Thế kỷ của Vua Mặt Trời (9): Hướng đến Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những phần trước chúng ta từng nói rằng, thế kỷ của Vua Mặt Trời ở một thời điểm rất quan trọng: chính là nằm giữa phong trào văn hóa Phục hưng và phong trào vận động Khai sáng. Trải qua thời kỳ văn hóa Phục hưng với chủ nghĩa nhân bản lấy con người là chủ thể, châu Âu đã thoát khỏi thế giới quan thô sơ lấy tôn giáo làm trung tâm, từ đó chuyển sang nền tảng lý trí và khoa học của chủ nghĩa Khai sáng thế kỷ 18.

Trong phần "Những vị khách đến từ phía bên kia Trái Đất", chúng ta đã nhắc đến bối cảnh thay đổi thời đại ở châu Âu. Trong giai đoạn sau của thời đại Louis XIV, những bậc thầy của phong trào Khai sáng châu Âu đã được rèn luyện rất nhiều, sự xuất hiện của họ thúc đẩy lịch sử phát triển sang bước tiếp theo. Trong Viện hàn lâm Pháp, ở thành phố Paris do vua Louis XIV xây dựng nên, còn có hoàng gia và Viện hàn lâm của các nước nước châu Âu khác như Phổ, Thụy Điển, Anh, Nga, và có những người như René Descartes, Gottfried Leibniz, Isaac Newton, Voltaire, Montesquieu. Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, nhưng họ đã cùng nhau thực hiện sứ mệnh, cần mẫn cống hiến. Và khi đó những thay đổi to lớn của thời đại đã lặng lẽ xuất hiện.

Trong sự thay đổi mang tính lịch sử này, một yếu tố quan trọng chính là nền văn minh cổ xưa do các giáo sĩ Dòng Tên mang về từ phía bên kia Trái Đất. Nền văn minh Trung Quốc cổ xưa ở phương Đông đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong thời kỳ đầu của phong trào Khai sáng. Khi tiếp xúc với triết học và văn hóa Trung Quốc, các học giả châu Âu đã vô cùng chấn động. Lối suy nghĩ của người phương Đông hoàn toàn khác với cách suy nghĩ của các triết học gia như Platon, Socrates thời Hy Lạp cổ đại. Từ triết học, chính trị, chế độ thi cử cho đến nông nghiệp, Trung Quốc đã mang đến cho châu Âu một dự cảm hoàn toàn mới.

Đối diện với nền văn minh phương Đông khác biệt nhưng lại rất thú vị này, một trận đấu đầy căng thẳng đã xảy ra trên lục địa châu Âu. Với sự kiêu ngạo về chủng tộc thượng đẳng châu Âu, nhiều người vẫn luôn giữ thái độ khinh miệt hay hoài nghi nền văn minh cổ xưa ấy, hoặc thậm chí có người còn xuyên tạc, bài xích dựa theo học thuyết "Châu Âu trung tâm luận". Một số sự kiện nổi tiếng dưới đây sẽ cho thấy những sóng gió bắt nguồn từ triết học Trung Quốc trong giới văn hóa châu Âu thời bấy giờ.

Năm 1712, Christian Wolff đã có một bài thuyết giảng thu hút hơn 1000 người nghe tại trường đại học Halle. Ông khen ngợi Thần học tự nhiên của Trung Quốc và những lời dạy của Khổng Tử, còn mạnh mẽ chỉ ra rằng Cơ Đốc giáo và Nho giáo vốn không hề mâu thuẫn. Những lời của Wolff bị chỉ trích là vô Thần luận, thế nên ông đã bị bãi miễn chức vụ và trục xuất khỏi trường đại học.

