Văn võ toàn tài (2): Chuyên Chư giết vua Ngô, Quý Trát treo kiếm trước mộ vua Từ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên Chư giết vua Ngô

Thời điểm làm việc lớn cuối cùng cũng đã đến, Công tử Quang gọi Chuyên Chư đến. Không đợi Công tử nói, Chuyên Chư đã hiểu cả, nói ngay: Bây giờ là lúc để tiến hành đại sự, lần này tôi hành thích, tính mạng chắc chắn khó giữ, nên xin về quê thăm mẹ trước khi đi. Công tử Quang chấp thuận.

Chuyên Chư trở về nhà thăm mẹ. Chưa cất lời mà nước mắt đã chảy dài, khi mẹ anh nhìn thấy Chuyên Chư khóc, bà biết rằng cuối cùng đã đến lúc phải báo đáp đại ân của Công tử. Mẹ anh mỉm cười và nói: Mẹ vui lòng vì con có được cơ hội như vậy. Ân huệ của Công tử dành cho chúng ta rất lớn. Từ xa xưa, chữ Hiếu và chữ Trung không thể vẹn đôi đường, ta hy vọng con có thể tận trung, hơn nữa nếu làm được điều này, con sẽ lưu danh sử sách, ta sẽ tự hào về con. Về phần ta, con không cần lo lắng, ta tin Công tử Quang sẽ chăm sóc tốt cho ta.

Mẹ ông nói, thứ nhất là báo ân, tức là chính nghĩa; thứ hai, trung và hiếu không thể vẹn toàn cả hai, ta hy vọng con sẽ tận trung; thứ ba, đừng lo lắng cho ta, Công tử sẽ chăm sóc ta chu đáo.

Tuy Chuyên Chư cũng hiểu đạo lý này, nhưng vẫn nhìn mẹ lưu luyến xót thương. Mẹ anh nói: Chà, đừng khóc nữa, mẹ khát lắm rồi, con có thể ra sông lấy nước cho mẹ được không?

Chuyên Chư đi ra sông lấy nước, khi quay lại thì phát hiện cửa phòng ngủ của mẹ mình đã đóng lại.

Anh hỏi vợ tại sao mẹ anh không có ở phòng ngoài? Vợ anh ấy nói rằng mẹ chỉ nói rằng bà hơi buồn ngủ, muốn ngủ một lát nên bảo chúng ta đừng làm phiền bà. Chuyên Chư lúc đó cảm thấy bất an nên đẩy cửa phòng ngủ của mẹ, thấy mẹ anh đã treo cổ tự tử rồi.

Mẹ anh đã dùng cái chết của chính mình để củng cố quyết tâm của Chuyên Chư, một mặt là trừ bỏ những lưu luyến xót thương của anh đối với mẹ mình, bởi vì nếu anh còn day dứt đến mẹ mình, anh có thể sẽ không quyết đoán trong vụ ám sát, mặt khác, mẹ anh muốn củng cố hơn nữa quyết tâm của anh. Vì mẹ anh đã chết vì chuyện này nên Chuyên Chư phải hoàn thành việc này để báo hiếu. Vì vậy người mẹ đã dùng cái chết của chính mình để hoàn thành cho sự nghiệp của con trai.

Sau khi mẹ mất, Chuyên Chư khóc lóc thảm thiết, khi đến gặp Công tử Quang, ông nói: Ngày xưa thân thể của tôi phải chăm sóc mẹ , bây giờ mẹ đã mất, từ nay thân thể tôi hoàn toàn thuộc về Công tử.

Công tử Quang nói, khi ra triều sẽ mời Ngô Vương đến nhà dùng bữa, sau đó chúng ta sẽ bố trí phục binh trong nhà, nhân cơ hội giết chết vua Liêu.

Vì vậy, ngày hôm sau khi đến triều đình, ông đã nói với vua Liêu rằng: Nhà thần có một đầu bếp rất nổi tiếng (chỉ Chuyên Chư), ông ấy nướng cá ngon vô cùng. Ngài có thể vui lòng đến nhà tôi dùng bữa được không?

Vương Liêu nói: Vương huynh mời, tất nhiên là phải đi rồi.

