Thế kỷ của Vua Mặt Trời (Phần 6) - Chân dung Hoàng đế Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không lâu sau đó, cuốn "Khang Hy đế truyện" đã được xuất bản ở Paris, trở thành cuốn sách bán chạy tại châu Âu. Ngay trang đầu của cuốn sách là bức tranh chân dung của Hoàng đế Khang Hy. Sắc thái của bức tranh đã tạo nên sự yêu thích của người dân châu Âu đối với vị Hoàng đế phương xa.

Những lá thư từ phương Đông xa xôi

Đến đế quốc Trung Hoa từ phía bên kia Trái Đất, những giáo sĩ Dòng Tên thông thái biết cả tiếng Hán và tiếng Mãn Thanh đã làm việc không mệt mỏi. Họ đi khắp nơi để vẽ bản đồ Trung Quốc, truyền giáo cho những người dân nghèo ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh nhất, dạy cho hoàng đế và các hoàng tử những môn hình học, nhạc lý và giải phẫu. Ngoài công việc bận rộn hằng ngày, các giáo sĩ còn sử dụng cặp mắt tinh tường của mình để quan sát và ghi chép về đế quốc Trung Hoa. Những bức thư từ phương Đông xa xôi đã đến châu Âu.

Người Trung Quốc coi trọng đất nước, đạo đức, phong tục tập quán và những học thuyết của họ. Họ tin rằng chỉ có đất nước Trung Quốc mới đáng được các quốc gia khác chú ý. Khi chúng tôi cố gắng thuyết phục người Trung Quốc rằng, Kitô giáo là một tôn giáo vĩ đại, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, họ dường như sẵn sàng tiếp nhận, nhưng thực ra không phải vậy. Họ trả lời một cách lạnh lùng rằng: "Trong sách của chúng tôi không có điều nào liên quan đến tôn giáo của các bạn, đây là tôn giáo ngoại lai. Nếu có những điều tốt ở ngoài Trung Quốc, nếu đúng là có những điều như vậy, thì lẽ nào các học giả, Thánh nhân của chúng tôi lại không biết hay sao?" (Cha Emeric Langlois de Chavagnac gửi cho cha Charles le Gobien, năm 1703, phủ Phủ Châu, Giang Tây)

Đến bờ sông Châu Giang, chúng tôi bắt đầu thấy được diện mạo của đất nước Trung Hoa. Hai bên bờ Châu Giang là những cánh đồng lúa nước rộng mênh mông với màu xanh trải dài vô tận như một bãi cỏ. Vô số những con kênh nhỏ chạy ngang chạy dọc chia cánh đồng thành từng mảnh từng mảnh. Ở phía xa là những con thuyền lớn nhỏ không ngừng qua lại. Thế nhưng chúng tôi không nhìn thấy nước sông ở phía dưới. Quang cảnh giống như những chiếc thuyền đang đi trên bãi cỏ. Xa hơn là những ngọn núi nhỏ với cây cối xanh tươi, các thung lũng được sắp xếp tạo nên cảnh trí giống như bồn hoa trong cung điện Versailles. Những thôn làng lớn nhỏ nằm chi chít khắp nơi, tạo nên không gian thanh bình, tươi mát của miền quê. Cảnh sắc muôn hình vạn trạng ở đây khiến người ta không thể thấy nhàm chán, cứ lưu luyến muốn quay trở lại. Chúng tôi khởi hành từ nước Pháp, trải qua tám tháng trên biển, cuối cùng đến được Quảng Châu vào đêm ngày 6 tháng 11. (Cha Joseph de Prémare gửi cho cha François de la Chaise - cha giải tội của vua Louis XIV, năm 1699, Quảng Châu)

Về độ phì nhiêu, giàu có và đông đúc nhất thế giới của Trung Quốc, tôi sẽ không kể thêm nữa. Trong những năm qua, rất nhiều người đã viết về điều này. Sự xa hoa của hoàng đế và cung đình, sự giàu có của những quan lại quyền quý vượt xa sự tưởng tượng của mọi người. Chắc chắn ai cũng sẽ ấn tượng sâu sắc với những đồ tơ lụa, gốm sứ, vật dụng, vật phẩm rực rỡ muôn màu ở đây. Tuy rằng những vật dụng này không quá rực rỡ và nhiều màu nhưng vẫn hấp dẫn hơn so với phần lớn đồ mỹ nghệ của châu Âu. (Cha Joseph de Prémare gửi cho cha Charles le Gobien, năm 1700, phủ Phủ Châu, tỉnh Giang Tây).

