Thế kỷ của Vua Mặt Trời (10): Thời đại thay đổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cái chết của Louis XIV là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới. Không còn Vua Mặt Trời, cung điện Versailles huy hoàng cũng trở nên lu mờ, thế kỷ vĩ đại trong lịch sử nước Pháp đã kết thúc.

Huyền thoại bị lãng quên

Câu chuyện chúng ta sẽ thảo luận trong phần này là những thay đổi của con người trong vòng 300 năm qua. Bởi vì sân khấu trải dài khắp các đại dương và lục địa Á-Âu nên để hiểu được vở kịch lịch sử này, chúng ta phải kéo dài khoảng thời gian. Đằng sau vở diễn lịch sử ấy là rất nhiều điều đáng kinh ngạc.

Trong các phần trước, chúng ta đã miêu tả trào lưu văn hóa Trung Quốc ở châu Âu trước thế kỷ thứ 19. Vào thời điểm đó, châu Á đã ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu. Tuy nhiên với nhiều người hiện đại, đoạn lịch sử ấy thật xa lạ, dường như chưa hề tồn tại. Như vậy trong 300 năm qua chắc chắn phải đã những thay đổi vô cùng to lớn.

Vào đầu thế kỷ thứ 19, thiên tài Leibniz đã gửi thư cho Hoàng đế Khang Hy, xin được nhận quốc tịch Trung Quốc. Trong bối cảnh nhiều người Trung Quốc di cư ồ ạt sang châu Âu và châu Mỹ như ngày nay, việc này dường như là một điều rất khó tin. Cũng giống như khi chúng ta mặc áo polo, giày thể thao Adidas, giới quý tộc châu Âu thế kỷ 18 đã xem áo choàng lụa Trung Quốc là mốt thời trang thời thượng. Đồ sứ và tơ lụa đắt tiền của Trung Quốc đã được phỏng chế với số lượng lớn, trở thành món hàng yêu thích của mọi người. Ở trung tâm thời thượng của châu Âu là thành phố Paris đã xuất hiện những xưởng gốm sứ, tơ lụa sử dụng kỹ thuật Trung Quốc.

Đến thế kỷ 19, ảnh hưởng của châu Á đã thấm sâu vào tư tưởng, chế độ, nông nghiệp, thời trang và mọi lĩnh vực của đời sống ở châu Âu. Nếu tách ra những thành phần chủ nghĩa phương Đông trong phong trào văn hóa Trung Quốc, phong trào châu Âu say mê Trung Quốc đã kéo dài đến cả trăm năm. Một trăm năm không phải là khoảng thời gian ngắn. Sau câu chuyện huyền thoại 100 năm phong trào văn hóa Trung Quốc ở châu Âu, những thay đổi lớn nào trong lịch sử đã khiến chúng ta lãng quên khoảng thời gian ấy. Thậm chí nhiều người rất ngạc nhiên khi lần đầu nghe kể về câu chuyện này.

Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ phác thảo ngắn gọn những thay đổi to lớn trong suốt 300 năm qua. Do giới hạn về độ dài bài viết, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào một số sự kiện quan trọng đã làm thay đổi quỹ đạo lịch sử.

Mặt Trời rụng

Trong những năm cuối đời, Vua Mặt Trời đã phải trải qua nhiều thất bại và đau buồn.Trên phương diện chính trị và ngoại giao, cuộc Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha kéo dài đã gây ra tổn thất nặng nề cho hải quân và quân đội Pháp. Mặc dù cuối cùng Pháp giành chiến thắng, tuy nhiên trong hiệp ước Utrecht, Pháp đã từ bỏ một số vùng lãnh thổ ở hải ngoại. Điều này đã làm suy giảm đáng kể uy tín của vua Louis XIV.