Dù ở châu Âu, tư tưởng Trung Quốc có bị hiểu lầm và ngộ nhận như thế nào (trong đó bao gồm cả những hiểu lầm về bản chất của Wolff), có một sự thật không thể phủ nhận: sự độc đáo và vượt trội không thể nghi ngờ của nền văn minh Trung Quốc đã xuất hiện trong tầm mắt của người châu Âu. Trong 10 năm đầu của thế kỷ thứ 18, cũng chính là 10 năm sau khi tàu Amphitrite cập cảng Louis, châu Âu đã xuất bản 599 tác phẩm có liên quan đến Trung Quốc. Dù là những phần tử trí thức phản truyền thống sắc bén như Jean-Jacques Rousseau hay Denis Diderot, cũng đều cho rằng sách của Trung Quốc là những cuốn sách nhất định phải đọc.

Những sóng gió ở châu Âu thế kỷ thứ 18 và tất cả các trào lưu tư tưởng đều được hội tụ cùng một chỗ. Dù đứng ở góc độ nào cũng sẽ thấy rằng, đây là thời đại có những thay đổi kỳ lạ. Trong thời đại này, chúng ta cần nhấn mạnh rằng: trong giai đoạn đỉnh điểm tương tác lẫn nhau của cách mạng khoa học, chính sách mậu dịch thực dân ở Đông Á, lực học của Isaac Newton, thuyết nhị nguyên của René Descartes, chủ nghĩa kinh nghiệm của John Locke, chế độ quân chủ tuyệt đối của Vua Mặt Trời, và giai đoạn khởi đầu của phong trào Khai sáng, nền văn minh cổ xưa Trung Hoa xuất hiện đã tạo nên một cơn chấn động ở châu Âu.

Trong các nhà tư tưởng của châu Âu, có hai người có hứng thú đặc biệt với triết học Trung Quốc. Hai người này bỏ ra rất nhiều tâm huyết để tìm hiểu nền văn minh của quốc gia cổ xưa. Hai nhà tư tưởng ấy hoàn toàn không phải ai xa lạ. Một người là Voltaire - người thường xuyên đả kích chế độ, nổi tiếng nhờ hai cuốn sách "Những lá thư triết học" và "Thời đại Louis XIV"; người còn lại là nhà toán học, triết học gia Gottfried Leibniz.

Leibniz thường đội một bộ tóc giả màu đen, trong suốt cuộc đời, ông đã viết hàng chục ngàn bức thư để trao đổi với nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau. Leibniz còn là một nhà ngoại giao Đức đầy mộng tưởng. Tuy rằng có những lý do và mục đích riêng khác nhau, nhưng hai nhà trí thức châu Âu này đều có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa phương Đông cổ đại. Dưới sự tác động mạnh mẽ của hai người, triết học và các chế độ của Trung Quốc đã xâm nhập vào trung tâm cốt lõi văn hóa châu Âu.

Voltaire, học trò của Khổng Tử

Voltaire thường ra sức đả kích Thiên Chúa giáo. Khi còn trẻ, Voltaire bị tống giam vào ngục Bastille vì viết những bài thơ chế nhạo hoàng gia Pháp. Tuy nhiên, khi người tiên phong của phong trào Khai sáng này gặp được Khổng Tử, một sự thay đổi kỳ diệu đã xảy ra.

Voltaire khi 24 tuổi do Catherine Lusurier vẽ
Voltaire khi 24 tuổi do Catherine Lusurier vẽ. (Miền công cộng)

"Đây có thể là điều đáng xấu hổ đối với người phương Tây. Thật không may, chúng ta phải đến vùng Viễn Đông để tìm một nhà hiền triết mộc mạc ⋯⋯ Nhà hiền triết này chính là Khổng Tử. Ông là nhà lập pháp thời cổ đại duy nhất không lừa dối người khác". (Từ điển triết học)

Năm 1763, Voltaire có một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông thấy mình ở trên Thiên đường và chứng kiến ​​một phiên xét xử. Thẩm phán của phiên tòa này là những vĩ nhân đã tạo nên lịch sử loài người. Trong số những thẩm phán này, Khổng Tử đứng trước Solon và Socrates. Khi Voltaire đang tìm kiếm một hình mẫu khác ngoài Thiên Chúa giáo, Khổng Tử đã mang đến cho Voltaire cánh cửa vô tận.

