Quạt Thái cực của tráng sĩ Võ Đang ẩn chứa những điển cố huyền diệu gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] Tiếng chiêng nhẹ vang lên, du dương xa xôi mà huyền bí. Tiếp theo là tiếng kèn cor sâu trầm ấm áp, tiếng sáo du dương thanh thoát… âm nhạc Shen Yun đưa con người đến núi Võ Đang hùng vĩ tú lệ.

Một đội hình tráng sĩ thanh niên tay cầm quạt Thái cực, xoay chuyển bay nhảy, những chiếc quạt mở ra đóng lại ung dung, bay lượn lên xuống. Những chàng trai thân hình khỏe mạnh, phóng khoáng phiêu diêu. Quả đúng là: Thiên hạ Thái cực xuất Võ Đang - Tất cả các môn phái Thái cực trong thiên hạ đều có nguồn gốc từ Võ Đang.

Tác phẩm “Tráng sĩ Võ Đang” của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun năm 2014 đã triển hiện sự huyền diệu của Thái cực, và sự cao siêu của công pháp Võ Đang, khí vận lưu động, âm nhạc và vũ đạo hòa hợp với nhau.

Khúc nhạc “Tráng sĩ Võ Đang” do ông D.F. - Giám đốc Nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun sáng tác, giai điệu tươi đẹp, biến hóa. Khúc nhạc mở đầu trầm ổn, trang trọng, tạo ra một âm vận cổ điển vùng núi sâu linh thiêng. Tiếng sáo, kèn bassoon và bộ nhạc gỗ đan xen, đem đến những âm thanh tự nhiên như tiếng chim hót, thể hiện cảnh giới Thiên - Nhân hợp nhất, đối ứng với tấm lòng rộng mở của các tráng sĩ Võ Đang.

Tiếp theo, tiết tấu dần dần nhanh lên, âm thanh bộ dây ngắn thôi thúc, và âm thanh kèn đồng âm vang, diễn tả bầu không khí căng thẳng trên sân luyện võ, đồng thời cho thấy sự gian khổ vất vả của việc luyện võ tu hành. Đoạn nhạc trôi chảy mềm mại như dòng nước suối, những con sóng nhỏ nối tiếp nhau, tầng tầng lớp lớp, cuốn hút trái tim mọi người.

Trang phục của các diễn viên sử dụng 3 màu xanh lam, vàng chanh và trắng. Quạt Thái cực cũng là màu vàng chanh và màu xanh lam đan xen, phối hợp hài hòa với mái đại điện màu xanh lam khổng tước, hiện ra vẻ cổ điển, thuần phác và trang nhã, lại giữ được sự thanh khiết u tĩnh của Đạo gia. Những khán giả tinh tế có thể sẽ chú ý đến sự biến đổi đội hình có ẩn tàng sự xoay chuyển của Thái cực đồ, thực sự huyền diệu không thể diễn tả bằng lời.

Thái cực là khái niệm quan trọng của tư tưởng triết học phương Đông cổ đại. Âm dương tương hợp, sinh thành vạn vật.

Núi Võ Đang có mối liên quan gì với Thái cực?

Núi Võ Đang nằm ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là danh sơn của Đạo giáo, và là khởi nguồn của võ thuật Võ Đang. Thế núi kỳ lạ, phong cảnh tươi đẹp, mây tía xuất hiện quanh năm, được ca ngợi là “Thiên hạ đệ nhất Tiên sơn”.

Võ thuật Võ Đang do Trương Tam Phong khai sáng, kết hợp nguyên lý của Thái cực, Bát quái và Ngũ hành, trở thành tông phái quan trọng của võ thuật Trung Hoa. Những trải nghiệm thần kỳ cùng với võ công cái thế của Trương Tam Phong khiến danh tiếng núi Võ Đang vang xa.