Năm 1685, vua Louis XIV thu hồi "Chỉ dụ Nantes" và trục xuất những tín đồ Huguenot (những người theo đạo Tin Lành). Hành động này khiến nhiều người không thể đồng tình. Tuy nhiên, nhiều học giả đồng ý rằng, những việc làm gây tranh cãi của Vua Mặt Trời là lựa chọn duy nhất vào thời điểm đó. Vua Mặt Trời biết rằng dù ông làm thế nào cũng đều sẽ bị chỉ trích. Đồng thời, chúng ta cần nhớ rằng, một trong những sứ mệnh do Vua Mặt Trời lựa chọn chính là bảo vệ quốc gia Thiên Chúa giáo.

Vào năm 1709, trong lúc chiến tranh gây ra nhiều tổn thất nặng nề, một mùa đông lạnh giá chưa từng đó đã khiến mùa màng thất bát nghiêm trọng khiến rất nhiều người chết đói. Điều này khiến tình hình càng tồi tệ, đẩy xã hội Pháp đến bên bờ vực sụp đổ.

Trong cuộc sống cá nhân, vua Louis XIV cũng gặp phải nhiều đả kích liên tiếp. Vào lúc tuổi già, vua Louis XIV không chỉ mất vợ, Thái tử mà người cháu trưởng, Công tước xứ Bourgogne và cháu dâu, cháu cố trưởng cũng lần lượt qua đời trong dịch bệnh ban đỏ. Điều này khiến người thừa kế vương vị của vua Louis XIV cách ông đến hai thế hệ. Khi lên ngôi, cháu cố của vua Louis XIV mới chỉ 5 tuổi. Không lâu sau, chúng ta thấy rằng nguy cơ của người kế vị sẽ ảnh hưởng đến sự hưng suy của nước Pháp sau này.

Ngày 1 tháng 9 năm 1715, tại quảng trường bên ngoài cung điện Versailles, triều thần và dân chúng chờ đợi những tin tức cuối cùng của vua Louis XIV. Sau chuyến đi săn ở Marly, nhà vua đã nằm trên trên giường bệnh hơn 20 ngày. Thế nhưng, cả nước Pháp đều biết nhà vua siêng năng như thế nào. Trong những ngày nghỉ hoặc ngay cả khi bị bệnh, vua Louis XIV vẫn tổ chức những cuộc họp để nghe báo cáo của các quan đại thần. Dân chúng không muốn rời xa Vua Mặt Trời, có lẽ họ cho rằng vị vua trị vì nước Pháp trong suốt 72 năm qua, vị vua có thời gian cai trị lớn hơn cả số tuổi của họ là bất tử.

Sáng sớm hôm đó, vua Louis XIV qua đời trên giường bệnh. Có nhiều tiếng hét vang từ quảng trường bên ngoài: "Nhà vua đã qua đời! Nhà vua vạn tuế!".

Có người từng mô tả rằng, vào thời gian đầu sau cái chết của vua Louis XIV, mọi người ăn mừng vui vẻ, họ nghĩ rằng chiến tranh và thuế phí nặng nề sẽ ra đi cùng nhà vua. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, Vua Mặt Trời đã trở thành một vị hoàng đế vĩ đại được mọi người nhớ đến từ tận đáy lòng.

Cái chết của Louis XIV là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới. Không còn Vua Mặt Trời, cung điện Versailles huy hoàng cũng trở nên lu mờ, thế kỷ vĩ đại trong lịch sử nước Pháp đã kết thúc. Những người kế vị Vua Mặt Trời phải đối mặt với một thời đại hoàn toàn khác với nhiều sóng gió liên tiếp. Sự qua đời của vua Louis XIV đã khiến bối cảnh văn hóa và chính trị của châu Âu đã thay đổi đáng kể. Lịch sử loài người đã bước sang trang khác.

undefined
Vua Louis XIV trong vai Thần Apollo trong một vở Ba-lê. (Miền công cộng)

Người thừa kế ngai vàng của đế quốc Đại Thanh

"Chỉ cần luật pháp của đế quốc Trung Hoa trở thành luật pháp của các quốc gia khác, Trung Quốc có thể trở thành hình mẫu cho thể giới, thể hiện một bức tranh mê người. Hãy đến Bắc Kinh! Hãy đến chiêm người con người vĩ đại nhất trong lịch sử, Ngài là hình tượng hoàn mỹ nhất của Trời cao!” - “Những chuyến du hành của một triết gia” của Pierre Poivre (1719 - 1786).

