Tại sao siêu cường Đại Minh diệt vong nhanh chóng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lịch sử nhà Minh hiện đã trở thành một chủ đề quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ Sùng Trinh vào cuối thời nhà Minh, siêu cường lớn nhất thế giới, với dân số ước tính từ 160 đến 200 triệu người, đã bị xóa sổ bởi bộ tộc Nữ Chân với dân số chưa đầy 1 triệu người. 

Sự kiện này đã trở thành chủ đề được quan tâm chung của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nhà sử học, nhà khoa học chính trị và thậm chí cả nhà kinh tế.

Việc nhà Thanh thay thế nhà Minh là một định mệnh lịch sử không thể cưỡng lại, hay đó là hậu quả thảm khốc do hành vi cá nhân của Sùng Trinh, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh gây ra? Sùng Trinh là người như thế nào? Sự cai trị của ông đóng vai trò gì trong sự sụp đổ của nhà Minh?

Hoàng đế trẻ chốn thâm cung thiếu tình cảm, thiếu lòng cảm ơn, đa nghi, tự hủy giang sơn

Khi đánh giá chung về Sùng Trinh, các chuyên gia cho rằng, ông là người thông minh, đa nghi, lật lọng, và thích thành công và những cái lợi trước mắt. Điều này cũng đúng. Sùng Trinh từ nhỏ đã là người thiếu tình mẫu tử và hơi ấm gia đình, bị kẻ thù vây quanh, rất thận trọng và ẩn nhẫn, điều này đã tạo nên tính cách đặc biệt của ông. Khiếm khuyết về tính cách này đổ lên thân vị Hoàng đế đúng lúc quốc gia nhiều họa hoạn, khiến ông mất mạng.

Trên thực tế, Sùng Trinh không phải là một vị hoàng đế tồi trong số các hoàng đế nhà Minh, so với anh trai - Hoàng đế Thiên Khải, hay ông nội - Hoàng đế Vạn Lịch, có thể nói rằng Sùng Trinh ít nhất là một hoàng đế có lý tưởng.

Nhà Minh là triều đại có quyền lực đế quốc tập trung nhất trong lịch sử Trung Quốc, mọi việc quốc gia đều do hoàng đế độc đoán quyết định. Với chế độ như thế này, nếu gặp phải một vị hoàng đế có tấm lòng rộng lớn, hoặc thậm chí là trí tuệ lớn, thì có lẽ sẽ tốt hơn. Nhưng đối với một hoàng đế có chỉ số thông minh và năng lực chỉ ở mức bình thường, thì có thể trở thành một vấn đề chí mạng.

Thời kỳ giữa và cuối của nhà Minh, các hoàng đế nhìn chung lười biếng trong việc triều chính. Trong bốn mươi bảy năm làm hoàng đế của Vạn Lịch, về cơ bản ông không thiết triều, luôn nghỉ ốm.

Anh trai của Sùng Trinh - Thiên Khải, làm hoàng đế được bảy năm, dành phần lớn thời gian làm thợ mộc và làm đồ nội thất trong cung điện, ông không muốn quản công việc của chính phủ, mọi việc lớn nhỏ của đất nước đều do các thái giám truyền đạt. Nhưng chính vì điều này mà sự việc quốc gia lại có thể diễn ra suôn sẻ, bởi dù các thế lực quyền quý trong triều có tranh giành quyền lực như thế nào đi nữa, thì vẫn cần phải thực hiện sự thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Ngay cả kẻ xấu như Ngụy Trung Hiền cũng phải tính đến những ý kiến ​​đối lập trong triều đình.

undefined
Thiên Khải làm hoàng đế được bảy năm, dành phần lớn thời gian làm thợ mộc và làm đồ nội thất trong cung điện. (Miền công cộng)

Nhưng nếu hoàng đế chuyên quyền thì sẽ không có chỗ cho sự thỏa hiệp, không có kênh để các tầng lớp trong xã hội chuyển thông tin lên trên, một khi hoàng đế mắc sai lầm sẽ gây ra hậu quả tai hại. Vì vậy, Hoàng đế Sùng Trinh tuy có lý tưởng, và rất chăm lo triều chính, nhưng cũng chỉ là một vị hoàng đế có chỉ số IQ trung bình, đây là một trong những bi kịch của ông.