Khi vua Liêu trở về cung, ông nói với mẹ rằng ngày mai sẽ đến nhà Công tử Quang ăn tiệc. Mẹ ông nói: Con không được đi, mỗi lần Công tử Quang lên triều, khi nhìn thấy con đều lộ ra sắc hận, việc con đến ăn ở nhà anh ta là rất nguy hiểm, ta khuyên con không nên đi.

Vua Ngô nói: Con đã hứa với anh ta rồi, nếu con không đi, giữa anh em sẽ nảy sinh hiềm khích.

Rồi ông bảo: Cứ vậy đi, ngày mai con sẽ bố trí bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Ngày hôm sau, vua Ngô mặc ba lớp áo giáp, một bên trái và một bên phải, bên ngoài khoác cẩm bào. Vệ sĩ của ông bắt đầu từ cổng cung điện, đứng từng người một nối nhau, cho đến tận nhà của Công tử Quang.

Đồng thời, ông chọn ra 100 lực sĩ, tức là những dũng sĩ, đứng hai bên bảo vệ.

Trước khi mỗi món ăn được bưng lên, 100 dũng sĩ phải cởi bỏ quần áo của đầu bếp rồi khám xét kỹ để đảm bảo anh ta không mang theo bất kỳ vũ khí sắc nhọn nào. Sau đó, đầu bếp được phát một bộ quần áo mới để phục vụ đồ ăn, khi phục vụ đồ ăn, đầu bếp chỉ có thể quỳ gối về phía trước, tức là quỳ trên mặt đất và dùng đầu gối đi về phía trước, hai lực sĩ đi kèm hai bên. Sau đó dâng món ăn lên bàn của vua Ngô, xoay người rời đi ngay lập tức, không được phép ngẩng đầu nhìn lên. Bảo vệ chặt chẽ đến như thế.

Công tử Quang đang ăn tiệc, đột nhiên nói với Vương Liêu: Ái chà, hai ngày trước thần bị bong gân chân, bây giờ rất đau.

Vương Liêu nói: Khanh phải làm sao?

Công tử Quang cho biết, mỗi lần vào thời điểm này, thần sẽ dùng một tấm vải lớn quấn chân lại thật chặt để giảm đau.

Vua Liêu nói: Vương huynh cứ tự nhiên, đi buộc chân lại.

Công tử Quang đi vào phòng trong.

Lúc này Chuyên Chư đã làm xong món cá nướng. Cũng giống như trước, phải cởi quần áo, sau đó khám xét người, thay quần áo rồi quỳ gối đi về phía trước, có lực sĩ kèm hai bên, khi ông đặt con cá trước mặt vua Liêu, món cá nướng này quả thực mùi vị rất ngon nên vua Liêu cúi đầu nhìn con cá, Chuyên Chu lợi dụng lúc vua Liêu đang cúi đầu, đột nhiên mở bụng con cá, rút ​​kiếm ra và đâm một nhát vào ngực Ngô vương. Xuyên qua ba lớp áo giáp từ phía trước ra phía sau.

Lúc đó các lực sĩ đều ngây người sửng sốt, không ngờ hắn lại đặt kiếm vào bụng cá. Thanh kiếm này có tên là Ngư Trường Kiếm (kiếm ruột cá), là một thanh kiếm rất sắc bén, có thể xuyên qua áo giáp, xuyên qua trái tim, xuyên qua ngực, xuyên ra sau lưng. Khi đó, có một trăm dũng sĩ dùng đao kiếm chém Chuyên Chư vụn thành từng mảnh. Công tử Quang nghe thấy bên ngoài hỗn loạn, biết rằng Chuyên Chư đã thành công, liền dẫn theo vệ sĩ của mình xông ra chiến đấu.

Một mặt, Ngô Vương Liêu đã chết nên thế lực của phe này bị suy giảm, mặt khác, do vụ ám sát của Công tử Quang thành công nên tinh thần của phe Công tử Quang lên cao, rất nhanh họ đã đánh bại đám quân binh của Ngô Vương Liêu.

Công tử Quang lên xe tiến vào Ngô cung, tại đây truyền lệnh của nhà vua cho các quan đại thần, dùng lời của ông nội Thọ Mộng giải thích lý do tại sao nên làm vua nước Ngô. Điều này đã thuyết phục được các vị đại thần, đồng thời nhanh chóng mở kho để xuất lương thực, giảm thuế có lợi cho dân nên lòng dân dần dần bình ổn lại.

