Sau 30 năm tạ thế, di thể không phân hủy, trở thành thể “kim cương” – Bí mật nằm ở đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng người dân huyện Hương Hà vẫn không quên câu chuyện truyền kỳ về một bậc lão nhân kỳ lạ. Bà xuất thân từ nhung lụa vàng son, bước vào đời là một danh y có tiếng, sau khi tạ thế lại để lại một huyền thoại cho đời. Vậy huyền thoại ấy là gì?

Vào một đêm tháng 11 năm 1992, rất nhiều người cùng tụ tập trong căn nhà nhỏ cũ kỹ tại huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Bà cụ Chu nay đã 88 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, bà lặng lẽ nằm trên giường nhìn một lượt khắp con cháu trong nhà. Con cháu bà không quản xa xôi ngàn dặm trở về đây, đứng vây quanh trước giường, xót xa nhìn bà cụ hai má đã hóp lại mà trong lòng không khỏi nhói đau. Bà chầm chậm mở mắt nhìn con cháu rồi nói: “Các con đừng quá đau lòng. Sau khi ta đi rồi, không chỉ riêng huyện Hương Hà này mà toàn Trung Quốc, toàn thế giới đều biết đến ta”.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau: Liệu có phải bà đã lẫn rồi, thần trí không còn thanh tỉnh nữa rồi? Hay là vì ảo giác trước lúc lâm chung khiến bà nói nhảm như vậy?

Càng nghĩ họ lại càng bi thương trong lòng. Bà Chu vẫn bình thản nhìn con cháu, bà không nói gì thêm mà chỉ cười nhẹ rồi nhắm mắt dưỡng thần. Hơn mười ngày sau, bà ra đi thanh thản. Và điều kỳ lạ là, rất nhiều ngày sau đó di thể của bà vẫn mềm mại, thơm tho và không hề phân hủy cho dù thiếu vắng các biện pháp bảo quản hay xử lý đặc thù. Hơn 30 năm đã qua, di thể của bà vẫn nằm yên bình trên chiếc giường ấy, con cháu không một ai làm phiền đến giấc ngủ ngàn thu.

Trên đời quả thực còn có chuyện kỳ lạ như vậy sao? Hàng xóm láng giềng rất nhanh một truyền mười, mười truyền trăm, có người hay tin cũng lặn lội từ xa đến thăm vì muốn được tận mắt chứng kiến. Di thể của bà Chu đã nằm trong căn nhà đất bé nhỏ ấy hơn 30 năm rồi. Người dân huyện Hương Hà đều biết, cả thế giới cũng biết, người trong vùng tôn kính gọi bà bằng một cái tên thân mật: Bà nội Hương Hà.

Bà nội Hương Hà

Bà Chu tên thật là Chu Phụng Thần, sinh năm 1905 tại huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Hương Hà nằm cách Bắc Kinh hơn 60 km về phía đông nam, là một huyện thành nhỏ nhưng lại có lịch sử rất lâu đời. Trước thời Bắc Chu, Hương Hà thuộc đất Yên, U Châu. Đến thế kỷ X, Hoàng đế Thạch Kính Đường của nhà Hậu Tấn đưa Hương Hà vào danh sách mười sáu châu thành, gọi chung là “Yên Vân thập lục châu”. Đây là vùng đất mà Hậu Tấn Cao Tổ cắt cho nhà Liêu của người Khiết Đan để trả ơn việc vua Liêu phái đại quân giúp ông lật đổ nhà Hậu Đường.

Tương truyền, khi Tiêu thái hậu của nhà Liêu tuần du đến đây, bà thấy hoa sen khai nở trên sông, gió nhè nhẹ đưa hương thơm lan tỏa khắp đôi bờ. Thái hậu liền đặt tên cho vùng đất này là “Hương Hà”, nghĩa là ‘dòng sông thơm ngát’. Từ đó, địa phương này được đổi tên thành huyện Hương Hà.

