanh trại quân đội gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. (Qilai Shen/Bloomberg via Getty Images)

Cần biết chính xác hành tung của ông Tập nếu muốn đảo chính

Bất kể tên lửa quân sự muốn tấn công Trung Nam Hải hay tấn công bất cứ nơi nào ông Tập Cận Bình có thể tới, họ cũng cần phải kịp thời xác định vị trí chính xác của ông Tập, nếu không mọi nỗ lực trước đó sẽ thành công cốc.

Doanh Đài ở Trung Nam Hải được cho là nơi ông Tập Cận Bình sống và làm việc hàng ngày. Đây là một hòn đảo nhỏ thuộc khu vực Nam Hải nằm trong Trung Nam Hải.

Vào thời nhà Minh, Nam Hải, Trung Hải và Bắc Hải đều thuộc khu Tây Uyển của Hoàng thành. Đến thời nhà Thanh, người ta đã xây thêm bức tường đỏ bên trong để phân cách với Tử Cấm Thành. Nhưng các Hoàng đế đều thích sống ở Trung Hải và Nam Hải, bình thường họ cũng có thể thiết triều tại đây, khi có các buổi lễ trang trọng thì mới tổ chức ở Tử Cấm Thành. Hoàng đế Thuận Trị đặt tên cho hòn đảo nhỏ ở Nam Hải là "Doanh Đài", có nghĩa là "Tiên cảnh nơi nhân gian". Hoàng đế Khang Hy cũng từng thiết triều ở Doanh Đài; Hoàng đế Càn Long từng đọc sách ở Doanh Đài và viết cuốn “Doanh Đài ký”.

Bốn bề Doanh Đài được bao quanh bởi nước nên việc bảo vệ an ninh ở đây tương đối dễ dàng. Sau thất bại của Cuộc đảo chính Mậu Tuất năm 1898, Hoàng đế Quang Tự cũng từng bị Từ Hi Thái hậu quản thúc giam lỏng tại đây. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, Phó Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là ông Lê Nguyên Hồng từng sống trên đảo Doanh Đài, về sau Trung Nam Hải được mở cửa cho công chúng tham quan như một công viên. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, Trung ương đảng cũng đóng quân ở Trung Nam Hải với hy vọng hưởng được chút khí thế của bậc đế vương.

Phần lớn thời gian ông Tập Cận Bình ở Doanh Đài, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ đi đến những nơi khác ở Trung Nam Hải. Nếu không kịp thời nắm bắt được vị trí của ông ta, cho dù có nhiều tên lửa cùng tấn công thì cũng có thể bắn trượt mục tiêu, dù sao thì Trung Nam Hải cũng rộng tới 100 ha. Tất nhiên, Lực lượng Tên lửa có thể thực hiện một cuộc tấn công tên lửa bao trùm Trung Nam Hải, nhưng e là những kẻ nội ứng tham gia đảo chính khó có thể bảo toàn tính mạng.

Nếu thư ký riêng, cảnh vệ, nhân viên phục vụ hoặc bất kỳ thành viên ĐCSTQ nào ở bên cạnh ông Tập Cận Bình tham gia đảo chính, họ cần kịp thời gửi tọa độ của ông ấy cho Lực lượng Tên lửa. Một lữ đoàn tên lửa nào đó cũng phải luôn sẵn sàng túc trực nghe lệnh và ngay lập tức phóng tên lửa, nếu không thì không thể đảm bảo trúng mục tiêu.

Khi ông Tập Cận Bình rời Bắc Kinh đi thị sát các nơi, một số ít quan chức, nhân viên an ninh và nhân viên phục vụ địa phương cũng sẽ biết tung tích và nơi ở tạm thời của ông. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không bao giờ đưa ra bất kỳ thông báo nào khi đi thị sát, sau khi chuyến đi kết thúc thì truyền thông của đảng mới đưa tin. Điều này có lẽ là để ngăn chặn khả năng có người hành thích, do đó việc bố trí các diễn viên quần chúng càng là điều không thể tránh khỏi.

