Tôn Quyền (5): Ân nghĩa quân thần lưu mãi ngàn năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là vị hùng chủ Giang Đông, Tôn Quyền đã diễn dịch thành công ân nghĩa quân thần. Hãy lấy “ Giang Đông tứ kiệt” làm ví dụ.

Coi Chu Du như anh trai

周瑜
Tranh chân dung Chu Du. (Miền công cộng)

Sau khi Tôn Sách bị ám sát, Chu Du với vai trò Trung Hộ Quân cùng Trường Sử Trương Chiêu phò tá Tôn Quyền. Lúc bấy giờ ở Giang Đông có câu nói rằng “Việc đối nội không rõ thì hỏi Trương Chiêu, việc đối ngoại không rõ thì hỏi Chu Du”, nghĩa là Trương Chiêu phụ trách việc trong triều đình, Chu Du chịu trách nhiệm cầm quân bên ngoài chống giặc ngoại xâm và mở rộng lãnh thổ. Tôn Quyền rất kính trọng Chu Du, đối xử với ông như anh trai, ân lễ đủ đầy, Chu Du cũng mang lòng trung sáng tỏ.

Khi quân Tào Tháo áp sát biên giới, Đông Ngô chia hai phái chủ hòa và chủ chiến, không bên nào chịu nhường bên nào. Chu Du ra sức gạt bỏ ý kiến chủ hòa của số đông, phân tích ưu thế của Đông Ngô - "Lãnh thổ rộng ngàn dặm, quân binh tinh nhuệ, trang bị đầy đủ", và nhược điểm của quân Tào -" Không giỏi thủy chiến, thêm nữa mùa đông rất lạnh, ngựa không có thức ăn. Quân lính đi đường xa mệt nhọc, không quen khí hậu, chắc chắn sẽ bị bệnh." Ông chủ trương chống lại Tào Tháo. Ông còn bảo chỉ cần 5 vạn quân tinh nhuệ là có thể đánh bại quân Tào.

Quả nhiên, đúng như Chu Du dự liệu, quân của Tào Tháo đã bị suy yếu nghiêm trọng trong “Trận chiến Xích Bích”, trận chiến đặt định cho thế chân vạc-thiên hạ chia ba trong Tam Quốc.

Hai năm sau trận Xích Bích, Chu Du chết vì bạo bệnh, Tôn Quyền "Mặc áo trắng để tang, khiến mọi người xung quanh cảm động". Cho đến khi lên ngôi xưng đế, ông còn xúc động nói: "Nếu không có Chu Công Cẩn , trẫm không thể làm hoàng đế được!"

Do vua tôi có ân sâu nghĩa nặng, nên Tôn Quyền cũng rất quan tâm chăm sóc đến gia đình Chu Du.

Với Lỗ Túc: Không nhìn sở đoản, chỉ nhìn sở trường

魯肅
Tranh chân dung Lỗ Túc. (Miền công cộng)

Lỗ Túc sinh ra trong một gia đình quý tộc, mất cha từ nhỏ, được bà nội nuôi dưỡng. Ông có dáng hình cao lớn, tính cách hào sảng, thích đọc sách, cưỡi ngựa bắn cung. Ông cũng là người trọng nghĩa khinh tài nên được dân làng rất ngưỡng mộ. Khi đó Chu Du là thủ lĩnh của làng, vì thiếu lương thực nên nhờ Lỗ Túc giúp đỡ, Lỗ Túc đã hào phóng tặng một kho lương chứa ba nghìn hộc cho Chu Du. Từ đó trở đi, hai người trở thành bạn tốt của nhau, sau này Chu Du tiến cử Lỗ Túc cho Tôn Quyền.

Tôn Quyền lập tức hẹn gặp Lỗ Túc, cùng đàm luận vui vẻ. Khi những vị khách có mặt đứng dậy rời đi, Lỗ Túc cũng cáo từ, nhưng lát sau, Lỗ Túc được Tôn Quyền lặng lẽ gọi lại, hai người cùng ngồi uống rượu.

