Ung thư tuyến tuỵ: Căn bệnh cực nguy hiểm với tỷ lệ sống sót thấp, nhận biết 4 dấu hiệu tiềm ẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, và các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường bị bỏ qua, khiến nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Thông thường, đến khi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy, thì bệnh đã di căn sang các mô lân cận hoặc các cơ quan khác, khiến nó trở thành bệnh ung thư giai đoạn muộn không thể phẫu thuật cắt bỏ.

Các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy ở giai đoạn này bao gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch, nhằm kiểm soát các triệu chứng và làm chậm tiến triển, nhưng các phương pháp này không thể chữa khỏi bệnh.

Phẫu thuật vẫn là lựa chọn điều trị tiềm năng khi ung thư được phát hiện rất sớm, ở trạng thái cục bộ.

Tỷ lệ sống sau 5 năm của số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ là 12%. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn muộn thường chỉ sống sót khoảng một năm sau khi chẩn đoán.

Đối với những người được chẩn đoán trước khi khối u di căn hoặc lan rộng, thời gian sống trung bình là 3 – 3,5 năm. Khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán sớm có thể được chữa khỏi.

Điều này khiến việc phát hiện sớm trở nên quan trọng hơn cả việc điều trị.

Để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh ung thư tuyến tuỵ, dưới đây là 4 trường hợp có thể giúp nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh.

Phân tích các trường hợp về triệu chứng sớm

4 trường hợp lâm sàng sau đây minh họa các dấu hiệu sớm có thể xảy ra của ung thư tuyến tụy.

- Bệnh án 1: Các triệu chứng giống như bệnh tiểu đường

Ông Lee (58 tuổi), từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và đang được điều trị.

Mặc dù không có yếu tố tiền sử gia đình và duy trì lối sống lành mạnh, ông đột ngột phát triển các triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như khát nước quá nhiều, đi tiểu thường xuyên và giảm cân đáng kể.

Sau đó, ông đến gặp tôi (tác giả gốc của bài viết) để điều trị đau lưng dưới, mong muốn giảm đau thông qua châm cứu Đông y.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, tôi nhận thấy ông bị vàng da rất nhẹ, vì vậy tôi khuyên ông nên đến gặp bác sĩ nội khoa.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận ông Lee không bị tiểu đường hoặc thoát vị đĩa đệm thắt lưng, mà là ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu. Khối u tuyến tụy của ông nằm gần túi mật, gây ra tình trạng vàng da.

Một bài đánh giá năm 2015 được công bố trên tạp chí BMJ đã tìm thấy mối quan hệ tuyến tính mạnh mẽ giữa nồng độ đường huyết lúc đói và tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy trong phạm vi tiền tiểu đường và tiểu đường.

Theo đó, cứ tăng 0,56 milimol/lít lượng đường huyết lúc đói thì tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy tăng 14%.

Trường hợp này nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác nếu một người ở tuổi trung niên đột ngột phát triển các triệu chứng của bệnh tiểu đường mà không có bất kỳ dấu hiệu điển hình nào.

- Bệnh án 2: Mệt mỏi và trầm cảm

Bà Wong (45 tuổi), tính tình vui vẻ, gia đình hòa thuận và không có vấn đề gì về sức khỏe.

Tuy nhiên, bà bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và suy sụp về mặt cảm xúc, thiếu năng lượng cho bất kỳ hoạt động nào. Đôi khi, bà cảm thấy rất buồn, thậm chí còn rơi nước mắt.

Nghi ngờ mình có thể đang gặp phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm, bà đã đến gặp bác sĩ tâm thần.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận rằng bà có tất cả các dấu hiệu điển hình của bệnh trầm cảm - giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân, mệt mỏi, khó tập trung, mất hứng thú với các hoạt động và mất ngủ.

Bà được kê đơn thuốc chống trầm cảm, nhưng không có cải thiện. Bà cũng thử liệu pháp tâm lý, nhưng bác sĩ tâm thần không thể xác định được nguyên nhân tâm lý cụ thể nào.

Một số triệu chứng của bà Wong khiến chúng tôi lo ngại. Bà thường xuyên bị đau bụng, mặc dù không dữ dội nhưng lan sang các vùng xung quanh. Ngoài ra, bà còn bị trào ngược axit dạ dày nghiêm trọng và đầy bụng.

Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải xem xét khả năng các yếu tố khác gây ra trầm cảm, một trong số đó có thể là khối u.

