Chuyên gia: Động thái chống tham nhũng trong ngành tài chính của Bắc Kinh sẽ không thể động đến giới lãnh đạo cấp cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Động thái chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính của Bắc Kinh chỉ đơn giản là để duy trì một hình ảnh lừa dối và nông cạn về quản lý nhà nước.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã xử lý một số nhà quản lý ngân hàng cấp cao bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để thực hiện các khoản cho vay và hợp đồng kinh doanh để đổi lấy tiền. Các nhà phân tích cho rằng đây là những con dê thế tội của nền kinh tế Trung Quốc vốn đang sụp đổ. Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao là các đối tượng có mối liên hệ sâu sắc với thực trạng kinh tế nhưng không thể bị động đến.

Ngày 9/10, Trung Quốc thông báo ông Li Xiaopeng, cựu bí thư đảng ủy và chủ tịch Tập đoàn Everbright Trung Quốc, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bãi nhiệm chức vụ vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và luật pháp Trung Quốc, bao gồm nhận hối lộ, nắm giữ cổ phần trái phép trong các công ty chưa niêm yết và lạm dụng quyền lực.

Tập đoàn Everbright Trung Quốc là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc và sở hữu các đơn vị niêm yết bao gồm Ngân hàng Everbright Trung Quốc (China Everbright Bank), Chứng khoán Everbright (Everbright Securities) và Everbright Trung Quốc (China Everbright).

Vào ngày 7/10, ĐCSTQ đã khai trừ ông Liu Liange, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước ra khỏi đảng, cáo buộc ông Liu có các hoạt động bất hợp pháp trong việc cho vay, gây ra rủi ro tài chính đáng kể và nhận hối lộ.

Trước tháng 9, cũng có ba lãnh đạo ngân hàng cấp cao khác đang bị cơ quan chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, điều tra, bao gồm cựu Phó thống đốc ngân hàng trung ương Fan Yifei, cựu giám đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Thâm Quyến Wang Ye và Bí thư Đảng ủy chi nhánh Bắc Kinh của nhà quản lý tài sản China Huarong Huang Xianhui.

Theo truyền thông Trung Quốc, vào tháng 3, tổng cộng 8 giám đốc điều hành cấp cao của các ngân hàng quốc doanh lớn đã bị điều tra.

Những con dê thế tội

Học giả Lý Hằng Thanh nói với The Epoch Times rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc gần như bị ô nhiễm hoàn toàn. Chính quyền chỉ hy vọng che đậy sự thật rằng vấn đề nằm ở chính sách và sự lãnh đạo của trung ương, và “Những đối tượng được gọi là quan chức tham nhũng này là những con dê thế tội của nó”, ông Lý nói.

Ông cho biết việc che đậy là vấn đề lớn nhất của chế độ.

Ông Lý lý giải, Chủ tịch các ngân hàng không thể trốn tránh trách nhiệm phê duyệt khoản vay hay cho vay. Ông tin rằng những hoạt động bất hợp pháp liên quan này phải có sự ra lệnh của các thành viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, hoặc thậm chí là các thành viên cấp cao hơn trong Thường vụ Bộ Chính trị. “Liệu họ có đủ khả năng để đắc tội với những người ở cấp độ này hoặc thậm chí là người thân của họ không?” ông Lý nói.

Ông không tin rằng sẽ có bất kỳ bước ngoặt nào đối với nền tài chính của Trung Quốc trong vài năm tới. Lời khuyên tốt nhất của ông dành cho người dân Trung Quốc bình thường là hãy cắt lỗ càng sớm càng tốt bằng cách di dời tài sản của họ đi nơi khác.

Tài chính và bất động sản

Chuyên gia Trung Quốc Vương Hách nói với The Epoch Times rằng có tới 40% khoản vay ngân hàng ở Trung Quốc có liên quan đến bất động sản, điều này gây ra rủi ro tài chính lớn. “Tham nhũng tràn lan là nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng tài chính Trung Quốc, và việc các nhân vật quan trọng của các tổ chức tài chính bị bãi nhiệm là hậu quả chắc chắn", ông Vương nói.

Bắc Kinh đã khởi xướng chính sách “ba ranh giới đỏ” nhằm đặt ra giới hạn đối với các khoản vay ngân hàng của các nhà phát triển: tỷ lệ nợ trên tài sản (không bao gồm tiền bán trước bất động sản) không được vượt quá 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%, và việc nắm giữ tiền mặt ít nhất phải bằng nợ ngắn hạn.

Theo sau chính sách này là cuộc điều tra đối với 25 tổ chức tài chính vào năm 2021, nhưng không có cuộc điều tra nào trong số này có thể ngăn chặn được hàng loạt vụ vỡ nợ bất động sản ở Trung Quốc bắt đầu từ năm đó, theo ông Vương.

Tổng nợ phải trả của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande Group đã lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) vào cuối năm 2022.

Công ty đã công bố khoản lỗ ròng tổng cộng 81 tỷ USD trong năm 2021 và 2022, theo thông báo gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Chuyên gia: Động thái chống tham nhũng trong ngành tài chính của Bắc Kinh sẽ không thể động đến giới lãnh đạo cấp cao
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn Evergrande, phát biểu tại cuộc họp báo trong phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào ngày 6/3/2016. Ông Hứa đã bị bắt vì bị tình nghi phạm tội. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Ngày 28/9, Trung Quốc đã bắt giữ ông Hứa Gia Ấn, chủ tịch Evergrande, vì nghi ngờ vi phạm pháp luật và phạm tội hình sự.

Ông Vương cho biết các cuộc điều tra đồng thời đối với các tổ chức tài chính và bất động sản cho thấy mối liên quan cao độ giữa hai lĩnh vực này.

Ông Vương cho biết: “Trước tình hình tồi tệ với rủi ro tài chính, sụp đổ bất động sản và nợ địa phương cao, ĐCSTQ chỉ có thể che đậy chừng nào có thể”, và các hành động chống tham nhũng chỉ đơn giản là để duy trì một hình ảnh lừa dối và nông cạn về quản lý nhà nước.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Động thái chống tham nhũng trong ngành tài chính của Bắc Kinh sẽ không thể động đến giới lãnh đạo cấp cao