Rubens (2): Mẹ con vua Louis bất hòa tạo nên vị tể tướng nổi tiếng châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rubens không chỉ là một họa sĩ tài ba mà còn là một nhà ngoại giao nhân ái, thương yêu người dân. Trong suốt cuộc đời, Rubens là một người “quân tử”, luôn trung thành với đức tin của mình, cũng như trung thành với vợ và bạn bè. Ông hầu như không có kẻ thù, điều này thật đáng quý với một nghệ sĩ và nhà ngoại giao như ông.

Sau khi Vua Louis XIII lên nắm quyền, Thái hậu Marie de' Medici vẫn ham muốn quyền lực. Sự tranh chấp giữa phe vua và phe thái hậu trong triều đình Pháp trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của đất nước này.

Richelieu, vị tể tướng cứng rắn, vĩ đại nhất trong lịch sử Pháp, đã thành công trong hóa giải mâu thuẫn giữa hai mẹ con Vua Louis XIII, và bước vào vị trí trung tâm quyền lực. Richelieu trở thành tể tướng và nắm giữ quyền lực trong 18 năm.

Được chứng kiến ​​đoạn lịch sử này, Rubens đã vẽ một bức tranh kinh điển, lưu danh Thái hậu Marie de' Medici trong lịch sử nghệ thuật.

Thái hậu Marie de' Medici

Vua Henry IV của nước Pháp và người vợ đầu tiên Margaret không có con. Vì vậy sau khi ly hôn với Margaret vào năm 1599, Vua Henry IV đã bắt đầu tìm người vợ tiếp theo.

Năm 1600, Marie de' Medici 26 tuổi trở thành Vương hậu mới của nước Pháp, cũng là vị Vương hậu Pháp thứ hai do gia tộc Medici sinh ra. Vài năm sau, cuối cùng, Marie đã hạ sinh một hoàng tử khỏe mạnh cho nước Pháp. Đó chính là Vua Louis XIII sau này.

Năm 1610, Vua Henry IV bị ám sát. Người con trai cả khi ấy mới 9 tuổi là Vua Louis XIII lên kế vị, Vương Thái hậu Marie ở vị trí nhiếp chính.

Vương hậu Marie không phải là một người có đầu óc chính trị. Trong tình hình vua còn nhỏ phải nhiếp chính, Vương hậu Marie không những không sử dụng các quý tộc Pháp có năng lực để củng cố vương quyền, bình định thế lực các nơi, mà còn trao quyền cho Concino Concini, một người Ý được Vương hậu Marie sủng ái, và đưa từ quê nhà đến.

Concino Concini là kiểu nhân vật thường gặp trong lịch sử. Đó là những người có dã tâm lớn nhưng đầu não giản đơn, tầm mắt chứa đầy dục vọng nhưng lại thiển cận. Dựa vào sự sủng ái của Vương hậu, Concino liên tục lộng hành, tham nhũng, làm trái pháp luật.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn. Số tài sản ít ỏi do vua Henry IV vất vả kiếm được gần như bị tiêu xài sạch sẽ. Khi ấy ở nước Pháp, vương quyền suy yếu, phía nhà ngoại của vua tham dự vào công việc chính sự. Những thế lực quý tộc từng bị vua Henry IV trấn áp bắt đầu rục rịch nổi dậy.

Tuy nhiên với một vương triều đã được định sẵn sẽ huy hoàng, trong những lúc nguy nan, Trời cao nhất định sẽ phái một người tài đến giúp đỡ đất nước, và xoay chuyển tình thế. Khi ấy, vị tể tướng mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất trong lịch sử nước Pháp sắp xuất hiện.

