Tôn Quyền (3): Khai phá Giang Nam, mở các tuyến hàng hải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôn Quyền sau khi lên ngôi, ngoài việc dùng quân sự để mở rộng bờ cõi, ổn định chính quyền, còn thông qua hình thức liên kết hôn nhân, chiêu tập vỗ về kiến lập quan hệ bền chặt với các gia tộc lớn ở Giang Đông, có được sự ủng hộ của họ. Đồng thời còn chú trọng mở rộng phát triển địa khu về phía nam Trường Giang.

Khai phá Giang Nam

Ngay từ thời Đông Hán, dải đất phía nam Trường Giang luôn được khai phát, nhưng vẫn còn nhiều vùng hoang vu. Cuối thời Đông Hán phương bắc chiến loạn liên miên, làm dân chúng phải di dời xuống phía nam, mang theo lượng lớn nhân lực vật lực cùng kỹ thuật sản xuất. Tôn Quyền liền chiêu tập dân di cư để tập trung sản xuất nông nghiệp, tiến hành lập đồn điền.

Tôn Quyền còn hết sức chú trọng tu bổ thủy lợi, ông hạ lệnh tu sửa đê Đông Hưng, đề phòng sạt lở, đồng thời cho đào kênh mương phía đông, cùng sông đào vận chuyển, làm cho giao thông đường thủy phát triển, còn thêm công dụng tưới tiêu.

Về phương diện thương nghiệp, Tôn Quyền từng tổ chức những nhóm binh sĩ quản lý sản xuất thủ công nghiệp và các hoạt động thương nghiệp. Ông còn cho thiết lập các cơ cấu quản lý kinh doanh tương ứng, ví dụ cho đặt chức quan phụ trách về tơ lụa may mặc ở đô thành Kiến Nghiệp gọi là ‘Chức Lạc’, chuyên sản xuất sản phẩm tơ lụa cao cấp. Tại Kiến Nghiệp còn có hai chợ lớn, là nơi giao thương hàng hóa.

Nhờ sự phò tá của các trung thần lương tướng, trong vòng 20 năm, Tôn Quyền đã quản lý Đông Ngô quy củ nghiêm trang, đồng thời thông qua việc khai phát Giang Nam, biến một vùng hoang vu rộng lớn thành nơi làng mạc trù phú, phồn vinh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Công nghệ đóng tàu, thủ công nghiệp cùng thương nghiệp của Đông Ngô có bước tiến dài.

Theo ghi chép trong “Ngô thời ngoại quốc truyện” của Khang Thái thời Tam Quốc, thuyền đi biển lớn nhất của Đông Ngô có tới 7 cánh buồm, loại thuyền này thuận gió có thể đi từ Gia-Na-Điều-Châu Nam Hải thẳng đến Đại Tần chỉ mất có một tháng. Ưu điểm của loại thuyền nhiều buồm nhiều cột này là mỗi buồm có độ nghiêng đón gió riêng, buồm sau không cản gió buồm trước, cho nên thuyền di chuyển với tốc độ rất nhanh, kỹ thuật này đứng đầu thế giới khi ấy.

Kỹ thuật đóng tàu của Đông Ngô cũng phát triển mạnh mẽ. Tại quận Kiến An (nay là Phúc Châu) cho đặt chức Điển Thuyền Hiệu Úy, quản lý việc vẽ thiết kế thuyền. Ngoài ra còn sắp đặt các ‘Thuyền đồn’ dùng để phát triển nghề đóng tàu dọc theo bờ biển, như ở Vĩnh Ninh (nay là Triết Giang thành phố Ôn Châu), Hoàng Dương (nay là Triết Giang huyện Bình Dương), Ôn Ma (nay là Phúc Kiến huyện Liên Giang) v.v.

