'Pharaoh có cánh': Từ chứng cứ khảo cổ đến ký ức luân hồi 5000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu thế kỷ XX, giới khảo cổ tìm thấy một lăng mộ bí ẩn ở Abydos, thành phố vong linh của Ai Cập. Rất nhiều ẩn đố về ngôi mộ đã làm đau đầu các nhà sử học. Mãi cho đến khi một cuốn tiểu thuyết ra đời, kể lại ký ức tiền kiếp về nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, thì tấm màn bí ẩn mới dần được hé lộ.

Nằm cách bờ tây sông Nile 11 km thuộc vùng Thượng Ai Cập có một tòa thành cổ tên là Abydos. Nơi đây đặc trưng với những triền cát trải dài miên man mở ra một khung cảnh hoang vu cằn cỗi, nhưng lại là địa điểm khảo cổ vô cùng trọng yếu. Bởi vì Abydos từng là thánh địa của các Pharaoh thời cổ đại, đồng thời cũng là nơi xây dựng lăng mộ của các vị vua thời kỳ đầu.

Một vị Thần vĩ đại của người Ai Cập là Osiris cũng từng được chôn cất tại đây. Bạn có thấy ngạc nhiên không: Thần cũng chết như con người sao? Đúng vậy, trong quan niệm của người Ai Cập, các vị Thần có thể sống rất lâu nhưng rồi cũng sẽ đến lúc từ giã cõi đời, chỉ có điều sau khi tạ thế Ngài sẽ được tái sinh.

Osiris là vị Thần đầu tiên được ướp xác của Ai Cập, cũng là người đầu tiên phục sinh sau khi chết. Sau khi phục sinh, Ngài trở thành chúa tể cõi Âm gian, cai quản linh hồn của người Ai Cập. Các vị Pharaoh cũng hy vọng có thể đến gần Osiris hơn một chút để có cơ hội được phục sinh. Do đó, nơi chôn cất Osiris đã trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng lăng mộ cho các đời Pharaoh Ai Cập.

Ngôi mộ thần bí

Hiện nay, công tác khảo cổ được thực hiện bởi các chuyên gia với sự trợ giúp của nhiều thiết bị chuyên nghiệp. Việc đào bới phải tiến hành vô cùng thận trọng, để khai quật một ngôi mộ cổ sẽ cần tới vài năm, thậm chí vài chục năm, sau đó các văn vật đều được phân loại và lưu trữ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc khảo cổ từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX lại khá thô sơ. Bởi khi ấy ngành khảo cổ chỉ vừa mới hưng khởi, chưa trở thành chuyên ngành trong các trường đại học, đa số các khảo cổ gia đều xuất thân từ những nhà bác học và nhà tự nhiên học thời đầu. Trong mắt họ, khai quật cổ vật cũng giống như sưu tầm mẫu vật vậy.

Nếu như khảo cổ học hiện nay áp dụng nhiều phương tiện kỹ thuật và luôn khảo sát tỉ mỉ bề mặt địa chất trước khi khai quật, thì công tác quy hoạch thời ấy lại khá sơ sài. Nhân viên đa số đều là người dân bản địa, họ được thuê để cầm cuốc đào đất, mọi hoạt động đều là thủ công. Do đó, rất nhiều văn vật bị hư hại, xác ướp bị hủy hoại, việc phân loại và lưu trữ văn vật cũng tiến hành khá tùy tiện, tạo ra chướng ngại lớn cho các cuộc nghiên cứu chuyên sâu sau này.

Sir Flinders Petrie, 1903, chủ tịch đầu tiên của Hội Ai Cập học ở Anh, ông đã khai quật nhiều địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở Ai Cập. (Ảnh: wikimedia)
Sir Flinders Petrie, 1903 (Ảnh: Wikimedia)

Vào năm 1900, nhà khảo cổ học người Anh Flinders Petrie (William Matthew Flinders Petrie) đến Ai Cập tiến hành khảo cổ. Petrie cùng với trợ lý Mace bắt đầu với địa điểm khai quật đầu tiên, đó là lăng mộ Pharaoh Djer ở nghĩa trang Umm El Qa'ab, thành cổ Abydos. Các cộng sự của Petrie phát hiện thấy cánh tay của một xác ướp được bọc trong vải lanh, trên cổ tay còn đeo bốn chiếc vòng có niên đại khoảng 5000 năm.

