Vì sao Mỹ muốn 'cấm' Tiktok?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ và Trung Quốc đang giằng co với nhau về vấn đề Tiktok. Bản chất của cuộc giằng co này là cuộc chiến tranh thông tin giữa hai nước Mỹ - Trung.

Ngày 13/3, với đa số phiếu áp đảo 352-65, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật với nội dung là: Yêu cầu công ty mẹ của Tiktok là ByteDance trong vòng 6 tháng phải bán Tiktok cho một công ty Mỹ, nếu không, Tiktok phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Ngày 14/3, trong một video của CEO Tiktok là Chu Thụ Tư xuất hiện trên nền tảng Twitter, ông Chu kêu gọi người dùng Tiktok hãy gọi điện thoại cho các Thượng nghị sĩ, khuyến khích người dùng 'bảo vệ quyền lợi mà Hiến pháp quy định'.

Lần trước, Chu Thụ Tư đã kêu gọi người dùng gọi điện cho các Dân biểu ở Hạ viện, kết quả, điều này lại trở thành động lực để dự luật được hoả tốc thông qua. Có lẽ lần này Chu Thụ Tư vẫn chưa rút ra được bài học giáo huấn, vẫn muốn người dùng gọi điện cho Thượng nghị sĩ...

Tiktok chỉ là một ứng dụng chuyên tạo video ngắn, rốt cuộc nguy hiểm ở chỗ nào, và vì sao Mỹ lại muốn cấm Tiktok?

Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 13/315/3, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này như sau.

Tiktok nguy hiểm như thế nào?

Trong phiên điều trần ngày 12/3, Dân biểu Raja Krishnamoorthi đã giải thích với các quan chức tình báo cấp cao rằng: Tiktok đã đẩy các thông báo popup đến người dùng, bảo họ hãy gọi điện thoại đến văn phòng các thành viên của Quốc hội để yêu cầu 'Dừng lại việc đóng cửa Tiktok'.

Hướng dẫn của cửa sổ này rất chi tiết, họ yêu cầu người dùng nhập mã vùng hoặc mã bưu chính nơi người dùng ở. Sau khi nhập xong, Tiktok sẽ giúp người đó tìm được Dân biểu đại diện và số điện thoại của họ. Sau đó chỉ cần ấn nút là gọi được cho Dân biểu.

Có Dân biểu đã bị gọi đến muốn 'cháy máy', có Dân biểu buộc phải rút đường dây điện thoại.

Dân biểu Krishnamoorthi còn nói rằng, trong đó có 'minor children', tức là trẻ vị thành niên, chưa tới 18 tuổi, nói cách khác các em ấy không phải là cử tri, không có quyền bỏ phiếu. Các em ấy đã gọi cho Dân biểu và hỏi những câu như là: Quốc hội là gì? Dân biểu là gì? Hãy trả lại Tiktok cho tôi.

Rõ ràng những câu này là của những người không hiểu gì về chính trị, hoàn toàn bị Tiktok kích động, cũng tức là Tiktok có thể điều khiển những người như vậy để làm những điều Tiktok muốn. Đây là lý do vì sao Quốc hội Mỹ cho rằng Tiktok vô cùng nguy hiểm. Họ không biết ai đứng đằng sau cửa sổ popup đó, ai đã làm những việc 'điều động' kiểu như vậy.

Sau đó, Dân biểu Krishnamoorthi đã hỏi Giám đốc FBI là ông Christopher Wray rằng: Ông có biết ai đứng đằng sau chỉ huy việc thúc đẩy thuật toán này? Ông Wray trả lời: Tôi không biết, cho nên đây là điều rất nguy hiểm.

Vốn dĩ người Mỹ không rõ mức độ thao túng của Tiktok đối với người trẻ Mỹ, nhưng trong phiên điều trần này đã thấy rất rõ.

Hiện nay, hơn 2/3 số phiếu trong Quốc hội đã thông qua dự luật ở trên thì ngay cả tổng thống cũng không có quyền phủ quyết. Nếu Hạ viện đã thông qua với số phiếu đại đa số thì Thượng viện cũng không ngăn cản dự luật này. Tổng thống Biden nói rằng, chỉ cần đưa dự luật này đến bàn ông thì ông chắc chắn sẽ ký.

