Vành đai 4 thủ đô Hà Nội đi qua đâu? Bản đồ, sơ đồ quy hoạch vành đai 4

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài viết cung cấp thông tin tổng quan về dự án tuyến đường vành đai 4 Hà Nội, bao gồm: quy mô, bản đồ, khi nào triển khai,...

Tháng 12/2021, Chính phủ Việt Nam có kết luận về "Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội". Theo đó, chính phủ thống nhất triển khai dự án này để tạo kết nối vùng và giảm ùn tắc giao thông.

Lãnh đạo TP. Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, nói với báo Vnexpress: "Hiện TP Hà Nội rất quyết tâm cho dự án này. Giao thông trên các tuyến chủ yếu hiện nay như đường vành đai 3 ở Hà Nội đã bắt đầu tắc nghẽn. Xây dựng vành đai 4 là đòi hỏi rất thúc bách và phù hợp với quy hoạch".

Ông Dũng cho biết, dự án này giúp khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, mở rộng không gian, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Video: Hình ảnh vành đai 4 qua Hà Đông, Hà Nội đang xây dựng

Quy mô dự án vành đai 4 thủ đô

Dự án tuyến đường dài hơn 111 km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài 111,2 km, gồm 102,2 km đường Vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường gồm 6 làn xe và có tốc độ 100 km/giờ.

Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Bản đồ dự án vành đai 4 Hà Nội

Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành. Trong đó:

  • Tuyến qua Hà Nội có chiều dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).
  • Còn tuyến qua Hưng Yên dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm).
  • Tuyến qua Bắc Ninh dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh).
Bản đồ đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội
Bản đồ đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội

Tiến độ triển khai dự án

Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 94.127 tỉ đồng với cơ cấu nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Theo TEDI, đơn giá xây dựng 1 km đường tiêu chuẩn cao tốc tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 ước tính khoảng 94,69 tỉ đồng/km. Đơn giá xây dựng 1 km đường bên đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư ô tô cấp 3 đồng bằng và đường ô tô cấp 4 đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỉ đồng/1km...

Tiến độ thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028, trong đó:

  • Từ năm 2021 - 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án.
  • Từ năm 2022 đến 2025 thực hiện giải phóng mặt bằng.
  • Còn từ 2022 - 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng.
  • Từ 2022 đến 2028 thi công đường cao tốc trên cao.

Theo quy hoạch, đường vành đai 4 sẽ có mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt là 120 m.

Vành đai 4 thủ đô đi qua những tỉnh nào?
Vành đai 4 thủ đô đi qua những tỉnh nào?

Tiến độ đường Vành đai 4 qua huyện Mê Linh sau 9 tháng thi công

  • Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm của TP Hà Nội, có chiều dài 112km. Riêng đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) có chiều dài khoảng 11,2km, chiếm tỷ lệ 19% toàn tuyến, đi qua địa bàn 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa.
  • Sau 9 tháng thi công, các đoạn qua huyện Mê Linh đã cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng với bề rộng 120m. Hiện các nhà thầu đang triển khai thi công đường song hành, chừa lại phần đất ở giữa cho dự án BOT cầu cạn cao tốc.
  • Đầu tháng 4/2024, tại công trường gói thầu xây lắp số 8 (dự án thành phần 2.1, xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội) thi công trên địa bàn huyện Mê Linh, các nhà thầu đang huy động nhiều máy móc, công nhân thi công các hạng mục cầu, nền đường trên tuyến chính.
  • Đối với hạng mục đường, phần việc hiện tại trên công trường chủ yếu là cào bỏ lớp đất hữu cơ, đổ đất mới và lu lèn tạo nền đường, đồng thời thi công hạ tầng thoát nước, cống hộp. Riêng đoạn đường thuộc địa phận xã Kim Hoa hiện có nhiều máy lu, máy gạt chuẩn bị sẵn để thực hiện gia tải nền đường.
  • Tại gói thầu số 8 dự kiến có 3 cây cầu. Hiện các nhà thầu đang triển khai 6 mũi thi công cầu, chủ yếu thực hiện công tác cọc khoan nhồi và đúc dầm cầu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự kiến, đến quý III/2025, phần đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ hoàn thành.

Nguồn vốn của dự án

Nguồn vốn dự án được chia làm 3 dự án thành phần:

  1. Giải phóng mặt bằng do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương (trên 24.000 tỷ đồng);
  2. Xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (hơn 9.300 tỷ đồng);
  3. Đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP (đối tác công tư), khoảng 61.405 tỷ đồng.

Vốn nhà nước tham gia tại dự án chiếm 55%, vốn huy động từ nhà đầu tư chiếm 42%, chi phí lãi vay khoảng 1,5%.

Để hoàn vốn dự án PPP, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được triển khai hệ thống thống thu phí, công nghệ ITS (điều hành, giám sát giao thông minh) và trạm dừng nghỉ.

Mức phí BOT của tuyến đường được thu theo giai đoạn, với giai đoạn 2024 - 2026 xe ôtô dưới 9 chỗ là 1.700 đồng/km; giai đoạn 2027 - 2029 là 1.900 đồng/km. Thời gian thu được đề xuất dài nhất là 21 năm.

Các tuyến đường vành đai và hướng tâm đến thủ đô Hà Nội

Đến nay thủ đô Hà Nội đã có 6 tuyến đường hướng tâm bao gồm:

  • Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
  • Tuyến cao tốc Hà Nội - Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình
  • Cao tốc Đại lộ Thăng Long - Hòa Bình
  • Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai
  • Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
  • Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn

Ngoài ra là các vành đai 3 đã hình thành, vành đai 4 đang lên kế hoạch triển khai và vành đai 5 chưa hình thành.

Mạng lưới các đường vanh đai quanh thủ đô Hà Nội
Mạng lưới các đường vanh đai quanh thủ đô Hà Nội

Theo các đồ án quy hoạch liên quan đã được phê duyệt, hệ thống đường vành đai của thành phố Hà Nội có tổng số 7 tuyến vành đai với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố (285,46Km). Trong đó 5 tuyến vành đai chính (VĐ1; VĐ2; VĐ3; VĐ4 và VĐ5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5).

Vành đai 4 có kết nối sân bay thứ 2 Hà Nội?

Phó chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, dự kiến sân bay thứ 2 của Hà Nội nằm ở ngoài Vành đai 4, thuộc các huyện Phú Xuyên và Thường Tín. Sân bay này sẽ bám trục kết nối của Vành đai 4 với QL1; gắn với cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao…

Ông Tống Trần Tùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật (Bộ GTVT), thì cho rằng, điểm nối của Vành đai 4 và sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô chưa được đặt ra trong báo cáo tiền khả thi, cần được nghiên cứu thêm.

Trên đây là các thông tin tóm lược về vành đai 4 thủ đô Hà Nội. NTD Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tiến độ xây dựng của dự án quan trọng này.

Việt Nam Xã hội

Vành đai 4 thủ đô Hà Nội đi qua đâu? Bản đồ, sơ đồ quy hoạch vành đai 4