Cao Bằng ở miền nào, Cao Bằng giáp tỉnh nào của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cao Bằng ở miền nào, Cao Bằng giáp tỉnh nào của Trung Quốc… là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Cùng tìm hiểu Cao Bằng ở đâu, Cao Bằng thuộc miền nào; Cao Bằng giáp với tỉnh nào… trong bài viết dưới đây!

1. Cao Bằng ở miền nào?

Cao Bằng là một tỉnh nằm ở miền núi phía Bắc, thuộc khu vực Đông Bắc Bộ của Việt Nam; có tọa độ địa lý từ 22°21' - 23°07' vĩ độ Bắc và từ 105°16' - 106°50' kinh độ Đông.

Tỉnh Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố (TP Cao Bằng); và 09 huyện (Bảo Lâm; Bảo Lạc; Hà Quảng; Trùng Khánh; Hạ Lang; Quảng Hoà; Hoà An; Nguyên Bình; Thạch An). Trong đó, TP Cao Bằng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

Dân số của tỉnh Cao Bằng là 531.043 người (năm 2020).

Cao Bằng cách Hà Nội bao nhiêu km?

Trung tâm hành chính của tỉnh là TP Cao Bằng, cách TP Hà Nội khoảng 286 km theo đường Quốc lộ 3; cách TP Lạng Sơn khoảng 130 km theo đường Quốc lộ 4A.

2. Cao Bằng giáp tỉnh nào?

Một số câu hỏi được nhiều bạn quan tâm về vị trí địa lý tỉnh Cao Bằng đó là Cao Bằng giáp với tỉnh nào; Cao Bằng tiếp giáp với nước nào? Cao Bằng giáp tỉnh nào của Trung Quốc…

  • Phía Tây của tỉnh Cao Bằng giáp với hai tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang.
  • Phía Nam giáp với hai tỉnh: Bắc Kạn và Lạng Sơn.
  • Khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 333 km.

Cao Bằng ở đâu trên bản đồ?

cao bằng ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Giới thiệu về Cao Bằng

Khi tìm hiểu Cao Bằng ở miền nào, những thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Cao Bằng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về địa phương này.

Tỉnh Cao Bằng có diện tích đất tự nhiên là 6.703,42 km2, là khu vực cao nguyên đá vôi xen với đất. Độ cao trung bình của địa hình là trên 200 m; khu vực sát biên giới có độ cao từ 600 - 1.300 m so với mực nước biển.

Ở Cao Bằng, diện tích núi rừng chiếm hơn 90% diện tích của toàn tỉnh; tài nguyên đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%.

3.1. Đặc điểm địa hình tỉnh Cao Bằng

Địa hình của tỉnh Cao Bằng khá phức tạp. Độ cao địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Địa hình của tỉnh được chia thành 3 vùng khác nhau là:

  • Vùng địa trũng (vùng trung tâm): là khu vực có địa hình khá bằng phẳng; bao gồm các đồi thấp xen kẽ các cánh đồng tương đối rộng. Khu vực này chủ yếu ở huyện Hoà An, TP Cao Bằng và các xã phía Nam của huyện Hà Quảng.
  • Vùng núi đất: là khu vực từ phía Tây Bắc của huyện Bảo Lạc qua huyện Nguyên Bình và xuống phía Tây Nam của huyện Thạch An. Đây là khu vực có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn; có một số đỉnh núi cao gần 2.000 m như: đỉnh Phja Dạ (huyện Bảo Lạc) cao 1.980 m; đỉnh Phja Oắc (huyện Nguyên Bình) cao 1.931 m.
  • Vùng đá vôi: là khu vực từ phía Bắc dọc theo biên giới Việt - Trung xuống phía Đông Nam của tỉnh; chủ yếu ở các huyện: Trà Lĩnh; Trùng Khánh; Hà Quảng; Hạ Lang.

Địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối khá dày đặc với núi đồi trùng điệp, thung lũng sâu gây khó khăn cho tỉnh Cao Bằng trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở; đặc biệt là hệ thống giao thông. Những chia cắt của địa hình cũng dẫn đến tình trạng manh mún đất trong sản xuất nông nghiệp; và dễ gây ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi đất trong mùa mưa.

3.2. Điều kiện khí hậu tỉnh Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao. Đặc biệt, ở đây còn có tiểu vùng có khí hậu á nhiệt đới - khác với các tỉnh khác trong khu vực miền núi Đông Bắc.

Vào mùa Đông, tỉnh Cao Bằng là cửa ngõ của Việt Nam đón gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc tràn sang. Vào mùa hè, tỉnh Cao Bằng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam.

3.3. Đặc điểm thủy văn của tỉnh Cao Bằng

Một số sông chính ở tỉnh Cao Bằng có thể kể đến như:

  • Sông Bằng chảy qua địa phận tỉnh Cao Bằng với chiều dài 110 km; diện tích lưu vực là 3.377 km2.
  • Sông Gâm chảy qua tỉnh Cao Bằng có diện tích lưu vực là 2.006 km2.
  • Sông Quây Sơn chảy qua địa phận huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang có chiều dài 38 km.

3.4. Nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Toàn tỉnh có 199 điểm quặng và điểm mỏ với 22 loại khoáng sản khác nhau như: kẽm; chì; mangan; sắt… Trong đó có những mỏ có quy mô lớn ở các huyện: Hạ Lang, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Trà Lĩnh…

4. Đặc điểm KT-XH của tỉnh Cao Bằng

Những thông tin tìm hiểu Cao Bằng ở miền nào giúp bạn hiểu rõ hơn về vùng đất này cũng như về văn hoá và con người nơi đây.

Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách bởi những nét văn hoá đa dạng, phong phú với sự giao hoà bản sắc của nhiều dân tộc địa phương. Là miền đất của nhiều lễ hội, đến với Cao Bằng, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng và thích thú với những trang phục độc đáo của mỗi dân tộc ở Cao Bằng; cũng như những nét sinh hoạt đời sống văn hoá tinh thần của người dân nơi đây.

Tỉnh Cao Bằng có nhiều loại hình nghệ thuật dân ca. Một trong những loại hình dân ca rất đặc sắc là hát Then - đàn tính. Đây là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật quan trọng trong tín ngưỡng của người Tày.

Là một tỉnh miền núi cao, Cao Bằng nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên như: thác Bản Giốc; đèo Mã Phục; hồ Thang Hen; động Ngườm Ngao; dãy núi Nghiêu Sơn Lĩnh; chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc; làng đá cổ Cao Bằng; thung lũng Phong Nậm…

Vậy là với câu hỏi “Cao Bằng ở miền nào", bạn đã có thêm nhiều khám phá về một tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ bình yên, thơ mộng.

Hoàng Thái

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Cao Bằng ở miền nào, Cao Bằng giáp tỉnh nào của Trung Quốc?