Tôn Quyền (6): Chứng kiến Thần tích, hoằng dương Phật Pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời Tam Quốc, Phật giáo được du nhập vào Đông Ngô, tuy nhiên, theo ghi chép của "Kim Lăng Phạn Sát Chí", khi Tôn Quyền của Đông Ngô lên nắm quyền, Phật giáo vẫn chưa hưng thịnh. 

Chuông lạc đà đung đưa phát ra những tiếng leng keng, hàng hóa chất đầy lưng đội lạc đà, đồng cỏ bao la, hoa dại ngập trời, dòng sông trong vắt, hành trình dài dặc. Con đường tơ lụa cổ xưa đã để lại rất nhiều hoài niệm và câu chuyện cho hậu thế. Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ theo con đường cổ xưa này mà du nhập vào Trung Quốc vào cuối thời Tây Hán, đầu thời Đông Hán.

東漢第二個皇帝明帝好佛,在洛陽建立了中國歷史上第一個佛寺「白馬寺」。(Fanghong / 維基百科)
Hoàng đế thứ hai của nhà Đông Hán-Minh Đế, rất yêu thích Phật giáo và đã cho xây dựng ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, chùa Bạch Mã, ở Lạc Dương. (Fanghong/Wikipedia/ SA 2.5)

Theo sử sách ghi lại, Minh Đế, vị hoàng đế thứ hai nhà Đông Hán, rất yêu thích Phật giáo, sau khi nằm mơ thấy Tây Vực có một vị Thần tên gọi là “Phật” liền sai Thái Am, Tần Cảnh cùng những người khác làm sứ giả đến Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay) vào năm 68 để cầu Phật kinh, Phật Pháp. Vào năm sau, ông đã cho kiến lập ngôi chùa thờ Phật đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc “Bạch Mã Tự” ở Lạc Dương. Minh Đế còn mời các cao tăng Thiên Trúc đến chùa để dịch kinh, truyền giáo, có không ít tăng nhân Thiên Trúc tới Trung Quốc truyền Phật pháp.

Lần đầu gặp Sa môn

Năm 248, Hoàng đế nước Ngô Tôn Quyền đang xử lý việc triều chính trong cung điện ở Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh), có một vị đại thần đến báo rằng có một người Hồ vừa vào lãnh thổ Đông Ngô, ông ta tự xưng là Sa môn (chỉ người tu hành), ngoại hình, trang phục rất kỳ lạ, nên tiến hành kiểm tra.

Tôn Quyền lần đầu tiên nghe nói về "Sa môn", bèn hỏi ông áy đã làm gì. Tâu rằng ông ấy đã dựng tượng Phật trong túp lều cỏ, và tuyên xưng với bên ngoài rằng, Đức Phật là người đại triệt đại ngộ, vượt thoát sinh tử và có thể giải tỏa nỗi đau khổ của thế gian. Nhưng ông ấy mắt sâu mũi lõ, đầu cạo trọc nên không nhiều người dám tin, vì vậy...

Tôn Quyền ngắt lời nói: "Ban đầu Hán Minh Đế mơ thấy một vị Thần, tự xưng là Phật. Tín ngưỡng của người này cũng tương tự thế chăng? mau đưa ông ấy đến gặp trẫm".

Lúc sau, một cận thần đã đưa vị Sa môn này đến gặp Tôn Quyền. Tôn Quyền thấy người này khí độ hiên ngang, đôi mắt sáng ngời, nên trong tâm rất cao hứng, liền hỏi tên và quê quán. Vị Sa môn tự giới thiệu mình là "Khương Tăng Hội" (cũng gọi là Khang Tăng Hội), tổ tiên của ông là người nước “Khương Cư” (cũng gọi là Khang Cư), sống ở Thiên Trúc qua nhiều thế hệ, nhưng ông lớn lên ở Giao Chỉ (nay là Việt Nam).

Theo ghi chép lịch sử, sau khi cha mẹ ông qua đời và chịu tang xong, Khương Tăng Hội xuất gia đi tu. Ông tuân thủ nghiêm ngặt giới luật Phật gia, là người rộng lượng nhã nhặn, có cái nhìn sâu sắc. Để hồng dương Phật giáo, ông đã đến Đông Ngô.

Tôn Quyền hiếu kỳ hỏi: “Tóm lại thì Phật linh nghiệm ở chỗ nào?”

Khương Tăng Hội trả lời: "Đã hàng nghìn năm trôi qua kể từ khi Đức Phật Như Lai nhập Niết Bàn. Khi đó, xương của Đức Phật hóa thành xá lợi, ánh sáng thần thánh chiếu lung linh. Vua A Dục từng xây dựng 84 nghìn ngôi bảo tháp để lưu giữ chúng. Hậu thế xây chùa, tu sửa tháp là để hồng dương di nguyện của Đức Phật, hy vọng bệ hạ sẽ giúp đỡ”.