Petrie tìm được cánh tay xác ướp với những chiếc vòng (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Nhờ có tri thức uyên thâm về văn hóa Ai Cập, Petrie cho rằng những chiếc vòng tay này rất có thể là vật dụng của các Pharaoh. Petrie chụp ảnh cánh tay xác ướp và ghi chép lại tỉ mỉ, sau đó cẩn thận bọc lại rồi gửi đến Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.

Trong cuốn “The Mummy in Fact, Fiction and Film” (2001), tác giả Cowie và Johnson kể lại rằng: Cánh tay và mảnh vải lanh cực kỳ mịn màng của nó được chuyển đến Bảo tàng Cairo. Nhưng vì trợ lý Brugsch, một nhà Ai Cập học gốc Đức, chỉ quan tâm đến việc trưng bày cổ vật, nên đã cắt riêng các sợi dây vòng ra rồi vứt cánh tay và tấm vải lanh đi. Khi Petrie biết được sự thật này, ông không khỏi thốt lên chua xót: “Bảo tàng thật là nơi nguy hiểm!”

Điều may mắn là, Petrie đã tìm được một tấm bia mộ, trên bề mặt đề tên “Meri-neyt”. Tên gọi “Meri-neyt” có ý nghĩa là ‘người được Nữ Thần Neith yêu thương’.[1]

Neith là Thần Chiến tranh, Thần Săn bắn và Thần Trí huệ của người Ai Cập, bà cũng là tiền thân của Nữ Thần Athena trong Thần thoại Hy Lạp.

Bia đá từ ngôi mộ của Merneith ở Umm el-Qa'ab. (Ảnh: wikimedia)
Bia đá mang tên Meri-Neyt ở Umm el-Qa'ab, Abydos, Ai Cập. (Ảnh: Wikimedia)

Trong cuốn “Lịch sử Ai Cập” (Aegyptiaca), quan Tư tế Manetho đã phân chia Ai Cập cổ đại thành 31 vương triều, các vương triều khác nhau do các vị Pharaoh thuộc dòng tộc khác nhau nối tiếp cai trị. Tính từ vương triều thứ nhất đến vương triều Ptolemaios khi Manetho đang sống, Ai Cập đã trải qua hơn 3000 năm. Điều ấy nói lên rằng, vương triều thứ nhất cách chúng ta ngày nay khoảng 5000 năm.

Trên tấm bia trong khu lăng mộ Pharaoh bất ngờ xuất hiện cái tên “Neith”, đây là tên gọi của vị Nữ Thần vô cùng cổ xưa. Các nhà khảo cổ suy đoán rằng chủ nhân của ngôi mộ là một Pharaoh chưa được biết đến trước đây. Nhưng cụ thể đó là ai? Chúng ta hãy cùng tiếp tục với câu chuyện của Joan Grant dưới đây.

Câu chuyện của Joan Grant

Năm 1937, nữ nhà văn Anh Joan Grant cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên: “Pharaoh có cánh” (Winged Pharaoh).

Bìa trước của cuốn sách “Pharaoh có cánh” do Joan Grant viết. (Ảnh: wikimedia)
Bìa trước của cuốn sách “Pharaoh có cánh” do Joan Grant viết. (Ảnh: wikimedia)

Cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản đã giành được vị trí quán quân trên danh sách bán chạy nhất. Nội dung câu chuyện kể về một nữ Pharaoh của vương triều thứ nhất tại Ai Cập khoảng 5000 năm trước, mỗi tình tiết đều được mô tả sống động như thật. Thời báo New York Times bình phẩm: Đây là cuốn sách “rất lý tưởng, có thiện ý sâu sắc và phẩm chất tinh thần thuần khiết rực rỡ như ngọn lửa”,“Một câu chuyện cổ tích tuyệt vời về Ai Cập cổ đại”, “Sự tái hiện tuyệt đẹp của một cuộc đời đã mất trong sương mù thời gian”.

