Vì sao nói rằng bậc quân vương say rượu là đánh mất đạo lý trị nước?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vị hoàng đế khai quốc của nhà Tống, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, rất coi trọng phương thức trị nước tu thân của ẩn sĩ Vương Chiêu Tố: "Trị nước không gì bằng yêu thương nhân dân, dưỡng thân không gì bằng ít ham muốn", và viết câu này lên bức bình phong để tự nhắc nhắc nhở bản thân.

Vào thời kỳ Xuân Thu, vua nước Tề là Tề Cảnh Công có một lần uống rượu say khướt, ba ngày mới tỉnh. Quan Thượng đại phu Yến Anh (còn gọi là Yến Tử) đến bái kiến Tề Cảnh Công, hỏi rằng: "Ngài đã uống rượu say sao?"

Tề Cảnh Công trả lời: "Đúng vậy"

Yến Tử liền khuyên ngăn: "Người xưa uống rượu là để điều hòa tinh thần, lưu thông khí huyết. Người nam hay người nữ tụ tập vui chơi cần đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc của bản thân. Trong lúc tụ tập yến tiệc, uống rượu không được quá năm chén, uống quá sẽ bị trừng phạt.

Bậc quân vương nếu tự mình tuân theo phép tắc này, triều đình sẽ không sợ có loạn trong giặc ngoài. Nay nhà vua uống rượu một ngày, ngủ ba ngày, làm chậm trễ giải quyết những công việc của quốc gia, sẽ có tiếng kêu oan ở bốn phía, mất đi lòng dân, trong cung sẽ có người nhân cơ hội muốn mưu đồ soán ngôi. Những người chỉ vì sợ hình phạt mà không dám làm điều xấu, sẽ có thể làm những điều xằng bậy; những người vì muốn được khen thường và vẻ vang mà làm điều tốt sẽ lười biếng không muốn làm điều tốt.

Bậc quân vương xa rời đạo đức, dân chúng sẽ xem thường hình phạt hay khen thưởng. Việc này đã đánh mất đạo lý trị nước - đức. Vì vậy mong nhà vua hãy tiết chế việc uống rượu".

晏婴像(图片:出自清代《历代名臣像Tranh vẽ Yến Anh (Ảnh: "Lịch đại danh thần tượng giải" thời nhà Thanh)解》)
Tranh vẽ Yến Anh (Ảnh: "Lịch đại danh thần tượng giải" thời nhà Thanh)

Trong "Lễ ký - Khúc lễ thượng" có viết: "Dục vọng không thể phóng túng". Tu thân, trị nước chẳng có gì ngoài việc tiết chế dục vọng.

Trong các bậc quân vương mất nước của lịch sử Trung Hoa, vị vua cuối cùng của nhà Hạ là Hạ Kiệt đã chìm đắm trong tửu sắc, say mê Mạt Hỉ khiến đất nước diệt vong rồi bị lưu đày. Trụ Vương, vị vua cuối cùng của nhà Thương cũng lún sâu vào rượu chè dâm loạn, sủng ái Đát Kỷ, cho nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc dâm đãng, sử dụng những hình phạt nghiêm khắc, cuối cùng mất nước, phải tự thiêu

Trong "Đạo đức kinh" có viết: "Ngũ sắc khiến người hoa mắt. Ngũ âm khiến người điếc tai. Ngũ vị khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải hiếm có, khiến hành vi người bất chính. Do đó Thánh nhân giữ tâm yên định chứ không theo ham dục".

Chính là nói rằng: màu sắc rực rỡ có thể khiến con người hoa cả mắt; những âm điệu ồn ào huyên náo có thể khiến thính giác của con người không được nhanh nhạy; đồ ăn thịnh soạn có thể khiến lưỡi của con người không còn cảm nhận được mùi vị; săn bắn thỏa thích có thể khiến tình tình con người phóng túng hóa cuồng; những đồ vật hiếm có khiến con người có hành vi trái quấy. Vì vậy, người có trí tuệ chỉ cần giữ nội tâm yên tĩnh, không vì những dục vọng về thanh sắc của tài sản vật chất mà mất đi sự cao quý của đạo đức.

Vị hoàng đế khai quốc của nhà Tống, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, rất coi trọng phương thức trị nước tu thân của ẩn sĩ Vương Chiêu Tố: "Trị nước không gì bằng yêu thương nhân dân, dưỡng thân không gì bằng ít ham muốn", và viết câu này lên bức bình phong để tự nhắc nhắc nhở bản thân.

Vương Chiêu Tố là một ẩn sĩ (người có tài năng và học vấn nhưng chỉ ở ẩn không ra làm quan) nổi tiếng đương thời. Ông gặp Tống Thái Tổ khi đã hơn 70 tuổi, chỉ mới ở lại hơn một tháng nhưng đã nhiều lần xin quay về. Tống Thái Tổ đã ban Vương Chiêu Tố danh hiệu Quốc tử Bác sĩ Trí sĩ.

Tống Gia Minh - Soundofhope
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  1. Yến tử Xuân Thu - Nội thiên - Gián thiên
  2. Tục tư trị thông giám trường biên - Quyển thứ 11 của Lý Đào thời nhà Tống



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói rằng bậc quân vương say rượu là đánh mất đạo lý trị nước?