Ăn hai thứ này vào đầu bữa ăn tương đương với việc ‘tra tấn’ tuyến tụy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khoang bụng, tuyến tụy nằm ở vùng bụng bên trái và phía sau dạ dày. Cơ quan này có vai trò sản xuất các enzyme và hormone giúp tiêu hoá thức ăn, một trong số những hormone đó là insulin - có tác dụng điều chỉnh lượng glucose, một loại đường trong cơ thể con người.

Để cung cấp năng lượng, mỗi tế bào trong cơ thể cần phải có glucose. Hormone insulin như một “ổ khóa” tế bào, giúp tế bào mở ra để cho phép nó sử dụng glucose làm năng lượng. Nếu tuyến tụy không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết hoặc không sử dụng tốt nó, glucose sẽ tích tụ trong máu, khiến tế bào bị đói năng lượng.

Khi lượng glucose tích tụ trong máu đến mức độ nhất định, nó sẽ gây tăng đường huyết với nhiều dấu hiệu gồm khát nước, buồn nôn và khó thở. Trong trường hợp lượng glucose ở mức thấp, nó sẽ gây hạ đường huyết, người bệnh thường run rẩy, chóng mặt và mất ý thức.

Khi nói đến kiểm soát lượng đường trong máu, "thứ tự ăn uống" luôn là một chủ đề được thảo luận sôi nổi. Vậy ăn uống như thế nào để tránh lượng đường trong máu tăng nhanh?

Về vấn đề này, bà Wu Yingrong, Giám đốc Quỹ Dinh dưỡng Đài Loan, đã tự mình thực hiện thí nghiệm thực tế, sử dụng máy theo dõi đường huyết để quan sát liên tục ảnh hưởng của việc thay đổi thứ tự ăn đến lượng đường trong máu. Các loại thực phẩm được thử nghiệm gồm trái cây, cơm, rau, sữa đậu nành, trứng.

Bà phát hiện ra rằng khi ăn trái cây và cơm đầu tiên trong mỗi bữa ăn, lượng đường trong máu có xu hướng dao động như “tàu lượn siêu tốc”. Có thể nói rằng, nếu một người có thói quen này trong thời gian dài, chẳng khác gì đang “hành hạ” tuyến tụy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bà Wu Yingrong viết trên trang Facebook chuyên ngành "Thế giới dinh dưỡng của Tiến sĩ Wu Yingrong" cho biết, để kiểm tra ảnh hưởng của việc điều chỉnh thứ tự ăn uống đối với lượng đường trong máu, bà đã tiêu thụ thức ăn giống nhau vào buổi sáng trong hai ngày liên tiếp, với số lượng và thời điểm giống nhau, kiểm soát trong vòng 40 phút để ăn xong, biến số duy nhất là thứ tự ăn.

Đầu tiên, sau khi ăn theo thứ tự trái cây, cơm, rau, sữa đậu nành, trứng. Bà Wu Yingrong phát hiện ra rằng lượng đường trong máu dao động mạnh, ban đầu khi ăn giá trị đường huyết là 98mg / dL; nhưng chưa đầy 20 phút, đã tăng vọt lên 164; sau đó lại giảm xuống 60, đã đến mức hạ đường huyết; sau đó lại từ từ tăng lên, hai tiếng sau giá trị đường huyết lại tăng lên 93; phút thứ 200 là 103.

Nhìn thấy đường cong như vậy, bà Wu Yingrong thực sự lo ngại, hóa ra lượng đường trong máu thay đổi rất lớn trong cơ thể. Bà chỉ ra rằng trong suốt quá trình này, tuyến tụy đã rất nỗ lực làm việc, nhưng nếu mỗi bữa ăn đều “hành hạ” tuyến tụy như thế, cơ quan này có thể bị quá tải, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Lượt thử nghiệm thứ hai là ăn theo thứ tự trứng, sữa đậu nành, rau, cơm, trái cây. Bà Wu Yingrong chỉ ra rằng đường cong thay đổi của lượng đường trong máu đã ổn định hơn nhiều, lượng đường trong máu tăng lên từ từ, sau đó từ từ giảm xuống. Khi bắt đầu ăn, giá trị đường huyết là 95mg / dL; sau 65 phút từ từ tăng lên 132; sau đó từ từ giảm xuống, nhưng không có hiện tượng hạ đường huyết. Sau hai tiếng, giá trị đường huyết hiển thị là 105.

Bà Wu Yingrong cho biết thứ tự ăn uống ảnh hưởng đến lượng đường trong máu đã trở thành tâm điểm của nhiều nghiên cứu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, khi ăn rau trước và cuối cùng là carbohydrate, có thể cải thiện lượng đường trong máu sau bữa ăn và nồng độ insulin, ngay cả khi ăn nhanh.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho thấy thứ tự ăn uống carbohydrate cuối cùng có xu hướng làm giảm lượng đường trong máu và dao động insulin.

Một lần nữa, điều này cho thấy rằng thứ tự ăn uống có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Theo Li Hua - Aboluowang
Chấn Hưng



BÀI CHỌN LỌC

Ăn hai thứ này vào đầu bữa ăn tương đương với việc ‘tra tấn’ tuyến tụy