Nhưng khi các phóng viên báo chí ca ngợi tác phẩm này, Joan Grant lại bất ngờ tiết lộ: Các bạn có thể cho rằng câu chuyện được viết ra từ trí tưởng tượng bay bổng, nhưng không, đây chính là trải nghiệm của cá nhân tôi.

Thật sao? Câu chuyện từ 5000 năm trước là trải nghiệm cá nhân của một quý cô hiện đại? Câu trả lời của Joan Grant khiến các phóng viên tròn xoe mắt vì kinh ngạc.

Joan Grant kể rằng, cô sinh ra trong một gia đình giàu có ở London (Anh) vào năm 1907. Cha cô là John Frederick Marshall, một vận động viên tennis có đẳng cấp quốc tế. Còn mẹ cô là Blanche Emily Hughes, một nhà ngoại cảm xã hội được biết đến với danh hiệu Mme Voyer.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Joan đã phát hiện rằng thế giới trong mắt cô hoàn toàn khác với cảm nhận của những người xung quanh. Cô có thể nhìn thấy và nghe thấy những điều mà người khác không thấy. Cô từng kể riêng với cha, nhưng cha cô không tin vào thế giới tâm linh, nên đã ngăn cấm con gái: Con đừng có nói nhảm, đó đều là ảo giác, con nên học thêm nhiều tri thức khoa học mới đúng.

Câu trả lời của cha không làm Joan thỏa mãn. Cô lại đi kể với mẹ về những hình ảnh kỳ lạ mà mình nhìn thấy. Trái ngược với thái độ hoài nghi của cha, mẹ cô nhẹ nhàng an ủi và nói rằng: Đây là điều bình thường, người có năng lực siêu cảm hiển nhiên sẽ nhìn thấy những điều mà người khác không thấy.

Đồng thời bà cũng căn dặn rằng: Con phải giữ vững bí mật của mình, đừng nói cho người khác, bởi vì họ sẽ không cách nào hiểu được con.

Theo thời gian Joan lớn lên, những hình ảnh cổ xưa như trong cảnh phim điện ảnh bắt đầu tái hiện một cách sống động nhưng rời rạc trong tâm trí cô. Cô bắt đầu ghi chép lại từng phân cảnh mà bản thân cô nhìn thấy.

Năm 20 tuổi, Joan Grant gặp được nửa kia của cuộc đời mình, cô cởi mở chia sẻ với chồng những điều kỳ lạ mà cô được mắt thấy tai nghe. Chồng cô rất hứng thú với khả năng đặc biệt của vợ, thậm chí anh còn tự nguyện làm người ghi chép cho cô. Sự nhiệt tình và khích lệ của anh cho Joan thêm động lực để hồi tưởng lại những ký ức xa xôi từ hàng ngàn năm trước.

Khi những mảnh ghép hồi ức dần dần lấp đầy bức tranh toàn cảnh, Joan liền bắt đầu chỉnh lý và sắp xếp lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Nhờ đó, cuốn tiểu thuyết “Pharaoh có cánh” chính thức được ra đời.

Nhưng câu chuyện của Joan lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Những người không tin vào luân hồi và ký ức tiền kiếp cho rằng, tác phẩm chỉ đơn thuần là tiểu thuyết huyễn tưởng, và rằng những ký ức của Joan chỉ là lời bịa đặt hòng tô vẽ cho bản thân. Nhưng khi một nhà khảo cổ học của Đức là Christiana Kohler tình cờ đọc được bài báo về Joan, bà đã được truyền cảm hứng và bắt tay vào hành trình đi tìm sự thật...

Trước khi đến với các phát hiện của Kohler, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nội dung trong cuốn tiểu thuyết “Pharaoh có cánh” của Joan Grant.

