Quan chức Mỹ: 'Bắc Kinh cưỡng bức kinh tế' là chủ đề thường xuyên giữa Mỹ và Nhật, Hàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, sự cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện giữa Mỹ và các đồng minh châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ), nói với các phóng viên trong cuộc họp báo 7/12: “Tôi không biết quá nhiều cuộc trò chuyện mà chúng tôi đã có với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản mà các hoạt động bắt nạt kinh tế của Trung Quốc không xuất hiện dưới một hình thức và cách thức nào đó”.

Ông Kirby đưa ra bình luận này để trả lời câu hỏi của NTD, cơ quan truyền thông liên kết của The Epoch Times, liên quan đến việc chính quyền Trung Quốc gây áp lực kinh tế và ngoại giao để ngăn chặn đoàn múa Shen Yun của Mỹ biểu diễn tại Hàn Quốc.

Khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tới Seoul, Hàn Quốc, để thảo luận ba bên với những người đồng cấp từ Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày 9/12, ông Kirby nói rằng ông “sẽ không ngạc nhiên” nếu hành động cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc lại tiếp tục xuất hiện trong chương trình đối thoại.

Kể từ khi thành lập vào năm 2006 tại New York, Shen Yun (Thần Vận) đã phải hứng chịu hàng loạt chiến dịch phá hoại do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dàn dựng. Công ty được thành lập với mục đích giới thiệu 5.000 năm văn hóa Trung Hoa thông qua nghệ thuật nhảy múa và âm nhạc. Theo các nhà phân tích, nỗ lực can thiệp vào hoạt động của Shen Yun trong gần hai thập kỷ xuất phát từ nỗi lo sợ của Bắc Kinh trước việc mô tả truyền thống Trung Quốc của Shen Yun.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc vào tháng 11 thừa nhận rằng họ đã “thông báo cho phía Hàn Quốc về lập trường của Trung Quốc chống lại biểu diễn Thần Vận” để không cho công ty tiếp cận được các rạp hát Hàn Quốc.

Trong những tuần gần đây, nhiều quan chức chính quyền Biden và các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại về sự cưỡng bức kinh tế đằng sau các hoạt động can thiệp như vậy.

Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 7/11 tuyên bố rằng Bắc Kinh “có quá khứ rất rõ ràng về việc sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế và mặt khác ở nhiều quốc gia”, đồng thời lưu ý rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục đối phó vấn đề thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh Ấn Độ - Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc họp báo ở San Francisco trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã mô tả “sự cưỡng bức kinh tế” là “rất tai hại”.

“Tôi nghĩ đó là một đặc điểm đáng lo ngại của ngoại giao Trung Quốc”, ông nói. “Và sẽ là quan trọng để các quốc gia thực hiện các bước tiếp theo để cố gắng hợp tác cùng nhau để tạo ra sự kiên cường lớn hơn…”.

Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul (Cộng hòa - Texas), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết ông hy vọng rằng ảnh hưởng mà chế độ Trung Quốc có thể thể hiện đối với các rạp hát ở Hàn Quốc sẽ là một “lời cảnh tỉnh đối với Hàn Quốc rằng mối quan hệ kinh tế của các bạn không quan trọng bằng tự do và dân chủ của các bạn”.

Hạ nghị sĩ Mỹ Michelle Steel (Cộng hòa - California), người sinh ra ở Seoul, cũng bày tỏ lo ngại.

Trong một bài bình luận gần đây đăng trên The Epoch Times, bà lưu ý rằng Shen Yun đã nhận được 13 lời từ chối từ các rạp hát Hàn Quốc kể từ tháng 9/2022, sau một loạt các buổi chiếu bị hủy đột ngột ở Hàn Quốc trước đây dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.

Quan chức Mỹ: Cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh là chủ đề thường xuyên giữa Mỹ và Nhật, Hàn
Dân biểu Michelle Steel (Cộng hòa - California) trong cuộc họp báo tại Điện Capitol ở Washington, Mỹ, vào ngày 20/10/2021. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Bà Steel viết: “Việc cúi đầu trước ý muốn của ĐCSTQ đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại cho bất kỳ hoạt động hoạch định chính sách nào trong tương lai vào thời điểm Hàn Quốc phải vững vàng”.

“ĐCSTQ không bao giờ được có tiếng nói trong các quyết định của bất kỳ quốc gia nào, càng không phải là một quốc gia tự do và dân chủ.”

Nhật Bản tách rời vì cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc

Các hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc đang khiến Nhật Bản dần tách rời Trung Quốc về kinh tế.

Honda Motor hôm thứ Bảy (2/12) cho biết sẽ cắt giảm khoảng 900 nhân viên hợp đồng tại một liên doanh ở Trung Quốc do cắt giảm sản lượng.

Cùng ngày, Toyota Motor cũng xác nhận đã ngừng một số hoạt động tại Trung Quốc. Một phát ngôn viên cho biết hôm thứ 7 (2/12) rằng Toyota Motor Corp đã tạm dừng sản xuất trên một số dây chuyền sản xuất cũ tại một liên doanh ở Trung Quốc. Các bài báo trước đó cho biết công ty đã tạm dừng một phần sản xuất do doanh số bán hàng yếu.