Sự xuất hiện của khối u có thể dẫn đến sản xuất các cytokine gây viêm. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của các chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm serotonin và adrenaline, cả hai đều đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng.

Hơn nữa, khối u có thể kích hoạt các tế bào thần kinh viêm nhất định, dẫn đến phản ứng căng thẳng tăng nhanh ảnh hưởng đến não và tuyến thượng thận, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Sau một loạt các xét nghiệm, bà Wong được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. May mắn thay, bệnh được phát hiện tương đối sớm và bà đã trải qua một ca phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tụy thành công.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry cho thấy trầm cảm và lo âu được chẩn đoán lâm sàng có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư cao hơn, tỷ lệ sống sót sau ung thư thấp hơn và tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân ung thư tuyến tụy có nhiều khả năng mắc đồng thời bệnh trầm cảm và lo âu, và dường như có mối liên hệ sinh học. Ở một số bệnh nhân, trầm cảm có thể là dấu hiệu tiền triệu của ung thư tuyến tụy.

- Bệnh án 3: Tiêu chảy và táo bón

Ông Wang (60 tuổi), trước đó vẫn luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, ông đột ngột bị tiêu chảy mãn tính, đôi khi kèm theo táo bón.

Cả tiêu chảy và táo bón đều có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích, một tình trạng thường đi kèm với các cơn thay đổi tâm trạng và căng thẳng tâm lý. Tuy nhiên, ông Vương không báo cáo bất kỳ vấn đề về cảm xúc nào.

Do đó, chúng tôi khuyên ông nên kiểm tra thêm để điều tra bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào khác. Trong quá trình nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện ra một khối tắc nghẽn cục bộ trong ruột của ông, mà khối u này có nguồn gốc từ tuyến tụy.

Với việc phát hiện sớm, can thiệp phẫu thuật kịp thời kèm theo các phương pháp điều trị bổ sung, tình trạng của ông Wang được kỳ vọng sẽ mang lại tiên lượng tốt.

Các vấn đề về đường tiêu hóa mãn tính cần được lưu ý nghiêm túc nếu chúng kéo dài mà không cải thiện.

Đặc biệt cần quan sát xem phân có đen hay không, vì điều này có thể cho thấy chảy máu hoặc thiếu máu tiềm ẩn, cần theo dõi chặt chẽ khả năng có khối u.

- Bệnh án 4: Chế độ ăn uống không lành mạnh

Ông Zhang bị béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh lâu năm, bao gồm sở thích ăn đồ chiên rán, đồ uống có đường, thịt và đồ ngọt, cùng với việc lười vận động trong thời gian dài.

Nhận thức được những rủi ro về sức khỏe liên quan đến béo phì, ông quyết định cải thiện chế độ ăn uống. Sau đó, ông bị sụt cân nhanh chóng, đến mức hơi gầy. Ông cũng chán ăn, mệt mỏi rõ rệt, tâm trạng kém và thiếu năng lượng.

Ông Zhang đến bệnh viện để xét nghiệm, nhưng không tìm thấy lý do cụ thể nào cho các triệu chứng của mình.

Sau khi bị đau bụng quặn thắt đột ngột, ông đến phòng cấp cứu, nơi chụp CT scan cho thấy một khối u ở tuyến tụy, sau đó được chẩn đoán là ung thư tuyến tụy.

Một nghiên cứu cho thấy béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy thông qua các cơ chế khác nhau, bao gồm viêm, kháng insulin và những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Những thói quen không lành mạnh lâu năm có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u. Việc sớm nhận ra sự cần thiết của việc thay đổi lối sống là điều cần thiết. Tất nhiên, các yếu tố di truyền khác cũng cần được xem xét.

Những dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư tuyến tụy

Các trường hợp trên nhắc nhở chúng ta cần cảnh giác với khả năng mắc ung thư tuyến tụy nếu các triệu chứng sau đây xuất hiện:

  • Tăng đột ngột lượng đường trong máu
  • Trầm cảm không rõ nguyên nhân
  • Giảm cân nhanh chóng
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Đau bụng hoặc lưng
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa dai dẳng

Phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng trong việc chống lại ung thư tuyến tụy. Tôi hy vọng bài viết này sẽ là lời nhắc nhở hữu ích cho mọi người.

Theo Jingduan Yang - The Epoch Times
Chấn Hưng

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

Ung thư tuyến tuỵ: Căn bệnh cực nguy hiểm với tỷ lệ sống sót thấp, nhận biết 4 dấu hiệu tiềm ẩn