Theo sử sách, khi Đông Ngô bị tiêu diệt, chỉ tính riêng thuyền của quan lại đã có trên năm nghìn chiếc. Còn chiến thuyền lớn của Đông Ngô, chiếc lớn nhất trên dưới có năm tầng, chở được tới ba nghìn binh sĩ. Còn thuyền mà Tôn Quyền ngồi mang tên ‘Phi Vân’, ‘Cái Hải’ lại càng thêm hùng vĩ tráng quan. Ngay cả những thuyền lớn phổ thông cũng dài tới hai mươi trượng (khoảng 46 m), cao trên mặt nước hai, ba trượng (4,6m, đến 6,9m), có thể chở sáu, bảy trăm người.

Theo sử sách, thời Tôn Quyền, Đông Ngô tiến hành những chuyến đi xa trên biển với quy mô lớn. (Getty Images)
Theo sử sách, thời Tôn Quyền, Đông Ngô tiến hành những chuyến đi xa trên biển với quy mô lớn. (Getty Images)

Đông Ngô nắm trong tay kỹ thuật chế tạo thuyền lớn cùng kiến thức hàng hải hàng đầu, nên tự nhiên cũng không xem nhẹ việc thám hiểm. Theo sử sách, vào thời Tôn quyền, Đông Ngô đã tiến hành những chuyến đi xa trên biển với quy mô lớn.

Đóng quân ở Đài Loan

Vào thời cổ đại, Đài Loan từng bị gọi là ‘Di Châu’, ‘Lưu Cầu’. Theo tác phẩm “Lâm Hải thủy thổ chí” của Thẩm Oánh người Đông Ngô Tam Quốc, Di Châu ở quận Lâm Hải (nay là dải đất phía nam Ninh Hải, Triết Giang), cách hai ngàn dặm về phía Đông Nam. Do đó có thể thấy rõ ‘Di Châu’ chính là Đài Loan ngày nay.

Trong sách miêu tả giống như miền Bắc Đài Loan ngày nay, phong tục tập quán của dân Di Châu có thể tìm thấy trong dân tộc Cao Sơn của Đài Loan ngày nay, chứng minh rằng Di Châu tức là Đài Loan.

Ngoài ra, trong “Nguyên sử - Lưu Cầu truyện” (quyển 210) có viết: “Lưu Cầu, tại Nam Hải chi Đông” (Lưu Cầu, ở phía đông Nam Hải).

Năm 230, Tôn Quyền dự định phái khiển tướng quân Vệ Ôn, Gia Cát Trực suất lĩnh hơn vạn quân binh ‘Phù hải cầu Di Châu cập Đản Châu’ (theo đường biển tìm Di Châu và Đản Châu (tức Nhật Bản cổ đại)). Đản Châu ở giữa biển, tương truyền Tần Thủy Hoàng phái phương sĩ Từ Phúc mang theo vài nghìn đồng nam, đồng nữ lên đường tìm núi Bồng Lai cùng Tiên dược, rồi dừng chân ở đây mà không quay về. Đông Ngô cũng có thuyền nhân bị bão gió thổi dạt vào Đản Châu.

Ý định của Tôn Quyền bị đại thần Lục Tốn cùng quần thần phản đối. Họ khuyên can: ‘Đường xa vạn dặm khó lường, phong ba bất trắc, người dễ bị khí hậu lạ làm mắc bệnh, nay đi tìm họ, là bước chân vào chốn gian nan, muốn thọ ích lại thành tổn hại, muốn có lợi trái lại nhận hại’.

Nhưng Tôn Quyền vẫn không nghe theo.

“Lâm hải thủy thổ chí” có ghi, sau khi Vệ Ôn, Gia Cát Trực lĩnh binh xuất hành, đến được Di Châu. Họ men theo bờ biển mà tới được Phúc Châu, Tuyền Châu, sau đó đi ngang qua eo biển Đài Loan, rồi lên bờ ở vùng đất nay là thành phố Đài Nam, Gia Nghĩa. Sau khi ở lại Đài Loan một năm, cũng không tìm thấy Đản Châu (Nhật Bản cổ đại), sau đó do quân sĩ không quen khí hậu nên phải quay về Đại Lục, theo thuyền quay về còn có thêm cả nghìn người dân bản địa Đài Loan.