"Bà nội Hương Hà" Chu Phụng Thần lúc sinh thời (Ảnh chụp màn hình video)

Chu Phụng Thần chào đời năm 1905, khi ấy gia tộc họ Chu là một trong những phú hộ có tiếng tại huyện Hương Hà. Chu Phụng Thần từ nhỏ đã được cha mẹ nâng niu như viên ngọc minh châu trong tay, sống những năm tháng tuổi thơ nhung lụa của một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Dù được cha mẹ yêu thương hết mực nhưng Chu Phụng Thần lại hay đau ốm, từ nhỏ bà thường được người nhà đưa lên chùa thắp hương lễ Phật, cúng dường sư tăng. Có lẽ vì thế nên suốt cuộc đời mình bà luôn kính Thần, tín Phật, chăm chỉ lễ bái phụng thờ.

Đến tuổi đi học, Chu tiểu thư có khao khát tìm hiểu về y thuật, mong muốn sau này sẽ chữa bệnh cứu đời. Nhưng trong quan niệm của người thời ấy, có vị thiên kim tiểu thư nào lại đi học y thuật đâu? Học y rồi thì sẽ phải thăm khám cho bệnh nhân, sẽ phải chạm vào cơ thể người bệnh… Một tiểu thư khuê các mà suốt ngày tiếp xúc da thịt, nếu điều này truyền ra ngoài chẳng phải sẽ khiến người ta chê cười hay sao? Ước mơ mới từ trong suy nghĩ ấy đã bị dập tắt ngay từ lúc khởi đầu, đây cũng là nỗi muộn phiền của Chu Phụng Thần thời niên thiếu.

Khi Chu Phụng Thần đến tuổi xuân xanh, cha mẹ vì quá yêu thương con gái nên không muốn con phải lấy chồng xa. Họ liền gả cô con gái rượu cho một công tử thế gia là người cùng huyện. Vị công tử ấy tên là Dương Sĩ Kiệt, cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc. Ai cũng nghĩ rằng đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ hai bên nâng đỡ, hẳn sẽ sống những tháng ngày ấm êm rực rỡ.

Nhưng nào ngờ trời có gió mây bất trắc, người có họa phúc khôn lường. Nhà họ Chu kinh tế lao đao, sản nghiệp tiêu tán, cha mẹ không cách nào viện trợ cho cô con gái đã gả về nhà chồng. Còn nhà họ Dương thì các bậc lão nhân cũng mắc bệnh rồi qua đời, con cháu họ Dương lao vào tranh chấp gia sản. Huynh đệ bất hòa, anh em ly tán. Dương Sĩ Kiệt là con út trong nhà, do đó khi phân chia gia tài Dương Sĩ Kiệt chỉ đứng cuối hàng, phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Các anh trai quản lý sản nghiệp chỉ chia cho vợ chồng Sĩ Kiệt vài mẫu ruộng bạc màu cùng với gian nhà tranh rách nát. Từ đó, Chu Phụng Thần theo chồng bắt đầu cuộc sống bần hàn cơ cực.

Để kiếm kế sinh nhai, Dương Sĩ Kiệt phải đi Thiên Tân tìm việc. Chu Phụng Thần ở nhà, một mình tần tảo nuôi con. Có ai ngờ vị tiểu thư con nhà quyền quý nay lại phải xắn quần lội nước, ra ruộng cấy cày. Những ngày đầu làm ruộng, bà không phân biệt được đâu là cỏ dại đâu là lúa non, thường hay nhổ bỏ lúa non vì nhầm tưởng đó là cỏ dại. Khi vào bếp nấu ăn, bà dành hai giờ nhóm củi, nhiều lúc ngạt thở vì khói bếp, nước mắt cứ thế giàn giụa chảy, nhưng đến cuối cùng vẫn là cơm sống, cháy khê.

Có người họ hàng bên ngoại sẵn sàng ra tay cứu giúp hai vợ chồng nghèo, nhưng Dương Sĩ Kiệt với lòng tự trọng của một thư sinh đã kiên quyết từ chối. Phu xướng phụ tùy, về điểm này Chu Phụng Thần hoàn toàn ủng hộ chồng, bà tự nhủ: Dẫu gian nan hơn nữa, dẫu cực khổ hơn nữa thì vẫn cần phải tự lực cánh sinh.