Không dễ để tên lửa của Lực lượng Tên lửa bắn trúng ông Tập Cận Bình. Ngoài tên lửa của lực lượng này, còn có một loại tên lửa khác có thể dễ dàng bắn trúng ông Tập hơn.

Tên lửa phòng không S-400 nhập khẩu từ Nga là loại tên lửa phòng không tốt nhất hiện nay của ĐCSTQ. (Alexander Nemenov/AFP/Getty Images)

Vì tránh tên lửa phòng không tấn công chuyên cơ, ông Tập phải ngồi tàu hỏa?

Lực lượng Tên lửa cũng có thể được trang bị một số lượng nhỏ tên lửa phòng không, và có thể phần lớn tên lửa phòng không đã được giao cho lực lượng Không quân và Lục quân. Khu vực Bắc Kinh là nơi tập trung nhiều tên lửa phòng không nhất, một số ít tên lửa phòng không S-400 nhập khẩu từ Nga chủ yếu được biên chế cho quân đồn trú Bắc Kinh.

Khi ông Tập Cận Bình ngồi chuyên cơ để rời Bắc Kinh hoặc trở về Bắc Kinh, nếu ai đó âm mưu đảo chính, ám sát hoặc phóng tên lửa phòng không tấn công chuyên cơ của ông, tỷ lệ thành công dường như sẽ cao hơn nhiều. Khi chuyên cơ bay tới các nơi khác, nếu quân đồn trú địa phương được trang bị tên lửa phòng không, họ sẽ có điều kiện để thực hiện ám sát.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã sớm có đề phòng nên ông ấy chủ yếu di chuyển bằng tàu hỏa chuyên dụng, tên lửa phòng không khó mà ám sát được.

Ngày 26/8, ông Tập Cận Bình trở về Trung Quốc sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, nhưng ông không về thẳng Bắc Kinh mà dừng chân ở Urumqi, Tân Cương. Truyền thông đảng đưa tin, ông Tập Cận Bình đã đặc biệt tới nghe báo cáo của các quan chức Tân Cương. Ngoại giới tỏ ra khó hiểu về động thái này.

Có thể nguyên nhân chính đằng sau lộ trình này là sau khi chuyên cơ của Tập Cận Bình hạ cánh ở Urumqi, ông đã bắt chuyến tàu hỏa chuyên biệt trở về Bắc Kinh, tuy nhiên nếu trực tiếp di chuyển như vậy thì sẽ khá mất mặt nên cần phải sắp xếp một buổi báo cáo. Ông Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Công an Trung Quốc, cũng có mặt tại Urumqi, có lẽ ông Vương phải đích thân chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông Tập Cận Bình khi ông Tập di chuyển từ Tân Cương về Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, ông Tập Cận Bình luôn dùng tàu hỏa chuyên biệt khi đi thị sát các nơi, khả năng cao là do ông sợ có người dùng tên lửa phòng không để ám sát mình. Tai nạn máy bay của ông trùm Wagner Prigozhin có lẽ sẽ càng khiến ông Tập sợ ngồi máy bay hơn, cho dù chiếc máy bay mà ông Prigozhin ngồi lên đó có phải do bị tên lửa phòng không bắn hạ hay không.

Hơn một tháng trước, truyền thông ĐCSTQ đưa tin ông Tập Cận Bình đã đến Tứ Xuyên để điều tra nghiên cứu từ ngày 25-27/7; ngày 29/7, trên đường trở về Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã xuống tàu và đến khảo sát thành phố Hán Trung ở tỉnh Thiểm Tây. Tin tức này cho thấy ông Tập Cận Bình đã đi tàu hỏa đến thị sát Tứ Xuyên và tham dự lễ khai mạc đại hội thể thao ở Thành Đô, sau đó lại trở về Bắc Kinh bằng tàu hỏa.

Ngày 17/5, ông Tập Cận Bình tới thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á. Truyền thông ĐCSTQ đưa tin, vào chiều ngày 16/5, trên đường đi Thiểm Tây, ông Tập Cận Bình đã xuống tàu và đi khảo sát thành phố Vân Thành thuộc tỉnh Sơn Tây.