Vị tể tướng cứng rắn vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp xuất hiện

Năm 1614, theo yêu cầu của những quý tộc Pháp muốn chiếm đoạt vương quyền, Hội nghị Estates-General đã được triệu tập. Tại hội nghị này, các quý tộc lớn và giới giáo sĩ thông đồng với nhau, âm mưu thông qua những chính sách để giảm bớt quyền lợi của giai cấp tư sản, và giai cấp bình dân mới nổi thuộc tầng lớp thứ ba, nhằm làm suy yếu quyền lực của nhà vua. Tại hội nghị, đại diện của giai cấp quý tộc và giai cấp thứ ba tranh cãi gay gắt. Hoàng gia biết rõ âm mưu của giới quý tộc, nhưng không thể làm gì được. Đúng lúc hai bên đang tranh cãi gay gắt, một vị giáo sĩ trẻ tuổi phong độ đã đứng dậy và yêu cầu được phát biểu.

Trong sự chú ý của mọi người, vị giám mục trẻ tuổi mặc áo choàng đỏ đã trình bày một cách hùng hồn, trôi chảy, đưa ra dẫn chứng và lập luận sắc bén. Chàng giám mục trẻ tích cực ủng hộ hoàng gia, chỉ trích các quý tộc lớn có ý đồ xấu xa, và cảnh cáo các quý tộc kiêu ngạo này rằng, quyền lực của vua do Chúa ban cho (Quân quyền Thần thụ), và hoàng gia có thể tước bỏ tước vị của các họ, không được phép kiêu căng ngạo mạn như vậy.

Bài phát biểu hùng hồn của vị giám mục trẻ khiến mọi người kinh ngạc và vỗ tay nồng nhiệt. Đại diện cho hoàng gia là Concino Concini, vốn đang lo lắng bất an, bỗng chốc cảm thấy mạnh mẽ, ngồi thẳng lưng và vỗ tay tán thưởng. Những quý tộc lớn vốn kiêu căng ngạo mạn, đột nhiên nhận ra rằng tình thế đã thay đổi, âm mưu của họ đã thất bại. Cả đám quý tộc chỉ biết cúi đầu.

Chính tại hội nghị này, vị giám mục tên là Richelieu đã xuất hiện trước mắt mọi người. Vị giám mục trẻ tạo được ấn tượng sâu sắc, với tư duy nhạy bén và khả năng hùng biện tuyệt vời của mình. Concino Concini nhìn vị giám mục trẻ có phong thái phóng khoáng này với ánh mắt sáng ngời. Đây quả thật là một nhân tài. Nhờ vậy, sau khi được Concino Concini ra sức tiến cử, Richelieu chính thức bước vào chính trường Pháp. Năm đó, ông mới 29 tuổi.

Richelieu, được các nhà sử học đời sau gọi là "nhà chính trị vĩ đại nhất, mưu lược nhất, và lạnh lùng nhất trong lịch sử Pháp", xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp. Cha của Richelieu từng là đội trưởng đội cận vệ của nhà vua. Để bảo vệ lợi ích gia tộc, Richelieu đã quyết định tham gia vào Giáo hội. Năm 21 tuổi, Richelieu được tấn phong làm giám mục, khi đó ông còn thiếu 2 tuổi so với độ tuổi quy định. Do đó, Richelieu quyết định che giấu tuổi tác và đến Rome.

Trong buổi lễ tấn phong giám mục, Richelieu đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết bằng tiếng Latin, khiến Giáo hoàng vô cùng xúc động. Sau khi được Giáo hoàng bổ nhiệm chính thức, Richelieu mới thú nhận tuổi thật của mình, và cầu xin Giáo hoàng tha thứ. Giáo hoàng nhìn vị thanh niên tài năng và phong độ trước mặt, không khỏi cảm khái: "Người này sau này ắt sẽ trở thành một kẻ vô lại!".

