Thế kỷ của Vua Mặt Trời (11): Những thay đổi ở châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt thế kỷ thứ 18, châu Âu đã đón nhận nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau. Quá trình tiêu hóa và hấp thu những “chất dinh dưỡng này” đã giúp châu Âu trở thành một “người khổng lồ”. Trong tầm mắt của người khổng lồ không ngừng thay đổi ấy, nền văn minh Trung Hoa cổ xưa phương Đông cũng không ngừng biến đổi.

Đến cuối thế kỷ 18, hai nền văn minh phương Đông và phương Tây đều lột xác, trở thành những nền văn minh mới. Đối với hai nền văn minh hoàn toàn mới mẻ và xa lạ này, một trăm năm gắn bó, hấp thu và bổ khuyết cho nhau đã không còn nữa. Khi hai nền văn minh Đông và Tây phương không còn nhớ đến “bản đồ văn minh” trước đó, nền văn minh nhân loại đi vào một con đường nhỏ, càng ngày càng thu hẹp.

Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình nền văn minh nhân loại tự xóa bỏ và tự phủ nhận chính mình trong suốt 300 năm qua. Cho dù dùng bốn chữ "chấn động lòng người" cũng không thể nào hình dung hết được bi kịch này.

Thời kỳ không còn Vua Mặt Trời

Thành quả Vua Mặt Trời Louis XIV để lại cho đời sau là một nước Pháp cực thịnh bắt đầu bước vào thời kỳ suy tàn. Vua Louis XV kế thừa ngai vàng lúc 5, tuổi có ngoại hình khôi ngô tuấn tú, được mệnh danh là Louis XV Đáng yêu (Le Bien-aimé). Thế nhưng vị vua này không có sự khôn ngoan và quyết đoán như ông cố, càng thiếu đi phong thái của một quân vương như ông cố của mình. Không những thế, tính cách thiếu quyết đoán và đời sống cá nhân sa đọa, buông thả của vua Louis XV còn làm lung lay nền tảng của chế độ quân chủ. Cuộc Chiến tranh Bảy năm đã gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Pháp. Dần dần Louis XV trở thành một vị vua bị người dân căm ghét.

Sau triều đại của Louis XV, cháu trai Louis XVI phải nhận món nợ 4 tỷ livres từ cuộc Chiến tranh giành độc lập Mỹ, và một xã hội Pháp hỗn hoạn, đang trên bờ vực sụp đổ. Đối với vị vua không thích xuất hiện nhiều trong các nghi lễ công cộng, cung điện Versailles lộng lẫy dường như quá chói mắt. Vua Louis XV đã rời khỏi ngôi nhà của Vua Mặt Trời, chọn một nơi ở riêng tư hơn. Sau khi Vua Mặt Trời qua đời, thời kỳ hoàng kim của cung điện Versailles đã vĩnh viễn không còn nữa.

Vào tháng 7, năm 1788, những hạt mưa đá có kích thước bằng trứng chim đã rơi xuống cánh đồng hủy hoại toàn bộ mùa màng. Một trận hạn hán nghiêm trọng và mùa đông lạnh lẽo kéo dài đã khiến bánh mì ở Pháp vô cùng khan hiếm và đắt đỏ. Nạn đói bùng phát trên quy mô lớn, tỷ lệ tử vong không ngừng tăng lên. Những kiến trúc thanh lịch tao nhã, những pho tượng hay những chiếc đèn đường không thể khiến người dân no bụng. Nước Pháp đang bờ vực phá sản, càng rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”: mâu thuẫn trong những điều khoản thương mại với nước Anh khiến nhiều xí nghiệp đóng cửa. Đến cuối năm 1788, có khoảng 80.000 người thất nghiệp, hàng nghìn người đổ về Paris. Người dân ở những tầng lớp thấp phải chịu cảnh đói rét. Cùng với nạn đói và chết chóc, sự oán giận của người dân ngày càng tăng.