Những người nghèo ở đây phải lao động vất vả ngoài sức tưởng tượng. Người dân phải dùng hai tay để xới đất, thậm chí còn phải thường xuyên làm việc trên những cánh đồng nước sâu đến gối. Thế nhưng đến tối, chỉ ăn một chén cơm nhỏ, húp một bát canh nhạt nhẽo đối với họ cũng đã là một điều hạnh phúc. Đó chính là cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu bỏ qua những ham muốn tự nhiên của những người nghèo này, thì sự thuần khiết của họ cũng tương đương với sự nghèo khó và sự vất vả của họ (Cha Joseph de Prémare gửi cho cha Charles le Gobien, năm 1700, phủ Phủ Châu, tỉnh Giang Tây).

Những lá thư trên đã tạo nên cầu nối giữa châu Âu và đế quốc Trung Hoa. Xuất hiện trước mắt người dân châu Âu là một đất nước cổ kính, có cả sự giàu có và nghèo khổ cũng như sự kiêu ngạo và mù quáng. Những lá thư này đã được biên soạn và chỉnh lý thành cuốn "Tuyển tập các lá thư của các giáo sĩ Dòng Tên" trong vòng 70 năm và đã được xuất bản ở Paris vào nửa đầu thế kỷ thứ 18. Trong đó, có 10 quyển là những tài liệu quan sát và ghi chép chân thực về hệ thống chính trị, phong tục, địa lý, lịch sử và tư tưởng triết học của Trung Quốc. Trước khi rất nhiều hàng hóa Trung Quốc đến được châu Âu thì những lá thư này giống như sứ giả của đất nước phương đông xa xôi, miêu tả một vùng đất bên kia Trái Đất và cuộc sống của những người dân ở đó. Đồng thời, những lá thư này cũng ghi lại sự khó khăn của các giáo sĩ phương Tây đang truyền giáo ở đây.

Israel_Silvestre_Versailles_ 1682年的凡尔赛宫。(维基百科公共领域)
Bức tranh Cung điện Versailles năm 1682 của Israel Silvestre (Ảnh thuộc miền công cộng - Wikipedia)

Trở về Cung điện Versailles

Đối với một vị hoàng đế luôn hết lòng chăm lo đất nước và ra sức trị vì quốc gia như Khang Hy mà nói, những giáo sĩ Dòng Tên như Joachim Bouvet chỉ là sự bắt đầu trong quá trình đế quốc Mãn Thanh hấp thu văn hóa và tri thức phương Tây. Hoàng đế Khang Hy cần thêm "những nhà toán học của nhà vua" đến giúp ông xây dựng Viện hàn lâm khoa học hoàng gia, cần thêm những nhà truyền giáo có tài năng về âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, địa lý đến để tiếp tục hoàn thành quá trình tìm hiểu và truyền bá văn hóa.

Năm 1963, Hoàng đế Khang Hy sai Joachim Bouvet trở về nước Pháp, mời thêm nhiều giáo sĩ Dòng Tên đến Trung Quốc. Và như thế, vai trò của Joachim Bouvet đã thay đổi thật thú vị: Joachim Bouvet mặc quần áo của quan khâm sai đại thần nhà Thanh, mang theo ý chỉ và những thùng lễ vật quý giá của Hoàng đế Khang Hy trở về. Từ vai trò sứ giả của Vua Mặt Trời nước Pháp, Joachim Bouvet đã trở thành quan đại thần của Hoàng đế Khang Hy, và lại phải vượt vượt qua những khó khăn nguy hiểm, cả trên biển và trên đất liền để trở lại bến cảng Brest nơi con tàu L'Oiseau rời đi cách đây 12 năm

Thế là, sau bao nhiêu năm rời xa quê hương, Joachim Bouvet đã trở lại nước Pháp. Đó là năm 1697. Khi Joachim Bouvet ra đi, cung điện Versailles vẫn chưa xây xong, thế nhưng giờ đây cung điện này đã có những tòa nhà lộng lẫy, tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời, được cả châu Âu ngưỡng mộ. Joachim Bouvet mặc bộ áo lụa dài của phương đông đi qua sân lớn của cung điện Versailles với cảm giác như đang mơ. Trong giấc mơ ấy, ông nói ra một loại ngôn ngữ kỳ lạ, thế nhưng đến lúc tỉnh lại không nhớ được gì.