Quả thực, những người căm ghét Richelieu sau này đều gọi ông là "kẻ vô lại"

undefined
Hồng y Richelieu. (Miền công cộng)

Năm 16 tuổi, Vua Louis XIII giam lỏng mẫu thân

Khi Richelieu bước vào chính trường, Vua Louis XIII dần trưởng thành và chuẩn bị lên nắm quyền. Vị vua trẻ từ lâu đã vô cùng bất mãn với việc mẫu thân trọng dụng Concino và những người Ý. Năm 1617, sau khi âm thầm vạch ra kế hoạch, vua Louis 16 tuổi đã cử người giết Concino, và chỉ huy binh lính giam lỏng Thái hậu Marie. Đây là một chiêu rất hay. Tuy Vua Louis XIII còn nhỏ tuổi, nhưng đã có thể dùng một biện pháp mạnh mẽ như vậy làm chấn động triều đình.

Đúng là rất đặc sắc. Tuy nhiên, đó cũng là thời khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời Vua Louis XIII, sau đó vị vua này không còn hoạt động chính trị nào nổi bật nữa. Đây là một điều rất kỳ lạ. Cũng có thể là vì biểu hiện Richelieu quá tuyệt vời, nên Vua Louis XIII đã vui vẻ nhường sân khấu cho vị tể tướng này.

Lúc ấy, trong vai trò là cố vấn của Concino, Richelieu cũng nằm trong danh sách bị thanh trừng. Bất đắc dĩ, Richelieu đành phải rời khỏi Pháp, đi đến Ý, vì ông từng là một giám mục. Trong thời gian lưu vong ở Ý, nhờ có biểu hiện xuất sắc, Richelieu được Giáo hoàng yêu mến và phong làm Hồng y giáo chủ.

Sau đó, Vua Louis XIII đã trực tiếp cai quản triều đình, và rất thiếu những vị quan tài ba để cai trị trị nước. Lúc này vị vua trẻ nhớ đến Richelieu. Một người có tham vọng chính trị, và muốn khôi phục lại vinh quang cho nước Pháp như Richelieu, cũng rất mong được trở lại đất nước này.

Lần đầu tiên thể hiện tài năng: Giải quyết mâu thuẫn giữa hai mẹ con

Vậy tình hình nước Pháp lúc ấy là cục diện tranh giành quyền lực giữa phe nhà vua và phe Thái hậu. Thái hậu Marie đã nắm quyền nhiều năm, trong triều đình có một nhóm thế lực lớn trung thành với bà. Vua Louis lên nắm quyền, nhưng vô cùng bất mãn với người mẹ ham mê quyền lực, thường xuyên can thiệp vào triều chính. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con Vua Louis XIII đã trở thành rào cản quan trọng cản trở sự phát triển của Pháp.

Với đầu óc chính trị nhạy bén, Richelieu đã nhìn ra được vấn đề mấu chốt. Thế là Richelieu mạo hiểm vạch ra kế hoạch để giải quyết mâu thuẫn giữa hai mẹ con nhà vua. Đây là một kế hoạch vô cùng mạo hiểm, nhưng cũng vô cùng táo bạo. Nếu kế hoạch thất bại rồi, con đường chính trị của Richelieu cũng chấm dứt, phải tiếp tục trở lại làm giám mục. Nhưng nếu thành công, Richelieu không chỉ có được sự tín nhiệm của nhà vua và Thái hậu, mà còn có cơ hội thực hiện tham vọng chính trị, chấn hưng triều đình Pháp. Richelieu đã quyết định thực hiện kế hoạch mạo hiểm này.

Cuối cùng, chỉ bằng ba tấc lưỡi, Richelieu đã thành công giải quyết được mâu thuẫn giữa hai mẹ con nhà vua. Hai mẹ con Vua Louis XIII ôm nhau khóc nức nở, quay lại yêu thương nhau. Nhìn cảnh tượng trước mắt, Richelieu thở phào nhẹ nhõm.

Lần hòa giải thành công này đã giúp Richelieu đạt được sự tin tưởng hoàn toàn của Vua Louis XIII, và trở thành trung tâm quyền lực. Năm năm sau, Richelieu gia nhập Hội đồng Cơ mật, sau đó nắm giữ chức Tể tướng Pháp trong 18 năm.

