Cách làm trà nở hoa đúng Tết: Cách trồng và chăm sóc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người lựa chọn hoa trà my để trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, một số người trồng hoa trà my có ra nụ nhưng nụ hoa lại không bung nở hoặc nụ bị rụng, bị cháy. Nếu bạn đang muốn biết cách làm trà nở hoa, đặc biệt là cách làm trà nở hoa đúng dịp Tết, hãy cùng NTD Việt Nam tham khảo cách trồng và chăm sóc hoa trà my dưới đây nhé!

1. Hoa trà my nở mùa nào?

Hoa trà my nở mùa nào, hoa trà my nở vào tháng mấy, hoa trà my có nở quanh năm không… là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm.

Trà my là loài hoa mỗi năm chỉ ra hoa một lần. Hoa có thể nở trong vòng 2 - 3 tháng trong khoảng thời gian giáp Tết. Mỗi khi Tết đến Xuân về, hình ảnh những cánh hoa trà my tươi thắm thường được thấy trong nhiều gia đình.

Hoa trà my có rất nhiều cánh, mọc dày đặc cả cây. Khi nở, hoa có đường kính lớn từ 8 - 12 mm.

>> Xem thêm: Ý nghĩa hoa trà my: Khám phá những sắc hoa rực rỡ

2. Tại sao hoa trà my không nở?

Khi mua cây trà my về trồng và chăm sóc, nhiều người gặp phải tình huống là cây đã ra nụ nhưng nụ hoa bị rụng; hoặc nụ hoa mãi không nở. Tại sao hoa trà my không nở như vậy?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này liên quan đến đặc điểm sinh trưởng của cây trà my và cách chăm sóc loài hoa này.

2.1. Đặc điểm sinh trưởng của cây hoa trà my

Tại sao hoa trà my không nở? (Ảnh: Pixabay)

Hoa trà my thường ra nụ vào khoảng thời gian là tháng 4 Âm lịch. Tùy từng loại giống hoa trà my và điều kiện khí hậu, đất đai… mà mỗi loài hoa sẽ nở vào các thời điểm cụ thể khác nhau; có thể kéo dài trong khoảng thời gian từ Noel, Tết Dương lịch đến hết tháng Giêng; hoặc có loài đến tháng Hai mới nở. Do đó, thời gian nụ hoa trà my chưa nở bung thành hoa có thể kéo dài trong thời gian ngắn, dài khác nhau.

Nếu muốn hoa trà my nhanh bung nở sớm hơn thì bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:

  • Bón thêm phân cho cây (Kali và Lân) để kích thích cây nở hoa;
  • Để cây ở nơi ấm hơn; có nhiệt độ cao hơn một chút; ví dụ như nơi có nhiều ánh nắng hơn; lưu ý là không đặt cây trà my ở nơi có ánh nắng gay gắt. Nếu như vào mùa Đông ở miền Bắc, thì bạn có thể đặt cây trực tiếp ở ngoài trời.
  • Tưới thêm nhiều nước cho cây. Nếu không tưới nước cho cây trà my hoặc tưới quá ít nước thì cây sẽ bị rụng nụ hoặc cây bị khô, không nở hoa được.

>> Xem thêm: Hoa trà my có trồng được ở miền Nam không: Đặc điểm và cách chăm sóc

2.2. Cách chăm sóc cây trà my

Tại sao cây trà my bị rụng nụ
Tại sao cây trà my bị rụng nụ? (Ảnh: Pixabay)

Khi mới mua cây trà my về nhà, cây trà my bị rụng nụ có thể là do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Cây bị sốc nhiệt; bị thay đổi môi trường;
  • Cây thiếu nước, quá khô;
  • Bón quá nhiều phân;
  • Đặc điểm sinh học của cây trà my. Nếu cây có quá nhiều nụ thì cây cũng tự rụng những nụ khô để giữ đủ dưỡng chất cho các nụ khác nở hoa.