Trước ánh mắt kinh ngạc của tất cả quan viên, quý tộc, Joachim Bouvet xuất hiện trong bộ quần áo khâm sai đại thần của triều đình Mãn Thanh, đeo trên cổ cây thập tự giá của Kitô giáo. Khi đó toàn bộ cung điện Versailles và cả Paris đều chấn động.

Với chiếc mũi cao và đôi mắt sâu, Joachim Bouvet mặc bộ quan phục cao quý của đất nước cổ xưa ở phương đông, đến trước mặt Vua Mặt Trời. Khi cử 6 "nhà toán học của nhà vua" đến Trung Quốc làm sứ giả, không ai nghĩ rằng những giáo sĩ Dòng Tên có thể mang trên người bộ quần áo của đất nước cổ xưa thần bí kia cũng như lột xác trở thành sứ giả của Hoàng đế Trung Quốc và trở về nước Pháp.

Joachim Bouvet đã dâng lên cho Vua Mặt Trời những hòm lễ vật quý giá của hoàng đế Khang Hy và 49 quyển sách quý của Trung Quốc. Khi đó, nước Pháp chỉ có 23 quyển sách tiếng Trung, 49 quyển sách Trung Quốc này khiến vua Louis XIV vô cùng vui mừng. Joachim Bouvet còn mang về hai cuốn sách do chính mình viết là "Khang Hy đế truyện" và "Hiện trạng Trung Quốc". Cuốn "Khang Hy đế truyện" là do vua Louis XIV căn dặn Joachim Bouvet viết khi đi sứ. Cuối cùng Joachim Bouvet đã không phụ sự mong đợi của Vua Mặt Trời, hoàn thành được sứ mệnh này.

康熙大帝铜板画像,杜赫德《中华帝国通志》,1736(维基百科公共领域)
Chân dung Hoàng đế Khang Hy, Jean-Baptiste Du Halde, "Trung Hoa đế quốc thông chí", năm 1736 (Ảnh thuộc miền công cộng - Wikipedia)

Không lâu sau đó, cuốn "Khang Hy đế truyện" đã được xuất bản ở Paris, trở thành cuốn sách bán chạy tại châu Âu. Ngay trang đầu của cuốn sách là bức tranh chân dung của Hoàng đế Khang Hy. Sắc thái của bức tranh đã tạo nên sự yêu thích của người dân châu Âu đối với vị Hoàng đế phương xa. Người dân châu Âu ngạc nhiên khi phát hiện rằng vị Hoàng đế này không chỉ là một xạ thủ, một kỵ sĩ, nhà thơ, mà còn là người thích đọc cuốn "Những nguyên lý cơ bản" của Euclid, còn có thể sử dụng những thiết bị hình bán nguyệt để quan sát thiên văn, còn yêu thích nhạc Baroque. Điều khiến mọi người kinh ngạc hơn chính là, Hoàng đế Khang Hy không chỉ biết chơi nhạc cụ Trung Quốc, mà còn biết đánh đàn piano! Quả thật là ngoài sức tưởng tượng! Chắc chắn rằng, vị Hoàng đế phương xa này đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân châu Âu.

Cuốn "Khang Hy đế truyện" của Joachim Bouvet (Thư viện số Eastday)

Năm đó Hoàng đế Khang Hy 44 tuổi, đã trị vì được 36 năm. Tính cách và tư chất của Khang Hy hoàn toàn tương xứng với ngôi vị Hoàng đế. Ông có vẻ ngoài cao lớn uy vũ, dáng vẻ hiên ngang, thân hình cao lớn, cử chỉ cao quý. Mặt mũi ngũ quan của Khang Hy cân đối, ánh mắt sáng ngời có thần, chóp mũi hơi tròn, có chút giống móng vuốt chim ưng. Tuy rằng trên mặt Hoàng đế Khang Hy có vài nốt sẹo đậu mùa nhưng cũng không ảnh hưởng đến hình tượng hoàn hảo của ông.