Dần dà, Chu Phụng Thần từ người vợ trẻ e thẹn bẽn lẽn biến thành một nông phụ đích thực. Dương Sĩ Kiệt không dám tin rằng vợ sẽ kiên trì, sợ rằng vợ chỉ trụ được mấy ngày rồi sẽ khóc lóc than khổ mà thôi. Nhưng chào đón ông trở về luôn là khuôn mặt tươi cười của vợ và một mâm cơm đơn sơ nhưng nóng hổi trên bàn.

Vào dịp năm mới, Dương Sĩ Kiệt trở về sau chuyến đi dài mệt nhọc, ông đưa cho vợ toàn bộ số tiền mà ông đã vất vả dành dụm suốt cả năm trời. Sau đó, ông lại đặt vào tay vợ chiếc phong bao đỏ mà người chủ đã thưởng riêng cho ông. Bao nhiêu năm qua vợ đã phải sống những tháng ngày khổ cực, suốt ngày mặc quần cũ, áo rách, khắp thân toàn bụi bặm… Ông chỉ mong sao vợ được thảnh thơi chăm sóc cho mình, mua thêm vài bộ áo mới diện ngày đầu năm.

Hôm sau Dương Sĩ Kiệt mượn cớ ra ngoài thăm bạn, ông cứ nghĩ về đến nhà sẽ thấy vợ trong diện mạo mới. Nào ngờ ngồi trong phòng là một lão nhân đã ngoài sáu mươi, khuôn mặt hiền từ, thái độ khiêm nhường hòa ái. Nhìn sang, Chu Phụng Thần vẫn mặc áo cũ bận rộn đi ra đi vào, sau đó bưng lên một mâm cơm thịnh soạn mời lão nhân. Dương Sĩ Kiệt hỏi thăm mới biết vị lão nhân ấy là một bậc cao nhân mà vợ ông vô cùng tôn kính. Chao ôi, lặn lội đường xa mang phong bì về tặng vợ, những tưởng nàng sẽ có dịp ăn ngon mặc đẹp, hóa ra lại tiêu hết để bày tiệc tạ ơn thầy!

Và sau đó là chuỗi ngày khiến Dương Sĩ Kiệt đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ khi bái sư học đạo, Chu Phụng Thần bắt đầu chữa bệnh cho bà con lối xóm. Dương Sĩ Kiệt có phần giật mình kinh ngạc, vì vợ ông không giống như những thầy thuốc kê đơn bắt mạch thông thường khác, phương pháp chữa bệnh của bà rất thô sơ, ngẫu hứng. Với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả, Chu Phụng Thần kê thuốc như bình thường, nhưng với những bệnh nhân nghèo, bà chỉ dùng một số loại cỏ dại vô danh, thêm vào đó chút tàn hương, sau đó trộn lại thành thuốc uống. Trăm bệnh nhân thì có trăm loại y pháp, không có công thức cố định, vậy mà bà đều trị khỏi bệnh.

Dần dà cả huyện Hương Hà ai cũng biết tới y thuật của Chu Phụng Thần, họ lũ lượt kéo đến nhờ bà khám bệnh. Chu Phụng Thần chỉ thu một khoản phí nhỏ, thậm chí chữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Bà có y đức lại có y thuật cao siêu, người ta một truyền mười, mười truyền trăm, rất nhanh chóng Chu Phụng Thần đã trở thành bậc danh y tiếng tăm lẫy lừng khắp huyện Hương Hà.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, thoáng chốc đã đến những năm 60. Các con của Chu Phụng Thần nay đã trưởng thành, bà không còn phải vất vả mưu sinh như trước nữa. Nhưng tháng ngày bình yên chẳng được bao lâu. Cách mạng Văn hóa nổ ra, cả đất trời nghiêng ngả, mọi thứ đều đảo lộn, ngôi nhà nhỏ của Chu Phụng Thần bị hồng vệ binh lục soát, bản thân bà cũng bị nhắm làm đối tượng đả đảo của “phá tứ cựu”.

Hôm ấy, hồng vệ binh xông vào nhà hất đổ bàn thờ Phật mà bà Chu thờ phụng. Chúng ném tượng Phật vào bãi rác và cướp đi những thứ giá trị trong nhà. Nhưng đó chưa phải là tất cả, điều khủng khiếp hơn vẫn còn ở phía sau.