Người vĩ đại nhất trong lịch sử ở đây chính là Hoàng đế Khang Hy. Khi cuốn "Khang Hy Đế truyện" của Joachim Bouvet được xuất bản ở Paris, chỉ trong một đêm, danh tiếng của Hoàng đế Khang Hy đã truyền khắp châu Âu. Bạn có còn nhớ vị Hoàng đế Trung Quốc đa tài, từng đo mực nước sông Hoàng Hà và nghe các giáo sĩ Dòng Tên diễn tấu đàn violon trên thuyền không? Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với kinh đô của Đế quốc Đại Thanh, điểm khởi đầu của phong trào văn hóa Trung Hoa.

Bộ tộc Nữ Chân sáng lập triều đại Mãn Thanh là một dân tộc du mục ở phía đông bắc đế quốc Trung Hoa. Họ mang trong mình dòng máu của những xạ thủ, cùng với tài săn bắn và cưỡi ngựa. Phong thái trên lưng ngựa của Hoàng đế Khang Hy cũng như những loài hổ dữ, thú quý ông săn được trong suốt cuộc đời đã được Joachim Bouvet giới thiệu đến người châu Âu. Bộ tộc Nữ Châu rất giỏi săn bắn cưỡi ngựa, tính tình của người dân bộ tộc này rất mạnh mẽ, thẳng thắn, từ hoàng đế cho đến hoàng tử phần lớn đều có đặc điểm này.

Năm 55 tuổi, trên đường trở về Bắc Kinh sau chuyến đi tuần bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, Hoàng đế Khang Hy đã triệu tập mọi người vào cung và lệnh cho Thái tử quỳ xuống. Chuyện xảy ra tiếp theo sẽ khiến những người có mặt hôm đó không thể nào quên: Hoàng đế Khang Hy rơi nước mắt, kể lại từng tội ác của Thái tử, sau đó ngã xuống đất, khóc lóc thảm thiết, sai người bắt Thái tử. Các hoàng tử khác vây quanh, quỳ xuống và rơi nước mắt (“Đại Thanh thánh tổ thực lục”)

Về sau, sau hai lần phế Thái tử, dù có rất nhiều người cầu xin nhưng Hoàng đế Khang Hy vẫn quyết định không lập Thái tử nữa. Người thừa kế ngai vàng của đế quốc Mãn Thanh trở thành nỗi lo trong lòng mọi người. Trong những năm cuối đời, Hoàng đế Khang Hy có thân người mảnh khảnh, hoàn toàn khác với bức tranh đầy đặn những năm còn trẻ được lưu truyền ở châu Âu.

Hoàng đế Khang Hy qua đời

Năm 1722, sau chuyến đi săn ở Nam Uyển, Hoàng đế Khang Hy mắc cảm lạnh nhẹ. Trên đường trở về kinh đô, ông nghỉ dưỡng ở thư phòng Thanh Khê ở Sướng Xuân Viên. Về việc Hoàng đế Khang Hy bất ngờ qua đời, lúc đó giáo sĩ người Ý Matteo Ripa - người ở cách Sướng Xuân Viên không xa, và Lưu Thích - người cùng thời đó, đã ghi chép lại sự việc này.

“Đột nhiên, dường như từ Sướng Xuân Viên truyền ra từng đợt từng đợt tiếng ồn, trầm trầm hỗn loạn, khác hẳn bình thường. Với sự hiểu biết về tình hình quốc gia và phong tục người dân, tôi lập tức khóa cửa, nói với người bạn ở cùng rằng: Xuất hiện tình trạng như thế này, hoặc là Hoàng đế chết rồi, nếu không thì đó là Kinh thành xảy ra phản loạn. Để tìm hiểu rõ tình hình hỗn loạn, tôi leo lên đầu tường, chỉ thấy một con đường ngoằn ngoèo bên dưới tường. Tôi kinh ngạc trông thấy vô số kỵ binh phóng như bay đi khắp 4 phương 8 hướng, và họ không nói năng gì với nhau. Quan sát một thời gian, cuối cùng tôi nghe được những người đi bộ nói: Hoàng đế Khang Hy chết rồi”.