"Thời đại hạnh phúc và tốt đẹp nhất từng có trên Trái Đất chính là thời đại mọi người làm theo lời dạy của ông (tức Khổng Tử)".

Trong nền chính trị kéo dài 5.000 năm của Trung Quốc, Voltaire đã nhìn thấy một chế độ quân chủ khai sáng, có phong cách văn minh, chú trọng lễ nghi, lý trí. Ông vô cùng ngưỡng mộ các quan văn của Trung Quốc. Trong mắt Voltaire, Thần học tự nhiên của Trung Quốc là chìa khóa để mở nút thắt ở châu Âu. Khoa học đạo đức đặc biệt của Trung Quốc chính "là loại khoa học quan trọng nhất" và các quan văn của Trung Quốc đã thể hiện ra "sự lịch sự và tôn nghiêm mà những quyền thần nhạy bén nhất ở châu Âu cũng không thể sánh kịp".

Voltaire nổi loạn đã trở thành học trò đầu tiên của Khổng Tử ở châu Âu. Ông treo bức chân dung của Khổng Tử trong nhà trong nhiều năm, và ca ngợi Thần học tự nhiên tôn kính Trời Đất của Trung Quốc.

“Trong khi các quốc gia khác vẫn còn thờ ngẫu tượng thì người Trung Quốc đã biết đến Thượng Đế thật sự và tế bái Thượng Đế ở Thiên đàn cổ xưa nhất trên thế giới".

Trong cuốn "Đối thoại: Giải đáp thắc mắc Trung Quốc" (Dialogue: Chinese Catechism), Voltaire đã tưởng tượng ra cuộc trò chuyện giữa một học trò Nho giáo và một hoàng tử tên "Khâu". Trong cuộc đối thoại về Trời giữa hai người này, Voltaire đã xây dựng thêm khái niệm của riêng mình. Kiểu sáng tạo này là phương pháp thực hiện phong cách Trung Quốc thịnh hành ở châu Âu lúc bấy giờ.

Trong vở kịch "Cô nhi Trung Quốc" được Voltaire viết lại từ nguyên tác "Cô nhi nhà họ Triệu", phong trào Trung Quốc trong văn học đã lên đến đỉnh cao. "Cô nhi nhà họ Triệu" là vở kịch Trung Quốc đầu tiên được dịch sang ngôn ngữ châu Âu. Tác phẩm này do vị giáo sĩ từng ngồi thuyền Amphitrite đến Trung Quốc mà chúng ta đã quen thuộc là Joseph Henri Marie de Prémare phiên dịch. Theo cách nói của Voltaire, để phản đối sự bôi nhọ Trung Quốc thiếu đạo đức trong cuốn "Luận về khoa học và nghệ thuật" của Jean-Jacques Rousseau, Voltaire đã viết ra vở kịch "Cô nhi Trung Quốc", đồng thời cố ý thay đổi bối cảnh của vở kịch từ thời Xuân Thu sang thời kỳ kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn xâm chiếm Trung Nguyên, nhằm tạo thêm yếu tố căng thẳng. Trong phần lời tựa, Voltaire cho rằng đây là "vở kịch năm màn được cải biên theo lời dạy của Khổng Tử". Trong vở kịch này, sự kiên trung và không vụ lợi của nữ nhân vật chính Idame đã thể hiện sức mạnh cảm hóa của đạo đức Nho giáo. Cho dù Trung Quốc trong vở kịch này có xa lạ như thế nào, thì đây chính là một kịch bản bảo vệ cho đạo đức của người Trung Quốc từ người học trò đầu tiên của Khổng Tử ở châu Âu .