印度阿育王時期所造的舍利塔,現藏於印度新德里國家博物館。(Hideyuki KAMON / 維基百科)
Bảo tháp xá lợi được xây dựng từ thời A Dục Vương của Ấn Độ hiện nằm ở Bảo tàng Quốc gia ở New Delhi, Ấn Độ. (Hideyuki KAMON/Wikipedia-SA 2.0)

Tôn Quyền tỏ ra nửa tin nửa ngờ, nói rằng nếu Khương Tăng Hội lấy được hạt xá lợi và cho ông tận mắt nhìn thấy thì Tôn Quyền sẽ cho kiến tạo chùa tháp; nhưng nếu lừa dối, sẽ trừng phạt theo hình luật quốc gia. Khương Tăng Hội yêu cầu Tôn Quyền cho bảy ngày hạn định.

Có duyên tận mắt thấy Xá lợi

Trở lại lều cỏ, Khương Tăng Hội kể lại chuyện cho các đệ tử của mình, mọi người đều biết rằng đây không phải là một việc dễ dàng. Với quyết tâm “Sự hưng phế của Phật Pháp là vào lúc này đây!”, ông tắm gội sạch, bước vào tịnh thất thành tâm trai giới, đặt một bình đồng lên hương án, ngày đêm dâng hương lễ bái, cầu xin xá lợi giáng lâm.

Tuy nhiên, bảy ngày đã hết, bình đồng rỗng không. Khang Tăng Hội xin gia hạn thêm bảy ngày, Tôn Quyền đồng ý, tuy nhiên, mười bốn ngày trôi qua mà vẫn không thấy xá lợi giáng lâm. Tôn Quyền có chút tức giận nên muốn trị tội Khang Tăng Hội.

Khương Tăng Hội cho rằng cầu xin xá lợi không dễ như múc nước gánh củi, có lẽ một số đệ tử của ông sợ quyền uy của nhà vua mà không thể giữ tâm thanh tịnh, dẫn đến Phật Tổ trách tội, nên xin gia hạn thêm bảy ngày. Tôn Quyền đáp ứng.

Khang Tăng Hội bảo đệ tử phát lời thề: “Nếu không linh ứng, sẽ nhận cái chết!”

Vì thế mọi người càng thêm kiền thành cầu nguyện. Tới ngày thứ bảy, sáng đến trưa đi rồi chiều tối, bình vẫn rỗng không. Nhưng đến canh năm, trong bình vang lên một tiếng ‘keng’, Khương Tăng Hội đã đích thân đến xem, quả nhiên thấy Xá lợi. Đây là nguồn gốc của viên "Cảm ứng Xá lợi”.

Sau bình minh, Khương Tăng Hội đến gặp Tôn Quyền với chiếc bình đồng trên tay. Văn võ bá quan khắp triều đình cũng đến xem. Chỉ thấy ánh quang ngũ sắc chiếu hắt lên bình đồng, mọi người đều kinh ngạc tấm tắc mãi. Tôn Quyền cầm bình đồng đổ xá lợi lên đĩa đồng, viên xá lợi rơi xuống, đĩa đồng lập tức vỡ tan. Tôn Quyền lập tức khởi lòng kính sợ: Dù trễ hẹn nhưng cuối cùng đó là sự thật.

Tôn Quyền cảm thán: "Đây quả thực là chuyện tốt lành hiếm thấy".

Khương Tăng Hội cũng nói với Tôn Quyền rằng xá lợi của Đức Phật vững chắc vô cùng “Lửa mạnh không thể đốt cháy, chày thép không thể đập vỡ”.

Tôn Quyền liền ra lệnh đặt xá lợi lên đe và cho lực sĩ dùng búa thép đập mạnh, đe và búa đều bị lõm xuống nhưng Xá lợi vẫn vẹn nguyên. Tôn Quyền hết sức khâm phục.

Sắc chỉ xây chùa, hoằng dương Phật Pháp

Tôn Quyền không thất hứa, lập tức ra lệnh xây chùa dựng tháp, cho phép thầy trò Khương Tăng Hội truyền bá Phật giáo ở đó. Vì đây là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông nên được đặt tên là "Kiến Sơ tự" và khu vực quanh chùa được gọi là "Phật Đà lý" (làng Phật Đà).

Ngoài ra, Tôn Quyền còn cho xây dựng "Tháp A Dục Vương" để cung phụng ‘Cảm ứng xá lợi’, tòa tháp này là tiền thân của "Chùa Đại Báo Ân" sau này, được xây dựng tu sửa bởi Minh Thành Tổ Chu Đệ. Từ đó Tôn Quyền tin vào Phật giáo, Phật giáo ở Giang Đông cũng dần dần hưng thịnh.

