Tuyên Quang ở miền nào, Tuyên Quang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuyên Quang ở miền nào, Tuyên Quang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc… là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu Tuyên Quang ở đâu, Tuyên Quang ở miền nào; Tuyên Quang giáp với tỉnh nào, Tuyên Quang có phải Tây Bắc không… trong bài viết dưới đây!

1. Tuyên Quang ở miền nào?

Tuyên Quang là ở đâu?

Tỉnh Tuyên Quang là một tỉnh nằm ở miền trung du - miền núi phía Bắc; thuộc khu vực Đông Bắc Bộ của Việt Nam; có tọa độ địa lý từ 21°30' - 22°40' vĩ độ Bắc và từ 103°50' - 105°40' kinh độ Đông.

Tuyên Quang cách Hà Nội bao nhiêu km?

Tỉnh Tuyên Quang cách TP Hà Nội khoảng 165 km.

2. Tuyên Quang giáp tỉnh nào?

Một số câu hỏi khác được nhiều bạn quan tâm về vị trí địa lý tỉnh Tuyên Quang đó là Tuyên Quang gần tỉnh nào, Tuyên Quang giáp với tỉnh nào; phía Tây Tuyên Quang giáp với tỉnh nào…

Tuyên Quang có giáp với Trung Quốc không?

Tuyên Quang không giáp với Trung Quốc. Tỉnh Tuyên Quang giáp với các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Cụ thể, Tuyên Quang giáp với các tỉnh:

  • Phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang giáp với tỉnh Hà Giang.
  • Phía Tây giáp với tỉnh Yên Bái.
  • Khu vực phía Đông giáp với tỉnh Bắc Kạn.
  • Phía Nam giáp với hai tỉnh: Phú ThọVĩnh Phúc.

Tuyên Quang ở đâu trên bản đồ?

tuyên quang ở đâu
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên của tỉnh Tuyên Quang

Khi tìm hiểu Tuyên Quang ở miền nào, những thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Tuyên Quang sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về địa phương này.

3.1. Tài nguyên đất của tỉnh Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang có diện tích đất tự nhiên là 586,795 ha[1].

Tài nguyên đất của tỉnh Tuyên Quang có nhiều chủng loại như: đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, đất đỏ vàng trên đá macma, đất vàng nhạt trên đá cát; đất phù sa ven suối, đất dốc tụ - thung lũng…

Tài nguyên đất có chất lượng tương đối tốt và phong phú về chủng loại tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang trồng và phát triển nhiều loại cây trồng.

3.2. Đặc điểm địa hình tỉnh Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang có địa hình khá phức tạp. Địa hình của tỉnh bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối; đặc biệt là ở khu vực phía Bắc của tỉnh. Khu vực phía Nam của tỉnh có địa hình thấp dần và ít bị chia cắt hơn; ở đây có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông.

Địa hình của tỉnh Tuyên Quang được chia thành 3 vùng địa hình là:

  • Vùng núi phía Bắc của tỉnh bao gồm các huyện: Chiêm Hoá, Na Hang, Hàm Yên và phía Bắc của huyện Yên Sơn. Khu vực này có độ cao phổ biến từ 200 - 600 m, giảm dần xuống phía Nam.
  • Vùng đồi núi nằm ở khu vực giữa tỉnh bao gồm: TP Tuyên Quang; phía Nam của huyện Yên Sơn và phía Bắc của huyện Sơn Dương. Khu vực này có độ cao trung bình dưới 500 m và thấp dần từ Bắc xuống Nam.
  • Vùng đồi núi ở khu vực phía Nam của tỉnh là vùng thuộc phía Nam của huyện Sơn Dương. Đây là khu vực mang đặc điểm địa hình trung du.

3.3. Đặc điểm khí hậu tỉnh Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang có khí hậu nhiệt đới gió mùa; chịu ảnh hưởng của lục địa Bắc Á Trung Hoa. Khí hậu được chia thành 4 mùa rõ rệt trong năm là: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Trong đó, mùa đông lạnh và khô hạn; mùa hạ nóng ẩm và mưa nhiều.

Lượng mưa trung bình hàng năm ở tỉnh Tuyên Quang từ 1.500 - 2.300 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22°C - 25°C. Vào những tháng lạnh nhất trong mùa đông (tháng 11 và tháng 12 Âm lịch), một số nơi ở Tuyên Quang có hiện tượng sương muối.

3.4. Đặc điểm thủy văn, tài nguyên nước của tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang có sông gì?