Không chỉ trong năm 2023 mà ngay từ trước đó ông Tập Cận Bình đã dùng tàu hỏa chuyên biệt khi đi lại bên trong Trung Quốc. Khi Đại hội 20 của ĐCSTQ vừa kết thúc, từ ngày 26-28/10 năm 2022, ông Tập Cận Bình đã đi thị sát thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, sau đó tới Diên An ở Thiểm Tây. Truyền thông đảng đưa tin, vào chiều 26/10, ông Tập Cận Bình xuống tàu và ngồi xe đến làng Nam Câu, thị trấn Cao Kiều, quận An Tắc, thành phố Diên An.

Ngày 30/6/2022, ông Tập Cận Bình đến ga Cửu Long ở Hong Kong bằng tàu hỏa chuyên biệt, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng cảnh ông bước xuống toa tàu.

Vào ngày 22/7/2021, truyền thông đảng đưa tin ông Tập Cận Bình đã đi thị sát Tây Tạng và ngồi tàu hỏa chuyên biệt để đi kiểm tra tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng - Lhasa - Nyingchi.

Ông Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Nếu tới Ấn Độ, ông ấy sẽ phải bay ra khỏi Bắc Kinh và bay qua một nửa Trung Quốc, điều này rất rủi ro. Nếu ở chiều về ông bay thẳng tới Bắc Kinh, nó cũng tiềm ẩn rủi ro tương tự. Nếu ông đến Tây Tạng để “nghe báo cáo” rồi mới ngồi tàu hỏa về Bắc Kinh thì sẽ càng mất nhiều thời gian hơn và có thể không che giấu được. Việc từ bỏ hội nghị thượng đỉnh G20 có lẽ đã giúp ông Tập Cận Bình tránh được không ít rắc rối.

Nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un thường di chuyển bằng tàu hỏa chuyên biệt, việc này cũng thu hút nhiều sự chú ý. Trên thực tế, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ cũng đi lại bằng tàu hỏa chuyên biệt nhưng ông không thể đi tàu trong các chuyến thăm nước ngoài. Khi ông Tập Cận Bình rời Bắc Kinh hay trở về Bắc Kinh bằng chuyên cơ, hầu như không có bản tin video hoặc tường thuật phát sóng trực tiếp nào, không thể loại trừ việc ông ấy rời đi và trở lại Bắc Kinh bằng tàu hỏa rồi mới chuyển sang máy bay ở đâu đó tại biên giới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un di chuyển bằng tàu hỏa đến ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam vào ngày 26/2/2019 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. (NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Khi ở nội địa Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chủ yếu đi lại bằng tàu hỏa. Đoàn tàu chuyên biệt này có dáng vẻ bên ngoài tương tự như đoàn tàu chở khách thông thường khác nhưng bên trong rộng rãi, sang trọng; tấm thép chống đạn bên trong cũng rất dày và cũng phải có khả năng chống hạt nhân. Tốc độ tàu không được quá nhanh, nếu không sẽ dễ bị mất kiểm soát do tác động của ngoại lực. Nếu có người để vật thể lạ lên đường ray, tàu sẽ trật bánh khi đang chạy ở tốc độ cao và những người bên trong cũng sẽ thiệt mạng.

Đoàn tàu chuyên biệt này mất khá nhiều thời gian khi đi tới Tân Cương, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Hong Kong và những nơi khác nhưng ông Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác, ước chừng chuyến đi gần đây của ông tới Hắc Long Giang cũng vậy. Bằng cách này, chiếc chuyên cơ của ông Tập Cận Bình có thể tránh được tên lửa phòng không nếu có ai đó trong quân đội muốn tấn công ông.

Kết luận

Trong cuộc thanh trừng Lực lượng Tên lửa, có thể ông Tập Cận Bình sẽ yêu cầu loại bỏ những người “thân đới cung” (đeo cung bên mình), ông còn phải luôn cảnh giác bất kỳ người nào có khả năng phát động binh biến, đảo chính hoặc ám sát.