Trong cung điện Potsdam của vua nước Phổ Friedrich II, Voltaire đã ở lại trong thư viện của cung Sanssouci 3 năm để học hỏi những sách vở phương đông phong phú lưu trữ ở đây. Cũng trong giai đoạn này, Voltaire đã đề nghị vua Friedrich II xây dựng trong vườn hoa hoàng gia một kiến trúc theo phong cách Trung Quốc. Kiến trúc này được trang trí bằng màu vàng và màu xanh giống như một quán trà Trung Quốc trong chuyện cổ tích và vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Cũng trong cung Sanssouci, Voltaire đã viết ra vở kịch "Cô nhi Trung Quốc" làm chấn động nước Pháp.

Năm 1755, vở "Cô nhi Trung Quốc" được biểu diễn lần đầu tại nhà hát Théâtre Française ở Paris. Toàn bộ giới thượng lưu của Paris mặc lên những bộ quần áo lộng lẫy, đắt tiền, cưỡi những chiếc xe ngựa nhẹ đến nhà hát. Quảng trường trước nhà hát chật kín xe ngựa. Ngựa ngẩng cổ, hý vang, không khí nồng nặc mùi cơ thể và mồ hôi của ngựa, đám đông náo nhiệt trong ánh chạng vạng. Có một sự phấn khích hiếm thấy ở Paris. Một nhà phê bình sân khấu thời đó đã nói:: "Cả nước đều tới rồi, diễn một vở bi kịch là một chuyện lớn của toàn quốc gia".

Lúc này, đã nửa thế kỷ kể từ bữa tiệc "Hoàng đế Trung Hoa" mừng thế kỷ mới tổ chức tại cung điện Versailles. Trong nửa thế kỷ này, Voltaire từng bị giam trong ngục Bastille và được thả ra. Ông đến nước Phổ để học tập, tiếp thu chủ nghĩa Newton của Anh và chủ nghĩa kinh nghiệm của John Locke, sau đó quay trở lại Paris, nơi Vua Mặt Trời đã vắng bóng một thời gian dài. Đồng thời, những tác phẩm kinh điển Trung Quốc do các giáo sĩ Dòng Tên phiên dịch đã được phát hành với số lượng lớn ở Paris và truyền rộng khắp châu Âu.

Người Trung Quốc ở Hannover

"Vòm trời là tổ quốc của ta, tất cả những người chính trực là đồng bào của ta".

Có thể nói Leibniz là chuyên gia về Trung Quốc vào cuối thế kỷ 17. Ông là nhà tuyên truyền khách quan và nhiệt tình nhất cho nền văn minh phương Đông ấy. Ông từng nói đùa rằng, phải dán một tờ giấy trước cửa nhà ông ghi rằng: "Ban ngành tri thức Trung Quốc".

undefined
Leibniz là chuyên gia về Trung Quốc vào cuối thế kỷ 17. (Miền công cộng)

Đối với Leibniz cũng như nhiều người ở châu Âu thời điểm đó: “Ngôn ngữ và chữ viết, lối sống, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, thậm chí ngay cả trò chơi của Trung Quốc hoàn toàn xa lạ, giống như từ một thế giới khác”. Tuy nhiên điểm khác biệt so với những người cùng thời chính là, Leibniz chưa bao giờ đòi hỏi người Trung Quốc phải trở thành người châu Âu. Ngược lại, với sự tò mò gần như ngây thơ, ông đã chăm chỉ tìm hiểu nền văn minh Trung Quốc. Từ triết học đến nuôi tằm lấy tơ, tất cả mọi thứ của Trung Quốc đều hấp dẫn con người đa tài này. Ông tin rằng vào thời điểm châu Âu đang tìm kiếm con đường văn minh thì quốc gia cổ xưa ở phương Đông đã đưa ra một hình mẫu quý giá. "Không thể nghi ngờ, người Trung Quốc nắm giữ rất nhiều công nghệ kỹ thuật và những điều kỳ diệu của tự nhiên mà chúng ta vẫn chưa từng tìm hiểu qua".

