Thị trường lao động 2024: Đối mặt nhiều thách thức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường lao động Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm còn 2,28%.

Nhóm lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Tỉ lệ tham gia nhóm lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022.

Lao động có việc làm năm 2023 là 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

So với năm trước, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Thách thức

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã có báo cáo về tình hình lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp tại địa phương giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, đơn vị nhìn trực diện một số thách thức của thị trường lao động tại đây hiện nay như sau:

Thứ nhất, thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rằng nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo ý muốn.

Thứ hai, lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) ngày càng cao.

Thứ ba, nhân lực phân bố không đồng đều giữa các khu vực, ngành kinh tế, làm mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Hiện quy mô đào tạo lao động kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thua rất nhiều so với quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

Thứ tư, tình hình vi phạm pháp luật lao động còn nhiều, khi thanh tra hay có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp vẫn không chấp hành, nhất là xử phạt liên quan nợ bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, công tác dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) còn chưa hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia, để thị trường lao động, việc làm ổn định và phát triển bền vững, cần nhìn nhận những tồn tại, thách thức thấu đáo để có phương án giải quyết từ gốc rễ. Thậm chí, trong những kết quả đã đạt được cũng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Ví dụ, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tương đương cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Lũy kế hết năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 14,1 triệu người, chiếm 27,0% lực lượng lao động - con số này được đánh giá là rất thấp.

Về chất lượng, cung lao động còn nhiều hạn chế. Có tới 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trên “nền” trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn (3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước).

Quý IV/2023, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi lên tới 7,63%. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,20%, cao hơn 3,91 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Việt Nam Xã hội

Thị trường lao động 2024: Đối mặt nhiều thách thức