Vua Louis XIII có sức khỏe không tốt, nên khi phải đối mặt với sự phức tạp của công việc triều chính, thì ông thường cảm thấy bất lực. Louis XIII phát hiện ra Richelieu có tài kinh bang tế thế, nên vô cùng tin tưởng Richelieu, trao cho ông quyền lực to lớn để xử lý những công việc nội chính và ngoại giao. Nhìn chung, suốt cuộc đời, Vua Louis XIII không phải là một vị vua sáng suốt hay có hoài bão chính trị lớn, nhưng lại là một vị vua có tấm lòng rộng mở, biết trọng dụng người tài. Richelieu cũng vô cùng biết ơn nhà vua. Trong 18 năm làm Tể tướng, Richelieu luôn trung thành với hoàng gia, hết lòng lo nghĩ cho sự phát triển của nước Pháp.

Mục tiêu đầu tiên: Làm cho nhà vua trở nên cao quý

Trong hồi ký của mình, Richelieu nhiều lần nhấn mạnh rằng, tôn chỉ theo đuổi suốt đời của ông là: “Mục tiêu đầu tiên của tôi là làm cho nhà vua trở nên cao quý. Mục tiêu thứ hai của tôi là làm cho đất nước trở nên vinh quang”. Nhìn chung, trong 18 năm làm một vị tể tướng cứng rắn, Richelieu đã nỗ lực hết mình để thực hiện hai mục tiêu này.

Để đạt được mục tiêu "Làm cho nhà vua trở nên cao quý", cần phải củng cố quyền lực của nhà vua. Để thực hiện mục tiêu thứ hai: "Làm cho đất nước trở nên vinh quang" thì cần phải tăng cường sức mạnh quốc gia, làm cho dân giàu và quân đội mạnh. Trở ngại lớn nhất của mục tiêu đầu tiên chính là các chư hầu và sự can thiệp triều chính của phe Thái hậu do Thái hậu Mary làm trung tâm.

Với những quý tộc kiêu căng, Richelieu không hề nương tay. Richelieu đã lấy danh nghĩa nhà vua để buộc các quý tộc phải phá bỏ pháo đài, giao nộp vũ khí. Nếu các quý tộc không tuân theo sẽ bị trừng phạt. Các quý tộc tức giận nên đã âm mưu ám sát Richelieu. Sau khi Richelieu biết được âm mưu ám sát, ông đã trực tiếp bỏ tù những quý tộc tham gia, xử trảm hoặc giáng chức, tiêu diệt thế lực phản loạn ở các nơi. Sự việc này đã thể hiện sự tàn nhẫn, cứng rắn của Richelieu. Những biện pháp của Richelieu khiến các quý tộc kinh hãi, không dám manh động.

Louis XIII là con trai đầu lòng của Marie de' Medici và vua Henry IV, nhưng vị vua này không phải là người con trai được Thái hậu Marie yêu thương nhất. Người con trai được Thái hậu yêu thương nhất là Gaston, Công tước xứ Orléans.

Tình thương của mẹ dẫn đến việc các con trai tranh giành quyền lực. Đây cũng là câu chuyện rất thường gặp trong lịch sử. Công tước Gaston và những người tham vọng bên cạnh liên tục nói xấu về Richelieu với Thái hậu Marie. Với một người từng nắm giữ quyền lực nhưng lại đột nhiên bị gạt ra ngoài, Thái hậu Marie dần cảm thấy bất mãn với Richelieu. Rất nhanh sau đó, những người xung quanh Thái hậu bí mật lên kế hoạch đuổi Richelieu khỏi triều đình.

Một ngày nọ, Thái hậu Marie gặp Vua Louis XIII khóc lóc kể lể, yêu cầu cách chức Richelieu. Thế nhưng Louis XIII là một vị vua rất hiểu chuyện. Đối với một vị vua, đây là một đức tính rất tốt. Vua Louis XIII hiểu rõ rằng, mẫu thân đang vu khống, nhưng vì tình cảm mẹ con nên cũng đành phải lắng nghe.

