Thưởng Tết của quan lại thời xưa như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi dịp chia tay năm cũ chào đón năm mới, “thưởng Tết” lại trở thành chủ đề nóng. Sau một năm vất vả, nhân viên nào cũng mong sếp sẽ hào phóng thưởng cho mình một khoản tiền lớn, vừa là thể hiện sự ghi nhận, vừa để có thêm chi phí lo cho gia đình. Thực tế, từ xa xưa, đã có một truyền thống tốt đẹp là vua ban thưởng cho quần thần nhân các dịp lễ tiết quan trọng.

Hình thức thưởng Tết sơ khai vốn có liên quan đến lễ tế tháng Chạp. Sau khi quân vương tỏ lòng thành kính với trời đất và tổ tiên, sẽ ban cấp tế phẩm cho quần thần để chung hưởng. Tuy nhiên nói đến “thưởng Tết” một cách quy củ hệ thống thì phải mãi đến thời Đông Hán mới được hoàn thiện.

“Lương tháng 13”

Hoàng đế dù hào phóng, cũng không nhất định gặp và ban thưởng được cho hết thảy thần tử trong cả nước. Thế nên quan lại, chức dịch từ kinh đô đến địa phương phải nghĩ ra cách tự kiếm “lương tháng 13” một cách hợp pháp.

Thời Tần, Hán, Ngụy, Tấn, công văn không được viết trên giấy mà viết trên thẻ tre, công văn mà dài ắt phải dùng lượng lớn thẻ tre. Khi công văn được viết xong và chuyển từ bộ phận này sang bộ phận kia, các quan chức sợ làm mất hoặc bị làm giả nên sẽ cho công văn vào túi, buộc chặt, phủ đất sét lên và đóng dấu. Bộ phận tiếp nhận chiếc túi, bóc lớp niêm phong lấy thẻ tre ra, chiếc túi đựng sẽ trở thành phế liệu.

Vào thời đó, những chiếc túi đựng thẻ tre được làm bằng da, lụa hoặc vải lanh, tất cả đều có thể bán lấy tiền. Các cơ quan lớn, chẳng hạn như Ngự sử đài, vốn chịu trách nhiệm giám sát tất cả các quan chức, có nhiều công văn đến nhất, thì cũng sẽ kiếm thêm được nhiều tiền nhất, khi các túi đựng cuối năm sẽ được vận chuyển ra chợ bán, và tất cả viên chức sẽ nhận được “lương tháng 13”.

Từ thời Nam Bắc triều trở về sau, công văn chủ yếu được viết trên giấy, vận chuyển bằng ngựa trạm, để tránh giấy bị hủy hoại khi đi đường, công văn phải được đóng gói trong phong bao. Phong bao này chủ yếu được làm bằng vải và được gọi là “thư nang”. Có một số nha môn nghèo khó xa xôi, có nhiều thư nang cũ, liền nhờ người may thành quần áo hoặc chăn mền, phân phát cho viên chức, tuy đạm bạc nhưng cũng ấm áp nhân văn, coi như là “thưởng Tết”. Về phần giấy viết công văn, qua hơn một năm sẽ được một lượng lớn, sau khi hết thời hạn bảo mật, tính là phế liệu có thể bán đi, số tiền kiếm được cũng có thể dùng để tưởng thưởng.

Viết trên thẻ tre. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thời Hán thưởng Tết vô cùng hào phóng

“Thưởng Tết” thực sự, chúng ta phải đợi đến thời Đông Hán.

Vào thời đó, hoàng đế thường xuyên ban thưởng cho quan lại vào hai dịp lễ tiết quan trọng trong năm, đó là thưởng mồng 8 tháng Chạp gọi là “lạp tứ”, và thưởng Lập xuân gọi là “xuân tứ”.

Theo “Hán quan nghi” ghi chép: “Ngày Lập xuân, sai sứ ban thưởng lụa cho các quan văn: tư đồ, tư không được 30 thớt, cửu khanh được 15 thớt; cho các quan võ: thái úy, đại tướng quân được 60 thớt, thêm đai vàng, giáo úy được 30 thớt. Quan võ gấp đôi quan văn”; “Lạp tứ cho đại tướng quân, tam công được 30 vạn tiền, 200 cân thịt bò, 200 hộc gạo; đặc hầu được 15 vạn; khanh được 10 vạn; giáo úy được 5 vạn”.

Các quan chức lớn nhỏ khác cũng được khen thưởng. Lượng thưởng này cực kỳ hậu hĩnh, tương đương thậm chí vượt hơn tiền lương hàng năm của họ.

Thời Hán ban thưởng vô cùng hậu hĩnh. Nguồn: Epoch Times.

Đến giữa thời Đông Hán, phe cánh ngoại thích họ Đậu chuyên quyền, Ngự sử Hà Sưởng dâng sớ lên hoàng đế, nói rằng lạp tứ quá hào phóng khiến quốc khố suy kiệt. Ý kiến của Hà Sưởng không được tiếp thu, lại gây thù oán với họ Đậu, dẫn đến việc quan lộ của ông long đong lận đận sau này.