Tôn Quyền hỏi Lỗ Túc làm thế nào để thành tựu nghiệp bá vương. Lỗ Túc đáp: “Triều đình Hán không thể phục hưng, Tào Tháo cũng không thể lập tức diệt trừ. Xét về thế của tướng quân, lựa chọn duy nhất là đặt định tại Giang Đông xem thế cục xoay vần. Thế thời như vậy, cát cứ một phương, sẽ không chiêu mời nghi hoặc hận thù.Tại sao vậy? Bởi vì lúc này phương bắc đang nhiều sự khó khăn. Tướng quân nên lợi dụng cơ hội này để tiêu diệt Hoàng Tổ, tấn công Lưu Biểu, cố gắng chiếm lấy toàn bộ phía nam sông Trường Giang, sau đó xưng đế kiến hiệu, rồi tiến tới đoạt thiên hạ, đây giống như việc kiến lập đại nghiệp của Hán Cao Tổ khi xưa đó!”

Tôn Quyền giãi bày: "Ta chỉ muốn giúp đỡ nhà Hán. Những gì ngươi nói đều nằm ngoài khả năng của ta."

Thế nên Lỗ Túc bị Trương Chiêu và những người khác đánh giá: “Tuổi trẻ nông nổi, chưa dùng được”. Tuy nhiên, Tôn Quyền cho rằng Lỗ Túc có ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm, ông nói: ‘Nhưng một sở đoản không đủ tổn hại đến hai sở trường’, ‘Ta không xét sở đoản chỉ nhìn sở trường’. Từ đó, Tôn Quyền không hề nghi ngờ, luôn trọng dụng Lỗ Túc, còn ban tặng nhiều cho Lỗ Túc, khiến nhà họ Lỗ lại giàu có như xưa.

Lỗ Túc cũng xứng đáng với sự tin tưởng của Tôn Quyền dành cho mình, tham tán mưu lược, nhìn xa trông rộng, luôn bảo vệ lợi ích của Tôn Quyền và Giang Đông, đặc biệt khi quân Tào kéo đến, ông chủ trương chống lại Tào Tháo một cách mạnh mẽ, làm Tôn Quyền thốt lời khen: “Trời đã ban ông cho ta!”

Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc đảm nhận những trách nhiệm quan trọng và có đóng góp to lớn trong việc củng cố quyền lực chính trị của Giang Đông. Lỗ Túc qua đời vì bệnh tật vào năm 217 ở tuổi 46. Tôn Quyền đích thân tổ chức tang lễ và đến dự lễ an táng. Tôn Quyền không bao giờ quên vai trò quan trọng của Lỗ Túc trong việc thành lập và củng cố chính quyền Đông Ngô. Khi ông đăng đàn tế Trời xưng đế, ông nói với các công hầu khanh tướng: "Lỗ túc đã từng nói điều này, có thể nói là người thấu tỏ tình thế!"

Khi ông mất thì đã có một đứa con còn trong bụng mẹ, tên là Lỗ Thục, sau này lớn lên, lần lượt giữ chức Chiêu Vũ Tướng quân, Đô Đình Hầu , Đô đốc Vũ Xương, Hà Tiết, Hạ Khẩu, có tài cầm quân, trị lý. Sau khi mất, con trai là Lỗ Mục kế thừa tước hiệu và thống lĩnh binh mã.

Với Lã Mông: Bề tôi chết quân vương buồn thương

呂蒙
Tranh chân dung Lã Mông. (Miền công cộng)

Đại tướng Lã Mông tuy xuất thân thấp kém nhưng có đủ dũng cảm cùng trí mưu, được Tôn Quyền đánh giá cao và cho rằng ông có “Những kế sách kỳ diệu”. Trong suốt cuộc đời của mình, Lã Mông cũng cố gắng hết sức để phò tá Tôn Quyền và lập được nhiều chiến công, như tiêu diệt kẻ thù cũ Hoàng Tổ và chiếm Giang Hạ; theo Chu Du, Trình Phổ đánh bại quân Tào ở Xích Bích; lập kế chiếm ba quận; tiến quân đến Giang Lăng và phối hợp với Lục Tốn để tập kích Kinh Châu, đánh bại Quan Vũ… mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của thế lực Đông Ngô.