Lúc này, đúng lúc Richelieu đi vào. Richelieu rất thông minh, vừa nhìn đã hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Richelieu lập tức cung kính nói: "Thái hậu có vẻ đang quan tâm đến thần ạ?". Louis XIII vừa định hòa giải, đột nhiên Thái hậu Marie nổi giận, khóc lóc thảm thiết và lớn tiếng trách móc con trai, vì một bề tôi mà không quan tâm đến mẹ.

Chắc hẳn mọi người đều biết, phụ nữ lớn tuổi một khi đã nổi giận thì sẽ rất khó kiểm soát. Louis XIII tuy là vua, nhưng cũng là con trai, không biết phải làm thế nào nên đành bất đắc dĩ tránh đi. Sau khi náo loạn một hồi, Thái hậu tức giận bỏ đi.

Richelieu một mình đứng đó rất ngượng ngùng. Đang không biết phải làm gì, thì vua Louis cho người gọi ông vào. Richelieu lo lắng đi đến. Vua Louis dùng vẻ mặt ôn hòa đỡ Richelieu dậy, trịnh trọng nói: "Richelieu à, ta là vua, ta chỉ cần chịu trách nhiệm cho đất nước của ta, chứ không phải chịu trách nhiệm cho mẹ ta. Khanh hiểu không?"

Đây là lời bày tỏ tâm ý của nhà vua với Richelieu.

Sử dụng biện pháp mạnh: Lưu đày Thái hậu Marie

Có sự ủng hộ của nhà vua là quá tốt rồi. Richelieu lập tức áp dụng biện pháp mạnh, cuối cùng là Thái hậu Marie bị lưu đày; Công tước Gaston bị phê bình, đồng thời bị tước đoạt mọi quyền lực chính trị, phải ở nhà suy nghĩ lỗi lầm. Những phần tử nòng cốt tham gia lập mưu bị bỏ tù, sau đó có người bị lưu đày, có người bị chém đầu. Sự việc này được gọi là "Ngày kẻ ngu ngốc". Đó là lời chế giễu với những quý tộc ngu ngốc, kiêu ngạo.

Sau này, Công tước Gaston vẫn luôn không an phận, thường xuyên gây rối. Cuối cùng trong thời đại của vua Louis XIV, vị công tước này đã bị tước đoạt tất cả quyền lực, lưu đày đến thị trấn Blois ở miền trung nước Pháp và cuối cùng chết ở đây.

Mục tiêu thứ hai: Vinh quang của đất nước

Với những nỗ lực cống hiến của Richelieu, mục tiêu "Sự cao quý của nhà vua" đã dần trở thành hiện thực. Tiếp theo, ông bắt đầu thực hiện mục tiêu thứ hai: "Vinh quang của đất nước", cố gắng biến nước Pháp thành quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu. Muốn thực hiện mục tiêu này, trở ngại lớn nhất chính là gia tộc hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ, kẻ thù truyền kiếp của Pháp - Vương triều Habsburg.

Khi đó, vương triều Habsburg kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn của Đức và Tây Ban Nha, không ngừng sử dụng các cuộc hôn nhân và thủ đoạn để bao vây nước Pháp. Vương triều Habsburg có một lời dạy của tổ tiên nổi tiếng. Đó là: “Cứ để người khác đánh nhau còn những người Áo may mắn hãy kết hôn”.

Vì Vương triều Habsburg xuất phát từ Áo, nên họ tự xưng là người Áo. Thông qua việc kết thông gia với các gia tộc khác, Vương triều Habsburg dần trở thành gia tộc thống trị hùng mạnh nhất châu Âu.

Ngay từ khi Vua Louis XIII mới lên nắm quyền, nội bộ của Đức đã xuất hiện các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ. Khi Richelieu nắm quyền, ông đã tận dụng triệt để sự chia cắt do chiến tranh gây ra, lôi kéo các thế lực, ra sức tấn công Vương triều Habsburg, biến những cuộc chiến tranh quy mô nhỏ thành một cuộc chiến tranh lớn, có thể quét sạch tất cả những thế lực cường quyền trên khắp lục địa châu Âu. Cuộc chiến này kéo dài suốt ba mươi năm mới kết thúc nên được gọi là: Cuộc Chiến tranh ba mươi năm.