Pharaoh có cánh

Trong vương triều thứ nhất của Ai Cập có một nàng công chúa nhỏ sinh ra trong vương thất Pharaoh. Cô bé tên là Sekeeta, cùng với cô còn có một người anh trai hơn cô 3 tuổi, đó là hoàng tử Neyah. Pharaoh rất coi trọng việc giáo dục con cái, ông liền cử vị thượng quan Ptah-kefer làm thầy dạy cho hai tiểu vương tử. Thượng quan Ptah-kefer là người có siêu năng lực, cặp mắt của ông cũng tương tự như thiên nhãn trong Phật giáo, có thể nhìn thấu suy nghĩ của con người. Ông thấy mỗi cảm xúc khác nhau tỏa ra một màu sắc khác nhau, căn cứ vào các màu sắc ấy ông sẽ dễ dàng nhìn thấu tâm tư của một người, biết được trong tâm họ là đố kỵ, tham lam, phẫn nộ, yêu thương, hay nhân từ.

Sau khi Pharaoh tử trận trong trận chiến oanh liệt với nước Zuma, hoàng tử Neyah lên kế vị, còn Sekeeta thì được gửi đến đền thờ Atet để tu hành. Trong quá trình tu hành, Sekeeta đã nhiều lần trải nghiệm linh hồn ly thể, tiến nhập vào không gian khác, có thể lĩnh hội được những tri thức và trí huệ cao cấp vượt xa khỏi hiểu biết của con người.

Trong suốt mười năm gian khổ tu hành, Sekeeta vượt qua nhiều khảo nghiệm và được thăng cấp. Một mạch cho đến bài kiểm tra cuối cùng, Sekeeta phải nằm trong một cỗ quan tài đá liên tục trong bốn ngày đêm, linh hồn của cô sẽ rời khỏi cơ thể và đến không gian khác, nơi cô sẽ phải đối mặt với một loạt các bài kiểm tra khác nhau. Sau khi Sekeeta xuất sắc vượt qua khảo nghiệm, cô chính thức trở thành nữ Tư tế. Danh vị Tư tế của cô là “Meri-neyt”, nghĩa là ‘người được nữ Thần Neith yêu thương’.

Đọc đến đây, nhà khảo cổ Kohler không khỏi giật mình kinh ngạc – chi tiết này gợi bà nhớ đến tấm bia mộ bí ẩn mà Petrie tìm thấy trong lăng mộ Pharaoh ở Abydos. Chẳng phải cũng chính là Meri-neyt đó sao? Trực giác mách bảo Kohler rằng, “Meri-neyt” trong cuốn sách của Joan Grant rất có thể chính là chủ nhân ngôi mộ mà Petrie tìm thấy vào năm 1900.

Kohler liền gửi đơn xin được tiến hành khai quật, đồng thời cũng bắt đầu công trình nghiên cứu tỉ mỉ, hy vọng sẽ tìm được những tư liệu lịch sử và truyền thuyết liên quan đến Meri-neyt.

Công phu không phụ người có tâm, Kohler phát hiện không chỉ riêng Abydos, mà đồng thời ở Saqqara gần cố đô Memphis cũng có một lăng mộ mang tên Meri-neyt. Khai quật từ ngôi mộ lớn ở Saqqara, các nhà khảo cổ học đã tìm ra một số manh mối.

Một manh mối là, trên Serekh bất ngờ xuất hiện cái tên Meri-neyt. Serekh là huy hiệu được sử dụng bởi vương triều sớm nhất của Ai Cập. Serekh có tạo hình như một hàng rào hoặc bức tường, đại biểu cho cung điện hoàng gia, bên trên bức tường là con chim ưng Horus, đại biểu cho sự kết nối giữa Pharaoh và Thần. Phần trên của bức tường đối ứng với Thần thú, ví dụ như rắn, phần dưới của bức tường thông thường là tên gọi của thành viên trong vương thất. Điều này chứng tỏ Meri-neyt cũng là một thành viên trong vương thất Pharaoh.

Mặc dù Kohler được truyền cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết của Joan Grant, nhưng dẫu sao bà cũng là khảo cổ gia, mọi kết luận đưa ra đều phải có cơ sở khoa học. Khi công chúng vẫn còn hoài nghi rốt cuộc câu chuyện của Joan là tưởng tượng, huyễn hoặc, hay là sự thật, thì Kohler không thể dựa vào một cuốn tiểu thuyết để nhận định.

