Tại sao Tư Mã Ý thà để binh lính chết rét cũng không phát áo bông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vượt qua các anh hùng của 3 nhà Ngụy - Thục - Ngô, cuối cùng Tư Mã Ý đã thống nhất thiên hạ lập nên nhà Tấn. Tài năng trác việt, mưu tính sâu xa của Tư Mã Ý thể hiện trong việc ông thà để binh linh chết rét cũng không phát áo bông - một sự việc khi đó được cho là gây mất lòng quân sĩ như thế này.

Thời kỳ Tam Quốc là một giai đoạn vô cùng hỗn loạn trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Hán suy tàn, anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi dậy, các gia tộc lớn cũng bị cuốn vào vòng chiến loạn. Những nhân vật của thời kỳ này đã cùng nhau diễn nên một giai đoạn tàn khốc trên vũ đài lịch sử. Thế lực hùng mạnh nhất phương Bắc khi ấy là Viên Thiệu, đã bị Tào Tháo đánh bại trong trận Quan Độ, sau đó Tào Tháo mượn danh Thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, dùng 17 năm để bình định phương Bắc. Thế lực của nhà họ Tôn cũng bén rễ ở Giang Đông. Lưu Bị cũng là một nhân vật kiệt xuất, chiếm giữ được Kinh Châu và Ích Châu, hình thành nên thế cục chân vạc Ngụy, Thục, Ngô chia ba thiên hạ thời Tam Quốc. Tuy nhiên, lịch sử thật khó lường, gia tộc sau này có thể thống nhất thiên hạ không phải là một trong ba nhà Ngụy, Thục, Ngô mà chính là gia tộc Tư Mã.

Chúng ta đều biết Tư Mã Ý là nhân vật lịch sử có nhiều tranh cãi nhất. Cuộc đời của ông đầy rẫy những âm mưu, nhẫn nhục, che giấu tài năng, và cuối cùng đạt được mục đích. Mỗi hành động của Tư Mã Ý đều có dụng ý sâu xa, ngay cả cách đối xử với binh lính cũng không ngoại lệ. Đó rốt cuộc là sách lược của Tư Mã Ý hay ông thực sự độc ác? Mãi đến 11 năm sau, những người từng nghi ngờ Tư Mã Ý mới bừng tỉnh, thì ra mỗi bước đi của ông đều được sắp xếp tỉ mỉ với tài nhìn xa trông rộng. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về mưu lược của nhân vật này.

Tư Mã Ý sinh năm 179, trẻ hơn cả Tào Tháo và Lưu Bị. Tuy nhiên, trên người Tư Mã Ý luôn toát lên sự trưởng thành và chín chắn vượt xa tuổi tác. Thậm chí, Tào Tháo còn phát hiện được khả năng phi thường của Tư Mã Ý, đó là ông có thể xoay cổ gần 180 độ, khiến người ta liên tưởng đến sự cảnh giác và nhạy bén của loài dã thú. Loại bản năng "ưng thị lang cố" này của Tư Mã Ý khiến Tào Tháo vô cùng đề phòng, lo sợ rằng vị mưu sĩ trẻ tuổi này sẽ trở thành chướng ngại cho sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, trái ngược với sự cảnh giác của người khác, cuộc sống cá nhân của Tư Mã Ý lại vô cùng giản dị. Ông không ham mê tửu sắc, không truy cầu quyền lực, mà chỉ đắm chìm trong sách vở, nghiên cứu tìm tòi tri thức. Đối với người khác, Tư Mã Ý luôn giữ thái độ ôn hòa, khi đối mặt với xung đột hay thách thức, ông luôn biết cách lùi một bước để tiến hai bước, lấy tĩnh chế động.

Trong quân đội, Tư Mã Ý cũng thể hiện phong cách lãnh đạo độc đáo. Trong một lần hành quân về phương Bắc vào đêm đông lạnh giá, Tư Mã Ý không lập tức phát áo bông cho binh lính. Điều này không phải là do Tư Mã Ý thiếu lòng thương cảm, mà là ông muốn thử thách và rèn luyện ý chí cho binh lính, đồng thời âm thầm quan sát lòng trung thành của cấp dưới. Mỗi hành động của ông đều là để đảm bảo quân đội có thể giữ vững tinh thần chiến đấu cao và kỷ luật nghiêm minh trong những hoàn cảnh gian nan nhất.

司馬懿
Tư Mã Ý. (Miền công cộng)

Ở thời kỳ Tam Quốc loạn lạc, Tư Mã Ý đã trở thành một mưu sĩ khó lường dưới trướng Tào Tháo. Một lần nọ, khi trận chiến đang ở thế giằng co, Gia Cát Lượng công khai chế giễu Tư Mã Ý thiếu khí phách nam nhi, gọi ông là "hạng nữ nhi". Tuy nhiên, trước lời khiêu khích ấy, Tư Mã Ý chẳng hề bận tâm. Phản ứng của ông khiến Gia Cát Lượng cũng cảm thấy bất ngờ.