Mitsubishi Motors của Nhật Bản ngày 24/10 thông báo sẽ ngừng sản xuất ô tô trong liên doanh với Công ty TNHH Tập đoàn ô tô Quảng Châu tại Trung Quốc và chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Trung Quốc.

Quan chức Mỹ: Cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh là chủ đề thường xuyên giữa Mỹ và Nhật, Hàn
Một nhân viên an ninh đi ngang qua chiếc xe thể thao đa dụng Mitsubishi Motors Outlander PHEV được trưng bày tại trụ sở công ty ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 20/4/2016. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

Trước đó, gã khổng lồ điều hòa không khí Daikin của Nhật Bản và gã khổng lồ công nghệ Sony đã rời Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các công ty Nhật Bản lần lượt rời khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, mối quan hệ “lạnh lùng về chính trị nhưng nóng bỏng về kinh tế” giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thay đổi. Các chuỗi cung ứng quan trọng của Nhật Bản sẽ dần tách khỏi Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn và tách rời khỏi Trung Quốc về lâu dài.

Ông Li Shihui, Chủ tịch Viện Nhật Bản tại Đài Loan và là giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chengchi, nói với The Epoch Times: “Các quy định lao động cũng như chính sách hoặc hệ thống trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu minh bạch nghiêm trọng, khiến các công ty Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị và khiến họ gặp các vấn đề và khó khăn trong hoạt động”.

Bà Wang Xiuwen, chuyên gia tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, đã chỉ ra một quy luật lịch sử quan trọng: “Khi các chính sách của chính phủ Nhật Bản xúc phạm lợi ích chính trị của ĐCSTQ, ĐCSTQ thường dùng đến việc khuấy động chủ nghĩa dân tộc 'chống Nhật' và nhắm mục tiêu vào các công ty Nhật Bản hay thường dân Nhật Bản ở Trung Quốc. Đã có một số bài học trong thập kỷ qua”.

Ông Li cũng nhấn mạnh rằng người Nhật nhận thấy ĐCSTQ đã không tuân thủ các quy định của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ. Về thương mại quốc tế, Nhật Bản tin rằng ĐCSTQ không phải là quốc gia tuân thủ luật lệ.

Bà Wang cho biết, ngoài những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài nhiều năm, môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ.

Năm nay, ĐCSTQ đã thắt chặt kiểm soát, giám sát các công ty nước ngoài và bắt giữ các nhà đầu tư nước ngoài cùng một số nhân viên của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.

“ĐCSTQ tùy tiện bắt giữ người nước ngoài [đặc biệt là người Nhật] với lý do vi phạm an ninh quốc gia hoặc Đạo luật chống gián điệp, khiến hầu hết các công ty và nhà sản xuất Nhật Bản cảm thấy rằng an toàn cá nhân của họ không được đảm bảo và họ phải sơ tán nhân viên Nhật Bản khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt”, bà Wang nói.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, mặc dù Nhật Bản đứng về phía Mỹ nhưng mối quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc lại gần gũi hơn so mối quan hệ kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.

Ông Li nói: “Hướng đi hiện tại mà Nhật Bản và châu Âu đang nhắm tới có lẽ là tách rời trong dài hạn và giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn [từ Trung Quốc]”.

Ông nói: Giảm rủi ro có nghĩa là chuyển dần một số chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc, những đối tượng Nhật Bản coi là nhạy cảm.

Bà Wang nói: “Chính sách của chính phủ Nhật Bản là đẩy nhanh việc sơ tán các nhà sản xuất Nhật Bản khỏi Trung Quốc”.

“Với việc có ít công ty Nhật Bản có thể bị ĐCSTQ bắt làm con tin hơn, chính phủ Nhật Bản có thể không còn khoan dung với ĐCSTQ nữa”.

Ông Li Shihui cho biết, trong ba mươi năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều xung đột chính trị, bao gồm sách giáo khoa, đền Yasukuni, các vấn đề lịch sử, v.v., nhưng sự phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản tương đối mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa hai nước thường được mô tả là “lạnh lùng về chính trị nhưng nóng bỏng về kinh tế”.

Ông nói: “Trước đây, người ta tin rằng Trung Quốc và Nhật Bản thường xoa dịu xung đột chính trị thông qua tương tác kinh tế, nhưng giờ đây điều đó thật khó khăn”.

"Ở Nhật Bản hiện có một tư duy khác. Theo quan điểm hoặc cấu trúc an ninh kinh tế, chính trị và kinh tế không thể tách rời".

Lấy chất bán dẫn làm ví dụ. Chất bán dẫn ban đầu là một vấn đề kinh tế, nhưng trong hai năm qua, chất bán dẫn đã trở thành một vấn đề chính trị. Nhật Bản và Mỹ hiện đang cùng hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Mỹ: 'Bắc Kinh cưỡng bức kinh tế' là chủ đề thường xuyên giữa Mỹ và Nhật, Hàn