Năm 1648, khi Cuộc Chiến tranh ba mươi năm kết thúc, các bên ký kết Hòa ước Westphalia nổi tiếng. Nước Pháp trở thành người chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến này, đánh đổ Vương triều Habsburg, từ đó khiến vương triều này thất bại hoàn toàn.

Có thể nói, cuộc chiến tranh thay đổi toàn bộ châu Âu. Chính là nhờ vào kế hoạch hợp tác liên minh và bày mưu tính kế của Richelieu, mới có thể khiến Pháp giành được chiến thắng, trở thành quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu. Đồng thời chiến thắng này cũng mở đường cho vương triều vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp, vương triều của Vua Mặt Trời Louis XIV.

Năm 1642, khi đang hấp hối, có vị linh mục hỏi Richelieu rằng có muốn tha thứ cho kẻ thù của mình hay không, vị tể tướng cứng rắn đã không do dự đáp rằng: “Ngoài kẻ thù chung, tôi không có kẻ thù nào khác”.

Richelieu cũng nhắn nhủ Vua Louis XIII trong di chúc: Nghiêm trị những kẻ coi thường luật pháp quốc gia, đó chính là làm việc tốt cho người dân. Richelieu có vô số kẻ thù trong đời của mình, nhưng ông vẫn luôn kiên định theo đuổi hai mục tiêu. Cuối cùng ông đã thực hiện được cả hai mục tiêu này. Khi Richelieu qua đời, nhà vua đã ở vị trí vô cùng "cao quý" ở trong nước, và đất nước Pháp cũng vô cùng "vinh quang" trên thế giới.

Một bộ tác phẩm hội họa kinh điển và vĩ đại của Rubens

Chúng ta kể lại đoạn lịch sử này của nước Pháp, chính là để nói về một bộ tranh kinh điển và vĩ đại của Rubens. Tuy rằng Thái hậu Marie không có đầu óc chính trị, nhưng chớ quên rằng vị Thái hậu này có xuất thân từ gia tộc Medici của Ý. Gia tộc Medici là nhà tài trợ nghệ thuật nổi tiếng nhất của châu Âu. Nhờ sức mạnh của đất nước không ngừng phát triển và tài lực hùng hậu, Thái hậu Marie đã trở thành nhà tài trợ nghệ thuật quan trọng nhất châu Âu thời bấy giờ.

Sau khi Richelieu thành công hóa giải được mâu thuẫn giữa hai mẹ con, trong những năm sau đó, triều đình Pháp đã có Vua Louis XIII và tể tướng Richelieu. Thái hậu Marie sống một cuộc đời không màng chính sự. Nhờ sự nhàn rỗi, Thái hậu đã bắt đầu chú tâm đến nghệ thuật.

Thái hậu Marie hiểu rất rõ rằng, sự huy hoàng của cuộc đời mình chỉ có thể được lưu truyền muôn đời thông qua nghệ thuật. Thái hậu Marie hy vọng có thể tạo ra một bộ tranh phi thường, để làm lời chú thích cho cuộc đời mình. Nhìn trên khắp châu Âu, nhiệm vụ gian nan này có lẽ chỉ có Rubens mới có thể hoàn thành. Vì vậy, Thái hậu đã tìm đến Rubens.

Rubens đã không phụ lòng Thái hậu Marie. Ông đã dành 5 năm để tạo ra một bộ tranh vĩ đại cho hậu thế, lấy cuộc đời của Thái hậu làm chủ đề. Bộ tranh gồm 24 bức, trong đó 21 bức mô tả những sự kiện trong cuộc đời của Thái hậu Marie, 3 bức còn lại là chân dung của vị thái hậu cùng cha mẹ của mình. Tất cả đều là những tác phẩm khổ lớn. Bộ tranh đã tạo hình Thái hậu Marie thành nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp, với khí thế khoáng đạt, tư thế oai hùng, trở thành những kiệt tác trong lịch sử nghệ thuật.