“Ngày hôm sau, tôi… vốn muốn đi vào trong cung viếng Hoàng đế Khang Hy, nhưng trước sau vẫn không được sự cho phép” - “Vĩnh hiến lục” của Lưu Thích

Sáu ngày sau khi Khang Hy qua đời, chín cửa của Kinh thành đều đóng chặt, lúc đó Cửu Môn Đề đốc Long Khoa Đa, kiêm Thống lĩnh bộ binh đã thiết lập tình trạng giới nghiêm ở Kinh đô. Ngay cả hoàng tử, nếu không có chỉ lệnh cũng không được vào. Trong khi tổ chức tang lễ, người con trai thứ tư của Hoàng đế Khang Hy là Dận Chân đã đọc di chiếu, và tuyên bố rằng mình sẽ kế thừa ngai vàng. Và như vậy, Hoàng đế Ung Chính đã lên ngôi.

Vẫn còn có rất nhiều điều khó hiểu xung quanh cái chết bí ẩn của Khang Hy, tuy nhiên, do nhiều việc không được ghi chép trong chính sử, nên ngày nay chúng ta khó có thể hiểu được hoàn cảnh lúc đó. Kể từ sau cái chết của Khang Hy, dân gian và các nhà sử học đã dành rất nhiều công sức để giải đáp bí ẩn này. Đến tận ngày nay, các học giả vẫn tiếp tục đưa ra những bằng chứng và lập luận mới. Các cuộc thảo luận về chủ đề này cũng ngày càng cụ thể và chuyên nghiệp hơn.

Phong cách của vị hoàng đế mới

Các nhà truyền giáo châu Âu cũng để lại một số ghi chép về vị hoàng đế mới lên ngôi. Vị hoàng đế này có phong cách hoàn toàn khác so với Hoàng đế Khang Hy.

“Hoàng đế nói: ‘Mặc dù tôn giáo nào cũng tốt, nhưng trong số những người theo tôn giáo đó, luôn có những người xấu vi phạm giáo lý và quy tắc. Những kẻ xấu này phải bị trừng phạt. Tuy nhiên xử lý những người này không có nghĩa là đàn áp tôn giáo. Để dập tắt cuộc phản loạn của La Bốc Tạng Đan Tân, ta đã giết hàng ngàn Lạt ma và phá hủy nhiều tu viện! '

"Để thể hiện những phán đoán của mình là chính xác, Hoàng đế đã cười lớn hai ba lần. Ông ấy nói chuyện lưu loát và tràn đầy tự tin, đến mức các giáo sĩ chúng tôi không có cơ hội đáp lại, và cũng không dám phản đối. Hơn nữa, bất cứ người nào ngắt lời Hoàng đế bằng những câu trả lời không phù hợp đều sẽ gặp nguy hiểm. Trước khi đến, các quan thái giám đã nhiều lần nhắc nhở chúng tôi nên cẩn thận khi nói chuyện trước mặt Hoàng đế”.

“Khi chúng tôi bước ra khỏi cổng ngoài của cung điện, các thái giám gọi chúng tôi lại và nói chúng tôi nhận lấy quả dưa vùng Tân Cương được Hoàng đế đã ban. Chúng tôi quỳ xuống nhận lấy, lạy ba lần trước mặt thái giám để tạ ơn. Mỗi người cầm quả dưa Tân Cương của mình rồi rời khỏi cung điện” - Thư của Charles Maigrot gửi cho Fr. Miguel Rubio, Bắc Kinh, năm 1725.