Khi mới mua cây trà my về nhà, nhiều người do chưa hiểu rõ cách chăm sóc loại cây này nên đã tưới nước cho cây luôn. Điều này làm thay đổi môi trường sinh trưởng của cây khiến cây trà my khi mới mua về bị rụng nhiều nụ.

Theo kinh nghiệm thực tế, khi mới mua cây trà my về nhà, bạn không nên tưới nước cho cây ngay mà hãy đợi sau khoảng nửa ngày rồi mới tưới nước. Trong quá trình chăm sóc cây, bạn không để cây bị khô quá mà luôn tưới nước vừa đủ ẩm cho cây và đất.

Biết được những lý do tại sao cây trà my bị rụng nụ; tại sao hoa trà my không nở sẽ giúp bạn có cách chăm sóc cây phù hợp để cây ra hoa đẹp.

>> Xem thêm: Cách trồng hoa trà my trong chậu đơn giản: Khám phá ngay!

3. Cách chăm sóc hoa trà my ra hoa đúng Tết

Việc hiểu về đặc tính của cây hoa trà my cùng với một số kinh nghiệm chăm sóc cây sẽ giúp cây hoa trà my ra hoa đúng Tết.

Thời điểm ra lứa hoa đầu tiên của cây trà my sẽ khác nhau. Cây trà my được trồng bằng hạt thì sau khoảng 4 năm mới cho lứa hoa đầu tiên, cây trà my nhân giống bằng chiết cành hay giâm cành thì trong khoảng 2 năm sẽ cho lứa hoa đầu tiên.

Cách chăm sóc cây trà my ra hoa đúng Tết
Cách chăm sóc cây trà my ra hoa đúng Tết. (Ảnh: Pixabay)

Dưới đây là một số cách chăm sóc hoa trà my ra hoa đúng Tết bạn có thể tham khảo:

3.1. Tiến hành đảo trà

Đảo trà là gì?

Đây là một kỹ thuật khá quan trọng. Kỹ thuật này giúp đánh cây từ đất chuyển sang chậu; hoặc chuyển cây từ chậu sang chậu.

Để cây trà ra hoa đúng dịp Tết, bạn cần thực hiện đảo trà vào khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch để cây ra nụ.

Thời điểm đảo trà được xác định vào thời điểm cây ra mầm non. Cây trà my sau khi bật mầm non cần được chăm sóc cho đến khi mầm ra lá non. Đây chính là thời điểm thực hiện đảo trà. Lúc này, nhờ việc đảo trà mà chồi cây (hay chồi dinh dưỡng) sẽ chuyển thành chồi sinh sản; qua đó chuyển thành nụ và nở hoa.

Cách làm trà nở hoa đúng Tết
Cách làm trà nở hoa đúng Tết. (Ảnh: Pixabay)

3.2. Cách bón phân

Bên cạnh việc tiến hành đảo trà đúng thời điểm, cây trà my cũng cần bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng vào mỗi thời kỳ.

  • Vào thời điểm cây sinh trưởng mạnh, cây trà my cần được bón phân với hàm lượng lân và đạm cao hơn.
  • Vào thời điểm hình thành hoa và nuôi nụ, cây trà my nên được bón phân kali và phân lân. Phân kali giúp cây nở nhiều hoa, hoa có sắc màu đậm và tươi lâu hơn; trong khi phân lân giúp cây phát triển bộ rễ tốt hơn.

3.3. Tưới nước

Việc tưới nước cho cây trà my rất quan trọng. Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ sau tháng 10 Âm lịch đến mùa Xuân năm sau, cây trà my không cần bón thêm phân nhưng cần được tưới nước định kỳ.

3.4. Cung cấp ánh sáng

Tùy thuộc vào thời tiết trong bốn mùa mà chúng ta sẽ chọn cách chăm sóc cây trà my với lượng ánh sáng thích hợp.