Dù là tư thế khi bắn cung hay khi cưỡi ngựa, dù là khi ngựa đã dừng hay đang phi nước đại, Khang Hy cũng đều có thể bắn trái, bắn phải, bách phát bách trúng. Chim bay cá nhảy, dù là đang đứng yên, hay đang chạy nhanh, Khang Hy đều có thể bắn trúng. Các loại vũ khí, thậm chí cả những loại vũ khí khi đó không còn được sử dụng nữa, ông cũng đều tinh thông. Không những thế, Khang Hy dùng súng cũng thành thạo giống như những vũ khí khác. Ngay cả trong dân tộc Tatar có sở trường cưỡi ngựa của mình, tài nghệ của Hoàng đế Khang Hy cũng rất nổi tiếng. Kỹ thuật cưỡi ngựa của ông rất tốt, tư thế cũng đẹp, dù là đường bằng hay đường dốc, ông đều có thể lên xuống tự nhiên, chạy nhanh như tên bắn.

Mỗi ngày, Hoàng đế ở cùng với chúng tôi từ một đến hai tiếng đồng hồ. Những lúc này, trong phòng thường chỉ có 2 đến 3 thái giám đứng bên hầu hạ. Chúng tôi thảo luận với Hoàng đế về những vấn đề như khoa học phương Tây, phong tục tập quán của các nước Tây Âu và nhiều vấn đề khác. Trong đó, chủ đề chúng tôi muốn trao đổi với Hoàng đế nhất là sự nghiệp vĩ đại của vua Louis XIV. Đó cũng là một trong những chủ đề Hoàng đế Khang Hy ưa thích nhất. Khi thảo luận, Hoàng đế cho phép chúng tôi ngồi ở hai bên ghế của hoàng đế. Phải biết rằng, trừ các hoàng tử, không ai có thể nhận được ân điển đặc biệt như vậy.

Đối với Vua Mặt Trời, người đọc đầu tiên của cuốn truyện ký trên, vị Hoàng đế bên kia Trái Đất cũng không quá xa xôi. Hai vị Hoàng đế đều yêu thích âm nhạc và nghệ thuật. Điều quan trọng hơn chính là hai người yêu thích và tôn trọng nền văn minh của nhau. Chính điều này đã đưa hai vị quân chủ đến gần nhau hơn.

Hình vẽ trong cuốn "Hiện trạng Trung Quốc" của Joachim Bouvet (Ảnh thuộc miền công cộng)

Một cuốn sách khác của Joachim Bouvet là "Hiện trạng Trung Quốc" (L’état Present de la Chine) cũng được xuất bản tại Trung Quốc. Đây là một tập hợp những bức tranh vẽ tay miêu tả sinh động và toàn diện cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở Trung Quốc với đủ các tầng lớp trong xã hội Trung Quốc bấy giờ: từ đế vương, hoàng thất quý tộc, các quan trong triều đình Mãn Thanh (Tatar), đến các tướng sĩ, tăng ni, quan văn sĩ tử. Những bức tranh lập thể này đã đưa hình ảnh của người dân từ đất nước phương đông xa xôi đến với châu Âu. Vào thế kỷ 17, khi chưa có kỹ thuật chụp ảnh, những cuốn sách như thế này chính là tư liệu vô cùng quý giá. Đồng thời cũng thể hiện sự thích thú của người dân châu Âu đối với đất nước cổ xưa duy nhất còn tồn tại trên thế giới.

Hình vẽ trong cuốn "Hiện trạng Trung Quốc" của Joachim Bouvet (Ảnh thuộc miền công cộng)

Thành phố Paris là thủ đô văn hóa của châu Âu thời bấy giờ cũng là trung tâm của trào lưu yêu thích văn hóa Trung Quốc. Khi vị Hoàng đế Trung Quốc được nhiều người biết đến hơn, sự say mê của châu Âu đối với đế quốc phương Đông này đã lên đến đỉnh điểm.

Hai vị Hoàng đế ở phương Đông và phương Tây dường như là hình ảnh phản chiếu của nhau

Vào thế kỷ 17, người Anh và người Hà Lan đều mở rộng thuộc địa ở vùng Viễn Đông, thành lập công ty Đông Ấn, chiếm giữ thị trường thương mại. Điều này tạo nên áp lực lớn cho nước Pháp. Năm 1664, bộ trưởng tài chính của Vua Louis XIV, Jean-Baptiste Colbert đã lên kế hoạch thành lập công ty Đông Ấn Pháp, mở rộng hoạt động thương mại ở châu Á. Trong thời gian trở về Pháp, Joachim Bouvet đã đề xuất thành lập một đoàn đại biểu kết hợp hoạt động thương mại và hoạt động truyền giáo để đến Trung Quốc.