Vào ngày 9 tháng 3 năm thứ hai triều đại Ung Chính, có tư liệu lịch sử chép rằng: “Trong trận chiến này, Nhạc Chung Kỳ dùng mấy ngàn quân đánh sào huyệt của giặc, giết chết mấy vạn địch, bắt được mấy vạn người”. Điều này phù hợp với những gì giáo sĩ Dòng Tên Charles Maigrot ghi lại.

Trước khi lên ngôi, Hoàng tử Dận Chân đã dùng nhiều năm để tu thiền và dùng đan dược của các Đạo sĩ.

Đối với Thiên Chúa giáo của phương Tây, vị Hoàng đế này không cảm thấy tin tưởng. Điều này có thể thấy rõ trong cuộc đối thoại giữa Hoàng đế và các giáo sĩ. Phong cách của vị Hoàng đế mới này hoàn toàn khác với cha của ông ấy, khiến các giáo sĩ có dự cảm chẳng lành và luôn có cảm giác bất an.

Cấm tôn giáo và bế quan tỏa cảng

Cuộc tranh luận về chủ đề các tín đồ Trung Quốc có được tế bái tổ tiên hay không vẫn không dừng lại. Năm 1707, Giáo hội La Mã cho đặc sứ Charles-Thomas Maillard de Tournon tuyên bố lệnh cấm tín đồ Trung Quốc tế bái tổ tiên và Khổng Tử ở Giang Ninh. Sau khi các giáo sĩ phiên dịch lệnh cấm này cho Hoàng đế Khang Hy, Hoàng đế đã vô cùng tức giận, lập tức ban ra lệnh cấm Thiên Chúa giáo, và nói rằng: "Những đạo lý của Trung Quốc có ý nghĩa thâm sâu vô tận, người phương Tây các ngươi không được nói bậy".

Thế nhưng dưới thời Khang Hy, lệnh cấm Thiên Chúa giáo không được thi hành quá nghiêm khắc. Những nhà truyền giáo ở kinh thành đồng ý cho phép tín đồ thực hiện các lễ nghi Trung Quốc thì có thể ở lại tiếp tục truyền giáo.

Sau khi Hoàng đế Ung Chính lên ngôi, mọi việc đã thay đổi 180 độ. Vào năm Ung Chính thứ nhất, tháng 1 năm 1724, Hoàng đế đã ban hành lệnh cấm tôn giáo: "Tất cả những người phương Tây trừ người có nhiệm vụ ở kinh thành, đều phải đến Macao".

Dưới sự cầu xin khẩn thiết của các giáo sĩ nước ngoài, Ung Chính đồng ý rằng, ngoài Ma Cao, các nhà truyền giáo có thể đến Quảng Châu. Đồng thời, nhiều nhà thờ trên khắp đất nước Trung Quốc bị phá hủy, sửa thành miếu Thiên Hậu, miếu Quan Công, kho thóc. Những người Mãn, người Hán theo Thiên Chúa giáo bị bắt giam hoặc bị bắt ép phải bỏ tín ngưỡng. Một số giáo sĩ truyền giáo không muốn rời khỏi Trung Quốc đã lẻn vào các tỉnh nội địa, tiếp tục công tác truyền giáo ngầm nguy hiểm và gian khổ này. Từ đó về sau, hơn một thế kỷ liên tục bức hại tôn giáo đã bắt đầu.

"Hết lá thư này đến lá thư khác từ Bắc Kinh gửi đến, thông báo rằng cuộc bức hại người theo tín ngưỡng Cơ Đốc giáo đã bắt đầu. Những bức thư từ Bắc Kinh nói rằng, tất cả các Kỳ (trong Bát Kỳ) phải nghiêm túc tìm ra những người Mãn và người Hán theo Cơ Đốc giáo, dùng cực hình tra tấn, ép họ từ bỏ tín ngưỡng. Không lâu sau đó, những mệnh lệnh như vậy cũng được truyền đến cho Phúc Nhĩ Đan" - Thư của Dominique Parrenin gửi cho Jean-Baptiste Du Halde, năm 1736, Bắc Kinh.