Chế độ Lạp tứ vẫn được sử dụng trong thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, nhưng đến thời Đường thì đã có sự thay đổi.

Thời Đường tạo điều kiện làm ăn, thưởng Tết bằng hiện vật

Những năm đầu nhà Đường, chính quyền trung ương trực tiếp cấp kinh phí cho các đơn vị khác nhau, gọi là “quan bản tiền”, số tiền này không phải để quan lại tiêu pha mà là tiền vốn để họ làm ăn, tạo ra thu nhập. Sau khi các đơn vị nhận được tiền, sẽ cắt cử người đem đi cho vay. Từ Lục bộ, cho đến phủ huyện nha môn đều tham gia vận hành như vậy.

Đối tượng cho vay chủ yếu là các thương nhân thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị. Thời gian cho vay có thể kéo dài từ vài ngày đến một năm. Lãi suất hàng tháng tối thiểu là 3%, ngoài ra còn có lãi suất gộp, nếu gia hạn khoản vay một năm thì lãi suất có thể lên đến 40%. Lợi nhuận thu được, triều đình sẽ lấy một phần nhỏ, còn nha môn sẽ giữ phần lớn, cuối năm các quan chức sẽ phân phát tiền, bởi vì nó được phân phối tại cuối năm nên cũng có thể coi là “thưởng Tết”.

Nhưng thưởng Tết chính thức của hoàng đế thì lại không có tiền, mà chỉ có hiện vật.

Thời Đường thưởng Tết bằng hiện vật. Nguồn: Sound of Hope.

Thời Đường nổi tiếng giàu có, cao sang, phong nhã. Người thời Đường thích tắm gội, chăm sóc thân thể, chú trọng phục sức. Ngoài ra, khí hậu mùa đông Trung Quốc rất khắc nghiệt. Thế nên cũng không quá ngạc nhiên khi tặng phẩm cuối năm từ hoàng đế là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

“Dậu dương tạp trở” của Đoàn Thành Thức có ghi “Mồng tám tháng chạp, ban thưởng cho Bắc môn Học sĩ sáp dưỡng môi, kem dưỡng da, đựng trong bình bằng ngọc, ống bằng ngà”.

“Thái Bình ngự lãm” chép rằng “Mồng tám tháng chạp, dâng lên trên bột tắm, cùng với cao dưỡng tóc, kem dưỡng mặt, sáp dưỡng môi.”

Qua đó có thể thấy mỹ phẩm chính là tiêu chuẩn “thưởng Tết” thời Đường.

Năm Chí Đức 2 (năm 757), mồng 8 tháng Chạp, lúc này đã dẹp xong loạn An Sử, trở về Trường An, nhà thơ Đỗ Phủ dự yến tiệc của vua Đường Túc Tông và được ban thưởng. Bài thơ “Lạp nhật” của ông có ghi lại: “Khẩu chi diện dược tuỳ ân trạch - Thuý quản ngân anh há cửu tiêu”, nghĩa là “Theo ơn huệ mà có sáp môi, kem mặt - Ống xanh, bình bạc từ trên trời ban xuống”, trong đó ống xanh, bình bạc chính là đồ đựng kem mặt, sáp môi.

Từ giữa thời Đường, không chỉ quan chức kinh đô được thưởng Tết, mà hầu khắp quan lại địa phương, lính thú biên thùy đều được quan tâm.

Năm Trinh Nguyên 16 (năm 800), mồng 8 tháp Chạp, triều đình phái sứ giả tới ban thưởng cho Hoài Nam tiết độ sứ Đỗ Hữu, bao gồm một quyển lịch năm mới; kem dưỡng mặt, sáp dưỡng môi, các loại thuốc hồng tuyết, tử tuyết đựng trong các loại hộp mỹ nghệ kim hoa ngân, kim lăng; lại tuyên thánh chỉ không riêng Đỗ Hữu, mà còn úy lạo tướng tá, quan lại, tăng nhân đạo sỹ, người già, bách tính. Năm Trinh Nguyên 19 (năm 803), mồng 8 tháng Chạp, cử sứ giả đến nhà quan trung thừa Lý Vấn, cũng ban cho tử tuyết, hồng tuyết, kem dưỡng mặt, sáp dưỡng môi mỗi thứ một hộp, bột tắm một túi.

Thời Tống lương cao, thưởng ít

Lễ Lạp Bát mồng 8 tháng Chạp phát triển dần dần gắn với Phật giáo, đến thời Tống lại thịnh Nho giáo, Đạo giáo, ngày lễ quan trọng của triều đình chuyển sang Ngày Đông Chí.

Hằng năm đến ngày này, hoàng đế sau khi làm lễ tế trời, sẽ bày yến tiệc và ban thưởng cho các quần thần gần gũi.