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1789, để giải quyết khủng hoảng quốc gia chưa từng có này, hoàng gia Pháp đã tổ chức Đại hội các giai cấp (tăng lữ, quý tộc và bình dân) - đại hội đã ngừng tổ chức hơn 100 năm trước. Do tầng lớp quý tộc từ chối hợp tác, tầng lớp thứ ba chiếm 95% dân số cả nước, nhóm chịu thuế phí nặng nề nhất (bao gồm tất cả các tầng lớp nông dân, công nhân, thương nhân, quân nhân, binh lính, thợ thủ công, địa chủ và giai cấp tư sản) đã tự tổ chức Quốc hội, chuẩn bị cải cách hiến pháp và thành lập một chính quyền dân chủ lập hiến.

Khi vua Louis XVI cách chức bộ trưởng tài chính ủng hộ cải cách, mâu thuẫn giữa nhà vua và Quốc hội ngày càng gia tăng. Vào tháng 7, phiến quân Paris đã cùng những người dân nổi loạn xông vào ngục Bastilles, thu lấy đạn dược và vũ khí. Vào tháng 10, cuộc Cách mạng Pháp kỳ lạ đã nổ ra.

Trong tiếng trống rền vang và những khẩu đại bác do người dân thu được, 7000 phụ nữ đã diễu hành từ chợ Paris đến cung điện Versailles, tiến vào cung điện qua cánh cổng không có lính gác, giết chết một số cận vệ của nhà vua, rồi bắt cóc vua Louis XVI, "hộ tống" nhà vua đến Paris đói khát và hỗn loạn. Trên đường đi, có đến 60.000 người tham gia vào cuộc diễu hành. Quân cảnh vệ Paris hộ tống đoàn người diễu hành với những miếng bánh mỳ lớn cắm trên lưỡi lê. Một số phụ nữ quá khích ngồi lên những khẩu đại bác. Đoàn người diễu hành giơ cao ngọn giáo treo đầu của những binh lính thiệt mạng ở cung điện Versailles.

7000 phụ nữ đã diễu hành từ chợ Paris đến cung điện Versailles. (Miền công cộng)

Cuộc Cách mạng Pháp thay đổi cả thế giới đã bắt đầu

Đến Paris, nhà vua và hoàng hậu bị giam giữ ở cung điện Tuileries. So với thời đại "nhà vua là người chủ tuyệt đối" của Vua Mặt Trời, nước Pháp những năm cuối thế kỷ thứ 18 là một thời đại hoàn toàn khác, một thế giới hoàn toàn khác.

Đối diện với những người dân bị kích động bởi đói khát và căm phẫn, trở thành kẻ thù của hoàng gia (trong đó bao gồm cả những quý tộc nhòm ngó ngai vàng), vua Louis XIV tuy rằng có ý tốt, nhưng lại thiếu sự bình tĩnh và khôn ngoan để giải quyết khủng hoảng. Cuối cùng, do khó chấp nhận những yêu cầu của Quốc hội với Thiên Chúa giáo, năm 1791, cả gia đình nhà vua đã cải trang thành dân thường, trốn ra khỏi cung điện Tuileries, còn những người hầu cải trang thành quý tộc. Ngay ngày sau đó, đã có người nhận ra nhà vua. Dưới sự quan sát của người dân, cả gia đình hoàng gia được hộ tống trở lại Paris. Năm 1792, nền cộng hòa thứ nhất của Pháp được thành lập, vương triều Bourbon bị lật đổ. Vào tháng 1 năm sau đó, vua Louis XVI bị xử chém.

Những tiếng reo hò vang dội trên quảng trường: "Nền cộng hòa muôn năm! Tự do muôn năm!". Mọi người không ngừng hô vang khẩu hiệu, tất cả siết chặt nắm tay, tung mũ lên không trung. Tất cả những tức giận, uất ức bị đè nén trong trong mấy trăm năm qua bỗng nhiên dâng trào mãnh liệt. Mười phút sau, mọi người nhào đến chỗ máy chém, bôi máu của vua Louis XIV lên khăn tay, cà vạt, mũ nón, và tất cả những đồ dùng đang mang theo. - (Trong "Bạo quân lương thiện - Louis XVI, và Cách mạng Pháp")

Thời gian trị vì của Vua Mặt Trời và vua Louis XVI chỉ cách nhau 60 năm. Trong 60 năm ấy, điều gì đã xảy ra khiến quyền lực tuyệt đối của hoàng gia đi đến một kết cục bi thảm như vậy? Dù rằng Vua Mặt Trời tham gia vào cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, cuộc Chiến tranh Chín Năm, và chế độ thuế nặng nề được các học giả cho rằng là nguyên nhân ban đầu dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội của Pháp. Tuy nhiên, dưới ánh sáng và sức nóng mạnh mẽ của Vua Mặt Trời, những nguyên nhân ban đầu này cũng không thể tạo thành một bi kịch như vậy. Cho dù vua Louis XV, vua Louis XVI tiếp tục cai trị, với những khuyết điểm về tính cách cùng chiến tranh và thiên tai liên miên cũng không phải là nguyên nhân tất yếu của Cách mạng Pháp.