Vào tháng 3 năm 1698, con thuyền Amphitrite, thuộc công ty Đông Ấn Pháp đã khởi hành từ cảng La Rochelle hướng đến Trung Quốc. Đây là chiếc thuyền buồm đầu tiên từ nước Pháp đi thẳng đến Trung Quốc. Chiếc thuyền này không chỉ đưa quan khâm sai đại thần Joachim Bouvet trở lại, mà còn mang theo 9 giáo sĩ dòng Tên được Joachim Bouvet mời đến cho Hoàng đế Khang Hy.

Trong số những giáo sĩ này có Dominique Parrenin bác học đa tài, giúp triều đình Mãn Thanh bồi dưỡng nhân tài ngoại giao, đồng thời nghiên cứu thêm y học Trung Quốc; Jean-Baptiste Régis là chuyên gia thăm dò địa lý, có cống hiến rất lớn khi vẽ "Hoàng dư toàn lãm đồ" và dịch cuốn "Lão Tử" sang tiếng La Tinh'; Louis Pernon là nghệ sĩ violon, tinh thông việc chế tạo nhạc cụ, đã chế tạo đàn harpsichord, trống timpani cho Hoàng đế Khang Hy; Joseph Henri Marie de Prémare nghiên cứu sâu về văn học Trung Quốc đồng thời phiên dịch vở kịch "Con côi nhà họ Triệu", một vở kịch có ảnh hưởng lớn đến giới văn hóa Pháp.

皇家波维丝织锦画制作,国王之旅。(Google Art Project,维基百科公共领域)
Bức tranh “Hành trình của nhà vua” của Royal Beauvais Manufactory (Google Art Project, Ảnh thuộc miền công cộng, Wikipedia)

Tháng 11 năm đó, con tàu Amphitrite đến Quảng Châu. Đối với con thuyền đầu tiên của Vua Mặt Trời, Hoàng đế Khang Hy đã miễn toàn bộ thuế phí, đồng thời cho phép người Pháp thành lập thương quán tại Quảng Châu. Hoàng đế Khang Hy còn đặc biệt ban thưởng cho hai vị giáo sĩ khâm sai, và một vị quan người Mãn Thanh đến đón đoàn giáo sĩ Dòng Tên từ nước Pháp xa xôi. Trong hai vị quan khâm sai, còn có một “nhà toán học của nhà vua” đã từng đến Trung Quốc cùng với Joachim Bouvet là Claude de Visdelou.

康熙大帝 船上旅行,绘于18世纪。(维基百科公共领域)
Hoàng đế Khang Hy tuần du bằng thuyền, vẽ vào thế kỷ thứ 18 (Ảnh thuộc miền công cộng - Wikipedia)

Trong khi đoàn người của Joachim Bouvet đang đi lên hướng Bắc thì Khang Hy đang tuần du phương Nam. Đến Trấn Giang, Khanh Hy cho phép những giáo sĩ này lên thuyền của mình. Hoàng đế gặp 9 vị giáo sĩ dòng Tên và cho phép các vị giáo sĩ đi theo mình ba tháng. Trên thuyền, Hoàng đế ra lệnh cho những giáo sĩ dòng Tên vừa đến Trung Quốc này tổ chức diễn tấu. Khi Louis Pernon kéo đàn violon, chiếc thuyền khẽ lắc lư. Âm nhạc Baroque từ triều đình của Vua Mặt Trời mang theo những nội hàm không thể diễn tả bằng lời, nhịp nhàng truyền đến tai của vị Hoàng đế Trung Hoa.

凡尔赛宫铜版画,这些版画是路易十四赠送各国君主的礼物。(维基百科公共领域)
Bản khắc đồng Cung điện Versailles. Những bản khắc này là quà tặng vua Louis XIV gửi tặng vua của những nước khác (Ảnh thuộc miền công cộng, Wikipedia)

Trong lần trở lại Trung Quốc này, Joachim Bouvet mang theo những món quà quý giá do vua Louis XIV gửi tặng. Trong đó, có một bức tranh vẽ vua Louis XIV. Sau khi trở về Bắc Kinh, Joachim Bouvet đã viết một bức thư, miêu tả Hoàng đế Khang Hy đã quan sát tỉ mỉ tường tận vị Vua Mặt Trời uy dũng trong tranh như thế nào.