Là loài thực vật ưa bán bóng râm, vào mùa Hè, cây trà my cần được đặt ở nơi có bóng râm để tránh ánh nắng gay gắt làm thân và lá cây bị khô.

Trong khi đó, vào mùa Đông và mùa Xuân, trời râm mát và se lạnh, ánh sáng không mạnh như mùa Hè. Vậy nên, bạn sẽ cần tháo mái lưới che nắng để bảo đảm cây trà my không bị rụng nụ, lá và hoa. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý là chỉ tháo mái che mà vẫn giữ vách chắn để tránh cho cây bị gió lùa vào mùa Đông.

4. Cách chăm sóc cây trà my sau Tết

Cách chăm sóc cây trà my sau Tết
Cách chăm sóc cây trà my sau Tết. (Ảnh: Pixabay)

Theo kinh nghiệm, sau khi qua Tết, bạn nên vặt hết nụ và hoa trà my đi để cây giữ dưỡng chất nuôi thân.

Đồng thời, bạn cũng nên chuyển cây hoa trà my sang một cái chậu khác to hơn. Với chậu mới, bạn dùng một mảnh sành úp ngược xuống phần lỗ trong lòng chậu. Cách này sẽ giúp đất ở trong chậu không bịt kín lỗ thoát nước. Tiếp đó, bạn rải lên đáy chậu một ít xỉ than tổ ong đập nhỏ có kích thước bằng ngón chân cái hoặc bao diêm.

Cách làm này sẽ giúp bộ rễ của cây trà my có không gian thông thoáng và phát triển tốt.

5. Cách làm trà nở hoa

5.1. Chọn giống hoa

Hoa trà my có hơn 3.000 loài khác nhau. Do vậy, bạn nên đến mua hoa trực tiếp ở cửa hàng; hoặc đặt mua hoa ở những nhà vườn uy tín để được tư vấn và có cái nhìn tổng quát trước khi quyết định trồng cây.

Chủ cửa hàng sẽ tư vấn giúp bạn để chọn được loài hoa nào phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi bạn trồng; cũng như các lưu ý khi chăm sóc cây.

5.2. Thời điểm tưới nước

Tùy vào nhiệt độ thời tiết mà bạn sẽ tưới nước cho cây một lượng nước thích hợp. Nếu trong mùa Hè, bạn sẽ tưới nước cho cây 2 - 3 lần hàng ngày vào buổi sáng và buổi chiều; trong điều kiện thời tiết khô vào mùa Đông hay mùa Xuân thì trung bình tưới nước 2 - 3 ngày một lần.

Bạn cũng lưu ý là không nên tưới nước cho cây trà my vào những ngày mưa để tránh cây bị úng nước.

5.3. Cách phun tưới

Có thể nói việc tưới nước cho cây trà my thế nào khá quan trọng. Bạn cần chú ý là không bao giờ được để đất khô trắng trong chậu cây mà cần tưới nước sao cho cây có đủ ẩm.

Để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây, bạn không nên chỉ tập trung tưới vào gốc cây mà cần tưới phủ đều cả lá và thân cây.

Bạn cũng lưu ý hạn chế tưới nước có hóa chất hoặc Clo vì cây hoa trà my đặc biệt thích nguồn nước sạch. Trong trường hợp dùng nước máy, bạn hãy để nước qua đêm cho nước thoát hết Clo rồi mới tưới cho cây.

6. Mách bạn cách chăm sóc cây trà my ra hoa

cách chăm sóc cây trà my ra hoa
Mách bạn cách chăm sóc cây trà my ra hoa. (Ảnh: Pexels)

Có hai đặc điểm cần lưu ý trong cách chăm sóc cây trà my ra hoa đó là việc bón phân và tưới nước cho cây. Cây hoa trà không chịu được úng nhưng vẫn ưa ẩm và không ưa quá nhiều phân.