Để hiểu được nguyên nhân sâu xa đằng sau Cách mạng Pháp, chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn. Giống như nhiều thay đổi quan trọng trong lịch sử, những thay đổi về tư tưởng chính là động lực căn bản của Cách mạng Pháp. Trong thế kỷ của Vua Mặt Trời, các trào lưu tư tưởng mới xuất hiện ở châu Âu. Châu Âu đã chịu tác động từ mọi mặt, từ xã hội, tư tưởng chính trị cho đến pháp luật, khoa học. Những nhân vật khai sáng như Voltaire, Rousseau đã tức giận với chế độ quân chủ chuyên chế và tôn giáo chuyên chế. Những ngôn luận về tự do bình đẳng của những nhân vật này mở ra một cánh cổng trong lòng của người dân, dấy lên ngọn lửa cách mạng. Trong lòng châu Âu dường như có hàng ngàn con ngựa hoang thoát khỏi dây cương, mang theo một loại sức mạnh hoang dã khó kiềm chế, mong muốn vùng vẫy thoát ra khỏi chế độ hiện tại (chế độ cũ).

Triết học Trung Quốc được sử dụng làm vũ khí

Tâm lý của người châu Âu khi đối diện với nền văn minh năm nghìn năm của đất nước Trung Hoa cổ xưa rất phức tạp. Từ tò mò, say mê cho đến lúc sử dụng theo ý muốn cá nhân, các học giả châu Âu đã tìm kiếm linh cảm từ nền văn minh Trung Quốc. Khi các cuốn sách Trung Quốc được dịch ra ngôn ngữ của nhiều quốc gia, trí tuệ của nền văn minh cổ xưa này đã được giới trí thức châu Âu hấp thu và chuyển hóa thành những chất dinh dưỡng cho chính mình. Thế nhưng bởi vì những khác biệt lớn về văn hóa và cảm giác về sự ưu việt của nền văn minh phương Tây, sự bóp méo, áp đặt cho văn phương Đông dường như khó có thể tránh khỏi.

Ở những phần trước chúng ta đã từng nói rằng, đối với thời kỳ đầu của phong trào Khai sáng, văn hóa Trung Quốc chính là một chất xúc tác quan trọng. Thế nhưng chúng ta phải lưu ý rằng: Khi đế quốc Trung Hoa bước vào giai đoạn cận đại, mọi việc đã xảy ra không như mong đợi. Khi nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta sẽ phát hiện rằng ở châu Âu, văn hóa Trung Quốc có một tác dụng ngoài dự tính, khiến mọi người kinh ngạc. Để thoát khỏi sự thống trị của Thiên Chúa giáo, chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ quý tộc trong suốt hơn 1000 năm, châu Âu đã biến những truyền thống bình đẳng, lý trí của Đạo giáo và Nho giáo trở thành ngọn giáo, xoay ngược trở lại, tấn công giáo hội Thiên Chúa giáo còn nhiều sai lầm lúc đó, đánh vào cốt lõi của nền văn minh hàng nghìn năm của châu Âu.

Bạn có còn nhớ, ở đất nước phương Đông cổ xưa cách quê hương hàng ngàn dặm, những nhà truyền giáo đã phải thắp đèn mỗi đêm, dịch từng ký tự tượng hình thành chữ La Tinh, in ra những cuốn sách dày cộm để người châu Âu có thể hiểu được nền văn minh cổ xưa tôn kính trời đất ấy. Thế nhưng không lâu sau, các giáo sĩ ngoan đạo đã phát hiện tâm huyết của mình - trí tuệ của nền văn minh cổ ấy đã bị xuyên tạc thành nhiều thứ khác.