Còn tỷ phú Elon Musk có thái độ phản đối việc cấm Tiktok, bởi vì ông cho rằng: Việc cấm Tiktok liên quan đến Tu chính án thứ nhất, bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Ông Elon Musk có thể cho rằng, việc cấm Tiktok có thể lan sang việc cấm Twitter.

Nhưng ông Elon Musk có thể đã hiểu nhầm chỗ này đó là: Việc cấm Tiktok không phải là vấn đề tự do ngôn luận mà là vấn đề an ninh quốc gia.

Trên thực tế, Mỹ không phải muốn cấm Tiktok, mà là muốn cấm mối quan hệ giữa Tiktok và Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP). Nếu trước ngày 30/9, Tiktok cắt đứt mối liên hệ với CCP, Tiktok hoàn toàn có thể sinh tồn ở Mỹ.

Khi Tiktok có mối quan hệ với CCP thì điều nước Mỹ quan tâm đó là vấn đề an ninh quốc gia của nước Mỹ, chứ không phải là vấn đề tự do ngôn luận.

CEO Tiktok đã tung tin giả như thế nào?

Trong video đăng trên nền tảng Twitter, CEO của Tiktok là Chu Thụ Tư nói rằng: Nếu Tiktok bị cấm ở Mỹ, nó sẽ lấy đi hàng tỷ đô-la Mỹ từ túi của những nhà sáng tạo và kinh doanh nhỏ, đặt hơn 300 nghìn công việc của người Mỹ rơi vào nguy hiểm.

Chu Thụ Tư nói thêm: Tiktok đã cho 170 triệu người dùng một nền tảng để họ tự do ngôn luận, và cấp thêm cơ hội cho hơn 7 triệu doanh nghiệp ở Mỹ.

Sau đó Chu Thụ Tư gợi ý người dùng share câu chuyện này cho bạn bè, share cho gia đình, share cho Thượng nghị sĩ... Ý tứ là người dùng Tiktok hãy gọi điện cho Thượng nghị sĩ để ngăn chặn 'Dự luật cấm Tiktok'.

Trên thực tế, những điều Chu Thụ Tư nói là một loại chiến tranh thông tin rất điển hình, tiếng Anh gọi là misinformation.

Đầu tiên, Tiktok không phải là một nền tảng tự do ngôn luận. Ví dụ như khi xảy sự kiện Phản tống trung (反送中: Chống luật dẫn độ) ở Hồng Kông, những nội dung liên quan đến biểu tình ở Hồng Kông trên Instagram (nền tảng do Mỹ kiểm soát) nhiều hơn trên Tiktok 174 lần. Rõ ràng là Tiktok đã chặn những thông tin liên quan. Những thông tin lọt ra được giống như 'cá lọt lưới', có thể thuật toán Tiktok lúc ấy không tra ra được. Còn nếu tra ra được thì Tiktok sẽ xóa thông tin đó.

Liên quan đến xung đột giữa Hamas và Israel, theo phân tích của các chuyên gia dữ liệu, những video có gắn thẻ ủng hộ Hamas được phát nhiều hơn 69 lần so với video ủng hộ Israel.

Dù có thể có sai số, nhưng nhìn chung là TikTok chắc chắn ủng hộ Hamas, cho nên TikTok khẳng định không phải là một nền tảng cho tự do ngôn luận.

Những gì Chu Thụ Tư nói là đang lan truyền thông tin sai lệch, bao gồm những gì là '300 nghìn công việc, 7 triệu doanh nghiệp dựa vào TikTok để tồn tại'... Đây đều là những thông tin sai sự thật. Bản thân Chu Thụ Tư đang tham gia vào cuộc chiến tranh thông tin. Đây là điểm thứ nhất.

Thứ hai, Chu Thụ Tư đang lan truyền một thông tin sai lệch khác, đó là Mỹ muốn cấm TikTok. Như đã nói ở trước, Mỹ không cấm Tiktok, mà Mỹ chỉ đang cân nhắc về cuộc chiến tranh thông tin với CCP. Mỹ yêu cầu Tiktok bán cho công ty Mỹ để không được chịu sự khống chế của CCP.

Vậy thì chủ của Tiktok là ai? Căn cứ theo báo cáo của Đài tiếng nói Hoa Kỳ - VOA, ByteDance xác nhận, 60% cổ phần của Tiktok là do nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ, 20% là do nhân viên nắm giữ, 20% còn lại là do nhà sáng lập nắm giữ.