Bộ tranh về cuộc đời của Marie de' Medici (Marie de' Medici cycle)

Chúng ta hãy cùng xem một vài bức tranh nổi tiếng nhất trong bộ tranh này! Bức tranh nổi tiếng nhất trong bộ tranh chính là "Marie de' Medici đến Marseille" (The Disembarkation at Marseilles).

Bức tranh "Marie de' Medici đến Marseille" là một phần trong bộ tranh "Cuộc đời của Marie de' Medici" của Rubens vẽ cho Cung điện Luxembourg ở Paris vào năm 1623-1625, kích thước 394 x 295 cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris. Bầu trời và trần gian hòa quyện vào nhau. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bức tranh mô tả khoảnh khắc Marie de' Medici lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp. Trong tiếng kèn của các Thiên Thần, con tàu sang trọng mang huy hiệu của gia tộc Medici cập bến Marseille. Marie de' Medici, lộng lẫy và uy nghi, bước xuống từ con tàu. Người đàn ông đội mũ giáp bạc, khoác áo choàng màu xanh lam, với biểu tượng hoa loa kèn vàng của nhà Bourbon dang rộng vòng tay chào đón Marie, chính là biểu tượng của nước Pháp. Phía dưới là những vị Thần biển cả và Tiên nữ từ dưới biển nổi lên, bảo vệ Marie de' Medici đến nơi bình an.

Bức tranh thứ hai là "Lễ đăng quang của Marie de' Medici" (The Coronation in Saint-Denis).

Bức tranh "Lễ đăng quang của Marie de' Medici" của Rubens, năm 1623-1625. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bức tranh thứ ba là "Marie de' Medici và con trai hòa giải" (Reconciliation of the Queen and her Son).

Bức tranh "Marie de' Medici và con trai hòa giải" của Rubens, năm 1623-1625. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bộ tác phẩm hoành tráng này hiện được trưng bày tại Phòng trưng bày Medici nổi tiếng ở Bảo tàng Louvre, Paris!

Về mặt chính trị, Marie de' Medici không có thành tích gì, và cũng không phải là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Tuy nhiên, với trí tưởng tượng phi thường, Rubens đã sử dụng một phương pháp khéo léo để vừa đáp ứng yêu cầu của hoàng gia, vừa không vi phạm sự thật lịch sử. Bức tranh đan xen giữa các nhân vật lịch sử thực tế với nhiều nhân vật Thần thoại. Những hình ảnh thiêng liêng mang tính biểu tượng này đan xen với sự kiện lịch sử, biến câu chuyện cuộc đời của Thái hậu Marie de' Medici thành một câu chuyện Thần thoại đầy lãng mạn.

Bộ tranh "Cuộc đời của Marie de' Medici" chắc chắn là đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật của Rubens. Bức tranh có những đường nét biểu cảm, bố cục phóng khoáng, lãng mạn, toát lên sức mạnh lay động lòng người. Bộ tranh khổ lớn này có nhiều nhân vật, khung cảnh rộng lớn, kết cấu ly kỳ lãng mạn, với sắc thái tráng lệ nguy nga.

Qua những tác phẩm này, chúng ta có thể thấy rằng, Rubens không chỉ rất giỏi tạo hình nhân vật, mà còn có khả năng sử dụng màu sắc rất phi thường. Trong sáng tác của mình, Rubens đã thể hiện xuất sắc cả vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp biểu cảm, khiến các họa sĩ cùng thời khó bì kịp khi thể hiện nghệ thuật Baroque. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền hội họa châu Âu, đặc biệt là nền hội họa Pháp.