"Mỗi đêm tôi đều đến An Lục, trời chưa sáng thì trở lại thuyền. Trên đường phố vắng vẻ, tôi phát hiện không có ai chú ý đến mình, thế nhưng nhìn thấy nhà thờ thiêng liêng thờ phượng Chúa Jesus nhiều năm của chúng tôi bị các nhóm dị giáo chiếm giữ, sử dụng vào mục đích khác, dùng để thờ cúng ngẫu tượng, tôi cảm thấy đau lòng vô cùng”

“Gần như đồng thời, tôi nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, ở núi Nam Xương, các huyện như Cốc Thành, Quang Hoa, v.v...cũng có việc kiểm soát tương tự như vậy. Những quan viên trong nha môn biết được, đó là do Hoàng đế ra lệnh điều tra. Hoàng đế biết được rất nhiều giáo sĩ chưa đến ở Quảng Châu, mà đến các tỉnh khác, ẩn nấp trong nhà của các tín đồ Cơ Đốc giáo. Những quan viên này không muốn công kích Cơ Đốc giáo, nhưng cũng phải đưa tiền cho họ, các tín đồ đã phải gom tiền đưa cho những quan viên này". - Thư của P.Etienne-Joseph Le Couteulx gửi cho Cha Orry, năm 1730.

Nhiều học giả đồng ý rằng, so với lệnh cấm biển, về ý nghĩa, cấm tôn giáo chính là đóng cửa biên giới, bế quan tỏa cảng. Sau khi Ung Chính cấm tôn giáo, trong thư của các giáo sĩ gửi về châu Âu, hình tượng Trung Quốc đã thay đổi rất lớn. Cùng với việc các giáo sĩ bị trục xuất, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây phải xây dựng từng chút một, hao phí tâm huyết của nhiều thế hệ đã đứt đoạn. Từ đó về nhau, đế quốc Mãn Thanh đi trên một con đường hoàn toàn khác.

undefined
Hoàng đế Ung Chính. (Miền công cộng)

Đế quốc Đại Thanh thay đổi

Khi còn sống, Hoàng đế Khang Hy thể hiện mình là một vị quân vương mẫu mực, ngay thẳng, gần gũi dân chúng. Ông đã đi tuần phía nam sáu lần, đi tuần phía tây năm lần, đi tuần phương bắc còn nhiều lần hơn nữa. Hình ảnh trên lưng ngựa của Hoàng đế Khang Hy đã đi khắp Trung Quốc. Trong lúc đi tuần phương nam, thuyền của vua lênh đênh trên mặt nước, Hoàng đế thắp đèn đọc sách đến tận đêm khuya. Dù là cưỡi ngựa hay ngồi xe vất vả cả ngày, Hoàng đế Khang Hy cũng đều sẽ giảm giờ ngủ để phê duyệt tấu chương, không để công việc tồn lại đến ngày hôm sau.

Trong khi đi tuần, Hoàng đế Khang Hy rất gần gũi với dân chúng. Ông cho phép người dân đến gần mình. Về điểm này, những giáo sĩ Dòng Tên đi theo đã chép lại rất chi tiết.

“Hoàng đế thân thiết đến gần người dân, cố gắng để mọi người đều có thể nhìn thấy mình, giống như việc thường lệ ở Bắc Kinh. Hoàng đế ra lệnh cho lính canh không được ngăn cản người dân đến gần. Tất cả người dân, dù là nam hay nữ, đều cho rằng hoàng đế là từ trên Trời xuống, thế nên trong mắt của họ tràn đầy sự vui sướng. Để có thể nhìn thấy diện mạo của Hoàng đế, họ không ngại đường xa đến đây. Đối với họ, Hoàng đế đích thân đến là việc chưa từng có. Hoàng đế vui vẻ thể hiện sự chân thành với người dân, cố gắng giảm bớt sự uy nghiêm, để người dân đến gần. Việc làm này là để thể hiện với người dân tinh thần mộc mạc, giản dị được tổ tiên truyền lại” – trong "Tatar lữ hành ký" của Ferdinand Verbiest.