Sáng sớm hôm sau, hồng vệ binh lại bất ngờ xông vào nhà bắt giữ Chu Phụng Thần. Chúng không một lời giải thích đã ấn đầu bà xuống và xúm vào cạo tóc. Chúng cạo trọc một nửa đầu, để lại tóc bên nửa đầu còn lại, gọi là “đầu âm dương”.

Nhưng bà lão đã hơn 60 tuổi ấy vẫn không được buông tha, hồng vệ binh lại lôi bà đi rêu rao khắp phố. Sau khi đi vòng quanh khắp huyện, chúng lại lôi bà đến quảng trường lớn. Trên quảng trường đã dựng sẵn sân khấu, rất nhiều người đều tu tập ở đó chờ đấu tố Chu Phụng Thần. Người tổ chức hội đấu tố là Bành Nhị. Bành Nhị từ nhỏ đã ốm yếu lắm bệnh, nhà họ Bành lại nghèo nên vẫn thường được bà Chu chữa trị miễn phí, có thể nói bà đã chứng kiến Bành Nhị khôn lớn trưởng thành.

Bành Nhị dẫu mang ơn sâu nặng với bà Chu, nhưng vì muốn thể hiện lòng nhiệt tình cách mạng nên anh ta chủ động xin “đi đánh giặc”, và đích thân chủ trì cuộc đấu tố này. Bành Nhị đứng trên đài cao, lớn tiếng tố cáo tội ác của Chu Phụng Thần. Những câu chuyện bịa đặt, những lời hoang ngôn vô căn cứ ấy cứ thế xối xả nhắm vào bà. Trong đám đông chật ních bên dưới có không ít các bậc phụ lão hương thân mà Chu Phụng Thần từng cứu chữa. Nhưng trong bầu không khí sặc mùi đả kích ấy, dường như tất cả đều bị tẩy não, họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo Chu Phụng Thần! Đả đảo Chu Phụng Thần!”. Thậm chí có người còn thẳng tay ném đá, đá ném trúng ngực, trúng vai, trúng đầu khiến bà chảy máu, nỗi ê chề tủi nhục ấy thật không dễ dàng chịu đựng được.

Cảnh đấu tố trong Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)

Cuộc đấu tố kết thúc khi màn đêm buông xuống. Đám đông dần dần giải tán, ai nấy đều trở về quây quần bên bữa tối gia đình. Chỉ riêng nhà bà Chu bầu không khí khủng bố vẫn chưa hề lắng xuống. Con cháu sợ hãi trốn trong nhà không dám ló mặt ra ngoài, đến khi trời tối mịt vẫn chưa thấy bà về, mọi người đều bồn chồn lo lắng: Phải chăng bà nhất thời không chịu được nên đã nghĩ quẩn rồi?

Họ bí mật đi tìm, nhưng đi khắp một vòng mà vẫn không sao tìm được. Mọi người đều tuyệt vọng sợ rằng bà quẫn trí nhảy xuống sông thì đột nhiên cánh cửa “kẽo kẹt” mở ra. Bà Chu đứng ở ngưỡng cửa, mặt bê bết đầy bùn và máu, hai tay ôm bức tượng Phật mà bà vừa kéo ra khỏi đống rác, run rẩy bước vào nhà.

Dương Sĩ Kiệt quýnh quáng tay chân, luôn miệng an ủi: “Thôi không sao, không sao, nếu bà thấy không ổn thì để tôi đi tìm thầy thuốc nhé”.

Chu Phụng Thần xua tay, vừa đưa bức tượng Phật cho con trai vừa nói: “Con hãy giấu đi, mẹ không sao đâu, đừng lo lắng”.

“Cốc cốc cốc”, bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa. Mọi người đều run rẩy, không biết lại xảy ra chuyện gì đây? Họ hé cửa nhìn xem, thì ra là Bành Nhị! Người trong nhà thấy Bành Nhị đều giật mình thon thót, Dương Sĩ Kiệt thậm chí còn chộp lấy cây chổi chắn ngang trước ngực. Ông thầm nghĩ: “Tên tiểu tử nhà ngươi đến đây định giở trò gì hả? Ngươi đã ức hiếp vợ ta, hành hạ vợ ta cả ngày trời vẫn còn không đủ sao, mà đến đêm còn truy đuổi đến tận đây? Ngươi còn dám động đến vợ ta, ta thề sẽ sống chết với nhà ngươi!”