Điều đáng tiếc là, sau này Thái hậu Marie de' Medici vẫn thiếu trí tuệ chính trị, cuối cùng thất thế, bị lưu đày đến Cologne ở Đức và chết cô đơn trong một lâu đài ở Cologne. Nhưng thật trùng hợp, lâu đài này chính là nơi Rubens từng sống khi còn nhỏ. Ôi, duyên số con người, thật trùng hợp phải không.

Sau khi hoàn thành bộ tranh này, Rubens đã trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, năm 1626 tiếp theo là một năm buồn với ông. Nỗi tiếc nuối thứ ba trong đời của Rubens xảy đến. Người vợ yêu quý Isabella qua đời vì bệnh tật. Đây là một đòn giáng mạnh vào người họa sĩ vốn có tình cảm vợ chồng vô cùng sâu đậm. Trong vài năm sau đó, tuy là một họa sĩ nổi tiếng có năng suất cao, nhưng Rubens hầu như không vẽ tranh mà dành toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp ngoại giao để quên đi nỗi đau mất vợ.

Nỗi tiếc nuối thứ hai trong đời của Rubens chính là ba năm trước khi vợ qua đời, con gái của ông cũng qua đời vì bệnh tật. Trong suốt cuộc đời, Rubens chỉ có ba điều tiếc nuối này.

Bốn năm sau khi vợ qua đời, Rubens 53 tuổi đã có tình yêu hai. Helena Fourment, một cô gái trẻ 16 tuổi, đã trở thành người vợ thứ hai của ông.

Mặc dù hai người chênh lệch tuổi tác khá lớn, nhưng điều này không hề cản trở sự hòa hợp của hai vợ chồng. Helena xinh đẹp bằng tuổi con gái đã mất của Rubens. Rubens vừa có tình cảm vợ chồng, vừa có tình yêu thương của người cha đối với con gái. Helena ở độ tuổi không chỉ hồn nhiên hoạt bát, mà còn ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Tình cảm của cặp chồng già - vợ trẻ này rất tốt. Điều này có thể nhìn thấy từ những bức chân dung mà Rubens vẽ cho Helena. Mặc dù Isabella cũng thường ở trong vai trò người mẫu cho Rubens, nhưng số lượng chân dung Rubens vẽ cho Helena gần gấp ba lần Isabella.

Helena, Rubens và con trai Paul, 1639. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Helena chính là ngôi sao may mắn của Rubens. Trong năm kết hôn, ông được vua Charles I của Anh phong tước quý tộc. Hai năm sau khi kết hôn, Rubens lại được vua Philip IV của Tây Ban Nha phong tước hiệp sĩ. Rất ít người có thể có tước vị của cả hai quốc gia như vậy. Ngoài sự nghiệp đạt đến đỉnh cao, Helena còn sinh cho Rubens 5 người con. Có thể thấy cặp vợ chồng này hạnh phúc và viên mãn đến nhường nào.

Năm 1635, Rubens 58 tuổi dần chán nản với cuộc đấu tranh chính trị lừa gạt lẫn nhau, nên đã mua một biệt thự đồng quê ở ngoại ô Antwerp. Ông đã dành gần 5 năm cuối đời của mình trong biệt thự này. Lúc này, danh lợi đối với ông đã rất nhẹ nhàng. Là một trong những họa sĩ thành công và hạnh phúc nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, Rubens không còn gì hối tiếc.

Năm 1640, Rubens 63 tuổi qua đời tại nhà riêng vì suy tim do bệnh gút mạn tính.

Rubens không chỉ là một họa sĩ tài ba mà còn là một nhà ngoại giao nhân ái, thương yêu người dân. Trong suốt cuộc đời, Rubens là một người “quân tử”, luôn trung thành với đức tin của mình cũng như trung thành với vợ và bạn bè. Ông hầu như không có kẻ thù, điều này thật đáng quý với một nghệ sĩ và nhà ngoại giao như ông.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Rubens (2): Mẹ con vua Louis bất hòa tạo nên vị tể tướng nổi tiếng châu Âu