Sau ông Lý Khắc Cường, lại thêm một quan chức cấp cao của Trung Quốc đột tử vì bệnh tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau cái chết bất ngờ của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, mới đây ông Vương Uy (Wang Wei) - cựu Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cơ động ứng phó khẩn cấp thuộc Cục Mật vụ của Bộ Công an Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh do "suy tim" ở tuổi 57.

Gần một tuần sau, cái chết của ông Vương Uy mới được công bố

Theo cáo phó được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Ban liên lạc Cựu sinh viên Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc hôm 13/12, ông Vương Uy đã qua đời vào lúc 6h43 phút tối ngày 7/12 tại bệnh viện ở Bắc Kinh do “bị suy tim nhưng cấp cứu không hiệu quả”, hưởng dương 57 tuổi.

Bản cáo phó này giới thiệu ông Vương là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Ủy viên Đảng ủy, cựu Phó Trung đoàn trưởng của Trung đoàn Cơ động ứng phó khẩn cấp thuộc Cục Mật vụ của Bộ Công an Trung Quốc.

Cáo phó về ông Vương Uy được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Ban liên lạc Cựu sinh viên Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc vào ngày 13/12. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Vương Uy là người gốc quận Tây Thành ở Bắc Kinh, công tác tại Cục Cảnh vệ (tên gọi cũ của Cục Mật vụ) thuộc Bộ Công an Trung Quốc từ năm 1986. Tới tháng 3/2020, ông này được bổ nhiệm hai chức vụ kể trên trong Cục Mật vụ.

Cáo phó này nêu rõ, ông Vương Uy kiên quyết ủng hộ “Hai xác lập” và “Hai bảo vệ”, đồng thời “duy trì mức độ nhất trí cao với Trung ương Đảng”, v.v.

Trong đó, “Hai xác lập” là khẩu hiệu chính trị do ông Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 11/2021, bao gồm: “Xác lập địa vị cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và toàn Đảng”; “Xác lập địa vị chủ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.

Còn “Hai bảo vệ” là khẩu hiệu chính trị được đưa ra vào tháng 9/2018 dưới thời ông Tập Cận Bình, bao gồm: “Kiên quyết bảo vệ địa vị nòng cốt trong Trung ương Đảng và toàn Đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”; “Kiên quyết bảo vệ quyền uy và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng”.

Cái chết bất ngờ của ông Lý Khắc Cường làm dấy lên đồn đoán

Ngày 27/10 năm nay, Trung Quốc chính thức thông báo cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đang “nghỉ ngơi” ở Thượng Hải đã qua đời vì “cơn đau tim đột phát” ở tuổi 68. Cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường đã gây ra nhiều đồn đoán khác nhau. Dư luận cho rằng việc này có liên quan đến cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, đã viết bài trên Đài Á Châu Tự do (RFA) vào ngày 14/11 rằng, nhân vật số 2 trong ĐCSTQ đã chết một cách kỳ lạ và không thể tìm thấy sự thật ở bất cứ đâu. Việc này đã mang lại cú sốc rất lớn cho nội bộ ĐCSTQ, các quan chức từ trên xuống dưới đều cảm thấy sợ hãi và bất an.

Bài viết này nêu rõ, trong hệ thống của ĐCSTQ, mọi thứ đều là tuân lệnh cấp trên. Cũng tức là bí thư các cấp đều nắm trong tay mũ quan của quan chức dưới quyền, các quan chức không thể không cúi đầu nghe lệnh từ bí thư.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng cái chết của ông Lý Khắc Cường đã trở thành một sự kiện mang tính bước ngoặt, là cú hích để các phe phái chính trị trong ĐCSTQ tổ chức lại, để các lực lượng chống Tập liên hợp lại. Trung Quốc đang đứng trước những thay đổi lớn.

Cái chết của một quan chức cấp cao thuộc Cục Cảnh vệ Trung ương bị ‘giấu nhẹm’ suốt 3 tháng

Trước đó, vào cuối tháng 4 năm nay, ông Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun), nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương - cơ quan chịu trách nhiệm về sự sống chết của các lãnh đạo ĐCSTQ, cũng đã qua đời vì bạo bệnh. Tin tức về cái chết của ông này đã bị chính quyền giấu kín trong gần ba tháng.

Mãi đến ngày 24/7, truyền thông đảng mới đưa tin rằng ông Vương Thiếu Quân đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 26/4, hưởng thọ 67 tuổi, “do bị bệnh nhưng cứu chữa không hiệu quả”.

Nhà bình luận Thạch Xuyên Vân (Shi Chuanyun) từng viết trong một bài báo rằng: Nếu ông Vương Thiếu Quân chết vì bệnh một cách bình thường thì tại sao chính quyền lại phải phong tỏa tin tức? Phải chăng là do vướng vào cuộc tranh giành quyền lực nên bị giải quyết?

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ Trung Quốc tại hải ngoại và là cựu lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, trước đó đã phát biểu trên chương trình “Diễn đàn Tinh anh” rằng, có thể ông Tập nghĩ rằng ông Vương Thiếu Quân có vấn đề nên đã giải quyết ông này.

Gần đây, có nhiều quan chức trung niên ở Trung Quốc đã chết vì bạo bệnh. Ví như vào ngày 11/12, ông Mao Hoằng Phương (Mao Hongfang), Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Chiết Giang, đã qua đời tại Hàng Châu ở tuổi 58. Theo đài báo đưa tin, ông Mao chết do "nhồi máu cơ tim đột phát và nỗ lực cấp cứu không thành".

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau ông Lý Khắc Cường, lại thêm một quan chức cấp cao của Trung Quốc đột tử vì bệnh tim