太阳王画像, 罗浮宫藏。(章乐/大纪元)
Chân dung Vua Mặt Trời, Bảo tàng Louvre. (Chương Nhạc / The Epoch Times)

Chúng tôi ở phủ Nam Xương tỉnh Giang Tây biết tin Hoàng đế đã rời kinh đi đến Giang Tô nên cũng đi về hướng này. Hoàng đế đi theo kênh Vận Hà xuôi về phía Nam. Chúng tôi gặp Hoàng đế ở giữa hai thị trấn thương nghiệp quan trọng là Dương Châu và Hoài An.

Hoàng đế nghe nói chúng tôi đến, liền cho cha Jean-François Gerbillon đưa thuyền đến đón chúng tôi lên thuyền rồng. Theo quy định, chúng tôi áp sát vào thuyền của Hoàng đế, quỳ xuống vấn an. Lúc này, Hoàng đế xuất hiện ở một cửa sổ, hỏi chúng tôi khỏe không. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy thật vinh dự. Sự nhân từ của Hoàng đế khiến cho những người có ý chí sắt đá cũng phải cảm động.

Chúng tôi liền sắp xếp quà một cách gọn gàng. Khi thấy những lễ vật này có nhiều quan đại thần không ngừng khen ngợi, họ nói rằng trong cung từ trước đến nay chưa từng có món đồ quý hiếm như thế này. Hoàng đế cẩn thận thưởng thức, sai người mang từng món từng món đến chiêm ngưỡng. Bởi vì Hoàng đế tinh thông đồ mỹ nghệ, nên nhận xét của Hoàng đế đúng hơn so với bất kỳ người nào. Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy cảm thấy hứng thú nhất với những bức tranh vẽ cung điện nước Pháp, đặc biệt là bức tranh vẽ đức vua của nước Pháp. Hoàng đế nhìn đến nỗi không rời mắt. Dường như bức tranh với những màu sắc tươi sáng và tự nhiên ấy đã tái hiện lại vị vua uy nghiêm mà chúng tôi từng kể trước đó. (Cha Joachim Bouvet đến cha François de la Chaise - cha giải tội của vua Louis XIV, năm 1699, Bắc Kinh)

Khi đọc đến đây, chúng ta sẽ phát hiện những điểm giống nhau đáng kinh ngạc giữa hai vị vua phương Đông và phương Tây. Một người Đông, một người Tây, cả hai người đều lưu lại một bức tranh cưỡi ngựa trắng. Trong bức tranh "Vua Louis XIV cưỡi ngựa", vị Vua Mặt Trời đang ở thời kỳ đỉnh cao, cưỡi trên con ngựa trắng với hai chân trước giơ lên cao, nhà vua đưa kiếm về phía trước. Trong bức tranh "Khang Hy hành liệp đồ", Hoàng đế Khang Hy cưỡi trên lưng ngựa, chạy xung quanh mọi người, hiền từ nhìn dân chúng đang quỳ dưới đất. Điều trùng hợp chính là, cháu nội Khang Hy là Càn Long cũng để lại hai bức tranh cưỡi ngựa trắng duyệt binh. Càn Long đã tiếp tục kế thừa Khang Hy, tiếp thu sự nghiệp Tây học, để văn hóa và nghệ thuật phương Tây thấm sâu hơn vào đất nước Trung Quốc.

Bên trái: Bức tranh vua Louis XIV cưỡi ngựa; Bên phải: Bức tranh "Càn Long Hoàng đế đại duyệt đồ" trên nền lụa của Giuseppe Castiglione, vẽ vào năm Càn Long thứ 23 khi duyệt binh ở Nam Uyển (Ảnh thuộc miền công cộng - Epoch Times tổng hợp)

Khi Hoàng đế Khang Hy dành thời gian để chiêm ngưỡng bức tranh của Vua Louis XIV, chúng ta có thể cảm thấy dường như hai vị Hoàng đế, hai người đã tạo nên những thời đại vĩ đại, đang hướng về nhau và hòa lại thành một. Trong thời đại ấy, hai nền văn minh phương Đông và phương Tây đã khiêm tốn và cố gắng tương hòa lẫn nhau cũng như hoàn thiện bản thân. Trong lịch sử văn minh của nhân loại, đây là một khoảnh khắc ngắn ngủi đáng ghi nhớ, một điểm sáng trên dòng sông lịch sử đằng đẵng.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (Phần 6) - Chân dung Hoàng đế Trung Hoa