Đây là những ghi chép sớm nhất trong lịch sử Đài Loan về sự xuất hiện của chính quyền thống trị cùng quân đội. Từ đây về sau, sự giao lưu giữa Đài Loan và Đại Lục tăng thêm nhiều.

“Ngô quốc” trong thư tịch cổ Nhật Bản

Tuy cuộc hành trình của Vệ Ôn và Gia Cát Trực đi tìm Đản Châu không thành công, nhưng đó không biểu hiện rằng không có giao lưu giữa Đông Ngô với Nhật Bản. Ngày nay, năm 1984, tại Nhật Bản khai quật được 370 tấm gương đồng là sản vật của nước Ngô, chứng minh rằng giữa hai nước có giao lưu mậu dịch. Trong cổ thư Nhật Bản “Nhật Bản thư ký” và “Cổ sự ký”, có gọi Đông Tấn Nam Triều là ‘Ngô quốc’, gọi nhân dân vùng ấy là ‘Ngô dân’, các đồ tơ lụa, phục trang, giường nằm được gọi chung là đồ của ‘người Ngô’, điều đó nói lên rằng Đông Ngô có ảnh hưởng rất sâu sắc đến Nhật Bản.

Cao Câu Ly xưng thần tiến cống

Vào thời Tôn Quyền, đội thuyền đã từng đi xa đến tận Liêu Đông. Khi ấy Liêu Đông tuy nằm trong phạm vi thế lực của nước Ngụy, nhưng thực tế là do một gia tộc Công Tôn địa phương làm hoàng đế, ngoài ra còn có Cao Câu Ly cũng lập quốc ở đây. Ngay trong những năm đầu Kiến An, Tôn Quyền từng phái sứ giả vượt biển tới Liêu Đông để liên hợp với Công Tôn Khang, nhưng sứ giả bị giết, hai nhà từ đó kết oán thù.

Năm 228, con trai Công Tôn Khang là Công Tôn Uyên trở thành người thống trị Liêu Đông. Công Tôn Uyên một mặt tiếp nhận tước phong của nước Ngụy, một mặt chủ động phái sứ giả tới Đông Ngô biểu thị hảo ý với Tôn Quyền.

Hạm đội của Đông Ngô cũng xuất hiện trên biển vùng giữa Liêu Đông và Giang Nam, trao đổi hàng hóa giữa hai nước.

Đối với sự kiện này, Tào Ngụy không kịp ra tay, còn quan lại địa phương cũng chẳng biết phải làm gì.

Tháng 3 năm 232, Tôn Quyền tổ chức một hạm đội lớn cả trăm thuyền lớn gọi là ‘Phù chu bách sưu’ (Trăm thuyền trên biển), phái khiển tướng quân Chu Hạ, Hiệu úy Bùi Tiềm làm thống soái, lên đường đến Liêu Đông.

Tin tức rất nhanh đến tai Ngụy quốc, Thái thú Nhữ Nam là Điền Nghị cho đặt phục binh, vào tháng 9, chiến thuyền Đông Ngô trên đường về bị tập kích, Chu Hạ bị giết, quân sĩ lên được bờ đều bị bắt làm tù binh, thuyền bị đánh chìm gần hết, Bùi Tiềm may mắn thoát nạn. Tôn Quyền vì việc này mà hối hận mãi.

Một tháng sau đó, Công Tôn Uyên phái sứ giả tới hiến da điêu (một loài chồn đen, da nó cực kì quý), ngựa quý, Tôn Quyền rất cao hứng, bắt đầu chuẩn bị cho chuyến hành trình Liêu Đông. Tháng 3 năm 233, Tôn Quyền phái khiển Thái thường (chức quan quản việc tông miếu lễ nghi) Trương Di, Chấp kim ngô (chức quan quản cấm vệ quân) Hứa Yến làm sứ giả, tướng quân Hạ Đạt, Ngu Tư, Trung lang tướng ( võ quan thống lĩnh cấm cung, hộ vệ hoàng thất) Vạn Thái, Hiệu úy Bùi Tiềm, suất lĩnh đại quân vạn người hộ tống sứ giả của Công Tôn Uyên về Liêu Đông, đồng thời ban thưởng vàng ngọc trân bảo cho Công Tôn Uyên, đồng thời phong Công Tôn Uyên làm Yên Vương. Trương Chiêu cùng các đại thần cho là Công Tôn Uyên được đãi ngộ quá cao, lo rằng sẽ sinh sự, nhưng Tôn Quyền không nghe theo.