Đối với khái niệm Trời trừu tượng được Khổng Tử tôn kính, các học giả phương Tây dường như khó có thể thực sự hiểu rõ được. Dường như là: do những khác biệt về văn hóa, Trời trong tâm trí của người Trung Quốc đã được thần thánh hóa, nhưng khái niệm Trời cụ thể và cao quý này lại khó có thể đi vào lòng người phương Tây. Những người như Leibniz, Joachim Bouvet đã tìm thấy tư tưởng Nho giáo và lý trong "lý học" một kiểu Thần học tự nhiên không quá khác biệt với tinh thần của Cơ Đốc giáo (Quan điểm này, thực ra, cũng có mục đích khác), còn đối với Wolff (vị giáo sư bị đuổi khỏi trường đại học khi giảng về những đặc điểm ưu việt của triết học Trung Quốc), Thần học tự nhiên rất gần với sự nguy hiểm của vô Thần luận.

Theo cách hiểu của những tác giả trong thời đại Khai sáng như Voltaire, Thần học tự nhiên Trung Quốc chính là vũ khí tốt để công kích Thiên Chúa giáo chuyên chế. Các giáo sĩ Dòng Tên sẽ không thể nào tưởng tượng được rằng, những thành quả do mình dốc hết tâm huyết tạo ra, lại có thể trở thành vũ khí để công kích Giáo hội. Truyền thống tôn kính trời đất của nền văn minh Trung Hoa cổ xưa đã trở thành ngọn giáo trong tay người châu Âu. Và bước tiếp theo chính là Phong trào Khai sáng đã phê phán không thương tiếc nền văn minh phương Đông cổ xưa duy nhất còn sót lại. Bước tiếp theo của lịch sử đã khiến mọi người câm lặng: ngay sau đó, nền văn Trung Quốc cổ xưa trở thành đối tượng công kích của giới trí thức châu Âu.

Tương tự với ngòi bút trào phúng sắc bén về con người và văn hóa Paris trong cuốn "Những lá thư của người Ba Tư", Montesquieu đã miêu tả Trung Quốc là một con quái vật. Bởi vì không có tinh thần "pháp luật", Trung Quốc sử dụng vũ lực để quản lý người dân. "Chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc dùng gông xiềng để tự vũ trang cho mình nên càng thêm tàn bạo. Vì vậy, Trung Quốc là một quốc gia chuyên chế, với nguyên tắc là khủng bố".

Sinh hoạt của người Trung Quốc hoàn toàn không có lễ nghi, nhưng họ lại là dân tộc có khả năng lừa người nhất trên thế giới. Điều này sẽ thể hiện lúc trao đổi mua bán.....Những người mua đồ của họ phải tự mang theo cân. Mỗi thương nhân có ba cái cân, một cái là để nhập hàng, một cái là để bán hàng, một cái để cân chính xác. Cân chính xác sẽ được sử dụng cho những người mang theo tâm lý đề phòng khi mua bán - Trong "Tinh thần pháp luật”.

Trong cuốn "Luận về khoa học và nghệ thuật", Rousseau đã lấy nền văn minh Trung Quốc làm ví dụ để chứng minh "lập luận phủ định văn minh" của mình: Nền văn minh Trung Quốc không khiến cho người Trung Quốc có đạo đức hơn, cũng không thể giúp họ không bị nước ngoài chinh phục. "Những vẻ vang mà họ xây nên có thể tạo thành kết quả như thế nào? Kết quả tạo ra không phải là nô lệ và những người làm điều sai trái hay sao?"

Đất nước phương Đông cổ đại từng với một nền văn minh không tưởng đã bị lật đổ, trở thành một thứ đồ cổ lạc hậu, vô dụng, bị phê phán không thương tiếc.

Châu Âu mới

Giống như một cơn sóng đêm mãnh liệt, phong trào Khai sáng đã tấn công đất nước văn hóa của Vua Mặt Trời.

Năm 1717, hai năm sau khi Vua Mặt Trời qua đời, Voltaire viết một bài thơ chế giễu sự xa xỉ của cung đình Pháp, và bị giam trong ngục Bastille. Năm 1721, Montesquieu đã xuất bản cuốn "Những lá thư của người Ba Tư". Không giống như phần lớn các tác phẩm về thời đại Louis XIV vào thời điểm đó, đây là một tác phẩm chế nhạo Paris, cũng chính là châm biếm văn hóa Pháp. Năm 1728, sau nhiều khó khăn, cuối cùng Montesquieu đã vào được Viện hàn lâm khoa học Pháp. Năm 1746, Voltaire, người luôn bị triều đình Pháp coi là nhân vật nguy hiểm, cuối cùng cũng vào được Viện hàn lâm khoa học Pháp mà ông hằng mơ ước.