Dưới đây là cách chăm sóc cây trà my ra hoa bạn có thể tham khảo:

6.1. Cách sử dụng phân bón cho cây hoa trà my

Có hai thời điểm bón phân cho cây hoa trà my cần lưu ý là:

  • Thời điểm sau khi hết hoa và sang chậu: là khoảng tháng 2 - 3 Âm lịch. Đây là giai đoạn cây yếu nhất do vừa trải qua thời gian nuôi dưỡng hoa. Đây cũng là giai đoạn cây đâm chồi mới nên rất cần dinh dưỡng để phát triển.
  • Thời điểm sau khi cây đã đóng nụ: đây là giai đoạn cần dinh dưỡng để nuôi nụ mới vì cây đã tiêu hoá hết chất dinh dưỡng từ đợt bón phân trước. Giai đoạn này cách giai đoạn đầu tầm 6 tháng; ước chừng khoảng vào tháng 9 - 10 Âm lịch.

Trong quá trình chăm sóc, ngoài các giai đoạn trên, người trồng có thể bổ sung thêm các vi chất giúp cây hấp thu và phát triển tốt như: tưới thêm dịch chuối hay nước gạo chua pha loãng…

6.2. Các loại phân bón cho cây trà my

Với cây trà my, bạn hãy chọn các loại phân hữu cơ như: phân cá; phân ốc; trùn quế; phân dê…

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phân hóa học tổng hợp NPK; với tần suất bón phân khoảng 3 tháng bón một lần. Mỗi lần bón khoảng 1 - 2 thìa cà phê cho chậu cây có đường kính khoảng 30 - 40 cm.

6.3. Một số loại sâu, bệnh hại ở cây hoa trà my

Dưới đây là một số loại sâu bệnh đặc biệt ở cây hoa trà my:

Bệnh cháy mép lá

Bệnh cháy mép lá do vi khuẩn Xanthomonas tấn công bộ rễ của cây làm rễ cây kém đi; dẫn đến tình trạng dinh dưỡng chuyển hóa trong cây bị chậm.

Bệnh cháy mép lá thường phát sinh vào mùa Hè khi điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường khiến vi khuẩn Xanthomonas phát triển. Mới đầu, vết cháy/vết nâu thường xuất hiện ở mép lá rồi lan dần vào trong; khiến cây rụng lá dần và chết đi.

Biện pháp khắc phục: Bạn hãy kê cao chậu, giữ giá thể khi trồng được sạch sẽ; đặt chậu cây ở nơi thoáng và róc nước. Nếu cây chỉ có một vài lá bị cháy mép thì bạn có thể ngắt bỏ. Nếu tình trạng cháy mép lá lan ra nhiều thì bạn cần mua thuốc về trị cho cây. Một số loại thuốc có thể tham khảo là: COC85 WP, TT Basu…

Sâu róm chè

Sâu róm chè thường gây hại vào khoảng tháng 8 - 9. Loài sâu bệnh này ăn trụi lá; khi tiếp xúc với da người có thể gây sưng tấy.

Để phòng trừ sâu róm chè ở cây trà my, bạn có thể bắt các ổ trứng sâu vào kỳ qua Đông; hoặc nếu là kỳ có nhiều sâu non thì bạn cần phun thuốc Dipterex 0,1%; thuốc Sumuthion 0,1%; hoặc thuốc sữa Phoxim 0,05% để diệt trừ sâu bệnh.

Hy vọng những chia sẻ ở trên có thể giúp bạn biết cách làm trà nở hoa; đặc biệt là cách chăm sóc hoa trà my ra hoa đúng Tết. Chúc bạn sẽ có những chậu hoa trà my rực rỡ, tươi thắm, tô điểm cho ngôi nhà của mình!

Ngọc Mai



BÀI CHỌN LỌC

Cách làm trà nở hoa đúng Tết: Cách trồng và chăm sóc như thế nào?