Một yếu tố nữa là nhà Minh là triều đại cứng rắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, và cũng có thể nói là triều đại cứng nhắc nhất. Nhà Minh không bao giờ thỏa hiệp, đối ngoại không thỏa hiệp, không đàm phán, không kết hôn cầu hòa, không chấp nhận sự yếu đuối. Khi tình hình nghiêm trọng đến mức cần phải thỏa hiệp, thì nhà Minh không còn cách nào để đi. Họ không khoan nhượng, ngay cả hoàng đế khi bị người Mông Cổ bắt cũng không thỏa hiệp.

Điều này thực tế đã hạn chế nghiêm trọng sự lựa chọn chính sách của Hoàng đế Sùng Trinh. Ông muốn đàm phán với người Mãn Châu, nhưng các quan lại phản đối tập thể, nên ông nhanh chóng giết chết viên quan chịu trách nhiệm đàm phán. Ông sợ người khác cho rằng mình yếu đuối.

Sau này tuy muốn dời đô về Nam Kinh, nhưng có người phản đối, kiên quyết phản đối, Sùng Trinh không dám kiên quyết, nên đành mắc kẹt ở Bắc Kinh. Vì vậy, sự sụp đổ của nhà Minh cũng liên quan nhiều đến việc Sùng Trinh không có khả năng đưa ra quyết định quyết đoán.

Trong lịch sử, sự sụp đổ của các triều đại Trung Quốc thường liên quan đến mỹ nhân. Ví dụ, có một người đẹp tên là Trần Viên Viên vào cuối thời nhà Minh. Trần Viên Viên là một người đẹp đến từ phía nam sông Dương Tử, cô được cha của Điền Quý phi mua lại, và tặng cho Sùng Trinh.

Sùng Trinh đã kinh ngạc khi nhìn thấy Trần Viên Viên, cứ ngỡ là Thiên nữ. Nhưng điều ông nghĩ đến là, đất nước khó khăn như thế nào, và có bao nhiêu chuyện đang xảy ra, nên đã không tiếp nhận Trần Viên Viên. Còn có thuyết nói rằng, Trần Viên Viên được lưu lại trong cung ba ngày, Sùng Trinh nhìn vào gương, phát hiện mình đã trở nên rất hốc hác, chợt nhận ra việc quốc gia rất quan trọng, không thể chìm đắm trong nữ sắc, nên đã trả lại Trần Viên Viên.

Sau này Trần Viên Viên đi theo Ngô Tam Quế, và bị thuộc hạ của Lý Tự Thành cướp đi. Sự việc giữa Sùng Trinh và Trần Viên Viên ít nhất cho thấy một điều, đó là Hoàng đế Sùng Trinh vẫn có khả năng tự biết mình.

Khi nhắc đến những vị hôn quân trong lịch sử Trung Quốc, thường nói về sự hoang phí xa hoa, hoặc đắm chìm trong nữ sắc, không lo việc nghiêm túc, vui chơi đánh mất chí hướng, không lo việc triều chính, v.v. Nhưng nhìn từ các ghi chép lịch sử, Hoàng đế Sùng Trinh chắc chắn không phải là hình ảnh điển hình của một vị hôn quân.

Có một câu chuyện được ghi lại trong Minh Sử, kể rằng Sùng Trinh chạy ra khỏi cung điện và đến Môi Sơn, khi nhìn lại, ông thấy thành Bắc Kinh đang bốc cháy, sau đó ông nói: "Than ôi! Người dân của ta bây giờ sẽ phải chịu đau khổ".

Đây là những gì ông đã nói trước khi chết. Sau đó, trong di chiếu cuối cùng của mình, ông nói với quân đội của Lý Tự Thành rằng, các ngươi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với cơ thể của ta, nhưng xin đừng làm hại người dân của ta. Nói cách khác, Sùng Trinh không phải là người xấu.