Quả không sai, khi Công Tôn Uyên trông thấy Vạn Thái mang theo lượng lớn tiền tài hàng hóa để mua chiến mã, liền sinh ác niệm, nhân lúc sứ thần quân binh không đề phòng mà hốt gọn một mẻ lưới, cướp sạch tiền tài, còn mang thủ cấp của Trương Di, Hứa Yến dâng cho Tào Ngụy lập công.

Tôn Quyền biết tin bừng bừng lửa giận: ‘Trẫm sáu mươi tuổi, thế sự gian nan còn gì chưa nếm trải, nay bị lũ chuột này giỡn mặt, khí giận cao như núi. Không tự tay vặt đầu bọn chuột ném xuống biển, thì còn mặt mũi nào nhìn các nước. Có dìm chết chúng cũng chưa hả giận.’

Ông định đích thân mang hạm đội thảo phạt Công Tôn Uyên, nhưng được Lục Tốn hết lòng can gián mới bỏ ý định này. Tôn Quyền còn chủ động xin lỗi Trương Chiêu.

Có một điều bất ngờ là bốn vị trung sứ đi sứ Liêu Đông là Tần Đán, Trương Quần, Đỗ Đức, Hoàng Cương trốn thoát, tới Cao Câu Ly (nay là phía bắc bán đảo Triều Tiên), gặp quốc vương Vị Cung. Họ liền bẩm báo rằng vua Ngô ban tặng cho Cao Câu Ly vương và quan chủ bạ (chức quan phụ trách văn thư, con dấu) chiếu thư cùng tặng phẩm quý giá, nhưng tài vật đã bị Liêu Đông cướp sạch.

Do Cao Câu Ly có oán thù truyền kiếp với Công Tôn Liêu Đông, nên quốc vương Vị Cung rất đỗi vui mừng, không chỉ tiếp nhận chiếu lệnh mà còn cử đội hộ tống đưa bốn người về nước, đồng thời dâng biểu xưng thần, tiến cống ngàn tấm da điêu, mười bộ lông Trĩ quý. Tôn Quyền có thu hoạch bất ngờ. Thế là năm tiếp theo, Tôn Quyền phái sứ giả bái kiến Vị Cung, nhưng đi nửa đường thì nhận tin Vị Cung đã nhận lệnh của Thứ sử U Châu của Ngụy quốc giết sứ giả nước Ngô, nên sứ giả đành tìm đường quay lại.

Hành trình tới Liêu Đông của Tôn Quyền đã mở ra tuyến hàng hải quan trọng từ Đông Hải tới bán đảo Liêu Đông, bán đảo Triều Tiên, từ thời Tần, Hán, chưa có tuyến đường biển nào thông suốt từ miền Đông Bắc đến Đông Nam như thời Đông Ngô-Tôn Quyền.

Hậu thế triều Tấn hành trình về phía Nam chính là thông qua tuyến hàng hải này. Thời kỳ Lục triều* cũng nhờ tuyến hải lộ này mà giao lưu mậu dịch với các nước vùng bán đảo Triều Tiên.

*Lục triều: chỉ sáu triều đại trong các thời kỳ Tam Quốc, Lưỡng Tấn, và Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Giai đoạn này bắt đầu ngay sau sự sụp đổ của nhà Hán vào năm 220, và là một giai đoạn chia rẽ, bất ổn định và xung đột.

(Còn tiếp)

Lưu Hiểu - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tôn Quyền (3): Khai phá Giang Nam, mở các tuyến hàng hải