Để nâng cao kiến ​​​​thức cho Lã Mông, Tôn Quyền từng đề nghị Lã Mông đọc nhiều sách, nhưng Lã Mông phàn nàn việc quân bận rộn, không có thời gian để đọc. Tôn Quyền lấy ví dụ Lưu Tú, Tào Tháo dù bận việc quân nhưng tay không rời sách, khuyến khích ông đọc nhiều hơn, đồng thời chuẩn bị cho ông các tác phẩm “Binh pháp Tôn Tử”, “Lục Thao”, “ Tả truyện", "Quốc ngữ", "Sử ký", " Hán thư", "Đông Quan Hán kỷ" và các sách khác. Sau đó Lã Mông bắt đầu học tập, theo thời gian lâu dần, ông đọc rất nhiều sách, kiến thức ngày càng cao.

Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc tiếp quản việc trấn giữ Lục Khẩu và kiềm chế Quan Vũ ở Kinh Châu. Một lần, Lỗ Túc đến thăm Lã Mông. Lã Mông mở tiệc chiêu đãi, đang lúc rượu nồng, Lã Mông hỏi Lỗ Túc: "Ông đảm nhận trọng trách quốc gia, lại ở ngay cạnh Quan Vũ, có kế sách gì để phòng bất trắc?"

Lỗ Túc đáp: “Tuỳ cơ ứng biến.”

Lã Mông nghiêm nghị nói: “Bây giờ Ngô và Thục tuy cùng một chiến tuyến, nhưng Quan Vũ như gấu như hổ, sao có thể không chuẩn bị trước chiến lược để đối phó được?” Nói xong, ông đề xuất năm kế sách đối phó với Quan Vũ.

Lỗ Túc nghe xong rất ngạc nhiên nói: “Tưởng ông chỉ có võ lược, không ngờ kiến ​​thức của ngài đã đạt tới trình độ này.” Sau đó khen ngợi: “Bây giờ ông đã có kiến thức thâm uyên, còn không còn là ‘chàng Mông đất Ngô’ ngày xưa nữa”.

Từ đó trở đi, cả hai trở thành bạn tốt, rất thân thiết.

Trong trận Giang Lăng, Lã Mông lập công lớn nên Tôn Quyền phong ông làm Thái thú quận Nam, phong làm Sàn Lăng hầu, ban cho vạn tiền, vàng 500 cân, Lã Mông nhiều lần từ chối và không chịu nhận tiền nhưng Tôn Quyền không cho phép. Trước khi tước hiệu được ban bố, Lã Mông lâm bệnh nặng, Tôn Quyền đưa ông vào trong cung để chữa trị và treo thưởng ngàn vàng để tìm danh y khắp thiên hạ.

Thầy thuốc châm cứu cho Lã Mông, Tôn Quyền rất muốn vào thăm, nhưng sợ làm phiền và ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của Lã Mông, nên cho khoét một lỗ nhỏ trên tường để lén nhìn vào. Thấy Lã Mông ăn được chút thì Tôn Quyền vui mừng. Khi Lã Mông không uống giọt nước nào thì Tôn Quyền buồn bã ủ dột. Khi bệnh tình của Lã Mông khá hơn đôi chút, Tôn Quyền liền đặc xá cho các tù nhân để ăn mừng. Lã Mông bệnh nặng, Tôn Quyền ở bên giường bệnh và nhờ các Đạo sĩ cầu nguyện cho Lã Mông.

Lã Mông bất hạnh qua đời vì bệnh tật, Tôn Quyền đau khổ muốn chết.

Sau này, Tôn Quyền cho con trai Lã Mông là Lã Bá kế tục tước vị, giao cho 300 hộ để canh giữ lăng mộ gia đình và 50 ha đất miễn thuế. Ân nghĩa vua tôi sâu đậm khiến người ta cảm thán.