Lý Tự Thành dẫn quân đánh chiếm thành Bắc Kinh. (Tranh Epoch Times)

Để hiểu Sùng Trinh, trước tiên chúng ta phải bắt đầu từ thời thơ ấu của ông. Mẹ ruột của ông đã bị cha ông hạ lệnh dùng gậy đánh chết. Sau đó ông được mẹ nuôi là Khang Phi nuôi dưỡng. Khang Phi rất xấu tính và lạnh lùng với ông. Cuối cùng Khang Phi sinh ra một cô con gái và đã bỏ rơi Sùng Trinh. Mẹ nuôi thứ hai của Sùng Trinh là Trang Phi. Trang Phi rất tốt với ông, và cũng là người rất nhân hậu. Nhưng Trang Phi lại bị Ngụy Trung Hiền giết chết.

Sùng Trinh từ nhỏ đã đối diện với tình nóng lạnh thế gian, không có cảm giác an toàn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thơ và sự phát triển tính cách của ông, đã hình thành tâm lý rất nghi ngờ và không tin tưởng vào người khác. Ông là người cố chấp, bướng bỉnh, không biết nghe lời người khác. Những tính cách ​​này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cai trị sau này của ông.

Quá trình Sùng Trinh lên ngôi cũng rất nguy hiểm, vì anh trai của ông (Hoàng đế Thiên Khải) đột nhiên mắc bệnh và qua đời, lúc đó thái giám Ngụy Trung Hiền đang nắm quyền. Ngụy Trung Hiền lúc đó muốn giết Sùng Trinh, nhưng nhưng bản thân Sùng Trinh lúc đó tỏ ra khiêm tốn, và ẩn nhẫn, khiến Ngụy Trung Hiền cảm thấy người này có thể giống vị hoàng đế trước đó, và không có năng lực. Vì thế Ngụy Trung Hiền lúc đó đã do dự hết lần này đến lần khác, và cuối cùng không ra tay.

Không ngờ, Sùng Trinh đã nhanh chóng giết chết Ngụy Trung Hiền ngay khi ông vừa đăng cơ, và giết toàn bộ hoạn quan thuộc hạ của Ngụy Trung Hiền. Khi đó, mọi người trong triều đại nhà Minh đều vui mừng, cuối cùng cũng đã xuất hiện một vị minh quân, mọi người vốn dĩ rất kỳ vọng vào ông. Nhưng về sau, điểm yếu trong tính cách của ông bộc lộ. Ông ương bướng và gặp khó khăn lớn trong việc sử dụng người, sau này ông liên tiếp mắc sai lầm.

Sùng Trinh đã giết Viên Sùng Hoán, người có thể bảo vệ giang sơn tốt nhất. Sùng Trinh rất coi trọng việc quản lý quan chức. Tức là quan không được phép phạm sai lầm, mất một thành thì quan lại địa phương bị chặt đầu. Nếu là tướng mà thua trận thì cũng bị chặt đầu. Vì vậy, bộ máy quan liêu lúc đó rất căng thẳng, cuối cùng mọi người đều không dám làm gì, tìm mọi cách che giấu Sùng Trinh.

Sùng Trinh đã giết Viên Sùng Hoán, người có thể bảo vệ giang sơn tốt nhất. (Tranh chân dung Viên Sùng Hoán - Miền công cộng)

Trong mười bảy năm Sùng Trinh nắm quyền, mười bảy Hình bộ Thượng thư đã bị thay đổi, mười bốn Binh bộ Thượng thư đã bị thay đổi, và hơn năm mươi trưởng phó quan trong nội các đã bị thay đổi. Thế nên rất nhiều quan lại đã hướng lòng về Lý Tự Thành và người Mãn Thanh. Họ đã không thể chịu đựng được nữa.