Tỉnh Tuyên Quang có hệ thống sông ngòi khá dày đặc và phân bố tương đối đều giữa các khu vực trong tỉnh. Một số con sông lớn chảy qua tỉnh Tuyên Quang là:

  • Sông Lô: đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 145 km với lưu lượng lớn: 11.700 m3/giây[2].
  • Sông Gâm: đoạn chảy qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 170 km; có khả năng phục vụ vận tải đường thủy. Trên sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng hai nhà máy thuỷ điện là: nhà máy thủy điện Chiêm Hoá và nhà máy thủy điện Na Hang.
  • Sông Phó Đáy: đoạn chảy qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 84 km.

Hệ thống sông suối khá dày đặc cùng với lượng mưa hàng năm khá lớn giúp tỉnh Tuyên Quang có nguồn nước mặt rất lớn; khoảng 5,5 tỷ m3/năm. Trung bình mỗi ha đất tự nhiên của tỉnh Tuyên Quang có 9 m sông suối và 9.375 m3 nước[3].

Tài nguyên nước ngầm của tỉnh cũng dồi dào, phân bố ở khắp các khu vực trong tỉnh và có chất lượng tốt; đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt hàng ngày.

3.5. Tài nguyên rừng của tỉnh Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang có khoảng 448.680 ha rừng và đất lâm nghiệp bao gồm: đất rừng đặc dụng; rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh là hơn 422.400 ha; tỷ lệ che phủ rừng hơn 65%[4].

Thảm thực vật rừng ở tỉnh Tuyên Quang rất đa dạng với khoảng 760 loài[5]; trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như: lát hoa; pơ mu; trầm hương; tuế đá vôi; nghiến; hoàng đàn; mun… Các loài động vật rừng ở đây phong phú với khoảng 293 loài[6].

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 02 khu bảo tồn thiên nhiên là: khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu (huyện Hàm Yên); và khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (huyện Na Hang).

4. Đặc điểm KT-XH của tỉnh Tuyên Quang

Những thông tin tìm hiểu Tuyên Quang ở miền nào giúp bạn hiểu rõ hơn về vùng đất này cũng như về văn hoá và con người nơi đây.

Tỉnh Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố (TP Tuyên Quang); và 06 huyện (Na Hang; Chiêm Hoá; Sơn Dương; Lâm Bình; Yên Sơn; Hàm Yên). Trong đó, TP Tuyên Quang là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

Dân số của tỉnh Tuyên Quang là 792.900 người (năm 2020)[7].

4.1. Sản xuất nông - lâm nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế

Do những khó khăn về địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và hệ thống sông suối, tỉnh Tuyên Quang không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hoá là nền tảng phát triển kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh hoạt động sản xuất bảo đảm lương thực, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất hàng hoá nông - lâm nghiệp tập trung có quy mô lớn giúp nâng cao giá trị hàng hoá như: vùng sản xuất cam (hơn 8.000 ha); vùng sản xuất chè (8.000 ha), vùng trồng bưởi (hơn 4.000 ha), vùng trồng mía (hơn 3.000 ha); trồng lạc (hơn 4.000 ha)... Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang có vùng rừng trồng sản xuất nguyên liệu gỗ có diện tích hơn 140.000 ha[8].

4.2. Phát triển du lịch sinh thái

Tỉnh Tuyên Quang cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái. Một số địa điểm du lịch tiêu biểu ở tỉnh Tuyên Quang là:

  • Khu suối khoáng Mỹ Lâm
  • Khu du lịch sinh thái Na Hang
  • Thác Mơ
  • Khu du lịch thác Bản Ba
  • Động Song Long
  • Hang Phia Vài
  • Thác Nặm Me
  • Động Tiên
  • Ruộng bậc thang Hồng Thái
  • Đền Cảnh Xanh
  • Đền Pắc Tạ…

Bài viết trên đây đã mang đến những thông tin tham khảo giúp bạn giải đáp thắc mắc “Tuyên Quang ở miền nào". Đến với Tuyên Quang, bạn có thể tới một số địa điểm tham quan, vui chơi, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng để khám phá một vùng đất với khung cảnh núi non thanh bình.

Mạnh Hùng

Tài liệu tham khảo

[1], [2], [3], [4], [5], [6], [7]: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

[8]: Tuyên Quang lựa chọn thế mạnh để phát triển; Báo Tuyên Quang Online

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Tuyên Quang ở miền nào, Tuyên Quang thuộc Đông Bắc hay Tây Bắc?