Nhìn vào số liệu này thấy rằng, Tiktok là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vậy thì cách giải quyết vấn đề Tiktok rất đơn giản. Trên thực tế, đối với cổ đông, họ sẽ suy nghĩ về lợi ích của công ty. Nếu Tiktok bị cấm ở Mỹ thì một lượng lớn thu nhập sẽ không còn, cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cho nên nếu mở đại hội cổ đông thì họ nhất định bán Tiktok cho Mỹ.

Nhưng vấn đề ở đây là: Theo lý thông thường, 60% cổ phần Tiktok là do vốn nước ngoài nắm giữ, họ chiếm tuyệt đại đa số, nhưng tại sao họ lại không quyết định được việc bán Tiktok cho ai?

Bản thân điều này đã nói rằng, đằng sau Tiktok có sự khống chế của CCP. Bởi vì nếu là cổ đông thông thường, họ sẽ bán một phần cổ phần để được ở lại Mỹ, công việc kinh doanh sẽ tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng 'ông chủ' thật sự đằng sau Tiktok không cho cổ đông bán cổ phần, cho nên điều này cho thấy: Tiktok nằm dưới sự khống chế của CCP. Đây là điểm quan sát thứ hai.

Thứ ba, CEO của Tiktok là Chu Thụ Tư yêu cầu người dùng 'gọi điện thoại' cho các Thượng nghị sĩ thì điều này chỉ làm tăng thêm sự cảnh giác của các Thượng nghị sĩ, càng làm tăng thêm tốc độ thông qua của dự luật. Mà khi dự luật được đưa tới bàn tổng thống thì ông Biden sẽ ký.

Tiktok không chỉ đối mặt với việc là sẽ bị cấm ở Mỹ, mà trước đây ở nhiều quốc gia, Tiktok cũng đã bị cấm. Trên thực tế, Tiktok đã bị cấm ở Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ. Ở Trung Quốc, người dân nước này sử dụng Douyin, một ứng dụng tương tự chỉ có ở Trung Quốc và được chính phủ giám sát, kiểm duyệt kỹ càng.

Chu Thụ Tư vì sao không quay video tương tự như thế để 'hiệu triệu' người dân Trung Quốc gọi điện thoại cho chính phủ, vì sao không yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho Tiktok vận hành ở Trung Quốc, mà Chu Thụ Tư chỉ làm video này nhắm vào nước Mỹ?

Bản thân việc không dám làm như vậy đã một lần nữa chứng minh: Tiktok bị CCP khống chế, cho nên Chu Thụ Tư không dám thách thứ 'ông chủ' thật sự của mình.

Do đó chúng ta sẽ phát hiện, những lời của Chu Thụ Tư mang đầy những lời nói dối gây hiểu lầm.

Sau khi Mỹ thông qua Dự luật ở Hạ viện, CCP đã nhảy dựng lên. Ngày 14/3, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời câu hỏi của phóng viên trong một cuộc họp báo đã nói rằng: 'Nếu có thể lấy cái gọi là 'an ninh quốc gia' làm cái cớ để bài trừ bất cứ doanh nghiệp thành công ở nước ngoài, vậy thì không có gì gọi là công bình chính nghĩa'. Sau đó ông Uông Văn Bân nói thêm: 'Thấy thứ tốt của người khác liền muốn cướp thì đây hoàn toàn là hành vi của cường đạo (強盜: kẻ cướp)'.

Là chuyên gia về các vấn đề quốc tế, Giáo sư Chương nói rằng, mỗi chữ trong lời ông Uông Văn Bân dường như nhắm vào ông Tập Cận Bình. Từ lâu CCP đã cấm những nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Instagram, Google, Twitter... Sau đó CCP đi đến đâu thì lấy tài sản trí tuệ của người ta đến đó.

Vấn đề của Tiktok về bản chất là vấn đề chiến tranh thông tin. Phía Mỹ tương đối khách khí, họ còn cho Tiktok thời gian 6 tháng để tìm người mua, chứ không giống như phía Trung Quốc trực tiếp cấm các nền tảng xã hội của Mỹ (như đã nói ở trên).

Hiện nay Tiktok có thể được bán cho ai? Vào ngày 14/3, nguyên Bộ trưởng Tài là ông Steven Mnuchin đã nói rằng 'đang xây dựng đội ngũ các nhà đầu tư để mua lại Tiktok'.