Vì vậy, cần phải nói rằng cách quản lý nặng tay này là một sai lầm lớn. Cuốn sách "Sùng Trinh: Vị vua vong quốc chăm lo chính sự" đã bị ĐCSTQ cấm cách đây một thời gian, cuối sách có một câu bình luận về ông là "Chính sách tồi liên tiếp, mỗi bước đi đều sai lầm, càng chăm lo chính sự càng nhanh vong quốc".

Câu này miêu tả rất chính xác. Theo một nghĩa nào đó, Sùng Trinh là tác nhân chính thúc đẩy sự sụp đổ của nhà Minh, và đóng vai trò thúc đẩy.

Sùng Trinh thiếu tầm nhìn quốc tế và nhà Minh bỏ lỡ cơ hội thịnh vượng

Trong những năm Vạn Lịch triều Minh, tình hình trở nên bế tắc. Tức là muốn chấn hưng lại thì rất cần tài năng và chiến lược, nhưng Sùng Trinh lại không có khả năng đó.

Thế giới khi đó, thế kỷ XVII là thời kỳ phương Tây đang tiến tới hiện đại hóa và văn minh tư bản. Vào thời điểm đó, nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã đến Trung Quốc. Nhưng Sùng Trinh không có cái tâm đó, cũng không có tầm nhìn quốc tế như vậy, nên ông càng chăm lo triều chính lại càng đi vào ngõ cụt. Bởi vì bản thân ông không có tài năng, và mọi chính sách của ông đều tồi tệ, điều này đã đẩy nhanh sự diệt vong của ông và triều Minh.

Nếu là một triều đại rất tự tin, dù là chiến tranh hay hòa bình, có khả năng thích ứng với những thay đổi, sử dụng chính sách linh hoạt, tùy theo môi trường lúc đó, thì triều đại này sẽ tồn tại hoặc thăng hoa. Nhưng nếu đâm vào tường mà vẫn không quay đầu lại, thì chỉ còn con đường chết. Đến thời Sùng Trinh, hệ thống nhà Minh thực sự đã gặp phải những vấn đề lớn, nếu muốn thoát khỏi số phận diệt vong, Sùng Trinh phải mở ra một tầm nhìn mới.

Trên thực tế, nước Anh lúc đó cũng gặp rất nhiều khó khăn, rồi cuộc cách mạng năm 1644 cuối cùng đã đi đến cái mà chúng ta gọi là cách mạng tư sản, và cách mạng văn minh hiện đại, nước Anh đã có bước đột phá hướng tới hiện đại như vậy.

Toàn bộ nền kinh tế tổng hợp của nhà Minh rất cao, thời kỳ sau cũng có giao thương với thế giới, đồng tiền bạc lúc bấy giờ đến từ Nam Mỹ. Khi đó Tân Thế giới đã được phát hiện, thế giới đã đạt đến một tầm cao mới. Nếu nhà Minh có tầm nhìn thì có thể khắc phục được nút thắt về mặt thể chế.

Cuối thời nhà Minh có một nhóm nhà tư tưởng có tầm nhìn xa, trong đó có Hoàng Tông Hy và Cố Viêm Vũ, những người đã nêu ra vấn đề hệ thống quyền lực đế quốc, trong đó có những người như Lý Chí, người đã trực tiếp chỉ trích nghiêm khắc hệ thống quyền lực đế quốc.

Ngoài ra, nhà Minh còn có một số yếu tố hiện đại, chẳng hạn nhà Minh có thể chế nội các, các đại học sĩ tương đương với nội các đại thần (tức bộ trưởng ngày nay), có thể chuyển hóa thành thể chế văn minh hiện đại. Nhưng điều này đòi hỏi hoàng đế phải có tài năng, có chiến lược, có đầu óc thực sự, có tầm nhìn và hiểu được xu hướng thế giới.

Vào thế kỷ XVII, phương Tây đã đạt được những bước đột phá hiện đại, trong đó có sự đột phá của hệ thống nghị viện hiến pháp. Tuy nhiên nhà Minh đã không tận dụng cơ hội này để đột phá, và với sự sụp đổ của nhà Minh, cơ hội này là thực sự đã mất.