Những người đi đầu của phong trào Khai sáng đã tham gia vào di sản văn hóa do vua Louis XIV để lại. Dường như Vua Mặt Trời đang cố gắng xoay chuyển tình thế, cố gắng ngăn chặn một thời đại mới với những thay đổi to lớn không thể đảo ngược. Từ đây, nhân loại phải trải qua rất nhiều phong ba bão táp kéo dài suốt ba thế kỷ, từ bề ngoài cho đến nội tâm, con người đã dần dần thay đổi, đến mức không còn nhận ra được nữa.

Giống như một bánh răng khổng lồ, châu Âu nhẹ nhàng di chuyển cơ thể khổng lồ của mình từng nấc, từng nấc, mãi đến khi thay đổi 180 độ, trở thành một phiên bản hoàn toàn mới. Cuối thế kỷ thứ 18, sự say mê đối với Trung Quốc của châu Âu đã chuyển thành sự phản kháng và trào phúng gay gắt. Châu Âu đang hướng nhanh về tương lai mà không cần đạo đức và sự tiết chế ôn hòa của quốc gia cổ xưa này, cũng không còn coi trọng vẻ đẹp và sự mềm mại của tơ lụa hay những bình sứ thanh hoa. Trong thời đại các quốc gia cố gắng tranh giành thuộc địa, khai thác quặng vàng, quặng sắt, những con thuyền kiên cố có đại bác của châu Âu đã cách rất xa học thuyết thuận theo tự nhiên của Lão Tử và thuyết Trung Dung của Khổng Tử!

Montesquieu đã đề xuất chế độ tam quyền phân lập để hạn chế quyền lực của nhà vua, và phủ nhận chế độ "quân quyền Thần thụ". Rousseau thảo luận về sự bình đẳng giữa tự nhiên và con người. Voltaire mạnh mẽ kêu gọi giải phóng con người khỏi chế độ tôn giáo chuyên chế và mê tín dị đoan. Cùng với suy nghĩ sắc bén của họ, ngôn ngữ của những tác giả của phong trào Khai sáng rất sâu cay, có khả năng khuếch đại vật chất, kích động sự oán giận và ham muốn của con người. Chính sự giận dữ và ham muốn này là ngòi nổ của cuộc Cách mạng Pháp. Sau khi đọc những tác phẩm của họ, vua Louis XVI từng chấn động: "Hai người này chỉ dùng ngòi bút cũng có thể kết thúc vương triều của ta". Khi thời đại Khai sáng phát triển, thời điểm châu Âu lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế chỉ còn là vấn đề thời gian.

Về sinh hoạt và kết cấu xã hội, cách mạng công nghiệp cùng phong trào Khai sáng đã thay đổi hoàn toàn nếp sống truyền thống, đưa con người đến một lối sống hoàn toàn mới. Trong thời đại cách mạng công nghiệp, vẻ bề ngoài của con người cũng dần thay đổi. Dưới áp lực lao động chân tay trong nhà máy nhiều giờ mỗi ngày, chiều cao trung bình của đàn ông châu Âu đã giảm từ 1,73m xuống còn 1,67m. Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, phương thức sản xuất cơ giới hóa - những thay đổi lớn trong thời đại này đã để lại dấu ấn trên cơ thể con người.

Chủ nghĩa đế quốc đã lên những con thuyền kiên cố được vũ trang, mở rộng đến châu Á, châu Phi. Nước Pháp cũng mở rộng lãnh thổ ở phương xa giống với những nước như Anh, Hà Lan. Đồng thời, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, những ống khói, khói đặc, bánh răng, tàu hỏa hơi nước chưa từng có trên Trái Đất lần lượt xuất hiện, ngành công nghiệp nước Anh cùng với những thay đổi to lớn của con người, từ trong cho đến ngoài, một thế giới hoàn toàn mới đã ra đời.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (11): Những thay đổi ở châu Âu