Quan chức tham nhũng Trung Quốc làm mọi cách để ‘giữ của’, kể cả 'ly hôn giả'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan chức Trung Quốc nổi tiếng với nạn tham nhũng trầm trọng, để tránh bị thẩm tra, họ không ngần ngại dùng hình thức “ly hôn giả” để mua bán, chuyển nhượng tài sản. Trong những năm gần đây, có không ít vụ “ly hôn giả” như vậy đã bị vạch trần.

Ngày 19/10, ông Vương Đại Vĩ (Wang Dawei), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh, bị xét xử tại Tương Dương, Hồ Bắc. Ông bị buộc tội nhận hối lộ 555 triệu nhân dân tệ (tương đương với hơn 1.860 tỷ VND). Trước đó, thông báo chính thức của chính quyền tuyên bố rằng ông Vương đã “kết hôn giả để lừa dối tổ chức nhằm che đậy vấn đề quan chức khỏa thân”.

Cái gọi là “quan chức khỏa thân” (naked officials) ám chỉ các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có vợ hoặc chồng và con cái đã di cư ra nước ngoài, một mình họ ở lại Trung Quốc làm quan.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Vương Đại Vĩ và vợ đã đàm phán ly hôn giả, chuyển tài sản sang tên vợ, để vợ con định cư ở nước ngoài và chuyển phần lớn tài sản của mình sang tài khoản ở nước ngoài thông qua các giao dịch giả. Để chuyển hướng sự chú ý, ông Vương đã hợp tác với nhân tình ở trong nước để “kết hôn giả nhằm lừa dối tổ chức”.

Ngoài việc mua bán bất động sản, một số quan chức ĐCSTQ còn “giả ly hôn” với vợ để tránh bị điều tra, hoặc ‘tẩy trắng’ số tiền tham ô, nhận hối lộ…

Chẳng hạn, tờ Nhân dân của Trung Quốc dẫn lời một tờ báo địa phương của tỉnh An Huy cho hay, ông Ngô (Wu), cựu Giám đốc Cục Xúc tiến Đầu tư huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy, sau khi nghe tin bản thân đang bị điều tra vào năm 2013, ông ta đã vội vàng đệ đơn ly hôn giả với vợ và chuyển tài sản sang tên vợ. Đồng thời ông này còn cho chôn hết các thẻ mua sắm, đồ trang sức bằng vàng bạc có được từ hối lộ... trong sân nhà, toàn bộ số rượu quý ông nhận hối lộ cũng được chuyển về nhà người thân.

Vào tháng 5/2016, ông Trần Xuân Lâm (Chen Chunlin), nhân viên trụ sở phường Cao Đường, quận Vu Sơn, thành phố Trùng Khánh, và vợ là bà Hoàng Mỹ Diễm (Huang Meiyan) đã thương lượng với nhau để tổ chức tiệc mừng lên lớp cho con gái. Ngày 8/6, vợ chồng ông Trần đã làm thủ tục "ly hôn" để tránh bị điều tra, do bà Hoàng tổ chức tiệc và nhận tiền biếu.

Năm 2016, ông Trương (Zhang), một cán bộ cấp huyện của một tỉnh không được nhắc tên, đã bàn bạc với vợ là ly hôn trước để được nộp ít thuế hơn trong quá trình trao đổi mua nhà, đợi mua bán trao đổi hoàn tất rồi lại làm thủ tục tái hôn. Vì vậy, ông Trương đã nộp thiếu tổng cộng hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 670 triệu VND) tiền thuế.

Năm 2013, ông Trương Tú Đình (Zhang Xiuting), Chính ủy Cục Chống tham nhũng quận Tây An, thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, bị tố cáo sở hữu 17 bất động sản cùng vợ là bà Vương Hồng Quân (Wang Hongjun). Nhưng ông Trương lại giải thích rằng, vợ chồng ông đã ly hôn hơn chục năm, phần lớn bất động sản đều thuộc sở hữu của vợ, bất động sản của riêng ông là do “mẹ đẻ để lại cho”. Theo điều tra của giới truyền thông, ông Trương Tú Đình và bà Vương Hồng Quân có mối quan hệ rất tốt. Nguồn tin cho biết hai người vẫn giữ quan hệ vợ chồng, con gái của họ đã hơn 20 tuổi.