"Khi Hoàng đế ăn cơm, phát hiện mấy đứa trẻ nông dân từ xa đang nhìn mình, liền sai người dẫn bọn trẻ đến gần, cho chúng ăn bánh bao, thịt và bánh ngọt. Bọn trẻ chạy về nhà, không lâu sau quay trở lại. Mỗi đứa mang theo một chiếc giỏ, Hoàng đế sai người mang thức ăn trên bàn của mình đổ đầy vào giỏ của mấy đứa trẻ" - trong “Nhật ký của Jean-François Gerbillon".

Tuy nhiên, phong cách cai trị đất nước của Hoàng đế Ung Chính hoàn toàn khác. Vị Hoàng đế này không thích cưỡi ngựa, săn bắn. Trong ba mươi năm trị vì, ngoại trừ đến Đông Lăng, ông chưa từng đi tuần các nơi. Ngược lại, Ung Chính chỉ ở trong cung, cẩn thận phê duyệt một tấu chương rất lớn. Ông đã viết hàng trăm ngàn lời phê duyệt. Nếu cẩn thiện nghiên cứu những lời phê duyệt tấu chương này, chúng ta có thể hiểu được nội tâm và tính cách của Hoàng đế Ung Chính. Ngoài ra, những biện pháp diệt trừ quan tham của Ung Chính cũng rất mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rất cao. So với Hoàng đế Khang Hy khoan dung, không khí trong triều đình Đại Thanh đã hoàn toàn thay đổi.

Ở đế quốc Đại Thanh, dấu ấn của Hoàng đế Ung Chính hoàn toàn khác so với cha của mình. Nếu so sánh với hai triều đại Khang Hy và Càn Long, những "vụ án văn chương" trong triều đại Ung Chính rất nhiều, ảnh hưởng rất rộng, liên đến rất nhiều người. Sau 7 năm lên ngôi, Ung Chính đã cho chỉnh sửa tục sử, biên soạn "Đại nghĩa giác mê lục", bắt buộc quan viên ở tất cả các quận huyện phải học cuốn sách này, trên toàn quốc ai cũng phải học. Ung Chính còn cho Tăng Tĩnh - người đã từng lên án mười tội lớn của Hoàng đế, đi khắp nơi trên cả nước giảng giải, tuyên truyền rằng mình đã hối hận sửa sai. Chúng ta có thể thấy rằng, chính sách thi hành những "tài liệu giảng dạy tiêu cực" như thế này có điểm giống với phong trào chỉnh phong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc sau này.

Trong tư liệu lịch sử của Triều Tiên chép rằng: "Hoàng đế nhà Thanh (Ung Chính) có nhiều chính sách hà khắc, những triều thần dưới triều Khang Hy chết mấy trăm người". (Sử liệu Trung Quốc trong Triều Tiên Lý Triều thực lục). Đồng thời, trong triều đình của Ung Chính, rất nhiều anh em của vị hoàng đế này đều có kết cục bi thảm. Đây cũng là sự thật không thể bỏ qua khi chúng ta thảo luận về triều đại Ung Chính.

Về phong cách trị vì đất nước của Ung Chính, nhà sử học nổi tiếng Tiền Mục viết rằng: "Hiện tại chúng ta nhìn những lời phê của Hoàng đế Ung Chính, có thể hiểu được Hoàng đế Đại Thanh đã cai trị Trung Quốc như thế nào. Lúc đó, tất cả hoạt động của tất cả các quan lớn ở các nơi, Hoàng đế đều biết. Nhìn chung ở khắp các nơi trên toàn quốc đều có những đặc vụ biệt phái đến. Do đó sinh hoạt cá nhân của rất nhiều người, cho đến những chuyện vặt của người nhà, cha mẹ con cái, đều không thể qua mắt được hoàng đế" - (Được và mất trong chính trị các triều đại của Trung Quốc).