Quý Trát treo kiếm trước mộ vua Từ

Lúc này Diên Lăng Quý Tử (Quý Trát) vừa đi sứ nước Tấn trở về. Công Tử Quang cũng giả vờ nhượng bộ, nói: Sở dĩ cháu giết Vương Liêu là vì muốn thúc phụ trở thành vua, vì lúc đó ông nội đã nói như vậy.

Quý Trát nói rằng: Ngươi đã tự mình giết vua nước Ngô chỉ để trở thành vua, sao lại giả bộ khách sáo với ta như vậy?

undefined
Tranh vẽ Quý Trát. (Phạm vi công cộng)

Quý Trát là một người rất hiền minh, Khổng Tử cũng có nhiều lời khen ngợi ông. Một số việc của ông được ghi lại trong "Sử ký". Ông rất thông minh, khi đi sứ đến Tấn, ở Tấn vẫn còn có nhiều gia tộc lớn, tuy nhiên, khi Diên Lăng Quý Tử đến nước Tấn, ông thấy những nhân tài xuất sắc nhất trong nước đều tập trung ở gia tộc họ Hàn, họ Triệu và họ Ngụy, ông nói sẽ có một ngày nào đó nước Tấn sẽ bị chia cắt bởi ba gia tộc này. Ông đã nhìn thấy điều đó rất chính xác, 50 năm sau, sự kiện "Tam gia phân Tấn" xảy ra, nước Tấn bị chia thành ba nước Hàn, Triệu và Ngụy.

Diên Lăng Quý Tử cũng là một người rất đạo đức. Có lần ông đang đi sứ nước Từ, vua nước Từ rất thích thanh kiếm của ông. Nhưng vì đang đi sứ sang nước khác, và không thể thiếu thanh kiếm nên ông vẫn giữ im lặng. Khi ông đi sứ xong quay lại nước Từ, mọi hoạt động ngoại giao đã hoàn tất, nhưng vua nước Từ đã chết. Quý Trát tháo thanh bảo kiếm của mình và treo nó trên mộ vua Từ.

Có người hỏi: Tại sao ông lại treo kiếm ở đó?

Quý Trát nói: Vì trong thâm tâm tôi đã muốn trao tặng thanh kiếm này cho ông ấy dù tôi không nói ra. Chỉ là tôi phải đi làm nhiệm vụ nên phải mang theo thanh kiếm này. Bây giờ hoạt động ngoại giao đã hoàn tất, tôi nguyện ý trao thanh kiếm cho ông ấy để thực hiện lời hứa trong tâm của mình lúc đó.

(Chú thích: Ngũ Tử Tư lợi dụng cái chết của Sở Bình Vương để điều động các quan đại thần xung quanh vua Liêu đi xa. Công tử Quang nhân cơ hội chiêu đãi vua Liêu trong bữa tiệc dùng sát thủ Chuyên Chư đâm chết vua Liêu bằng một thanh kiếm giấu trong bụng cá.Theo "Sử ký, Thập nhị chư hầu niên biểu" ghi chép Chuyên Chư ám sát vua Liêu, đó là ngày Bính Tý tháng 4 năm 515 TCN. Công tử Quang lên ngôi, trở thành vị vua nổi danh trong lịch sử: Ngô vương Hạp Lư).

Can Tương và thanh Mạc Tà: vua và hoàng hậu của kiếm

Công tử Quang trở thành vua nước Ngô, để báo đáp Chuyên Chư, ông đã phong con trai của Chuyên Chư là Chuyên Nghị làm Thượng khanh. Chúng ta biết rằng thời Đông Chu, tước vị là như thế này, dưới chư hầu có sáu cấp tước: Thượng khanh, Trung khanh, Hạ khanh, Thượng đại phu, Trung đại phu, Hạ đại phu. Để trả ơn cho Chuyên Chư, Công Tử Quang đã phong tước vị cao nhất cho con trai của Chuyên Chư là Chuyên Nghị, người này sau này cũng là một vị tướng quân nổi danh.

Thanh bảo kiếm Chuyên Chư dùng để đâm vua Liêu được gọi là Ngư Trường Kiếm (kiếm ruột cá). Vua Hạp Lư cảm thấy thanh kiếm ruột cá là một vật không lành, vì nó đã giết chết nhà vua, nên đã chôn thanh kiếm ruột cá. Nhưng ông cũng muốn có được một thanh kiếm sắc bén như thanh kiếm ruột cá nên đã mời một bậc thầy rèn kiếm lúc bấy giờ tên là Can Tương đến nước Ngô.