"Tôi cho rằng hiện nay dù đối với Trung Quốc hay đối châu Âu, sự giao lưu của phương Tây là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu có cơ hội, tôi rất vui được đóng góp công sức của mình cho quá trình này. Bởi vì chúng ta mang tri thức của mình truyền cho họ trong một thời gian ngắn giống như tiêm thuốc, đồng thời từ đó chúng ta nhận biết được một thế giới hoàn toàn mới. Nếu như không có sự trao đổi này, không biết chúng ta sẽ mất bao nhiêu thế kỷ để nắm được những tri thức ấy".

Gottfried Leibniz đã sớm nhận ra rằng người Trung Quốc "có khả năng quan sát cao hơn chúng ta một bậc, còn điểm mạnh của chúng ta là tư duy lý luận. Người Trung Quốc cần phải trao đổi với người châu Âu, để cùng nhau lấy mạnh bù yếu, dùng một ngọn đèn sáng để châm cho một ngọn đèn sáng khác". "Sự gặp gỡ và trao đổi của chúng ta có ý nghĩa rất quan trọng, có thể tạo ra kết quả vô cùng tốt đẹp và rất nhiều phát minh sáng tạo". Những cố gắng nỗ lực của Gottfried Leibniz chính là tạo ra kết quả tốt đẹp nhất trong sự giao thoa giữa văn minh phương Đông và phương Tây.

Năm 1697, Leibniz đã biên soạn những bức thư của các giáo sĩ thành cuốn "Trung Quốc cận sự". Ông còn tự mình đặt cho cuốn sách này một tiêu đề phụ là: "Để chiếu sáng thời đại của chúng ta". Trong sách bao gồm hết tất cả những kiến thức của Trung Quốc như nuôi tằm dệt lụa, kết chỉ in nhuộm, khoáng sản luyện kim, thiên văn vật lý. Ở phần lời tựa, Leibniz viết rằng: "Dựa trên thực tế rằng đạo đức của chúng ta đang suy thoái nhanh chóng, việc Trung Quốc cho người đến dạy chúng ta cách vận dụng thực tiễn Thần học tự nhiên, cũng như việc chúng ta cho các nhà truyền giáo đến dạy họ mặc khải Thần học của Chúa đều rất cần thiết".

Sau khi đọc cuốn "Trung Quốc cận sự", Joachim Bouvet đã viết thư cho Leibniz, còn gửi tặng cho ông cuốn "Khang Hy đế truyện". Trong những bức thư trao đổi với Joachim Bouvet, Leibniz rất kinh ngạc khi nhìn thấy hình vẽ, phương vị và thứ tự 64 quẻ của Thiệu Ung. Leibniz phát hiện rằng, Thái cực của Đạo gia tình cờ trùng hợp với hệ thống cơ số 2 do ông phát minh ra. Trong lúc vô cùng vui sướng, ông đã viết thư cho Hoàng đế Khang Hy, xin nhập quốc tịch Trung Quốc. Mặt khác, ở Peterborough, ông từng đề nghị Pyotr Đại đế tặng một bản sao phép tính của mình cho Hoàng đế Khang Hy, hy vọng rằng Nga sẽ trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và châu Âu.

Giống như mở ra một rương kho báu. Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng vô hạn của Leibniz. Một trong những ý tưởng của Leibniz là viết thư đề nghị Vua Mặt Trời dùng chữ Hán, loại chữ tượng hình hiếm có làm cơ sở để sáng tạo một loại ngôn ngữ quốc tế, dùng trên toàn thế giới. Thậm chí Leibniz còn tuyên bố rằng nên đưa ngôn ngữ này thành ngôn ngữ của các học giả trong phong trào Khai sáng.

Hệ thống triết học sâu sắc của Leibniz đã chịu ảnh hưởng rất lớn của triết học Trung Quốc. Lòng nhiệt huyết của Leibniz đối với Trung Quốc kéo dài suốt cuộc đời ông. Ngay cả vài tháng trước khi qua đời, ông vẫn còn đang thực hiện một bản thảo về tư tưởng tôn giáo của người Trung Quốc với tiêu đề: "Luận về Thần học tự nhiên của người Trung Quốc".