Nhà Hán học Sử Cảnh Thiên cũng từng thảo luận về hoạt động giám sát người dân của Hoàng đế Ung Chính. Trong một tấu chương, vị hoàng đế này từng yêu cầu quan viên phải điều tra rõ ràng mục đích của các tàu đêm và hoạt động các binh sĩ Mãn Thanh.

Dưới sự cai trị hà khắc và thâm nhập sâu vào các hoạt động như vậy, đế quốc Trung Hoa vốn luôn rộng rãi tiếp thu kiến thức phương tây, dùng lễ nghi để đối xử với các giáo sĩ phương Tây đã dần dần thay đổi. Trong giai đoạn giữa và cuối triều đại Mãn Thanh, tính chất bế quan tỏa cảng bắt đầu được hình thành, đồng thời thúc đẩy phong trào khảo cứ học của các học giả theo phái Càn Gia.

Năm 1735, Hoàng đế Ung Chính qua đời một cách đột ngột, để lại cho đời sau một bí ẩn chưa có lời giải. Người cháu trai được Hoàng đế Khang Hy vô cùng yêu mến là Càn Long lên ngôi hoàng đế. Sau khi lên ngôi, việc đầu tiên Càn Long làm là thả những hoàng tử trước đó bị Ung Chính nhốt lại. Trong những người con bị nhốt nhiều năm của Khang Hy, người được chú ý là người chú thứ 14 của Hoàng đế Càn Long, chính là Phủ Viễn đại tướng quân Dận Đề, người đã có công bình định được Tây Tạng, chiến thắng trở về.

Đối với nhiều người, ngày Dận Đề được thả ra là một ngày rất đặc biệt.

"Tương truyền rằng người con thứ 14 của Hoàng đế Khang Hy bị nhốt ở đó. Hiện tại không còn ai nhắc đến ông ấy nữa. Rất nhiều cho rằng ông đã qua đời rồi. Họ phải mở ra rất nhiều lớp cửa để tìm được tù nhân. Dận Đề không biết rằng người anh thứ tư của mình (Ung Chính) đã chết rồi. Cháu của ông đã lên ngôi Hoàng đế. Thế nhưng do tường quá dày, cho dù bên ngoài xảy ra chuyện gì, hay người bên ngoài bàn tán chuyện gì, ông cũng đều không nghe thấy”.

"Thưa cha, cha có thể tưởng tượng vị hoàng tử bị giam cầm suốt mười hai năm này đã ngạc nhiên và hạnh phúc thế nào khi được đưa ra khỏi bóng đêm đáng sợ. Những người qua đường nhìn thấy đoàn người ngựa vào nhà tù cũng dừng lại xem. Mọi người lập tức hiểu ra mọi chuyện. Họ đều muốn nhìn thấy cảnh vị thân vương gặp nạn này được thả ra. Tin tức lập tức được truyền đến Bắc Kinh. Phủ của vị thân vương thứ mười bốn này cách cổng thành nơi đoàn người ngựa đi vào không xa. Người dân tập trung ở đó để chào đón, thể hiện sự hạnh phúc của mình. Họ chạy đến nghênh đón, trên tay cầm hương dập đầu với vị thân vương này". Thư của Dominique Parrenin gửi cho Jean-Baptiste Du Halde, năm 1736, Bắc Kinh.

Từ năm đầu tiên triều đại Ung Chính, cánh cổng mở ra thế giới của Đại Thanh đã đóng lại. Đế quốc Trung Hoa tự tin hào phóng, từng truyền bá nền văn minh cổ xưa đến châu Âu đã không còn nữa. Mảnh đất Thần Châu chìm trong sương mù.

Trong gần 300 năm tiếp theo, những người châu Âu từng say mê nền văn minh cổ phương Đông cũng có sự thay đổi sâu sắc. Ở phái bên kia Trái Đất, châu Âu đã nổi trận ‘cuồng phong’ đưa cả nhân loại chìm vào trong đó.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (10): Thời đại thay đổi