Vậy có điều gì đặc biệt bên trong cuốn sách ấy? Chúng ta hãy cùng trở lại với “Pharaoh có cánh” của Joan Grant.

Truyện kể rằng, không lâu sau khi được thăng làm Đại tư tế, Sekeeta theo thông lệ của hoàng gia đã kết hôn với anh trai Pharaoh của mình, chính thức trở thành nữ Pharaoh đồng thời nhiếp chính. Cũng chính là nói, lúc ấy trong vương triều có hai vị Pharaoh cùng nhau cai trị Ai Cập. Việc hôn phối giữa anh trai và em gái trong hoàng gia được coi là điều chính thường, mục đích là để gìn giữ huyết thống thuần khiết của hoàng tộc.

Hai anh em Sekeeta cùng nhau cai trị đất nước, trong đó một người chủ nội, một người chủ ngoại. Nếu như anh trai Neyah phụ trách việc quân sự và ngoại giao thì em gái Sekeeta phụ trách việc tài chính, tế tự, và các hoạt động lễ hội mừng vụ mùa bội thu.

Trong quá trình khai quật, Kohler phát hiện thấy hình ảnh bảo khố hoàng gia (tương tự như kho bạc ngày nay) được khắc bên cạnh tên gọi Meri-neyt, điều này chứng tỏ Meri-neyt là nhân vật cấp cao nắm quyền quản lý việc tài chính quốc gia. Điều trùng hợp là nhà văn Joan Grant cũng mô tả trong sách rằng, sau khi anh trai Neyah qua đời, Sekeeta (Meri-neyt) phải một mình cai trị đất nước, mãi cho đến khi con gái lên kế vị thì Sekeeta mới lui về nghỉ ngơi.

Con gái của Sekeeta tên là Tchekeea, còn được gọi là Den. Điều đặc biệt là trong lịch sử xác thực cũng có một vị Pharaoh tên là Den, thuộc vương triều thời kỳ thứ nhất.

Năm 1985, các nhà khảo cổ Đức khai quật lăng mộ Pharaoh Den và tìm được ấn chương khắc tên các vị Pharaoh của vương triều thứ nhất, trong đó có tên Meri-neyt cùng với dòng chữ “mẫu thân của quân vương”.

Ký tự giống như chữ "Ă" ở góc dưới bên phải của ấn chương là ký tự đại biểu cho Meri-Neyt (Ảnh: Wikipedia)

Kohler vô cùng kích động, thành quả từ cuộc khai quật đã xác thực thân phận của các nhân vật trong cuốn “Pharaoh có cánh”: Meri-neyt - nữ Pharaoh từ vương triều Ai Cập thứ nhất. Theo đó, anh trai Neyah đồng thời cũng là phu quân của Sekeeta chính là Pharaoh Djet, còn cha cô chính là Pharaoh Djer.

Như phần trên đã đề cập, nhà khảo cổ Petrie từng tìm thấy một cánh tay xác ướp ở thành cổ Abydos, trên tay đeo bốn chiếc vòng có niên đại khoảng 5000 năm. Những cổ vật này được trưng bày tại bảo tàng Cairo, Ai Cập. Sau này, khi Joan Grant cùng chồng xem ảnh cổ vật trong cuốn “Lịch sử các Pharaoh” (A History of the Pharaohs) của Arthur Weigall, cô nhận ra ngay những chiếc vòng chính là món quà mà năm xưa Sekeeta cùng anh trai Neyah tặng cho người mẹ yêu dấu của mình, và bà đã mang theo mình những chiếc vòng ấy sang thế giới bên kia. Chi tiết này cũng được Joan Grant xác nhận trong phần tám, chương một của “Pharaoh có cánh”.

Các vòng tay được nhắc đến trong "Pharaoh có cánh" (Ảnh: OutoftheTombs / Reddit.com)

Bên cạnh đó vẫn còn một câu hỏi đặt ra là: Vì sao gọi là “Pharaoh có cánh”? Hai chữ “có cánh” mang ý nghĩa biểu tượng gì?