Lục Tốn: Ngoài triều đại tướng, trong triều thừa tướng

陸遜
Tranh chân dung Lục Tốn. (Miền công cộng)

Lục Tốn là một nhân tài kiệt xuất khác của Đông Ngô sau Chu Du, Lỗ Túc và Lã Mông. Năm 203, ông gia nhập mạc phủ của Tôn Quyền. Qua một vài trận chiến, Lục Tốn bước đầu đã bộc lộ tài năng quân sự xuất chúng nên được Tôn Quyền đánh giá cao.

Kể từ đó, ông đã theo Tôn Quyền hơn bốn mươi năm. Tôn Quyền luôn xưng hô Lục Tốn là "quân" (anh), gả cháu gái là con gái của Tôn Sách cho Lục Tốn, đồng thời thường hỏi ý kiến ​​ông để bàn sách lược cai trị.

Tôn Quyền cực kỳ tin cậy Lục Tốn, đặc biệt giao cho ông một con dấu, mỗi khi trao đổi thư tín với Thục Hán, luôn để Lục Tốn xem xét, nếu cảm thấy có gì sai sót có thể sửa lại và tự đóng dấu gửi đi.

Năm 222, Lục Tốn đánh bại quân Thục Hán do Lưu Bị chỉ huy ở Di Lăng và nổi danh từ trận chiến này. Trận Di Lăng cũng đã trở thành một trận chiến kinh điển nổi tiếng về phòng ngự tích cực trong lịch sử chiến tranh. Năm 228, Đại tư mã nước Ngụy - Tào Hưu, dẫn quân xâm lược phương nam, Lục Tốn cầm quân nghênh chiến, thậm chí còn đích thân thúc ngựa xông pha. Sau khi Lục Tốn giành thắng lợi, ông được tôn làm Đại tướng quân, thống lĩnh binh quyền nước Ngô hơn mười năm.

Sau này, Tôn Quyền cử Lục Tốn giúp đỡ Thái tử Tôn Đăng trấn giữ Vũ Xương, đồng thời phong cho ông những chức vụ quan trọng như Tổng đốc quân quốc, có thể nói đó là một ân sủng lớn.

Năm 244, Tôn Quyền mời Lục Tốn làm thừa tướng. Tôn Quyền viết trong chiếu thư: “Trẫm là người vô đức, thừa ứng Thiên mệnh mà lên ngôi cao, thiên hạ chưa thống nhất, lũ gian loạn vẫn còn đầy đường, trẫm ngày đêm lo lắng, chẳng kể nghỉ ngơi. Duy có khanh thiên tư thông dĩnh, đức sáng lòng trong, gánh vách được chức vị lớn này, phò tá cho triều đình trừ loạn.”

Sau khi trở thành Thừa tướng, Lục Tốn vẫn tận chức tận trách, trung thành với Tôn Quyền, các suy đoán tiên liệu của ông không việc nào không ứng nghiệm.

Khi đó Thái tử Tôn Hòa và Lỗ vương Tôn Bá đang tranh giành ngôi vị thái tử, quan lại trong và ngoài triều đình hầu hết đều cử con em đi phục vụ Tôn Hòa hoặc Tôn Bá. Lục Tốn giữ thái độ trung lập, nhưng vẫn bị buộc phải vướng vào tranh chấp xác lập người thừa kế, bị Tôn Quyền do hiểu lầm mà khiển trách. Lục Tốn tức giận sinh bệnh qua đời vào tháng 2 năm 245, thọ 63 tuổi.

Sau đó, Tôn Quyền biết được sự thật về việc Tôn Bá hãm hại Tôn Hòa, Lục Tốn thực bị oan uổng, ông vô cùng hối hận, nói với con trai Lục Tốn là Lục Kháng rằng: “Ta trước đây đã nghe lời vu khống, vi phạm chính đạo, có lỗi với cha con. Hãy đem tất cả những tài liệu khiển trách đó đốt sạch, không để người ta nhìn thấy nữa.” Lục Tốn sau này được truy tặng thụy hiệu là Chiêu Hầu.

(Còn tiếp)

Lưu Hiểu - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tôn Quyền (5): Ân nghĩa quân thần lưu mãi ngàn năm