Về việc mua lại Tiktok, trước đây vào năm 2020, Tiktok từng nói chuyện với một số công ty Mỹ như Microsoft, Oracle... nhưng Tiktok đã thắng kiện. Tiktok lấy Tu chính án thứ nhất (về bảo vệ tự do ngôn luận) làm lý do để thách thức mệnh lệnh hành chính của ông Trump. Cho nên việc mua lại Tiktok sau đó đã thất bại.

Lần này nếu Tiktok thật sự bị công ty Mỹ mua lại, thì hai ông lớn là Microsoft và Oracle có thể sẽ rất tích cực.

Giáo sư Chương nhìn nhận, Microsoft có thể sẽ mạnh tay hơn một chút, bởi vì Microsoft là công ty lớn, họ còn có thêm cả AI. Nếu có được Tiktok, Microsoft sẽ cạnh tranh tốt hơn với Twitter của Elon Musk, Facebook của Mark Zuckerberg... có cảm giác Microsoft giống như 'hổ mọc thêm cánh'. Cho nên có khả năng là Microsoft có ý muốn mua Tiktok hơn.

Nhưng ông Mnuchin nói thêm: Nếu công ty Mỹ mua Tiktok thì cổ phần họ nắm giữ không được quá 10 %. Bởi vì có thể ông Mnuchin sợ các công ty lớn sẽ lũng đoạn (壟斷: độc quyền), hoặc là hoàn toàn làm chủ nền tảng này.

Giáo sư Chương vừa đề cập đến câu chuyện của Tiktok, trên thực tế đây là cuộc chiến tranh thông tin giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bản chất cuộc chiến tranh thông tin giữa Mỹ và Trung Quốc

Cũng liên quan đến cuộc chiến tranh thông tin giữa hai nước Mỹ - Trung, ngày 14/3, Reuters đăng báo cáo độc quyền với tiêu đề: 'Trump đã phát động một chiến dịch của CIA (với mục đích) tạo ra ảnh hưởng bí mật nhằm chống lại Trung Quốc'.

Trong đó nói rằng, Tổng thống Donald Trump ủy quyền cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA phát động một chiến dịch bí mật trên mạng xã hội Trung Quốc nhằm mục đích khiến dư luận ở Trung Quốc chống lại chính phủ nước này.

Ba cựu quan chức nói với Reuters rằng, CIA đã thành lập một nhóm nhỏ sử dụng danh tính giả trên Internet để truyền bá những câu chuyện tiêu cực về chính phủ của ông Tập Cận Bình, đồng thời rò rỉ những thông tin tình báo mang tính hạ thấp Trung Quốc cho các cơ quan báo chí nước ngoài. Nỗ lực bắt đầu vào năm 2019 mà chưa được báo cáo trước đó.

Nhóm này lan truyền điều gì? Nhóm CIA đã đưa ra thông tin: Các thành viên của CCP đang giấu tiền bất chính ở nước ngoài, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc là tham nhũng và lãng phí.

Mặc dù các quan chức tiết lộ thông tin từ chối việc cung cấp chi tiết về các hoạt động này, nhưng thông tin đưa ra trên cơ bản là sự thật, mặc dù người đưa tin là ẩn danh.

Tin tức này đưa ra với hy vọng: Các lãnh đạo cấp cao sẽ nghi ngờ ông Tập Cận Bình, bởi vì ông Tập Cận Bình hay giảng về chống tham nhũng hủ bại, họ sẽ nghĩ 'liệu mình có bị ông Tập tìm thấy không'. Như thế giữa các quan chức cấp cao CCP sẽ tồn tại gián cách và chia rẽ. Sau đó, CCP sẽ tốn rất nhiều nguồn lực để truy ra những thông tin này đến từ đâu.

Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, cuộc chiến tranh thông tin giữa hai nước Mỹ - Trung có chỗ khác biệt rất lớn, hoặc có thể nói là có khác biệt mang tính căn bản đó là: Trung Quốc thì nghĩ mọi cách để tung tin giả về nước Mỹ, bẻ cong sự thật, còn Mỹ thì mong muốn đem thông tin chân thật đến Trung Quốc Đại lục.

Thuần Phong biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Mỹ muốn 'cấm' Tiktok?