Kỳ thực, đó không phải là đôi cánh hữu hình mà là đôi cánh tâm linh, người ‘mang cánh’ có thể lên trời xuống đất, du hành giữa các thời không. “Pharaoh có cánh” là danh hiệu dành cho những bậc quân vương đã đạt đến cấp Tư tế, họ có công năng, có thần thông, có thể câu thông với Thần. Trong truyện kể rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ công chúa Sekeeta đã có được khả năng siêu cảm. Sau này khi bước vào tu hành, năng lực ấy lại càng triển hiện mạnh mẽ hơn. Sau khi điểm đạo và được ban danh hiệu Tư tế, đồng thời cùng anh trai kế vị vua cha, Sekeeta đã chính thức trở thành “Pharaoh có cánh” của vương triều.

Trong sách của Joan Grant, Sekeeta vừa là Pharaoh nhưng đồng thời cũng là một nữ tướng quân. Cô đã từng thống lĩnh quân đội xuất chinh, dũng cảm đương đầu với đoàn quân Zuma đông như kiến cỏ. Thế nhưng với bản lĩnh và trí huệ của một bậc quân vương, Sekeeta đã giành được chiến thắng lừng lẫy trước quân địch hùng mạnh. Mặc dù trận chiến ấy không được ghi chép trong sử sách, nhưng cuốn sách của Joan Grant lại giúp các nhà khảo cổ giải quyết được một câu hỏi hóc búa khác: Meniss bí ẩn là ai?

Meniss là ai?

Meniss, hay còn gọi là Menes, là người đã thống nhất Ai Cập hơn 5100 năm trước, ông cũng được coi là vị quân vương khai quốc của vương triều đầu tiên. Tên gọi của ông xuất hiện trong cuốn “The History” của Herodotus, đồng thời cũng xuất hiện trong “Danh sách các vua Abydos” và “Danh sách các vua Turin”. Câu chuyện về ông cũng được Joan Grant miêu tả chi tiết trong phần ba, chương bốn của “Pharaoh có cánh”.

Mặc dù Meniss là một nhân vật huyền thoại, nhưng các nhà khảo cổ lại không tìm được bất cứ manh mối gì về ông trong các lăng mộ khai quật ở Ai Cập. Bởi vì không có văn vật khảo cổ làm chứng mà chỉ còn lưu lại những ghi chép rời rạc, cho nên giới khảo cổ vẫn hoài nghi: Liệu có phải Meniss chỉ là nhân vật trong trí tưởng tượng của người xưa hay không?

Có nhà khảo cổ học cho rằng, Meniss rất có thể là Narmer, một vị vua trong giai đoạn Sơ triều đại Ai Cập. Bởi vì các Pharaoh thường có nhiều danh hiệu khác nhau, Meniss cũng có thể là một danh hiệu của Pharaoh Narmer.

Tương tự như thế, trong bộ phim bom tấn Hollywood “Trò chơi vương quyền”, nhân vật Daenerys Targaryen có rất nhiều danh hiệu như “Stormborn” (người sinh ra trong cơn bão), “The Unburnt” (người không cháy), “Queen of Meereen” (nữ hoàng của Meereen), “Queen of the Andals, the Rhoynar and the First Men” (nữ hoàng của Andals, Rhoyner và First Men), “Protector of the Seven Kingdoms” (người bảo vệ Thập quốc), “Khaleesi of the Great Grass Sea” (Khaleesi của thảo nguyên rộng lớn), “Breaker of Shackles”“Breaker of Chains” (người phá tan xiềng xích), “Dragonmother”“Mother of Dragons” (Long mẫu), v.v. Gần như sau mỗi thắng lợi gặt hái được, Daenerys lại được trao thêm một danh hiệu mới.

Vị Thần chủ trong Đạo giáo là Ngọc Hoàng Đại Đế cũng có rất nhiều danh hiệu, ví dụ như “Hạo Thiên Thượng Đế”, “Hạo Thiên Kim Khuyết Chí Tôn Ngọc Hoàng Đại Đế”, “Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế”, “Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Linh Cao Thượng Đế”, hay “Ngọc Đế”, “Thiên Công” (Ông Trời) như dân gian vẫn gọi. Trong “Tây Du Ký” mà chúng ta quen thuộc, Ngài thường được gọi là “Ngọc Hoàng Đại Đế”.