Sự việc này không chỉ thể hiện Tư Mã Ý "mặt dày" mà thể hiện sâu sắc sự "nhẫn nhục" và "ẩn mình" của ông. Tư Mã Ý luôn âm thầm đứng ở góc, không để lộ tài năng nhưng sự khiêm tốn ấy vẫn khiến Tào Tháo nảy sinh cảnh giác. Tào Tháo hiểu rõ Tư Mã Ý là người khôn ngoan, luôn cảm thấy trong lòng Tư Mã Ý ẩn chứa những bí mật không muốn người khác biết. Vì vậy, Tào Tháo đã đặc biệt dặn dò con trai Tào Phi phải luôn cảnh giác với Tư Mã Ý. Tuy nhiên, Tào Tháo vẫn giữ Tư Mã Ý bên mình, không phải là không có lý do. Mặc dù Tư Mã Ý khiến người khác cảm thấy khó gần và khó nắm bắt, nhưng trí tuệ và mưu lược của ông lại là điều Tào Tháo không thể thiếu. Ở nhiều thời khắc quan trọng, Tư Mã Ý có thể đưa ra những kế sách tuyệt vời có thể trợ giúp Tào Tháo.

Một điều quan trọng nữa chính là gia tộc Tư Mã đang nắm giữ vị trí quan trọng trong bối cảnh chính trị thời bấy giờ. Do đó, Tào Tháo đã lựa chọn một giải pháp dung hòa - vừa tận dụng tài năng của Tư Mã Ý, vừa duy trì sự cảnh giác. Tư Mã Ý hiểu rõ sự dè chừng của Tào Tháo, nên luôn giữ thái độ khiêm tốn, cố gắng không thể hiện quá nhiều tài năng trước mặt Tào Tháo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Tư Mã Ý không có tham vọng, chỉ là ông biết thời cơ chưa đến. Sau khi Tào Tháo qua đời, Tào Phi đối diện với tình hình phức tạp, buộc phải dựa dẫm nhiều hơn vào trí tuệ và kinh nghiệm của Tư Mã Ý, nhưng cũng rất đề phòng ông. Tuy nhiên, triều đại của Tào Phi lại ngắn ngủi như sao băng, chỉ duy trì được 6 năm rồi kết thúc. Khi lâm chung, Tào Phi phải lựa chọn một vị đại thần có thể phụ tá Ngụy Minh Đế đang còn nhỏ.

Sau khi cân nhắc, Tào Phi không có lựa chọn nào tốt hơn, đành phải trao trọng trách này cho Tư Mã Ý. Vì thế, Tư Mã Ý tiếp tục trở thành trụ cột quan trọng của quốc gia. Tuy tuổi còn nhỏ tuổi nhưng Ngụy Minh Đế vẫn thừa hưởng sự nhạy bén và cảnh giác của ông nội Tào Tháo và cha Tào Phi, nên luôn đề phòng Tư Mã Ý. Trong khi đó, Tư Mã Ý am hiểu thuật dùng mưu kế, luôn giữ thái độ khiêm tốn và thận trọng, bề ngoài luôn tỏ ra không quan tâm đến công việc triều chính. Năm 237, gia tộc Công Tôn ở Liêu Đông nổi dậy, Tư Mã Ý được cử đi bình định phản loạn. Ông đã lợi dụng cơ hội này, vừa hoàn thành nhiệm vụ quân sự, vừa khéo léo nâng cao hình ảnh của mình trong lòng Minh Đế. Trong mùa đông giá rét ở Liêu Đông, Tư Mã Ý lấy cớ là chưa nhận được lệnh từ Minh Đế, không cấp phát áo bông cho binh lính, để mặc cho họ bị chết rét hoặc bị thương vì lạnh.

Hành động này đã dẫn đến sự bất mãn tột độ của binh lính. Rõ ràng, cách làm của Tư Mã Ý không thể thu phục lòng người. Tuy nhiên, mục đích của ông chính là để tỏ rõ lòng trung thành và loại bỏ sự nghi ngờ của Minh Đế, đồng thời tạo nên hình ảnh một người chính trực, nghiêm khắc kiềm chế bản thân trong mắt Minh Đế.

Bằng cách đó, Tư Mã Ý không chỉ củng cố vị trí của mình, mà còn đạt được sự tín nhiệm của Minh Đế. Khi lâm bệnh nặng vào năm 239, Minh Đế đã gửi gắm đời sau của mình cho Tư Mã Ý, và Đại tướng quân Tào Sảng.

Năm 249, sự nhẫn nại và mưu kế của Tư Mã Ý cuối cùng đã được đền đáp, tức là 11 năm sau khi bình định Liêu Đông, Tư Mã Ý phát động binh biến lăng Cao Bình, tiêu diệt Tào Sảng và giết con cháu nhà họ Tào, tạo nền tảng để gia tộc Tư Mã soán ngôi nhà Ngụy lập nên nhà Tấn.

Quách Hiểu - SOH
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Tư Mã Ý thà để binh lính chết rét cũng không phát áo bông?