Hướng đến Trung Quốc

"Trung Quốc, nơi cao quý nhất của thế giới, điểm trung tâm của vũ trụ, nơi tất cả ánh sáng mặt trời có thể chiếu đến, vạn vật có thể sinh tồn, đó là đế quốc vinh quang nhất" (Domingo Fernandez Navarrete - "Giáo sĩ Fernandez du ký")

Nền văn minh của đất nước cổ xưa này đã trở thành hình mẫu tham chiếu cho châu Âu. Chế độ giáo dục bình đẳng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quá trình cải cách giáo dục ở nước Anh. Thể chế chính trị bình hòa và ổn định 5000 năm của đế quốc Trung Hoa khiến châu Âu nhiều năm trải qua chiến tranh phải nhìn lại thể chế chính trị và những tranh chấp tôn giáo khó giải quyết của mình. Người châu Âu vô cùng ngưỡng mộ chế độ thi cử của Trung Quốc, cho rằng đây là chế độ tuyển chọn và sử dụng nhân tài tốt nhất, có thể làm hình mẫu cho chế độ quý tộc vô cùng nghiêm cẩn ở châu Âu. Cuối thế kỷ thứ 17, nền nông nghiệp của châu Âu gặp khó khăn. Dưới tác động của nhà kinh tế học François Quesnay, chủ nghĩa coi trọng nông nghiệp của Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến nước Pháp.

Trong hàng ngàn năm thống trị của Nho giáo, các học giả châu Âu đã tìm được một mô hình hoàn hảo, thậm chí có người còn đề xuất "chuyển tinh thần Trung Hoa vào châu Âu". Đối với các nhà tư tưởng trong thời kỳ đầu của phong trào Khai sáng, đế quốc Trung Hoa được xây dựng trên nguyên tắc lý luận cao nhất. Đối với họ, lời phê bình người Trung Quốc thiếu tinh thần thượng võ của Matteo Ricci không phải là điểm yếu mà là một phẩm chất tốt. Đầu thế kỷ thứ 19, ở phòng yến tiệc Brighton nước Anh, những bức tranh lớn đầy màu sắc mô tả quan văn Trung Quốc mặc quan phục và cuộc sống của người dân được treo trên bốn bức tường, trở thành hình mẫu cho nhân loại. Đến tận ngày nay, những bức tranh lớn ấy vẫn còn được treo trong căn phòng tiệc lộng lẫy với những chiếc đèn chùm trên cao này.

Bức tranh thể hiện bức chân dung của tu sĩ Dòng Tên Thẩm Phúc Tông, một trong những người Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu, được Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Harvard ở Hoa Kỳ sưu tầm. (Phạm vi công cộng)

Paris, nơi xuất bản một số lượng lớn các tác phẩm kinh điển và tài liệu Trung Quốc, đã trở thành thủ đô của Hán học. Năm 1814, Viện Hàn lâm Pháp đã tổ chức những buổi tọa đàm về Hán học. Nghiên cứu Trung Quốc đã chính thức trở thành một phần của giới học thuật phương Tây. "Đạo đức kinh" được dịch sang nhiều ngôn ngữ châu Âu đã mở mang tư duy logic và lý luận của châu Âu, ảnh hưởng đến ngành khoa học nhân văn hiện đại ở châu lục này.

Đến đây, có thể nói rằng sứ mệnh của đoàn sứ giả được Vua Mặt Trời cử đến Trung Quốc một thế kỷ trước đã hoàn thành một cách mỹ mãn. Đúng như sự mong đợi của Leibniz, sự giao thoa ánh sáng của hai nền văn minh lớn ở phương Đông và phương Tây đã tạo nên ánh hào quang rực rỡ. Tuy nhiên, trên sân khấu lớn của lịch sử loài người, những cơn sóng hung bạo luôn sẵn sàng nuốt chửng tất cả thành quả, hủy hoại tất cả nỗ lực của con người.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (9): Hướng đến Trung Quốc