Yến tiệc thời Tống. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thời Bắc Tống thịnh hành việc sĩ phu cài hoa, bởi vậy trong yến tiệc, hoàng đế sẽ ban cho quần thần hoa tươi, khăn lụa thêu hoa. Tể tướng, khu mật sứ nhận được 18 đóa hoa to, 8 đóa hoa lan chi, các quan chức còn lại được giảm dần dựa theo phẩm trật.

Ngoài ra hoàng đế sẽ tặng hiện vật. Dựa theo phẩm trật của quan chức, tể tướng, thân vương, sứ tướng, xu mật sứ sẽ nhận được 5 con cừu, 2 thạch gạo, 5 thạch bột mì, 2 đấu rượu nếp; tri xu mật viện, tuyên huy sứ không sai biệt nhiều so với tể tướng, chỉ là giảm 1 thạch gạo; quan văn điện đại học sĩ, học sĩ, tam ti sứ, tam sư cho đến đại phu, quản quân tiết độ sứ nhận được 3 con cừu, 1 thạch gạo, 3 thạch bột mì, 2 đấu rượu nếp. Các quan chức còn lại dựa theo đẳng cấp, mà hiện vật lần lượt giảm dần.

Thực tế những đồ thưởng này mang nặng ý vị tinh thần, còn quy ra vật chất thì không là gì cả khi so với lương quan lại thời Tống.

Thời Tống là thời đại giàu có nhất nhì trong lịch sử, ngay đến lương của một vị quan thanh liêm như Bao Chửng cũng vô cùng cao. Tính hết tất cả tiền lương cùng các phụ cấp, phúc lợi như tiền cơm, tiền trà, tiền than củi sưởi ấm, tiền công sứ, tiền chức phụ… của ông cũng đến một vạn quan tiền.

Thời Minh lương quan chức thấp, không có thưởng

Thời Minh, đặc biệt thời kỳ ban đầu như “Hồng Vũ chi trị”, “Vĩnh Lạc thịnh thế”, phúc lợi toàn dân rất tốt. Người đời vẫn ca tụng rằng “lão đắc khởi, bệnh đắc khởi, tử đắc khởi” nghĩa là tuổi già được quan tâm chăm sóc, khi bệnh tật được cấp phát thuốc miễn phí, tới lúc chết cũng được yên nghỉ trong nghĩa trang tử tế.

Phúc lợi toàn dân đã tốt, thì quan chức cũng chỉ có thể lấy đạo đức làm tôn chỉ, yên tâm làm việc, lương bổng hoặc tưởng thưởng quá cao không để làm gì.

Mùa đông lạnh lẽo ở kinh thành. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Tất nhiên theo thời gian, những tệ đoan hủ bại cũng dần dà xuất hiện. Các quan chức cấp thấp, các quan chức địa phương biết quan chức kinh thành không có thu nhập mấy, bèn hối lộ thông qua hình thức “thán kính” - tức là tiền đút lót, nhưng gọi mỹ miều là “tiền than củi sưởi ấm”, bày tỏ sự quan tâm đến đồng liêu năm cùng tháng tận giá rét khổ cực.

Phong bì đựng “tiền than củi” này bên trên không đề số tiền, mà sẽ đề một câu thơ, đoạn văn, mượn điển cố, điển tích để người nhận ngầm hiểu. Ví dụ 120 lượng thì ghi “Tần quan nhất tọa”, mượn điển cố “Hàm Cốc quan cao nhất bách nhị thập trượng”; 300 lượng thì ghi “Mao thi nhất bộ”, ý nói bộ “Kinh thi” của Mao Hanh và Mao Trường có 305 bài; 800 lượng thì ghi “Mạnh Tân nhất độ”, ý nói Chu Vũ Vương tập hợp 800 chư hầu ở hội Mạnh Tân để tiến hành phạt Trụ.

Tất nhiên, những việc kiểu vậy không thể gọi là “thưởng Tết” chân chính.

Thời Thanh lì xì nhẹ nhàng

Thời Thanh, thưởng Tết được hoàng đế đổi thành hình thức tặng “hà bao”, tức túi lì xì. “Khiếu đình tục lục” của Chiêu Liên ghi chép rằng thời kỳ Càn Long - Gia Khánh, “dịp cuối năm, các vương công đại thần đều được ban thưởng, các quan ngự tiền đại thần đều được ban thưởng một túi lì xì ‘tuế tuế bình an’”. Trong túi đó có gì? Có thể lấy của vương công Mông Cổ làm ví dụ: đầu tiên là 1 túi lớn có một viên ngọc thạch bát bảo, 4 túi nhỏ chứa kim ngân bát bảo, ngoài ra còn 1 túi nhỏ chứa 4 đồng xu và 4 nén kim ngân.

Một chiếc túi thời Thanh. Nguồn: Epoch Times.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Thưởng Tết của quan lại thời xưa như thế nào