Nhưng kỳ lạ chưa, Bành Nhị không hô hào, cũng không hùng hổ xông vào mà chỉ chậm rãi bước đến. Dưới ánh đèn leo lét người ta mới nhận ra Bành Nhị đang ôm đứa con trai 5 tuổi, mặt đỏ ửng lắp bắp: “Con trai tôi ốm nặng, xin bà Chu khám chữa cho cháu”.

Mọi người trong nhà vô cùng phẫn nộ: Bành Nhị! Ngươi có còn là người nữa không? Nhà ngươi không biết xấu hổ hay sao mà lại còn đến tận nhà ta đòi hỏi như thế?

Họ chỉ muốn thẳng tay đuổi Bành Nhị đi. Nhưng nghĩ lại: Ôi, giờ chúng ta chỉ là miếng thịt trên thớt của người ta, chúng ta đuổi hắn ta đi rồi, ngộ nhỡ hắn quay lại báo thù thì phải làm sao đây?

Các con trai con gái vội vàng nháy mắt ra hiệu với Dương Sĩ Kiệt: Cha à, giờ chưa phải lúc, thôi, đừng gay gắt là hơn.

Rồi họ tìm cách né tránh: “Ồ, mẹ tôi đã ngủ rồi, anh hãy về đi”.

Nào ngờ trong phòng truyền ra tiếng bà Chu: “Cậu cứ bế cháu bé vào đây để tôi xem nào”.

Mọi người không còn cách nào khác, đành mở cửa cho Bành Nhị vào. Hôm ấy bà Chu thức thâu đêm cứu chữa, con trai của Bành Nhị mới chuyển nguy thành an.

Cách mạng Văn hóa điên cuồng cuối cùng cũng kết thúc, nhưng Dương Sĩ Kiệt, người chồng đã bên bà qua mấy chục năm cay đắng ngọt bùi, nay lại mắc bệnh rồi qua đời. Bà Chu đành bất lực không thể cứu chữa được cho chồng. Từ đó bà bắt đầu chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Bà thường dạy con cháu trong nhà: Làm người thì phải sống sao cho xứng đáng, không phụ trời không phụ đất, chỉ có lòng tốt mới có thể kinh động đến đất trời.

Công năng đặc dị

Đến những năm 1980, các con cháu dần dần nhận ra vị lão nhân tôn kính trong nhà tự bao giờ đã có công năng đặc dị. Một ngày, cậu con trai cả nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng, con gái anh bị xe đụng trên đường đi học. Mọi người đều hoảng loạn, chỉ riêng bà Chu là thong dong điềm tĩnh: “Các con không cần phải lo lắng, cháu gái không sao đâu, lát nữa cháu nó sẽ về”.

Quả nhiên một tiếng sau cháu gái bà bình yên vô sự trở về nhà.

Cũng từ đó, bà Chu càng ngày thông linh, bà không cần bắt mạch vẫn biết rõ bệnh tình, thậm chí tùy ý bốc thuốc mà vẫn chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Khi người nhà hỏi, bà Chu chỉ cười và nói: “Không cần bắt mạch, chỉ nhìn bằng mắt là đủ rồi”.

Lúc ấy, toàn Trung Quốc rộ lên cơn sốt khí công, rất nhiều môn phái cùng xuất hiện. Từ các thành phố lớn cho tới thị trấn nhỏ, thậm chí tại các vùng thôn quê, đâu đâu cũng thấy người dân hăng say tập luyện.

Kỳ thực, khí công chỉ là một lựa chọn bất đắc dĩ. Bởi vì từ cuối thập niên 1980, Trung Quốc toàn diện cải cách. Thể chế y dược trị liệu thời bao cấp bị bãi bỏ, công xã nông thôn giải thể, hợp tác xã y tế thuộc công xã đương nhiên cũng không còn. Các “bác sĩ chân trần” trong hợp tác xã tuy rằng không có y thuật cao thâm, nhưng họ vẫn đối phó được các loại bệnh thông thường như cảm, sốt, viêm họng, đau đầu... Nhưng đến nay việc trị bệnh không còn miễn phí nữa, bệnh viện quá đắt đỏ, nông dân không đủ kinh phí lên thành thị khám chữa, do đó các bài tập khí công đã trở thành lựa chọn duy nhất của người dân.