Vậy thì thời Ai Cập cổ đại cũng là tình huống giống như vậy, càng về sau này tôn hiệu của Pharaoh lại càng nhiều hơn. Có người cho rằng rất có khả năng Meniss là một trong những danh hiệu của Pharaoh Narmer. Nhưng vì không tìm thấy văn vật chứng minh, nên lập luận này vẫn chỉ là suy đoán chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên cuốn sách “Pharaoh có cánh” của Joan Grant lại đưa ra đáp án hoàn toàn khác với mọi cách lý giải trước đây. Trong sách viết rằng, Meniss là một xưng hiệu rất đặc thù, thậm chí có thể nói là mật danh cho một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Ấy là khi vị Pharaoh huyền thoại sắp kết thúc cuộc đời, ông biết rằng cơ thể già yếu của mình không thể giúp ông thực hiện được kế hoạch lớn lao vĩ đại, mang lại giàu có và phúc lợi cho đất nước. Vì vậy, ông đã quyết định sau khi qua đời, linh hồn ông sẽ truyền lại trí huệ cho con cháu đời sau thông qua những giấc mơ. Như vậy, trải qua nhiều đời, người được chọn trong mỗi thế hệ sẽ kế thừa danh hiệu Meniss này, cứ như vậy mãi cho đến khi nhiệm vụ cao cả được hoàn thành. Vị Meniss cuối cùng kế thừa danh hiệu thiêng liêng ấy chính là người đã thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập, mở đầu cho một thời kỳ thịnh vượng của Ai Cập trải dài suốt mấy ngàn năm.

Kế hoạch thiêng liêng đã được hoàn thành, các Pharaoh đời sau đều tự cảm thấy đức hạnh không đủ, không còn xứng đáng với danh hiệu cao thượng ấy, vậy nên họ không còn gọi bản thân là Meniss nữa. Họ cũng không dám khắc tên Meniss lên lăng mộ của mình, do đó người đời sau không cách nào tìm ra Meniss thông qua văn vật khảo cổ.

Mặc dù cách giải thích trên có thể bổ sung vào khoảng trống trong khảo cổ học, nhưng rốt cuộc đó vẫn chỉ là ký ức luân hồi của Joan Grant, do đó vẫn chưa được giới khoa học công khai chấp nhận. Các nhà khảo cổ và sử gia tuy được truyền cảm hứng từ cuốn sách của Joan Grant, nhưng rốt cuộc họ lại không thể lấy đó làm tư liệu chính thức để trích dẫn trong báo cáo nghiên cứu và luận văn của mình.

Nhưng cho dù bạn có tin vào luân hồi và ký ức tiền kiếp hay không, thì “Pharaoh có cánh” vẫn là một câu chuyện tuyệt đẹp, đưa người đọc vào thế giới huyền bí của Ai Cập 5000 năm trước. Văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng, những tri thức đã thất truyền cùng với ý nghĩa của những biểu tượng linh thiêng được triển hiện sống động trên từng trang giấy. Văn chương và sử học, tiểu thuyết và khảo cổ dường như cũng hòa quyện cùng nhau, bổ sung cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau, tiết lộ cho chúng ta cuộc đời huyền thoại về một nữ Pharaoh “có cánh” thời Ai Cập cổ đại.

Theo Wen Zhao Studio
Minh Hạnh biên dịch

Chú thích:

[1] “Meri-neyt” trong chữ Ai Cập cổ còn được dịch sang tiếng Anh là Merneith, Merit-neith hoặc Meryt-Neith. Tên gọi các nhân vật trong bài viết này, như Meri-neyt (sách hiện nay dùng từ “Merneith”), Meniss (sách hiện nay dùng từ “Menes”), đều thống nhất với cách dùng từ của Joan Grant trong “Pharaoh có cánh”.

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

'Pharaoh có cánh': Từ chứng cứ khảo cổ đến ký ức luân hồi 5000 năm