Báo cáo: Bắc Kinh áp 'tội liên đới' với người nhà để đàn áp người bất đồng chính kiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo mới hôm 15/4 của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders/CHRD), Bắc Kinh đã tiếp tục sử dụng “hình phạt tập thể” để trừng phạt những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền và gia đình của họ. 

Dù chịu kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, các nhà điều tra đã liên hệ được với hơn 10 nạn nhân, thu một số bằng chứng về việc Bắc Kinh sử dụng "hình phạt tập thể" hay "hình phạt liên lụy", nhằm gây áp lực lên các nhà hoạt động và gia đình họ.

Báo cáo tóm tắt một số phương thức đàn áp chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như đe dọa và quấy rối, cưỡng bức trục xuất, ngăn cản con cái của người bị kết tội đến trường, cấm người nhà của người bị kết tội khiếu nại...

Mặc dù báo cáo của CHRD tập trung vào "hàng chục" trường hợp bị đàn áp nhân quyền năm 2023 và đầu năm 2024, nhưng tổ chức này nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật này trong nhiều thập kỷ.

Đáng chú ý là vào tháng 12/2023, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ bãi bỏ các "hình phạt tập thể" với các thành viên trong gia đình của những người bị kết án. Nhưng theo CHRD, không có bằng chứng nào về hoạt động lập pháp nhằm chấm dứt hình phạt này, và không có quan chức nào phải chịu trách nhiệm kể từ khi thông báo của chính quyền Trung Quốc được đưa ra.

Báo cáo dẫn lời một nhà hoạt động cho biết: “Việc Trung Quốc trừng phạt tập thể gia đình những nhà hoạt động nhân quyền là một chính sách không chính thức hoặc chính sách ngầm do các cơ quan chính phủ thực hiện”.

Luật sư nhân quyền không được yên ổn sau khi ra tù

Tài liệu đề cập đến trường hợp của luật sư Vương Toàn Chương. Năm 2015, luật sư Chương bị bắt và bỏ tù vì ông thường đại diện cho các vụ án nhạy cảm, bao gồm các vụ án tín ngưỡng Pháp Luân Công, Cơ đốc giáo, hoặc các vụ giải quyết đất đai của nông dân v.v. Ông bị kết án 4 năm tù vì cáo buộc lật đổ quyền lực nhà nước. Sau khi ra tù năm 2020, gia đình ông tiếp tục bị sách nhiễu và cưỡng bức trục xuất.

Vợ của ông Chương cho biết, một sáng sớm, có nhóm người xông vào nhà la hét, ném đồ đạc và đuổi họ ra khỏi nhà.

Từ tháng 4/2023, chủ nhà lần đầu tiên cắt điện nước của gia đình ông, buộc họ phải chuyển đi nơi khác. Lực lượng an ninh quốc gia còn muốn họ chuyển khỏi Bắc Kinh. Cảnh sát sẽ lấy cớ điều tra ma túy đến quấy rầy khi họ ở tạm gia đình người thân hoặc khách sạn. Ngoài ra vì họ liên tục phải chuyển nhà, nên việc đi học của con trai cũng bị gián đoạn.

Nhà hoạt động và con cái bị đưa vào bệnh viện tâm thần

Một trường hợp khác là cô Hà Phương Mỹ, người đấu tranh cho quyền lợi của nạn nhân vắc-xin giả ở Trung Quốc. Khi kháng nghị trước Chính quyền huyện Huy Huyện ở Hà Nam vào tháng 10/2020, cô đã bị bắt giữ. Khi đó, cô Mỹ mang thai 5 tháng, cùng hai đứa con 5 và 7 tuổi, bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Cô buộc phải sinh con trong bệnh viện tâm thần.

Hiện tại, cô Mỹ vẫn chưa được thả, còn chồng cô đã bị bắt và bỏ tù trước đó. Gia đình 5 người phải ly tán. Khi ba đứa trẻ bị giữ ở bệnh viện tâm thần, chị gái của cô Hà không được phép thăm các cháu.

Đến đầu năm nay, hai con gái cô Hà đã bị chuyển đến văn phòng thị trưởng ở Thành Quan, Huy Huyện. Còn con trai cô đến tuổi đi học bị gửi tới cơ sở nuôi dưỡng mà không có sự đồng ý của gia đình.

Làm rò rỉ dữ liệu về ông Tập, người nhà chịu liên lụy

Một nạn nhân khác là mẹ của Ngưu Đằng Vũ, một nhân viên công nghệ thông tin bị kết án 14 năm tù vì làm rò rỉ dữ liệu mạng liên quan đến con gái của ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác vào năm 2019. Theo mẹ của anh, con trai đã bị tra tấn dã man trong tù để buộc phải nhận tội, gồm các hình thức đánh đập, ngồi ghế cọp, cấm ngủ và không cho ăn. Đến nay Ngưu Đằng Vũ vẫn không nhận tội, còn mẹ anh vì cứu con trai nên cũng trường kỳ bị sách nhiễu.

Người mẹ cho hay, ban đầu có người theo dõi và quay phim bà. Sau đó, lốp xe của bà bị chọc thủng, và còn xuất hiện nhiều tiếng động kỳ lạ bên ngoài nhà bà. Hoặc nhà bà bị cắt điện nước, cắt đứt nguồn sửa ấm vào mùa đông.

Trong 4 năm qua, để cứu con trai, bà đã nhiều lần bị hãm hại, bệnh tật đầy thân. Nhưng cả người chị đến chăm sóc bà cũng trở thành nạn nhân, bị gửi thư dọa giết. Người nhà cũng bị bức bách viết giấy cam đoan, vạch rõ ranh giới với bà.

Bắc Kinh liên tục tự tạo kẻ thù cho chính mình

Ông Tăng Kiến Nguyên, chủ tịch hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Dân chủ Trung Quốc ở Đài Bắc, chỉ trích việc Bắc Kinh cắt đứt mối quan hệ giữa những nhà bảo vệ nhân quyền với gia đình, xã hội và đất nước cũng giống như hình phạt "tội liên đới" trong quá khứ.

Ông cho rằng các phương thức đàn áp của ĐCSTQ ngày càng chặt chẽ hơn nhờ các cơ chế giám sát mạng, việc hiện đại hóa hệ thống an ninh quốc gia, đi đến đâu cũng khó có thể trốn tránh sự giám sát của camera. Tuy nhiên, bất chấp chế độ thống trị hống hách của mình, cuối cùng điều này có thể gây tác dụng ngược lại là làm mất đi sự ủng hộ của người dân.

Ông nói, cách Bắc Kinh sử dụng thái độ thù địch thực chất là để cái họ coi là "giai cấp thù địch" tiếp tục nảy sinh. Kỳ thực như vậy là "phi thường ngu ngốc", chính là liên tục tạo ra kẻ thù cho chính mình.

Thùy Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Bắc Kinh áp 'tội liên đới' với người nhà để đàn áp người bất đồng chính kiến