Tất nhiên, triều đại Mãn Thanh và nhà Thanh sau này có rất nhiều cơ hội, nhưng suy cho cùng, nền văn minh của triều đại Mãn Thanh và nhà Thanh tương đối thấp, nên Trung Quốc đã đánh mất cơ hội thời đại đó.

Nếu không phải Sùng Trinh, nếu có một vị hoàng đế có tầm nhìn xa hơn, có thể linh hoạt thay đổi lời răn dạy của tổ tiên, đàm phán hòa bình với người Mãn Thanh, thậm chí dời đô về Nam Kinh và bổ nhiệm nhiều danh thần, thì chưa chắc đã mất nước.

Chúng ta vẫn có chút đồng cảm với Sùng Trinh, dù sao thì cuối cùng ông cũng không từ bỏ trách nhiệm của mình, ông tự sát và chết vì đất nước để cảm tạ thiên hạ. Từ góc độ này mà nói, Sùng Trinh có thể được coi là một người tương đối giữ Đạo thống trong lý học thời Tống và nhà Minh.

Trên thực tế, cuối thời nhà Minh đã trải qua một làn sóng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, thời Long Khánh trước thời Vạn Lịch, nhà Minh đã bỏ lệnh cấm biển, ngoại thương của nhà Minh tăng lên đáng kể, và thặng dư rất đáng kinh ngạc . Người ta nói rằng gần 100 triệu lượng bạc từ thế giới đã chảy vào nhà Minh trong ba mươi bốn mươi năm.

Giới kinh tế ước tính rằng GDP của triều đại nhà Minh trong thời kỳ Vạn Lịch chiếm khoảng 37% tổng GDP của thế giới, nhiều hơn cả Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay cộng lại. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế của nhà Minh không hề thay đổi, vẫn là hệ thống nông nghiệp là chính, toàn bộ lợi ích kinh tế và quyền lực xã hội tiếp tục nghiêng về giới thượng lưu, dẫn đến khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo.

GDP của triều đại nhà Minh trong thời kỳ Vạn Lịch chiếm khoảng 37% tổng GDP của thế giới. (Tranh: Xuất Cảnh Đồ đời Minh - Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Sự giàu có của nhà Minh lúc bấy giờ không hình thành nên vốn công nghiệp hay vốn thương mại thực sự, không có công cụ đầu tư cho khu vực tư nhân. Cách đầu tư duy nhất là mua đất, dẫn đến việc thôn tính đất đai rất nghiêm trọng. Nông dân bị mất đất và trở thành người lang bạt, về cơ bản họ chỉ vừa đủ sống ở mức mức sinh tồn, và cuộc sống của họ rất dễ bị ảnh hưởng.

Trong 20 đến 30 năm cuối thời nhà Minh, nhiệt độ giảm đột ngột dẫn đến hạn hán nghiêm trọng liên tục ở miền Bắc, cộng với động đất, châu chấu và dịch bệnh, nền kinh tế trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, đến mức tầng lớp thấp không thể duy trì lương thực và quần áo. Cùng với một số lượng lớn các cuộc bất ổn dân sự phát triển, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh.

Nhà Minh chưa phát triển thành một nền văn minh công nghiệp và thương mại, có thể thích ứng với một xã hội tương đối giàu có, bao gồm luật pháp, bảo vệ tài sản cá nhân, hệ thống hợp đồng nghiêm ngặt, v.v., đặc biệt là hệ thống tham vấn chính trị chưa được thiết lập. Như vậy về bản chất, sự sụp đổ của nhà Minh cũng giống như sự sụp đổ của các triều đại khác, không thể thoát khỏi chu kỳ thăng trầm của các triều đại kinh tế đất đai. Từ góc độ vĩ mô, kinh nghiệm của Hoàng đế Sùng Trinh được phản ánh nhiều hơn trong hệ thống chu kỳ lịch sử này, và bản thân ông chỉ là biểu tượng của thời đại này.

Diễn đàn tinh anh - NTD
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao siêu cường Đại Minh diệt vong nhanh chóng