Người “thân đới cung” là ai? Chính là quân nhân được nhắc đến trong "Thôi Bối Đồ" - cuốn tiên tri do hai nhà thiên văn học, chiêm tinh học, bậc thầy về tướng số, phong thủy và tiên tri thời Đường là Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán (626-649) thời vua Đường Thái Tông. Trong quẻ tượng 46 của “Thôi Bối Đồ” có một bài tụng như sau:

Hữu nhất quân nhân thân đới cung
Chỉ ngôn ngã thị bạch đầu ông
Đông biên môn lý phục kim kiếm
Dũng sĩ hậu môn nhập Đế cung

Tạm dịch:

Có một quân nhân đeo cung bên mình
Chỉ nói rằng ta là ông đầu trắng
Bên cửa phía Đông mai phục kiếm vàng
Dũng sĩ tiến vào cung điện Hoàng Đế từ cổng sau

Theo luận giải, bài tụng trên đang dự đoán về ông Tập và các cuộc đảo chính hay ám sát trong cung điện (tức là cuộc đảo chính hay ám sát này do chính những người trong giới lãnh đạo chóp bu phát động). Trong đó còn đề cập rằng "Bên cửa phía Đông mai phục kiếm vàng; Dũng sĩ tiến vào cung điện Hoàng Đế từ cổng sau". Điều này có vẻ càng đáng sợ hơn, những kẻ lên kế hoạch ám sát có thể sẽ phục kích hoặc tiến vào Trung Nam Hải. Nếu vậy, ông Tập phải đề phòng quá nhiều người.

"Thôi Bối Đồ" còn đề cập rằng "Vạn nhân bất tử, nhất nhân nan đào” (tạm dịch: Vạn người không chết, một người khó trốn thoát). Điều này dường như đang nói về một vụ ám sát chính xác ở cự ly gần. Nếu một quả tên lửa rơi xuống, e rằng sẽ không chỉ chết một người, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cũng vậy. Dù vậy, các tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa vẫn có khả năng bị coi là quân nhân “thân đới cung” nên họ đã bị thanh trừng?

Vào ngày 8/9, khi đi thị sát Tập đoàn quân 78 ở Cáp Nhĩ Tân, ông Tập Cận Bình nói rằng quân đội và cảnh sát vũ trang “đã phát huy vai trò của bộ đội xung kích” trong phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Điều này chứng thực rằng, quy mô điều động quân đội là vô cùng hạn chế và việc huy động quân đội luôn bị kiểm soát chặt chẽ. Ông Tập cũng yêu cầu “nâng cao chất lượng và mức độ chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự”, “duy trì sự tập trung và thống nhất cao độ cũng như an ninh và ổn định của quân đội”. Trên thực tế, những lời phát biểu này mâu thuẫn với nhau. Hai ngày sau lần thị sát này, chuyến đi của ông Tập mới được báo giới đưa tin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/9 bất ngờ tuyên bố rằng, Trung Quốc "hiện đang phải đối mặt với một vấn đề kinh tế khó khăn", "Tôi không nghĩ điều này sẽ cho phép Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Trên thực tế, có thể ngược lại, nó có thể không còn năng lực như trước đây".

Có lẽ ông Biden sẽ không nói những điều vô nghĩa. Thực tế là không chỉ riêng kinh tế, lãnh đạo ĐCSTQ còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác liên quan đến nội chính và ngoại giao, và vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để tìm ra người “thân đới cung” cũng như phá bỏ lời tiên tri về cái chết khi nhà lãnh đạo còn đương chức.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Tác giả Thẩm Chu (Shen Zhou) là một nhà bình luận, phân tích thời sự người Hoa. Ông cũng là cây viết chuyên đề trên tờ The Epoch Times tiếng Trung.

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Nếu Lực lượng Tên lửa thực sự nổi loạn, tên lửa nào có thể bắn tới ông Tập?