(Chú thích: Can Tương và Mạc Tà là hai thanh kiếm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, Can Tương và Mạc Tà là vợ chồng. "Đông Chu liệt quốc" ghi lại rằng hai vợ chồng đã chọn sắt tốt nhất và các kim loại khác, chọn ngày lành tháng tốt mời các Thần chứng giám, dùng 300 đồng nam đồng nữ thổi lửa đốt than luyện trong ba tháng, nhưng tinh chất sắt không tan chảy. Vì vậy sau khi trai giới tắm gội, Mạc Tà đã ném mình vào lò lửa. Trong chốc lát, kim loại tan chảy, luyện thành hai thanh bảo kiếm Thư-Hùng (Thư: thuộc nữ, mái; Hùng: thuộc nam, trống). Thanh Hùng kiếm gọi là thanh Can Tương, thanh Thư kiếm gọi là thanh Mạc Tà. Can Tương giấu thanh Hùng kiếm và hiến tặng thanh Thư kiếm cho vua Ngô Hạp Lư).

Nhiều người cảm thấy chuyện này rất huyền hoặc, không được sử sách chính thức ghi lại, nhưng trong truyền thuyết, mọi người đều biết rằng thanh Can Tương và thanh Mạc Tà là vua và hoàng hậu của kiếm.

Có bằng chứng gián tiếp nào không? Thực sự có hai thanh kiếm như vậy sao?

Có một số bằng chứng gián tiếp, một là sau khi Can Tương dâng kiếm lên vua Hạp Lư, Hạp Lư đã từng dùng thanh kiếm này để chặt đá. Hòn đá được cắt ra giống như cắt đậu phụ vậy, hòn đá này được gọi là “Thí kiếm thạch” (đá thử kiếm), ngày nay vẫn còn. Có một địa điểm gần Tô Châu tên là Hổ Khâu, di tích đá thử kiếm vẫn còn ở đó.

Còn có bằng chứng gián tiếp nữa, năm 1965, một thanh kiếm được khai quật từ Lăng mộ số 1 ở Vọng Sơn, Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Có tám con dấu khắc chữ điểu triện trên thanh kiếm này, "Việt vương Câu Tiễn tự tác chi kiếm" (kiếm do chính tay Việt Vương Câu Tiễn chế tác). Thanh kiếm này là thanh kiếm của Câu Tiễn, vua nước Việt vào thời điểm đó, nó đã tồn tại được 2.500 năm. Khi mở mộ ra, thanh kiếm sáng loáng như mới, không một chút rỉ sét.

Thanh kiếm đã minh chứng cho trình độ công nghệ tiên tiến đáng kinh ngạc và sự khéo léo tinh xảo của người xưa Trung Hoa cổ đại.
Thanh kiếm của Câu Tiễn đã minh chứng cho trình độ công nghệ tiên tiến đáng kinh ngạc và sự khéo léo tinh xảo của người xưa Trung Hoa cổ đại. (Ảnh: Wikipedia)

Khi thử kiếm, họ sử dụng 20 tờ giấy in, dùng kiếm rạch nhẹ, 20 tờ giấy được cắt ra chỉ trong một lần. Hai ngàn năm trăm năm, một thanh kiếm không hề rỉ sét, vẫn sắc bén sáng ngời. Điều này cho thấy vào thời Xuân Thu, kỹ thuật chế tạo kiếm đã rất rất tiên tiến.

Nghe nói người ta khai quật được một thanh kiếm từ vùng ‘binh mã dõng’ (tượng đất nung và ngựa) ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thanh kiếm bị cong do đất lấp đè vào, tuy nhiên, ngay sau khi lấy đất ra, thanh kiếm đã trở lại hình dạng ban đầu một cách thần kỳ, giống như hợp kim nhớ hình ngày nay, có thể nhớ được hình dạng của chính nó, thật là sự việc không thể nghĩ bàn. Thuật rèn kiếm của Trung Quốc thời Xuân Thu thực sự vô cùng cao siêu.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 4 - Văn võ toàn tài (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Văn võ toàn tài (2): Chuyên Chư giết vua Ngô, Quý Trát treo kiếm trước mộ vua Từ