Nơi thị thành cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Các công xưởng và xí nghiệp quốc hữu đã không còn chế độ y tế miễn phí, bệnh viện nhà nước phải tự lo thu chi, đa số công nhân và người lao động nghèo không đủ khả năng chi trả, chỉ có thể tự lực cánh sinh. Học khí công vừa đạt được thân thể khỏe mạnh, lại không tốn kém chi phí đã trở thành lựa chọn hoàn hảo. Vì thế khí công vừa xuất hiện liền được quần chúng hoan nghênh, không chỉ người dân đón nhận mà chính phủ cũng cực lực ủng hộ.

Khí công chính phái thực sự đã khởi tác dụng chữa bệnh khỏe người, đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt, thể hiện ra những kết quả thần kỳ. Các phương tiện truyền thông cũng bắt đầu ồ ạt báo cáo về tác dụng của khí công, đồng thời cũng đưa tin về các kỳ tích xuất hiện. Bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về khí công cũng ra đời, trong đó có Hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc.

Trước tình hình đó, con cháu bà Chu đều lý giải được những hiện tượng thần kỳ mà họ từng chứng kiến, ai cũng cảm thấy vô cùng tự hào.

Chẳng mấy chốc bà Chu đã 88 tuổi. Đầu tháng 11 năm 1992, bà Chu nằm bệt trên giường, dặn người nhà rằng từ nay bà sẽ không ăn gì nữa mà chỉ uống một chút nước. Con cháu sợ rằng bà không còn thanh tỉnh, có bệnh thì chữa thôi, nào đâu cần phải tuyệt thực như vậy chứ? Họ đưa bà đến bệnh viện, nhưng ở viện bà vẫn cự tuyệt không ăn. Người ta lại truyền dịch, nhưng càng truyền bà lại càng nôn, nhổ ra rất nhiều thứ khó bề tưởng tượng, có thứ giống như con nòng nọc màu đỏ, lại có thứ trông như hạt gạo màu đen. Sau vài ngày, bà trở dậy tự rút ống truyền dịch và khăng khăng đòi về nhà. Con cháu không còn cách nào đành miễn cưỡng đưa bà về nhà.

Khi người nhà vẫn còn nung nấu ý định đưa bà lên Bắc Kinh chạy chữa thì bà Chu đã xua tay ngăn cản: “Các con chớ bận lòng vì mẹ, để mẹ cho các con xem thứ này”.

Nói rồi, bà liền lấy ra hơn hai trăm bông hoa đỏ quấn bằng giấy đỏ, bảo con cháu ra sân đốt hết chùm hoa đỏ này. Xong xuôi đâu đấy, bà dặn các con chờ thêm nửa giờ rồi nhìn ra cửa chính nam. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau: Lão bà bà đã dặn như vậy thì chúng ta đành phải đợi xem thôi.

Lúc này, cậu con trai cả đã có phần tuyệt vọng, bí mật gọi điện nhờ người đưa bà cụ lên Bắc Kinh. Từng phút cứ thế trôi qua, bỗng đứa cháu trai lớn reo lên: “Ôi chao, kia là gì vậy?”

Mọi người ngẩng lên nhìn, thấy trên bầu trời phía chính nam xuất hiện bốn quả cầu lửa lớn cháy phừng phừng, màu đỏ hồng trông vô cùng rực rỡ. Bốn quả cầu cháy hơn ba phút rồi dần dần biến mất. Bà Chu mỉm cười hỏi: “Các con đều thấy cả rồi chứ?”

Đến lúc này mọi người mới tâm phục khẩu phục, họ hiểu rằng lão bà bà nhà mình quả thực không phải người bình thường, mà là một Tiên cô!

Bà cụ bèn nói ra những lời trăng trối, yêu cầu con cháu hãy ghi nhớ năm tiêu chuẩn làm người:

  • Thứ nhất là, phải sống sao cho xứng với lương tâm.
  • Thứ hai là, phải biết nghĩ cho người khác.
  • Thứ ba là, nhận ân một giọt thì phải báo ân một dòng.
  • Thứ tư là, phải xem nhẹ tiền tài.
  • Thứ năm là, nhớ kỹ “thiện ác cuối cùng đều có báo”.