Trương Tam Phong sinh vào năm cuối triều Nam Tống (năm 1247), là nhân vật truyền kỳ tập hợp Đạo học và võ học ở hai triều Nguyên và Minh. Tương truyền khi ông ngoài 20 tuổi đã bắt đầu viễn du, đi khắp các danh sơn cổ tự, nghiên cứu quyền pháp. Ông từng dựng lều cư trú ở núi Võ Đang, sau này ở Kim Quán Đài, ông chết rồi sống lại, còn gặp Thục Hiến Vương triều Minh.

Theo những sử sách như Minh Sử ghi chép, Trương Tam Phong có thân hình cao lớn, khí vũ phi phàm, đã từng hiển hiện các công năng đặc dị như đi xuyên qua núi, vận chuyển đá lớn, ngày đi ngàn dặm, mấy tháng không ăn v.v.

Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ vô cùng khao khát được kết giao với vị cao nhân này, đã từng phái người đi khắp nơi tìm kiếm ông, nhưng không tìm thấy tông tích. Minh Anh Tông và mấy vị hoàng đế đã phong cho ông hiệu “Thông vi hiển hóa Chân nhân”.

Văn hào đời Minh là Hoàng Tông Hi đã đề cập trong bài viết “Vương Chinh Nam mộ chí minh” rằng, trong mộng, Trương Tam Phong được Huyền Thiên Thượng Đế chỉ bảo, và đã sáng lập ra Thái cực quyền dùng tĩnh chế động:

“Đêm mộng được Huyền Đế truyền thụ quyền pháp, hôm sau một mình giết hơn trăm tên cướp” (Dạ mộng Huyền Đế thụ chi quyền pháp, quyết minh dĩ đơn đinh sát tặc bách dư).

Trong “Thái cực quyền tu liễm thần tụ khí luận”, Trương Tam Phong đã thuật lại thể ngộ thấu triệt của ông đối với Thái cực: “Thế nên vạn vật không gì là không có vô cực, cũng có nghĩa là không gì không có Thái cực. Tác dụng đối với con người là động cực ắt tĩnh, tĩnh cực ắt động, động tĩnh nương tựa vào nhau, từ đó phân chia âm dương, hoàn toàn là do Thái cực vậy”.

Ông còn đặc biệt tiết lộ điều kiện tiên quyết của việc tu luyện quyền pháp Thái cực là: “Muốn cầu tâm an tính định, thu thần tụ khí, thì việc đả tọa (ngồi thiền) là không thể thiếu, phép vận hành công là không thể phế bỏ được. Người học cần phải tìm được ích lợi của Thái cực trong động tĩnh, tìm cái lý sinh khắc trong Bát quái Ngũ hành…”

Trương Tam Phong tinh thông pháp lý của Nho - Phật - Đạo, coi trọng nhất việc phân biệt chính tà. Ông từng nói: “Con người có thể tu chính thân tâm, thì chân tinh, chân thần tụ ở bên trong thân, đại tài, đại đức xuất hiện ở bên trong thân”.

Trên thực tế, Thái cực quyền mà Trương Tam Phong khai sáng không chỉ bao gồm quyền pháp lấy tĩnh chế động, mà còn có tâm pháp ắt phải có để chỉ đạo. Đáng tiếc là hậu thế chỉ cầu bộ Taolu tấn công phòng thủ bên ngoài, mà bỏ qua tu dưỡng nội tâm, khiến nội hàm quý báu của Thái cực quyền bị thất truyền.

Cõi hồng trần đầy ham dục vật chất, thế sự hỗn loạn, trong cuộc sống nhiễu loạn và ồn ã này, ngắm xem những động tĩnh âm dương trên sân khấu Shen Yun, có thể khiến tâm hồn người xem trầm lắng, yên tĩnh, trở về với truyền thống, tìm lại chân ngã.

Mời quý độc giả thưởng thức vở diễn “Tráng sĩ Võ Đang”:

Cao Thiên Vận - Epoch Times
Hoàng Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quạt Thái cực của tráng sĩ Võ Đang ẩn chứa những điển cố huyền diệu gì?