Vào tháng 8 năm 2008, tại di chỉ chùa Báo Ân đã khai quật được ‘Thiết hàm’ (văn tự khắc trên sắt), phát hiện một loạt di tích văn hóa và Thánh vật đẳng cấp thế giới bao gồm bảy bảo tháp A Dục Vương, trong đó cất giữ "Xương đỉnh đầu của Đức Phật". Điều này một lần nữa chứng minh việc Tôn Quyền xây dựng tháp A Dục Vương là sự thực.

Hiện thế báo ứng, Tôn Hạo bắt đầu tín Phật

Hơn 20 năm sau khi Tôn Quyền qua đời, Hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là Tôn Hạo lên ngôi, ông bạo ngược vô độ, ra lệnh bãi bỏ các nghi lễ tế tự không chính thống ở địa phương, không tin vào sự tồn tại của Thần Phật, đồng thời muốn phá bỏ những đền chùa.

Các quan đại thần khuyên ông không nên làm điều này, nói rằng chùa tháp là do tiên vương xây dựng, nếu khinh suất phá bỏ sẽ bị Trời trừng phạt, tới khi ấy thì hối hận cũng đã muộn. Tôn Hạo sau đó cử Trương Dục, người không tin vào Thần Phật và giỏi hùng biện, đến chùa Kiến Sơ để hỏi vặn Khương Tăng Hội.

Trương Dục và Khương Tăng Hội đối đáp qua lại, từ sáng sớm đến chiều tối, Trương Dục không thể khiến Khương Tăng Hội khuất phục. Sau này Tôn Hạo nghe Trương Dục nói rằng, Khương Tăng Hội rất thông tuệ tài trí, kẻ phàm phu không thể lường được, liền đón ông vào triều, hỏi ông về quả báo thiện ác, Khương Tăng Hội dùng ngôn ngữ đơn giản để cho Tôn Hạo hiểu: “Địa ngục được tạo ra dành cho kẻ ác, Thiên đường được thiết lập cho người thiện lương. Địa ngục và Thiên đường có nhiều tầng khác biệt, mức độ chịu khổ và hưởng thụ được xác định theo mức độ thiện, ác, từ đó khuyến khích điều tốt và trừng phạt cái ác".

Tôn Hạo không thể phản bác Khương Tăng Hội, đã ngừng phá hủy chùa tháp, nhưng vẫn không tin vào Phật Pháp.

Một ngày nọ, khi quân lính đang sửa chữa khu vườn hậu cung, họ đã đào một bức tượng vàng từ dưới đất, và dâng lên Tôn Hạo. Sau đó Tôn Hạo đặt ở một nơi ô uế, lấy nước phân tưới lên, cùng quần thần cười nhạo. Nhưng chẳng bao lâu sau, toàn thân Tôn Hạo bị sưng tấy, vùng kín đặc biệt đau đớn, ông hất tung bàn, ngã khỏi ghế và hét lên điên cuồng.

Thái sư chiêm bốc nói: “Đây là do xúc phạm đến Thần linh”.

Sau khi Tôn Hạo đến chùa thắp hương sám hối, cơn đau nhức trên cơ thể ông nhanh chóng biến mất. Từ đó, ông đã loại bỏ hoàn toàn mọi ác niệm về Phật giáo, đồng thời mời Khương Tăng Hội thuyết Pháp cho mình, hỏi kỹ về nguyên do của phúc báo và tội nghiệp. Vì Tôn Hạo bản tính hung bạo, thô lỗ, khó tiếp thu ý nghĩa thâm sâu ảo diệu, nên Khương Tăng Hội chỉ kể cho ông nghe một số câu chuyện đơn giản về quả báo thiện ác để khai sáng cho ông.

Tôn Hạo vốn có ngộ tính, nghe xong lòng sinh thiện ý, mười ngày sau liền khỏi bệnh. Tôn Hạo sau đó đã khiến mọi người trong cung đều tin vào Phật pháp. Nhưng cuối cùng bản chất của Tôn Hạo khó thay đổi, hành động liều lĩnh sai trái khiến đất nước điêu tàn, cuối cùng bị diệt vong.

Tuy nhiên, sự khuyến khích và ủng hộ của Tôn Quyền cũng như sự thay đổi thái độ của Tôn Hạo đã thúc đẩy sự truyền bá của Phật giáo ở Giang Nam, sự thịnh vượng của Phật giáo ở Giang Nam trong các triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều không phải là không liên quan đến điều này.

(Hết)

Lưu Hiểu - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tôn Quyền (6): Chứng kiến Thần tích, hoằng dương Phật Pháp