Dứt lời, bà cụ lại căn dặn thêm lần nữa: “Còn có một điều các con phải nhớ kỹ cho ta: đó là sau khi ta qua đời, các con chớ đụng vào di thể của ta, phải luôn để ta nằm yên tại chỗ này”.

Ai nghe thấy câu này cũng đều bối rối: “Không chôn cất? Sao có thể như vậy được?” Nhưng nhớ lại cảnh tượng thần kỳ trên bầu trời, họ đành miễn cường gật đầu đáp ứng.

Những hình ảnh về "Bà nội Hương Hà" Chu Phụng Thần (Ảnh dẫn qua Secretchina.com)

Kỳ tích xuất hiện

Sau khi bà nhắm mắt xuôi tay, các thế hệ con cháu giữ đúng lời hứa, không đụng vào di thể của bà. Trong suốt 24 giờ sau đó, cơ thể bà vẫn nóng ấm, sau một tuần tứ chi vẫn mềm mại, thậm chí vẫn có thể thấy huyết quản trên mu bàn tay đang lưu động. Một năm sau, di thể của bà bắt đầu tiết ra một loại chất đặc biệt khiến toàn bộ căn nhà tràn ngập hương thơm. Vào mùa hè, nhiệt độ trong phòng khoảng 34 độ C, độ ẩm tương đối lên đến 90%, đến mùa đông, nhiệt độ trong phòng xuống dưới âm độ, nhưng di thể bà cụ lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Người trong vùng truyền tai nhau rằng, bà Chu đã đạt được thân “kim cương lưu ly thể” ghi chép trong Phật giáo.

Quả đúng như lời bà tiên đoán, toàn Trung Quốc đều chấn động trước hiện tượng này. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu lũ lượt đến Hương Hà khám phá thực hư, trong đó có vị là chuyên gia ở Viện Khoa học Trung quốc, cũng có vị là chuyên gia về bệnh lý học. Họ tự hỏi: Liệu có phải lúc sinh tiền bà cụ từng uống chất bảo quản bí mật nào chăng? Điều ấy có lẽ là bất khả thi đối một phụ nữ nông dân nghèo sống trong căn nhà đất đơn sơ như bà. Các chuyên gia lại đến bệnh viện nơi bà cụ từng điều trị trước lúc lâm chung và đọc hồ sơ bệnh án, họ nhận thấy loại chất truyền dịch dùng cho bà chỉ là một chút kháng sinh thông thường mà thôi.

Di thể bà Chu Phụng Thần bên trong chiếc lồng kính chắn bụi (Ảnh chụp màn hình video)

Sau vài tháng nghiên cứu, hơn bốn mươi chuyên gia đành lắc đầu bất lực: Khoa học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích cho hiện tượng “kim cương lưu ly thể” của bà Chu Phụng Thần. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng cho đến nay di thể của bà nội Hương Hà vẫn nằm bình yên trên chiếc giường nơi bà tạ thế. Các con cháu đời sau làm thêm một chiếc lồng kính để bảo vệ di thể. Đó chỉ là chiếc lồng kính thông thường, bên trong không có bất kỳ hóa chất hay khí khử trùng đặc biệt nào, mà chỉ có chức năng chắn bụi mà thôi.

Di thể bà Chu Phụng Thần bên trong chiếc lồng kính chắn bụi (Ảnh chụp màn hình video)

Rất nhiều người từ cách xa ngàn dặm mang theo nỗi tò mò đến thăm di thể của bà, câu chuyện của bà cũng được truyền thông thế giới đưa tin. Khoa học hiện nay không cách nào giải thích được hiện tượng kỳ bí này. Bà Chu đã không còn tại thế để chia sẻ với chúng ta, nhưng có một điều bà tiên đoán nay đã thành sự thật: Toàn thế giới đều biết đến tên của bà nội Hương Hà.

Theo Wen Zhao Studio
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau 30 năm tạ thế, di thể không phân hủy, trở thành thể “kim cương” – Bí mật nằm ở đâu?