37 người bị nhiễm độc methanol ở Bắc Ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Methanol là một hóa chất dạng lỏng rất độc, có thể xâm nhập qua da và đường hô hấp, đặc biệt dễ hấp thụ qua đường tiêu hóa. Giá thành của methanol khá rẻ, nên loại hóa chất này thường được sử dụng để pha chế rượu “rởm” hoặc các loại cồn sát trùng y tế.

Từ cuối tháng Hai, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm độc methanol từ Bắc Ninh. Các bệnh nhân là công nhân làm việc tại Công ty TNHH HSTECH Vina, chuyên sản xuất linh kiện điện tử.

Trong quá trình sản xuất, có một công đoạn cần phun cồn ethanol để làm mát dao cắt linh kiện kim loại. Các bệnh nhân cho biết họ cũng đã dùng loại cồn này để vệ sinh một số linh kiện không sạch sẽ.

Đến tuần cuối tháng Hai, công ty chuyển sang sử dụng lô cồn ethanol mới. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, các công nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đau đầu.

Đặc biệt, nữ bệnh nhân N.T.H - 42 tuổi, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh có biểu hiện mắc bệnh từ ngày 27/2 với các triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, sau đó dần rơi vào trạng thái hôn mê.

Đến ngày 28/2, dù được các bác sĩ cấp cứu, hồi sức, giải độc và lọc máu, nhưng do tổn thương não nặng, bệnh nhân đã tử vong.

Một công nhân khác nhập viện với tình trạng mắt bị huỷ hoại nghiêm trọng (mù mắt), kết luận của bác sĩ: bệnh nhân bị nhiễm độc methanol nặng giai đoạn muộn.

Tính đến nay, tổng số công nhân được xét nghiệm và cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh và Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai là 108 người. Trong số này có 37 người bị nhiễm độc methanol ở các mức độ khác nhau, (Theo Tuổi trẻ).

Methanol là gì?

Methanol tồn tại trong các mặt hàng công nghiệp gia dụng với nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như: Mê-thi-líc, Alcolhol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Wood alcohol, CH3-OH…

Nó là một dạng chất lỏng không màu, có một số tính chất vật lý khá giống ethanol, dễ bay hơi, mùi nhẹ. Tuy nhiên, methanol rất độc và tuyệt đối không được uống.

Methanol gây độc cho cơ thể như thế nào?

Tồn tại ở dạng lỏng, methanol được hệ tiêu hóa hấp thu nhanh chóng, thông qua những tác nhân chủ yếu như uống rượu pha methanol… Sau khi uống, cơ thể mất khoảng 5 phút để hấp thụ methanol. Mức độ nhanh chậm tùy thuộc vào lượng thức ăn trong dạ dày. Sau 30-60 phút, lượng hấp thụ methanol đạt đỉnh.

Methanol còn xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp, chẳng hạn như dùng cồn pha chứa methanol (công nghiệp) để sát trùng, hít phải hơi hoặc không khí chứa methanol có nồng độ vượt ngưỡng.

Khi xâm nhập vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành formaldehyde, loại hợp chất này tồn tại rất ngắn trong huyết tương, sau đó chuyển hóa thành acid formic. Tuy nhiên, acid formic chuyển hóa chậm nên dễ dàng tích tụ lại. Điều này lý giải tại sao tốc độ nhiễm độc của methanol không quá nhanh.

Nếu tiếp xúc với methanol ở mức độ ít trong thời gian dài, thì lượng chất độc trong cơ thể sẽ dần vượt ngưỡng, gây ra các triệu chứng bất thường.

Cũng có trường hợp chỉ một lần tiếp xúc với methanol, nhưng do liều lượng quá cao, nên bệnh nhân nhanh chóng bị nhiễm độc trong 1-2 ngày sau đó.

Triệu chứng nhiễm độc methanol

Triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút kể từ thời điểm uống, hoặc có thể muộn hơn (đặc biệt là rượu pha cồn methanol). Quá trình nhiễm độc chia làm hai giai đoạn:

  • Giai đoạn một kéo dài từ vài giờ đến 30 tiếng đầu.
  • Giai đoạn hai là thời điểm triệu chứng xuất hiện rõ rệt.

Các triệu chứng sớm thường nhẹ và tương đối kín đáo, nên bệnh nhân dễ chủ quan và bỏ qua. Nói chung, các biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Đau đầu, chóng mặt. Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến lú lẫn, bồn chồn, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê và co giật. Khi tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân có khả năng bị xuất huyết...
  • Sau 12-24 tiếng kể từ thời điểm nhiễm độc, mắt sẽ bị mờ dần, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, thu hẹp thị trường, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm…). Khi ngộ độc nặng, đồng tử phản ứng kém với ánh sáng hoặc giãn cố định.
  • Rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng parkinson, viêm tủy cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác, thiếu hụt nhận thức.
  • Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp (đau thượng vị, nôn, ỉa chảy). Trường hợp nghiêm trọng có thể làm thay đổi chức năng gan.
  • Thở yếu, ngừng thở.
  • Suy thận cấp, đái ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu.
  • Đau lưng và thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, lạnh da, vã mồ hôi, (theo Vinmec).

Methanol tồn tại phổ biến ở đâu?

Như đã nói, methanol tồn tại phổ biến trong nhiều sản phẩm, chúng bao gồm:

  • Dung môi tẩy sơn
  • Véc ni
  • Sơn
  • Dung môi công nghiệp
  • Chất tẩy rửa (nước rửa kính ô tô, dung môi làm sạch gỗ)
  • Chất làm sạch
  • Các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ
  • Làm nguyên liệu để sản xuất cho nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau
  • Chất chống đông lạnh.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, tình trạng quản lý methanol ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, giá thành của methanol lại khá rẻ nên ngoài thị trường vẫn trôi nổi một lượng lớn hóa chất.

Đặc biệt, chúng còn được dùng để pha chế thành nhiều loại rượu, cồn sát trùng chất lượng kém.

Những yếu tố này góp phần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại các di chứng nặng nề cho người sử dụng.

Cách phòng tránh methanol

Vì methanol khá phổ biến, nên phải cẩn thận khi sử dụng các chế phẩm có chứa thành phần hóa chất này… Ngoài ra, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hạn chế những rủi ro không cần thiết.

Để tránh ngộ độc methanol, không được dùng methanol làm chất sát trùng, thay vào đó, chúng ta nên mua cồn y tế sát khuẩn tại các công ty sản xuất vật tư y tế uy tín.

Tránh tiêu thụ các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Không tạo thị trường cho những nhà sản xuất lậu tạo ra những sản phẩm giả độc hại cho cộng đồng.

Bạn cũng cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, dung dịch có chứa thành phần methanol.

Hoàng Tuấn tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

37 người bị nhiễm độc methanol ở Bắc Ninh