Vào ngày 24/9/2015, bà Quảng Uyển Phương (Kuang Wanfang), người đã trốn sang Hoa Kỳ được 14 năm, đã bị cưỡng chế đưa về Trung Quốc. Bà Quảng đã làm giả ly hôn với chồng vào năm 1994 rồi sang Mỹ, sau đó kết hôn với một người Mỹ mà bà đã thỏa thuận trước đó và thuận lợi có được thẻ xanh, qua đó mở đường cho chồng bà bỏ trốn. Chồng của bà Quảng là ông Hứa Siêu Phàm (Xu Chaofan), ông này là thủ phạm chính trong vụ án tham ô và biển thủ công quỹ Chi nhánh Khai Bình Quảng Đông của Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

Đầu năm 2013, ông Tưởng Tôn Ngọc (Jiang Zunyu), khi đó đang là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Thâm Quyến, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Thâm Quyến, đã phải đối mặt với nhiều đơn tố cáo cũng như đợt thanh tra, kiểm tra của thanh tra chính phủ, do đó ông ta đã “ly hôn giả” để tránh bị điều tra. Nhưng sau khi “ly hôn”, ông này và vợ vẫn sống chung với nhau. Vào tháng 8/2017, ông Tưởng Tôn Ngọc bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ.

Ngoài ra, còn có vô số trường hợp quan chức ĐCSTQ “ly hôn giả” đã được báo cáo.

Vào ngày 20/10 năm nay, ông Lưu Thích (Liu Ti), cựu Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, đã bị cách chức. Trong thông báo chính thức có đề cập rằng ông Lưu đã sửa đổi, làm giả thông tin hồ sơ cá nhân, lừa dối tổ chức bằng một "cuộc ly hôn giả" và không báo cáo các vấn đề cá nhân theo quy định.

Cũng trong năm nay, ông Triệu Kiến Vĩ (Zhao Jianwei), cựu Công tố viên trưởng Viện kiểm sát Thành phố Đại Liên, đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ hôm 17/7. Đã gần bảy năm kể từ khi ông Triệu về hưu, nhưng đây là lần đầu tiên phía chính quyền công bố thông tin ông bị điều tra. Thông báo chính thức nói rằng ông đã "ly hôn giả" để lừa dối tổ chức, chống lại sự kiểm duyệt, v.v.

Ông Lý Yên Minh (Li Yanming), nhà bình luận thời sự, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, từng nói với The Epoch Times rằng việc ông Vương Đại Vĩ, một quan chức cấp cao của cơ quan chính trị và pháp luật, đồng thời là Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh, bị phơi bày là một “quan chức khỏa thân” cho thấy số “quan chức khỏa thân” trong giới quan trường Trung Quốc ẩn náu rất nhiều, và họ sẵn sàng tháo chạy bất cứ lúc nào. Đặc biệt, truyền thông của đảng còn tự tiết lộ rằng các quan chức không tin tưởng vào đảng. Điều này cũng phản ánh rằng các quan chức đều biết ngày tàn của ĐCSTQ sắp đến.

Ông Lâm Triết (Lin Zhe), Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, tiết lộ tại kỳ họp “Lưỡng Hội” năm 2010 rằng trong 10 năm từ 1995-2005, trong ĐCSTQ đã xuất hiện 1,18 triệu “quan chức khỏa thân”, người thân và con cái của những quan chức này đã di cư ra nước ngoài và họ có thể bỏ trốn bất cứ lúc nào.

'Lưỡng Hội' là hai cuộc họp thường niên quan trọng nhất của chính quyền Trung Quốc, bao gồm cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Thông qua “Lưỡng Hội”, người dân Trung Quốc và thế giới sẽ biết được các ưu tiên cùng kế hoạch cho năm tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài ra vào năm 2012, truyền thông Hong Kong trích dẫn số liệu thống kê từ một cơ quan có quyền uy trong nội bộ ĐCSTQ và phát hiện rằng người thân của 90% Ủy viên Ủy ban Trung ương đã di dân ra hải ngoại.

Ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling) là nhà sử học về ĐCSTQ, ông nổi tiếng với các tác phẩm phê bình cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông. Ông từng làm công tác nghiên cứu và trợ giảng tại Học viện Quân sự Giải phóng quân, Đại học Quốc phòng Giải phóng quân Trung Quốc. Trước khi nghỉ hưu ông mang quân hàm Đại tá và đã qua đời vào năm 2021. Ông từng tiết lộ với The Epoch Times rằng trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ XVIII (được tổ chức vào tháng 11/2012), nội bộ đảng đã làm một cuộc điều tra và phát hiện rằng gia đình và con cái của các Ủy viên Trung ương, Ủy viên Dự khuyết khóa XVII và ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã định cư ở nước ngoài và mua nhà, số người chuẩn bị bỏ mũ quan và tháo chạy chiếm hơn 85%.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức tham nhũng Trung Quốc làm mọi cách để ‘giữ của’, kể cả 'ly hôn giả'